Wednesday, March 18, 2015

Biển Đông : Philippines nộp thêm hồ sơ để hỗ trợ vụ kiện Trung Quốc (RFI | VOA)





Thanh Phương  -  RFI
Đăng ngày 17-03-2015 Sửa đổi ngày 17-03-2015 16:10

Ngày 16/03/2015, Philippines đã đệ trình lên Tòa án Trọng Tài Thường trực La Haye một tài liệu bổ sung bao gồm nhiều luận cứ, chứng cứ và bản đồ để chứng minh bản đồ « đường lưỡi bò » của Trung Quốc trên Biển Đông là vô giá trị.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết là chính phủ Manila đã đệ trình một tài liệu dày 3.000 trang để trả lời những câu hỏi của tòa án về vụ kiện Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền Biển Đông.

Theo các quan chức Philippines, việc tòa án đưa ra các câu hỏi bổ sung cho thấy là vụ kiện tiếp tục được xem xét cho dù không có sự tham gia của Bắc Kinh.

Ngày 16/12/2014, Tòa án Trọng tài, hoạt động trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã gia hạn cho Manila đến ngày 16/03/2015 để nộp tài liệu nói trên.

Vụ kiện của Philippines là vụ kiện đầu tiên đối với Trung Quốc về các lãnh thổ đang tranh chấp trên Biển Đông. Vụ kiện này đã được chính phủ nhiều nước hoan nghênh, trong đó có chính phủ Hoa Kỳ, xem đây là một giải pháp pháp lý bền vững cho các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Khi nộp đơn kiện Trung Quốc vào tháng 03/2013, Manila lập luận rằng bản đồ đường chín đoạn, còn được gọi là bản đồ « đường lưỡi bò », bao phủ gần như toàn bộ Biển Đông, là không đúng với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và như vậy là vô giá trị, chiếu theo các luật về biển được quốc tế thừa nhận.

Vào tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho biết là Manila đã soạn thảo tài liệu trả lời tòa án trọng tài với sự trợ giúp của một công ty tư vấn pháp lý trụ sở tại Washington.

Theo lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Philipines, có thể là Tòa án Trọng tài sẽ ra phán quyết về vụ kiện này vào năm 2016.

----------------------------

Simone Orendain  -  VOA
17.03.2015

MANILA Philippines đã gởi thêm hơn 3.000 trang tài liệu để hỗ trợ cho vụ kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài Thường trực về tuyên bố chủ quyền của nước này tại Biển Đông. Thông tín viên đài VOA Simone Orendain tường trình từ Manila.

Với động thái này, Bộ Ngoại giao Philippines đã nộp thêm 12 tập tài liệu để bổ sung hồ sơ gồm 4.000 trang chứng từ mà Manila đã nạp cho Tòa án trọng tài quốc tế ở La Hayes cách đây một năm.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói hành động này giải quyết những quan tâm về tính xác thực của lập trường của Philippines và tại sao Philippines tin rằng tòa án trọng tài có thẩm quyền tài phán trong vụ này.

“Philippines tin chắc rằng những giải đáp của mình để trả lời những câu hỏi của Tòa án, cho thấy rõ ràng, không còn nghi ngờ gì, là Tòa án quốc tế có thẩm quyền tài phán trong vụ kiện này, và những lập luận của Philippines, đặc biệt lập luận có liên hệ đến đường chín đoạn, có căn cứ vững chắc trên thực tế và trước luật pháp.”

Philippines thách thức những đòi hỏi chủ quyền “quá đáng” của Trung Quốc về các đảo ở Biển Đông. Tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp bao phủ một vùng biển trong phạm vi của cái gọi là đường lưỡi bò, chạy xuống tận các vùng biển của Malaysia.

Trung Quốc cho rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo ở Biển Đông.”
Ngoài Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng đưa ra những tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên này.

Trung Quốc bác bỏ vụ kiện ra trước toà án trọng tài quốc tế và bác bỏ bất cứ tiến trình nào như vụ kiện hiện nay, khi Trung Quốc ký Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Trung Quốc không trả lời yêu cầu của tòa án hãy đưa ra những lập luận để trả lời đơn kiện ban đầu của Philippines. Thay vào đó một tuần lễ trước hạn chót của tòa án, Trung Quốc ra một tuyên bố cho rằng tòa án quốc tế không có thẩm quyền trong vụ kiện này.

Bắc Kinh nói Manila đòi tòa án quốc tế ra phán quyết về các ranh giới trên biển, một lãnh vực mà tòa án không có thẩm quyền. Manila thì cho rằng Philippines đơn giản  chỉ đặt nghi vấn về căn bản pháp lý của đường chín đoạn.

Trong vụ kiện này, Philippines còn tìm cách để được bảo đảm rằng một số đảo trong vùng tranh chấp trên thực tế là những bãi đá hay là những bãi cạn lộ ra khi nước thuỷ triều xuống thấp, mà Philippines tuyên bố là thuộc thềm lục địa của nước họ, và nằm trong phạm vi khu đặc quyền kinh tế 370 kilômét của Philippines.

Ông Gregory Poling, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đồng thời là chuyên gia về các cuộc tranh chấp tại Biển Đông nói tòa án sẽ chắc chắn không xét đến các vấn đề về các bãi đá và bãi cạn.

“Về khía cạnh này của vụ kiện, ít nhất tòa án sẽ tìm một lối thoát, cố gắng đưa ra một lập trường bảo thủ hơn và nói ‘Chúng tôi sẽ cứu xét đến những vấn đề lớn, như đường chín đoạn và những vấn đề đại khái như vậy.’ Nhưng đối với những vấn đề liệu đây là bãi cạn hay bãi đá, thì việc này quá gần với việc phân định ranh giới mà Trung Quốc được miễn trừ.”

Tòa án quốc tế cho Trung Quốc tới ngày 16 tháng 6 để trả lời những tài liệu mới do Philippines vừa đệ nạp. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Jose nói những tranh luận sẽ khởi sự vào tháng 7.

Ông Jose nói Manila yêu cầu tòa án phán xét về vấn đề quyền tài phán của toà và cùng lúc, nội dung vụ kiện này . Ông Jose nói Philippines hy vọng tòa án sẽ đưa ra phán quyết vào đầu năm 2006.

-----------------------------

Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày 17-03-2015 Sửa đổi ngày 17-03-2015 13:17

Tình hình an ninh khu vực từ đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo cho đến Biển Đông đã được 10 bộ trưởng quốc phòng của các nước thành viên Đông Nam Á đưa vào bản tuyên bố chung công bố hôm nay 17/03/2015, tại Malaysia. Đây là hai thách thức lớn mà Asean phải tập trung đối phó trong bối cảnh thánh chiến cực đoan tuyển mộ thành viên từ nhiều nước Hồi giáo trong vùng và tham vọng biển đảo của Bắc Kinh.
 
Tại hội nghị lần thứ 9 cấp bộ trưởng quốc phòng của Hiệp hội ASEAN do Malaysia chủ trì tại Langkawi, 10 nước thành viên công bố một bản thông cáo chung nhấn mạnh đến quyết tâm đương đầu với hai thách thức về an ninh khu vực.

Theo tạp chí mạng Ngoại Giao (The Diplomat) của Nhật, bản thông cáo chung nhấn mạnh đến yếu tố « quan trọng của quyền tự do lưu thông, trên biển cũng như trên không, theo các nguyên tắc phổ quát và được luật Quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, bảo đảm ».

Tuyên bố này được phổ biến vào thời điểm Philippines bổ sung hồ sơ kiện Trung Quốc ỷ mạnh lấn chiếm biển đảo của láng giềng và đúng vào thời điểm mà cách nay 27 năm Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường sa của Việt Nam.

Một thách thức khác được Asean lưu tâm là những sáng kiến sẽ được thúc đẩy trong nhiệm kỳ chủ tịch luân lưu của Malaysia trong năm nay : Dự án thành lập đơn vị quân sự cứu trợ nạn nhân thiên tai và Trung tâm quân y, sáng kiến này là của Thái Lan.

Cuối cùng, Asean cũng tỏ ra không xem thường mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang hoành hành tại Trung Đông : Hợp tác chống các tổ chức khủng bố và thánh chiến, trao đổi thông tin tình báo, cảnh giác công luận.

Tuần trước, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman tuyên bố trong một cuộc họp báo gọi tổ chức Nhà nước Hồi giáo là kẻ thù nguy hiểm nhất hiện nay so với các nhóm khủng bố khác, vì Daesh có tổ chức và phương tiện tài chính. Malaysia lo ngại sẽ có nhiều thanh niên đi theo tổ chức này do cảm nhận « thế mạnh và chiến thắng ».







No comments: