Hoàng Trường
Tác giả gởi tới Dân Luận
11/03/2015
Triển vọng của Ấn Độ hướng tới nền chính trị toàn cầu
đang trong giai đoạn bước ngoặt và nó có thể đánh dấu sự khởi đầu một vai trò mới
của Ấn Độ trên vũ đài toàn cầu. Làm nổi bật điều này là mong muốn bề ngoài của
Thủ tướng Narendra Modi khôi phục lại phẩm giá và sự kiêu hãnh đã mất của Ấn Độ
hay ít nhất cũng là giành lại được ưu thế của nước này ở châu Á.
Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra
Trong số nhiều bước đi của ông, lời mời Tổng thống Obama
thực hiện chuyến thăm thứ hai trong lịch sử rõ ràng được cho là để phục vụ mục
tiêu kép là củng cố các mối quan hệ song phương và tìm ra một sự tương đồng chiến
lược rõ ràng nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chắc chắn, Modi đã giữ vững
lập trường về việc không làm tổn thương tới chính sách đối ngoại độc lập của Ấn
Độ, không cúi mình dưới áp lực của Mỹ nhằm ký kết một thỏa thuận khí hậu, và sự
không tán thành của ông về hành vi xấu xa của Nga. Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng
thống Obama là một thành công to lớn. Các nhà tư tưởng chính sách phương Tây đặc
biệt hoan nghênh văn kiện “Tầm nhìn chiến lược chung” về châu Á-Thái Bình Dương
và khu vực Ấn Độ Dương lấy Trung Quốc làm trọng tâm như là một chiến thắng dành
cho Mỹ. Họ coi đó là một thành công lớn trong việc khiến Ấn Độ từ bỏ tư thế
trung lập mà nước này từ lâu đã theo đuổi để cuối cùng gia nhập đội ngũ toàn cầu
được Mỹ xây dựng. Henry Kissinger, trong lần xuất hiện của mình trước Ủy ban
Quân lực Thượng viện, đã lý giải điều đó là Ấn Độ đang bước vào “phương trình
châu Á” và một hệ thống quan hệ Mỹ-Trung. Tuy nhiên, Zbigniew Brzezinski lại cảnh
báo rằng điều này có thể gây hiềm khích với Trung Quốc và khiến nước này trở
nên bất hợp tác về các vấn đề toàn cầu then chốt.
Chẳng có gì ngạc nhiên, phương tiện truyền thông đại chúng Trung Quốc nhanh chóng cảnh báo Ấn Độ đừng rơi vào "bẫy" của Mỹ và đã viết về chuyến thăm của Obama là một hành động "nối lại tình hữu nghị hời hợt", phản ánh “chủ nghĩa tượng trưng nhiều hơn so với chủ nghĩa thực dụng”.
Ấn Độ trước đây vẫn hoài nghi về chiến lược tái cân bằng
của Mỹ, nhưng giờ đây những người theo thuyết duy thực tìm thấy lý do chính
đáng để tham gia trò chơi cán cân quyền lực, đặc biệt với tư cách là biện pháp
tốt nhất để tăng cường khả năng miễn dịch chống lại các mối đe dọa, là cách thức
tốt nhất để thúc đẩy sức mạnh kinh tế và quân sự, và là con đường ngắn nhất để
giành lại uy thế của Ấn Độ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hy vọng rằng chính sách
ngoại giao của Modi không phải là về cùng phe với Mỹ và thành lập một mặt trận
chung chống lại Trung Quốc, mà là tận dụng mối quan hệ với Mỹ để có được những
thỏa thuận tốt nhất từ sự kình địch Mỹ-Trung. Từ quan điểm thứ hai, sự thay đổi
này, do đó, không phải mang tính ý thức hệ mà chỉ là biểu hiện của sự biến đổi
và cải tiến trong cách Ấn Độ tiến hành chính sách ngoại giao, chính sách đang
trở nên sôi nổi và khôn khéo hơn để đạt được các mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, tuyên bố tầm nhìn chiến lược này mang ý định
rõ ràng nhất về việc giảm bớt sự mở rộng hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ
Dương, nơi mà Ấn Độ coi là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của nước này. Điều đó phản
ánh mức độ nghiêm túc của Ấn Độ trong việc giữ vững lập trường chống lại các cuộc
đột nhập xảy ra liên tiếp ở Ladakh và Arunachal Pradesh, sự hiện diện ngày càng
tăng của đội quân xây dựng Trung Quốc tại vùng Kashmir bị Pakistan chiếm đóng
và tiếp tục cung cấp vũ khí cho Pakistan, nước tài trợ và đẩy những kẻ khủng bố
vào Ấn Độ. Rõ ràng là Ấn Độ muốn tạo áp lực buộc Trung Quốc phải ngừng gây tổn
hại tới các vấn đề có liên quan đến những lợi ích an ninh cốt lõi của Ấn Độ.
Nhiều người sẽ lập luận rằng Trung Quốc tôn trọng cán cân quyền lực và đề cập đến
việc làm thế nào Bắc Kinh bắt đầu xem xét Ấn Độ một cách nghiêm túc ngay sau
các vụ thử hạt nhân Pokhran năm 1998 và thỏa thuận hạt nhân năm 2008 với Mỹ -
buộc nước này phải ký một thỏa thuận Nguyên tắc Hướng dẫn nhằm giải quyết vấn đề
biên giới với Ấn Độ.
Tuy nhiên, Obama đưa ra thông điệp chiến lược thực sự trước
khi rời đi, khi ông cố gắng khích lệ Ấn Độ đảm bảo quyền tự do tôn giáo như được
ghi trong Điều 25 của Hiến pháp Ấn Độ. Sự khẳng định của ông về tôn giáo truyền
tải mạnh mẽ quan điểm rằng sẽ chỉ có quan hệ đối tác chiến lược thân thiết nếu Ấn
Độ có khả năng từ bỏ tình cảm ngày một tăng của họ đối với tính riêng biệt về
văn hóa. Ý nghĩa tinh tế là phương Tây vẫn coi Ấn Độ là một mảnh đất tiềm năng
chưa khai phá và màu mỡ để “gặt linh hồn về cho Chúa” (ám chỉ việc cải đạo) và
rằng Ấn Độ sẽ chỉ thành công chừng nào mà họ đảm bảo được quyền tự do thực hành
và truyền bá tôn giáo.
Điều này đặt sự luận bàn hiện tại về chính trị-tư tưởng,
được đảng cầm quyền tán thành, trong một tình huống nghịch lý về việc liệu sẽ
chống lại mối đe dọa bành trướng của Trung Quốc hay ý tưởng “Chúa cứu thế” của
phương Tây. Xét cho cùng, ý tưởng về việc làm hồi sinh uy thế của Ấn Độ gắn vào
đó sự cần thiết phải chứng kiến một kỷ nguyên mới cho sự hồi sinh của đạo Hindu
cùng với sức sống vật chất, nhân khẩu học và lãnh thổ của nước này. Sự luận bàn
ngày một tăng ở trong nước phẫn nộ trước sự thâm nhập ngày càng nhiều về ý thức
hệ, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa khủng bố, đặt ra một mối đe dọa hiện hữu lâu
dài cho văn hóa Ấn Độ (Hindu). Họ chống lại những người truyền giáo phải viện đến
sự cải đạo bằng cách dụ dỗ và lợi dụng, đồng thời cũng tạo điều kiện cho phong
trào Ghar Wapasi để những người cải đạo quay trở về với Ấn Độ giáo.
Nhiều người sẽ lập luận rằng Giáo hội coi châu Á là một lục
địa sống còn có tiềm năng lớn nhất cho việc mở rộng đạo Thiên chúa. Điều tương
tự cũng xảy ra đối với Hồi giáo và sự phát triển của nó. Thật khó để lập luận
và liên hệ thông điệp tế nhị của Obama với những triển vọng như vậy về sứ mệnh
của Thiên chúa giáo, nhưng không ai có thể chế giễu ý niệm rằng thế giới phương
Tây luôn tìm kiếm các lợi ích chính trị và thương mại của mình ở châu Á theo một
cách vô định nào đó.
Trên thực tế, cuộc tranh cãi cơ bản giữa phương Tây và
Trung Quốc chắc chắn không phải là về thương mại, sự cân bằng sức mạnh và quân
đội mà là biểu hiện về sự cứng rắn của Bắc Kinh tránh những xâm nhập tư tưởng
bên ngoài, nghĩa là tân tự do, thánh chiến, Phúc Âm… mà nước này nghĩ rằng có
xu hướng phá vỡ cốt lõi của dân tộc Trung Quốc. Trung Quốc từ lâu đã tự xác định
mình là một trong những mục tiêu và như vậy đã thực hiện các biện pháp "an
ninh tư tưởng" cứng rắn hơn chống lại ảnh hưởng ngày một tăng của các trật
tự theo tư tưởng “Chúa cứu thế” xuất hiện dưới vỏ bọc quyền lực mềm. Trên thực
tế, Bắc Kinh nhận thấy mình bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột được mất ngang
nhau với phương Tây trên mặt trận này.
Vấn đề của Ấn Độ cũng tương tự như vấn đề mà Trung Quốc
đang phải đối mặt. Việc Ấn Độ tỏ ra có ý thức liên kết với Mỹ đòi hỏi phải phân
tích việc nước này đối mặt như thế nào với một câu hỏi được thừa nhận là thực sự
hóc búa. Chính phủ sẽ điều hòa như thế nào chủ trương của Mỹ về sự đa dạng tôn
giáo với chính hệ tư tưởng và tầm nhìn kiềm chế sự xâm nhập của các lực lượng
bên ngoài và sự mở rộng của chính mình? Liệu Modi có tìm kiếm một thỏa hiệp sâu
sắc về hệ tư tưởng và thúc đẩy chương trình nghị sự Hindutva tạm gác sang một
bên sự luận bàn chính trị hoặc tạm hoãn lại nó đơn giản chỉ vì lợi ích của việc
kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc? Các nghị sĩ Mỹ đã đề cập một cách mạnh mẽ
quyền tự do tôn giáo và nhân quyền trong cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn. Những
vấn đề này sẽ là các khía cạnh quan trọng trong cuộc tranh luận của Ấn Độ trong
những năm tới.
Giờ đây, Modi sẽ làm tốt để tìm được thế cân bằng giữa sự
liên quan của Mỹ trên vũ đài kinh tế và sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc
về cả lý thuyết hồi sinh kinh tế và văn hóa. Đây là điều cần thiết bởi, như người
Nga nói, “chỉ riêng các thị trường thì không thể thay thế cho đạo đức, tôn giáo
và nền văn minh”.
Ngoài cuộc tranh luận này, Ấn Độ cần phải tìm ra vấn đề
chính của mình với Trung Quốc và sự cần thiết phải ngăn chặn sự trỗi dậy của nước
này. Sự bao vây của Trung Quốc dù không phải là một ý tưởng mới, nhưng khó có
thể hiểu được ý nghĩa của nó, chứ chưa nói đến biến nó thành hiện thực. Bất chấp
những dự đoán thuận lợi về triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ, nước này sẽ phải mất
hơn 3 thập kỷ để đuổi kịp Trung Quốc.
Trong khi đối phó với Trung Quốc, Ấn Độ cần phải hành động
dựa trên hai tiền đề cơ bản. Thứ nhất, ý tưởng tuyên truyền ảo tưởng về Trung
Quốc như một kẻ xấu ở châu Á có thể không có nhiều ý nghĩa. Trong nhiều năm,
Trung Quốc đã tìm cách hội nhập với gần như tất cả các hệ thống khu vực của
châu Á và người ta không nên bác bỏ vai trò của Trung Quốc với tư cách là nhà
điều tiết các vấn đề kinh tế và an ninh châu Á. Người Mỹ có thể miễn cưỡng bác
bỏ điều đó nhưng nước Nga bạn bè của Ấn Độ đang chấp nhận nó. Vì vậy, vai trò của
Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng. Điều có thể xảy ra trong tương lai xa là một
điều gì đó mà người ta không thể nói được trong thời điểm hiện tại. Ấn Độ không
nên phí phạm thời gian suy nghĩ về việc bỏ xa sự trỗi dậy và ảnh hưởng của
Trung Quốc lại đằng sau vào lúc này. Trong chừng mực đó, phương Tây sẽ muốn
khai thác tình cảm chống Trung Quốc của Ấn Độ để kéo dài bản chất cuộc cạnh
tranh chiến lược của họ.
Thứ hai, Ấn Độ cần phải hiểu các nước bên ngoài phe của Mỹ
nhìn nhận Trung Quốc như thế nào. Kỳ lạ là họ không nhận thấy người Trung Quốc
có bất kỳ ý tưởng mang tính cứu thế nào, giống như người Ấn Độ và người Nhật Bản
cũng không bày tỏ những ý tưởng như vậy. Mối đe dọa sử dụng sức mạnh là một
cách nói của phương Tây nhằm tạo bất hòa ở châu Á để những kẻ tuyên truyền thực
hiện các dự án của họ một cách suôn sẻ. Chẳng hạn, không một sứ mệnh tôn giáo
và thương mại nào của Ấn Độ bên ngoài biên giới nước này có bản chất cứu thế.
Lý do cơ bản đằng sau những chiến dịch lịch sử của Trung Quốc và Ấn Độ, gồm có
Con đường Tơ lụa trong truyền thuyết hay Con đường Gia vị vươn tới các vùng đất
Arập và châu Âu, có bản chất kinh tế. Chúng đem đến động lực cho sự hội nhập
kinh tế trên khắp và ngoài châu Á.
Nếu nhìn vào lịch sử lâu dài, sự phổ biến của ý thức hệ Ấn
Độ và những điểm chung của nó với các triết lý Trung Quốc chưa bao giờ đe dọa
tính chất dân tộc của Trung Quốc. Trên thực tế, những tư tưởng của Ấn Độ và
Trung Quốc về Hindu giáo, Phật giáo và Nho giáo đã giúp tạo nên những hệ thống
xã hội, chính trị và thương mại ban đầu ở châu Á, điều đã trở thành một phần
thưởng hấp dẫn cho các nước thực dân châu Âu.
Không may là trong trường hợp Ấn Độ, nước này đã phải trải
qua những cuộc công kích tư tưởng liên tiếp đầy bạo lực, và một cuộc can thiệp
thực dân kéo dài cùng với lập luận tư tưởng không chỉ dẫn tới việc đất nước Ấn
Độ chia thành 3 phần mà còn tiếp tục làm lu mờ những mô hình kinh tế và chính
trị của nước này liên kết với phương Tây.
Trung Quốc kiên định hành động để thu về hình ảnh cho bản
thân mình là một cường quốc thương mại được hỗ trợ bằng sức mạnh quân sự giúp
nước này làm đối trọng với các lực lượng mang tính cứu thế. Thậm chí thế giới Hồi
giáo đã bắt đầu tôn trọng sức mạnh Trung Quốc, mặc dù miễn cưỡng, vì những kẻ
thánh chiến Arập đã bị người Mông Cổ quét sạch vào thế kỷ 13 trong khi Ấn Độ vẫn
là một chiến trường cho những kẻ cuồng tín trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên sức sống của các nền văn minh châu Á vẫn tồn tại.
Ở những nước như Nhật Bản và Ấn Độ, những thông lệ dân chủ nhất quán có gốc rễ
sâu xa từ các truyền thống tư tưởng không xung đột và toàn diện của Phật giáo
và Hindu giáo. Họ đã định nghĩa châu Á là một không gian độc nhất vô nhị, và
trong những quan điểm rất linh hoạt và nhanh nhạy của họ trong thời gian lịch sử
lâu dài, khả năng tương đối của họ làm xúc tác cho sự thịnh vượng kinh tế, những
kỹ năng công nghệ và các công cụ khác để đáp ứng những nhu cầu hiện đại đang
tăng lên. Do đó, bất kỳ sự hòa hợp giữa Trung Quốc và Ấn Độ và xu hướng nồng ấm
nào vẫn có thể đem lại bất ngờ ở châu Á, dù đây là một kịch bản khó xảy ra do một
loạt lợi ích đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, bất kỳ triển vọng nào như vậy có
thể đặt ra một thách thức trực tiếp đối với uy thế của Mỹ và do đó là tin xấu
cho phần còn lại của châu Á. Vì thế, sự trỗi dậy kinh tế của Ấn Độ và việc khai
thác cảm xúc chống Trung Quốc của Ấn Độ có thể là một ý tưởng tốt để kéo dài bản
chất cuộc cạnh tranh chiến lược ở châu Á.
Chắc chắn, Mỹ sẽ tiếp tục làm điều mình có thể để ngăn chặn
bất kỳ việc nối lại quan hệ thân thiện có ý nghĩa nào giữa Ấn Độ và Trung Quốc
hoặc Nhật Bản và Trung Quốc vì nước này biết mối nguy hiểm của việc đánh mất
vai trò chi phối của mình ở châu Á. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những sự bóp méo
thời gian và không gian, thực tế địa lý khắc nghiệt của châu Á sẽ chiến thắng
như nó đã diễn ra ở châu Âu.
Tuy nhiên, thực tế là cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều không
thể đem lại bất kỳ sáng kiến chính trị mới nào ngoài ý tưởng đảm bảo những lợi
ích kinh tế riêng của họ và thu hẹp phạm vi của chủ nghĩa dân tộc. Rõ ràng những
vấn đề giữa Ấn Độ và Trung Quốc được sinh ra không phải từ bất kỳ xung đột ý thức
hệ hay chủ quyền lãnh thổ nào mà là từ cái nhìn hẹp hòi về chủ nghĩa dân tộc được
xây dựng trên gánh nặng của lịch sử gần đây là cuộc chiến năm 1962. Di sản của
sự mất lòng tin tồn tại ít do cảm giác thất bại của Ấn Độ hơn là cảm giác bị
Trung Quốc phản bội. Mặc dù nước này chưa giải mã được điều gì đã sai trong suy
nghĩ của các nhà tư tưởng chiến lược quốc gia Maoít của Trung Quốc, yếu tố này
vẫn tồn tại trong cách nói của phương Tây và Ấn Độ như một căn bệnh hoang tưởng
tác động đến viễn cảnh tương lai của việc làm tan băng giữa hai nước.
Chắc chắn, cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ sẽ không làm gì để xóa
bỏ sự mất niềm tin về nhau, lo sợ rằng điều đó sẽ đi ngược lại những quan điểm
tương ứng của họ về chủ nghĩa dân tộc. Để Ấn Độ phục hồi địa vị đứng đầu ở châu
Á, một cuộc đối thoại toàn diện giữa các nền văn minh với Trung Quốc là cần thiết.
Nó nên vượt qua giới hạn của vấn đề biên giới và bao gồm các khía cạnh cần thiết
để xoa dịu bất kỳ cảm xúc khó chịu về quá khứ và cùng nhau tập trung vào tương
lai. Rõ ràng, không có gì sai trong giấc mơ của Modi làm hồi sinh khái niệm
Bharatvarsh (Thế giới Ấn Độ) giống như khái niệm của Putin về bảo vệ “Russky
Mir” (Thế giới Nga) trong vùng sân sau của mình hay nỗ lực của Trung Quốc nhằm
bảo vệ “dốc thoải” của mình ở các đảo ngoài khơi nước này. Lợi ích của Ấn Độ
đòi hỏi phải củng cố “sân sau” địa chính trị của chính nước này trải dài từ dãy
Hindu Kush đến Ấn Độ Dương.
Rõ ràng, cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc sẽ phải đối đầu với những
sức ép không thay đổi đối với cốt lõi tính chất dân tộc của họ. Tuy nhiên, người
Trung Quốc cần phải từ bỏ sự hung hăng quá mức theo kiểu Lêninnít của họ và bắt
đầu coi trọng và làm việc trong văn hóa châu Á, vì nước này nên nhận ra rằng chỉ
riêng những của bố thí kinh tế của mình ở Tân Cương và Tây Tạng không thể dập tắt
những tình cảm văn hóa của người dân địa phương. Bắc Kinh phải tìm ra một điểm
chung mới về tri thức với Ấn Độ cho phép hai nước phối hợp để ngăn chặn sự chia
rẽ châu Á hơn nữa. Một cuộc đối thoại thẳng thắn có thể xây dựng cầu nối cần
thiết để giải quyết các cuộc xung đột địa phương. Điều này đem lại cho Ấn Độ viễn
cảnh cân nhắc đối đầu ít hơn và hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc. Điều này cũng
sẽ mang đến sự tự tin cho những người lo sợ tham vọng hung hăng của Trung Quốc
và mục tiêu dài hạn của nước này.
No comments:
Post a Comment