Wednesday, October 26, 2011

VÀI CHUYỆN GHI CHÉP BÊN LỀ CUỘC BIỂU TÌNH SÁNG 21/10/2011 TẠI ĐÀI TRUYỀN HÌNH HÀ NỘI (Hải Hà)



Hải Hà
24/10/11 3:09 PM

Tiếp theo sáng kiến biểu tình trong im lặng ngày 17 và 18 tháng 10, đòi trả tự do cho Biểu tình viên (BTV) Bùi Hằng tại Hồ Gươm. Sáng nay sau khi tòa án quận Đống Đa trả lại hồ sơ vụ kiện vì: “Người khởi kiện không có quyền khởi kiện” khoảng 30 người đã lại quyết định biểu tình trong yên lặng nhưng với biểu ngữ trên tay, họ đi bộ từ đường Nguyễn Lương Bằng (sau khi đã thắp hương trước tượng Quang Trung ở Gò Đống Đa) qua phố Thái Hà, tới phố Huỳnh Thúc Kháng để tập trung tại trụ sở Đài phát thanh truyền hình Hà Nội (HTV). Đây có thể được coi là một sáng kiến và với sáng kiến này giới chức Hà Nôi nói chung và lực lượng An Ninh nói riêng đã rất lúng túng khi đối phó với biểu tình.

Những người biểu tình đã bất ngờ được gặp nhà văn Phạm Đình Trọng trong Sài Gòn ra. Nhiều người đã biết và bày tỏ cảm phục khi đọc các bài viết của ông như: Nỗi đau dân chủ ” “Kiêu binh thời đảng trị ”… tham gia biểu tình cùng anh em, Ông kể: năm 2008 ông được đi Ấn Độ thấy ở dân Ấn Độ có nhiều đặc điểm giống dân ta quá: như hiền hòa bao dung, nhưng có đặc tính dân tộc rất mạnh… và Việt Nam hoàn toàn có thể học tập Ấn Độ giành Độc lập bằng “Bất bạo động”, nhưng thật tiếc…

Đọc bài: Nghĩ suy từ Ấn Độ" của ông, Trong đó có đoạn viết: ”Những ngày ở xứ sở của thần linh, tôi cứ tiếc nuối, cứ ngẩn ngơ nhớ đến cụ Phan Chu Trinh, một thần linh lớn lao, cao cả của chúng ta mà chúng ta chưa nhận thức đầy đủ.
Cùng thời với Gandhi, chúng ta có Phan Chu Trinh. Cùng tư tưởng, cùng cách lựa chọn như Gandhi, Phan Chu Trinh cũng chủ trương không dùng bạo lực, không đẩy người dân tay không ra đối đầu với súng đạn thực dân, mà phải trước hết nâng cao dân trí cho họ. Dân trí cao, người dân sẽ ý thức được quyền con người, quyền dân tộc mà bền bỉ đấu tranh chính trị, đấu tranh nghị trường giành độc lập. Gandhi đã thực hiện điều đó. Ấn Ðộ đã giành độc lập theo cách đó và đã thắng lợi!
Ðịnh mệnh trớ trêu đưa đẩy, chúng ta đã chọn con đường cách mạnh vô sản! Sự lựa chọn ấy đã xác định luôn cả bạn đường cho dân tộc ta là giai cấp vô sản thế giới! “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!” Tiêu chí giai cấp được đưa lên trên hết. Dân tộc không còn được tính đến. Dân tộc phải hòa tan trong giai cấp. Từ một khái niệm còn mơ hồ, giai cấp bỗng hiện hình sừng sững trùm lên xã hội, đè xuống từng số phận con người! Từ đó, con người Việt Nam vốn bao dung, nhường nhịn “Chín bỏ làm mười”, “Tranh quyền cướp nước chi đây / Coi nhau như bát nước đầy là hơn”, con người Việt Nam vốn chan chứa thương yêu “Thương người như thể thương thân”, dân tộc Việt Nam vốn rộng lòng đùm bọc “Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng”, bỗng thành con người khác, dân tộc khác.
Con người ấy, dân tộc ấy bỗng đằng đằng sát khí ôm súng lao vào hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, lâu dài và thảm khốc! Con người ấy, dân tộc ấy bỗng lạnh lùng, cay nghiệt, tay cầm nghị quyết, mê mải đi từ cuộc đấu tranh giai cấp này đến cuộc đấu tranh giai cấp khác. Chiến tranh kéo dài, mất mát của chiến tranh trải rộng trên đất nước, đè nặng xuống số phận cả dân tộc. Ðấu tranh giai cấp triền miên, nỗi đau từ đấu tranh giai cấp thấm sâu vào hằng triệu số phận con người."

Hỏi nhà văn có gặp khó khăn khi viết các bài như vậy không. Ông nói “với tôi thì lúc nào cũng có 2 anh an ninh điểm danh hằng ngày, cũng không thành vấn đề. Họ chỉ gây khó cho con trai tôi làm ở công ty kiến trúc tư nhân”.

Có người buột miệng: “Đúng là bọn đểu, tiểu nhân, ở ngoài này cũng thế đấy bác ạ, họ chả từ một thủ đoạn nào đâu…”

Nhà văn Phạm Đình Trọng đã đi bộ rất hăng với các đoàn biểu tình, có lúc ông còn dừng lại giải thích với người đi đường và cả với lực lượng an ninh về nội dung các tấm biểu ngữ mọi người cầm trên tay.

Một trí thức đã dịch nhiều đầu sách, khi được hỏi vì sao anh cầm biểu ngữ: ”Công lý, danh dự nhân phẩm… ”Anh bức xúc nói rất to (thậm chí đôi khi còn văng tục nữa), đại để là: Vì cái Đài Truyền Hình Hà Nội đưa tin vu khống, tin “đểu” về những người biểu tình, làm cho gia đình anh coi anh như kẻ phản động trong nhà, thậm chí mẹ anh còn đe dọa sẽ từ anh. Anh quyết gặp bằng được thằng Trần Gia Thái (TGĐ HTV) này. Đòi nó phải trả lại công lý, danh dự nhân phẩm cho anh và cho những người biểu tình yêu nước chống Trung Quốc xâm lược…

Cũng như anh nhiều người biểu tình khác cũng bày tỏ việc bị gia đình bạn bè xa lánh vì nghe, xem đài báo nói những người biểu tình chống TQ vừa qua là bị các thế lực thù địch lợi dụng lôi kéo… Họ quyết phải làm cho ra nhẽ việc này, không thể “ấm ớ Việt gian” như thế được. Họ hẹn nhau lần tới không những đến cơ quan mà còn đến nhà Trần Gia Thái để làm cho rõ trắng đen.

Một chuyện cũng khá bất ngờ nữa: khi đoàn biểu tình đang đứng trước cơ quan Truyền Hình Hà Nội, nhiều người dân đã dừng lại, hỏi han. Có đôi trung niên đã đi qua một đoạn đường, vẫn quay đầu xe lại hỏi, khi được giải thích, bất ngờ người đàn ông hỏi: “Thế những người này là người Trung Quốc hả ?” những người đứng gần đấy tỏ ra ngạc nhiên với nhận xét của anh ta: “sao anh lại bảo đấy là người Trung Quốc”. Anh ta hồn nhiên đáp: “ vì người Trung Quốc đòi Hoàng Sa, Trường sa thì ta mới bắt giữ và lên án trên Tivi sao chính quyền lại đi bắt, lại lên án người nhà mình” (chuyện này thật một trăm phần trăm).

Hóa ra tình huống éo le này diễn ra nhiều lần nữa trên những phố phường mà đoàn biểu tình đi qua, một chị bán tạp hóa, một anh xe ôm, một ai đó ngồi bên ghế hàng nước… đều chung một câu hỏi: “Họ là người Trung Quốc hay người nước nào hả các bác.?” Lại phải dừng lại giải thích, nhưng từ đây một câu hỏi bỗng bật ra: “hay là bộ máy tuyên truyền đã khởi động: nhằm lái câu chuyện sang hướng khác, chứ người Việt Nam làm gì có chuyện biểu tình.”

24/10/2011
Hải Hà

----------------------------------

Phạm Đình Trọng

.
.
.

No comments: