Nguyễn Đình Đăng
Cũng như trong phòng hoà nhạc, trình diễn âm nhạc ngoài đường phố nói riêng [1] – [5] và nghệ thuật đường phố nói chung, để thành công, ít nhất cần có sự hưởng ứng từ hai phía: nghệ sĩ và công chúng.
Gây hiệu quả cho công chúng ngoài phố có cái khó riêng, vì tuy họ “dễ dãi”: bạn chơi sai, thậm chí chơi Mozart, Beethoven, hay Tchaikovsky, họ cũng không biết, nhưng thành phần của họ …“tạp nham”. Cho dù họ không phải là “các sâu” bò đến phòng hoà nhạc chỉ để sướng tê tái khi bắt được lỗi của nhạc công, nhưng họ cũng có thể …phá đám như chơi, bằng cách nói to, cười hô hố, thậm chí còn ném gạch đá, chứ không chỉ có cà chua hay trứng thối. Ngoài phố, trong chợ nói chung ồn ào, nên việc gây sự chú ý có cái khó riêng của nó, chưa nói đến thời tiết, khí hậu v.v.
Thế nhưng phải có một phiá “châm ngòi” trước. Nếu nghệ sĩ chê công chúng ở ta có trình độ thẩm mỹ về nghệ thuật – âm nhạc hàn lâm còn quá thấp, hơi đâu “đem đàn gảy tai trâu”, thì nghệ sĩ quả cũng không sai. Nhưng ai sẽ nâng dân trí của dân này lên đây nếu không phải chính các nghệ sĩ?
Chờ cho tới khi người ta “cải cách giáo dục” đưa nghệ thuật – âm nhạc vào dạy trong trường phổ thông (như ở Nhật Bản) ư? E rằng sẽ phải chờ … hơi bị lâu đấy và không khéo dân ta sẽ còn bị mất thêm nhiều tỉ cho các dự án cải cách “hết hơi” kiểu này, có khi còn nhiều hơn 70 ngàn tỉ đồng cải cách sách giáo khoa [6] hay 410 tỉ đồng xây tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng” [7]!
Chờ phương tiện thông tin đại chúng như TV, radio ư? Tôi sẽ bàn riêng về TV dưới đâỵ. Còn nếu nghệ sĩ vu cho “thằng khách quan” như khí hậu, thời thiết, truyền thống v.v. để rút vào nhà hát thì chẳng có gì đáng bàn ở đây nữa. Có thể diễn trong … chợ Đồng Xuân chẳng hạn, vì có mái che đàng hoàng, và công chúng được nghe…không mất tiền, mà có khi còn được mời ly rượu nữa. Mấy nghệ sĩ opera trong trích dẫn [2] – [5] cũng hát trong chợ đấy thôi, chứ có phải ở ngoài đường đâu.
Về phía công chúng, kể cũng cần có một thái độ tôn trọng nghệ sĩ, bởi các nhạc công chuyên nghiệp đã phải trải qua nhiều năm tháng học hành, khổ luyện, thi thố mới “thành tài”, đạt tới trình độ xứng đáng được gọi là …“chiên nghiệp”, chứ nào phải “xướng ca vô loài” gì cho cam.
Ở đây tôi chỉ bàn về việc “cho âm nhạc ra ngoài xã hội” như một hoạt động đưa âm nhạc tới gần công chúng, để công chúng hiểu hơn, thích hơn, với hy vọng rất thực dụng là … họ sẽ kéo nhau tới nhà hát mua vé vào xem đông hơn, chứ chẳng cần nói thì ai cũng biết rằng, đối với nhạc cổ điển, đường phố không thể nào thay thế được nhà hát và phòng hoà nhạc “xịn” [Đem Fazioli piano ra diễn tại chợ Đồng Xuân thì kể cũng hơi…đau cho chính Fazioli piano, mặc dù ở một số nơi, như tại thành phố Hamamatsu (Nhật Bản), người ta bày piano “xịn” (Yamaha, Kawai) nguyên chiếc ra tận bến tàu điện ngầm, cho ai muốn chơi thì cứ việc ngồì vào mà “phang” thoải mái, không phải trả tiền].
Không nên quên rằng chương trình ca opera ngoài chợ của các nghệ sĩ Âu – Mỹ nằm trong đợt quảng cáo hay “marketing” cho chương trình hoà nhạc tiếp theo của họ ở nhà hát. Ví dụ, các nghệ sĩ nhà hát Massimo vừa hát vừa trưng biển “Bạn có thích opera không? Nếu có thì hãy đến với nhà hát chúng tôi.” [3] Tôi chưa bàn đến trình diễn của các nghệ sĩ tự do, biểu diễn ngoài phố hoặc để kiếm tiền, để bán CD, hoặc nhiều khi cũng chẳng phải vì tiền, mà là chỉ để thể hiện mình, để luyện tập, để có thêm fan, hay đơn thuần là để … tự sướng (Xem video và nghe tại đường link trong chú thích của hình minh họa bên dưới).
Cách đây vài năm tôi được nhạc trưởng Tetsuji Honna cho biết ông muốn làm một chương trình hoà nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội, song ý tưởng của ông đã không (chưa) được chính quyền chấp nhận. Quả thật trong việc này cũng còn có rất nhiều vấn đề vướng mắc trong quan niệm, nhận thức của công chúng và của những người làm nhiệm vụ quản lý xã hội. Muốn làm một tứ tấu hay ngũ tấu đàn dây tại những điạ điểm “nhạy cảm” như vườn hoa Lê Nin ở Hà Nội thì có khi phải xin phép còn mệt mới được.
Tôi kể dưới đây vài ví dụ cũ rích, đã xảy ra với chính tôi, khi đem nghệ thuật “xuống đường”:
Ví dụ 1:
Chuyện xảy ra ở Hà Nội cách đây chừng một phần tư thế kỷ. Có một dạo hầu như ngày nào tôi cũng đạp xe đi vẽ cảnh phố xá Hà Nội. Khi tôi đứng đường vẽ như vậy, thường có nhiều trẻ con người lớn vây xung quanh xem. Có lần một cậu thiếu niên hỏi tôi:
- Anh ơi, anh vẽ để làm bài dự thi à?
- Không. – Tôi trả lời
- Thế anh vẽ để bán à?
- Không.
- Thế để triển lãm à?
- Không.
- Thế thì anh vẽ để làm gì?
- Chẳng để làm gì. Thích vẽ thì vẽ.
- Thế thì vẽ làm cái đ… gì! – Cậu thiếu niên nói rồi bỏ đi [8].
Ví dụ 2:
Một lần khác, trong khi cũng đang đứng vẽ ngoài phố như vậy, tôi bị một anh công an đến quấy rầy, nói tôi cản trở giao thông, dù lúc đó tôi đang đứng trên vỉa hè tại một nơi rất ít người qua lại (Thời đó Hà Nội … yên tĩnh hơn bây giờ). Anh ta nhất định đòi tôi phải đi về đồn CA. Tôi nói để tôi vẽ xong thì sẽ về. Anh ta đứng đợi (CA thời đó hiền khô à!) Đến 12 giờ trưa, tôi vẽ xong, buộc giá vẽ lên xe đạp, và một tay cầm tranh, một tay lái xe đạp, đạp xe theo anh ta về đồn CA gần đó. Cũng còn may là khi tôi đến nơi, người ta chỉ hỏi giấy tờ của tôi rồi để tôi về, không đòi nộp tiền, thu tranh, thu đồ vẽ, hay giữ xe đạp.
Ví dụ 3:
Năm 19 tuổi, trong một lần đứng vẽ ở bờ sông tại một khu nghỉ hè ở ngoại ô Moscow, tôi gặp một ông già người Nga đến xem tranh. Ông ta khen hình hoạ cuả tôi giỏi rồi nói tôi phải học. Nói là làm liền. Khi trở về Moscow sau kỳ nghỉ hè, ông ta đã dẫn tôi đến giới thiệu với một số hoạ sĩ, giáo sư tại các trường Đại học Mỹ thuật Surikov, Stroganov, đại học kiến trúc Moscow. Đó là những người đã cho tôi những lời khuyên quý giá khi tôi mới bước vào con đường hội họa.
Lại nói về TV. Quả thật ở những nước dân chủ văn minh như Âu – Mỹ – Nhật, nơi có tự do báo chí, tự do truyền thông, có nhiều kênh TV tư nhân, không thuộc sự chỉ đạo của ban văn hoá tư tưởng của đảng phái nào hết, người ta phát nhiều chương trình âm nhạc nghệ thuật trên TV để đưa âm nhạc cổ điển và mỹ thuật … tới từng gia đình.
Nhạc trưởng Yutaka Sado
Ví dụ như ở Nhật Bản, Chủ Nhật nào cũng có có chương trình âm nhạc cổ điển “Hoà nhạc không tên” trên kênh của TV Asahi (Chương trình này đã đoạt kỷ lục Guiness là chương trình TV về nhạc cổ điển hoạt động lâu nhất thế giới), và chương trình hội hoạ trên một kênh khác. Hầu như sáng nào cũng có chương trình âm nhạc cổ điển từ 6:00 tới 7:00 hoặc 7:30 trên một kênh TV v.v. Các chương trình này thường xuyên có những công ty tư nhân tài trợ.
Chương trình âm nhạc thường giới thiệu các nghệ sĩ trứ danh trong nước cũng như ngoài nước, và luôn kết thúc bằng quảng cáo chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ này trong thời gian phát chương trình hoặc thời gian gần ngay sau đó (Hầu hết các nghệ sĩ đoạt giải nhất tại các cuộc thi âm nhạc danh tiếng quốc tế, sau khi đoạt giải, đều được mời trình diễn tại chương trình “Hoà nhạc không tên”). Các chương trình về mỹ thuật cũng vậy: khi họ nói về Vermeer chẳng hạn, thì có nghĩa là sau chương trình sẽ có thông báo triển lãm tranh của Vermeer hiện đang diễn ra tại bảo tàng nào ở Tokyo để quốc dân đồng bào tới xem. Các chương trình nói trên đều mời các “chiên gia” âm nhạc mỹ thuật tới bàn luận (Người dẫn chương trình “Hoà nhạc không tên” của TV Asahi hiện nay là nhạc trưởng nổi tiếng Yutaka Sado).
Ngày xưa Nguyễn Trường Tộ (1828 – 1871), sau khi đi xứ ở Tây về, đã tâu với triều đình vua Tự Đức là bên Tây có cái đèn treo ngược, không cần đổ dầu mà vẫn cháy sáng. Tự Đức đã cả giận, suýt xử trảm Nguyễn Trường Tộ vì tội “vọng ngữ khi quân” (tức nói láo phỉnh gạt nhà vua cùng triều đình), lại còn theo đạo Thiên chúa. Tội “phản động” rõ rành rành còn cãi vào đâu được nữa? Nguyễn Trường Tộ cũng là người đã từng nhận ra rằng “các nước phương Đông tuy là thủy tổ của bách nghệ, nhưng họ có tính đam mê an lạc, không thích thực hành“. Kết quả là ở Âu-Mỹ (hay ở … Nhật Bản) thì người ta đã sáng tạo ra (và dễ chấp nhận) cái đèn treo ngược, còn ở ta thì, tuy cuối cùng cũng thích xài từ đèn treo ngược, đến TV, digital camera, xe xịn cỡ Rolls-Royce Phantom, và cả violon, cello, piano, v.v. nhưng nhận thức thì vẫn le lói như ngọn đèn dầu năm nào. Biết đến bao giờ và nhờ sông ngòi nào đây mà “ngụm nước nơi vũng chân trâu mới có thể chảy thấu ra biển cả”? [10]
Viết xong tại Tokyo ngày 2/10/2011
Chú giải:
[2] Bài ca Chúc rượu từ opera La Traviata của Verdi được trình diễn giữa chợi tại Valencia (Tây Ban Nha).
[8] Nguyễn Đình Đăng, “Một thị trường nghệ thuật đích thực ở Việt Nam?” (21/9/2009).
[9] Gần đây có nguồn tin khẳng định rằng bài Ave Maria này thực ra không phải của Giulio Caccini (1551 – 1619), nhà soạn nhạc Ý thời Phục Hưng – Baroque, mà là do nhà soạn nhạc và nghệ sĩ guitar Nga, Vladimir Fyodorovich Vavilov (1925 – 1973), sáng tác, ghi “Khuyết danh” và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1970 bởi hãng Melodya. Sau khi Vavilov qua đời, nghệ sĩ organ Mark Shakhin đã gán tác phẩm này cho G. Caccini. Sau khi được nghệ sĩ organ Oleg Yanchenko phối khí lại và ca sĩ opera Irina Arkhipova (1925 – 2010) trình diễn vào năm 1987, bài Ave Maria này đã trở nên nổi tiếng toàn thế giới.
[10] Mượn câu nói của Nguyễn Trường Tộ trong đoạn văn sau của ông: “Việc đời được mất vinh nhục tôi đều xem như ngoại vật, chỉ cần bảo toàn lấy cái điều rất quý ở nơi mình là đủ rồi, nhưng thấy người có việc bất bình cũng phải tuốt gươm cứu giúp, mà bản tâm không mong người báo ơn. Chỉ khi nào không mong người báo đáp, người ta mới làm được những việc phi thường, khẳng khái. Tôi xin dâng mấy bài ‘Thiên hạ phân hợp đại thế luận’, ‘Tế cấp luận’, ‘Giáo môn luận’… để cho ngụm nước nơi vũng chân trâu nhờ sông ngòi có thể chảy thấu ra biển cả. Được thế thì nước đổ qua trăm dặm may ra có thể giúp ích được ít nhiều. Như thế, tôi dẫu chết vùi nơi nơi chốn mường mọi cũng tỏ được tấm lòng không quên nguồn gốc.”
.
.
.
No comments:
Post a Comment