Saturday, October 22, 2011

TRUNG QUỐC TẢNG LỜ LUẬT BIỂN LIÊN HIỆP QUỐC (A. Gaffar Peang-Meth)



A. Gaffar Peang-Meth


Người dịch: Phạm Thanh Vân
Hiệu đính: Lê Vĩnh Trương
Thứ sáu, 21 Tháng 10 2011 22:46


Tôi viết bài bày tỏ quan điểm cá nhân (op-ed article) đầu tiên vào năm 1999 khi được báo Daily Pacific News mời viết về tình hình Kosovo. Sau đó tôi vẫn tiếp tục viết để đăng báo nhưng không thường xuyên, để rồi cuối cùng đã được dành hẳn một cột báo hàng tuần, và hiện giờ đã giảm xuống thành 2 tuần để dành chỗ cho những vấn đề khác của cuộc sống.

Là một nhà giáo dục ở trường Đại học Guam, tôi tận dụng cơ hội mà tờ báo đã dành cho tôi – tôi rất cảm kích cơ hội đó – để viết, chia sẻ thông tin và những phân tích tới những độc giả có học vấn. Tôi viết theo phong cách truyền thống của một nhà khoa học chính trị để miêu tả sự kiện, giải thích lý do, phân tích nhân quả, và tiên đoán điều có thể xảy ra trong tương lai.

Trong những năm 1999 và 2000 tôi đã viết hàng loạt bài báo về những xung đột về vùng bờ biển giữa Trung Quốc với các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam, mỗi nước này đều tuyên bố chủ quyền với một số phần nhất định của biển Đông (Nguyên văn: biển Nam Trung Hoa (theo cách gọi quốc tế)

Một thập niên sau đó, trong bản báo cáo đặc biệt tháng 9/tháng 10 của tạp chí Foreign Policy, “Biển Đông là tương lai của các cuộc xung đột”, Robert D. Kaplan, một thành viên của Ủy ban chính sách Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ, đã cảnh báo về “sự bành trướng hải quân không thể chối cãi của Trung Quốc, … buộc các nước xung quanh phải có hành động phản ứng.” Ông đã khẳng định “chiến trường trong thế kỷ 21 sẽ diễn ra trên đại dương.”

Chủ quyền
Trong “Luật lãnh hải và các vùng tiếp giáp” năm 1992, Quốc hội Trung Quốc đã tuyên bố 80% của 1.3 triệu dặm vuông biển Đông là của Trung Quốc. “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các hòn đảo ở biển Đông và các vùng nước lân cận,” Thứ trưởng các lực lượng vũ trang Trung Quốc tuyên bố vào tháng 5 năm 1996.
Vào nă m 1995, trong một tuyên bố quả quyết về vùng lãnh thổ mới, Trung Quốc đã cho cắm cờ trên các cột cấu trúc làm qua loa – các chòi trú chân của các ngư dân – do người Trung Quốc dựng trên rặng san hô Mischief, khu vực được Philippines khẳng định chủ quyền, chỉ cách bờ biển Palawan 135 dặm, trong khi cách đảo Hainan của Trung Quốc tới 800 dặm. Vào năm 1998, lực lượng không quân Philippine đã chụp được hình ảnh “những công trình bằng bê tông lớn và kiên cố”, ba tầu hỗ trợ đổ bộ trang bị với các khẩu súng 57mm, và một sân bay lên thẳng trên rặng san hô Mischief.

Năm ngoái, đại tá Cảnh Nhạn Sinh (Geng Yansheng), phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đã khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với biển Đông”. Vào năm 2011, có tin rằng một quan chức cao cấp về đối ngoại của Trung Quốc, Đái Bỉnh Quốc (Dai Binggua), đã nói với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton rằng biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

Trung Quốc và Công ước Liên hợp Quốc về luật biển.
Lịch sử tranh giành quyền kiểm soát biển của Trung Quốc phải quay lại từ vài ngàn năm trước, bắt đầu từ triều đại nhà Hạ vào 2100 cho đến 1600 trước Công nguyên. Tấm bản đồ hàng hải lịch sử mà Bắc Kinh viện dẫn được biết đến như là bản đồ “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn,” mở rộng tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc từ đảo Hải Nam kéo dài 1200 dặm về phía nam tới tận Singapore và Malaysia. Tấm bản đồ “đường lưỡi bò này là bản chỉnh sửa từ tấm bản đồ lãnh thổ Trung Quốc năm 1947 (“bản đồ 11 đoạn”) của chính quyền Tưởng Giới Thạch, đã bị Cộng sản lật đổ vào năm 1949.

Vào năm 1982, Công ước Liên hợp quốc về luật biển, gọi tắt là UNCLOS, đã được ký bởi 170 nước. Điều 56 của Công ước quy định các quốc gia có đường bờ biển được hưởng các quyền chủ quyền trong Vùng đặc quyền kinh tế, rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, trong các hoạt động thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên…, cũng như đối với các hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế.

Vào năm 1996, Trung Quốc đã thông qua UNCLOS như sau: “Theo các quy định của UNCLOS, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán trong khu vực bao gồm vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa”. Theo UNCLOS, một nước ven biển có chủ quyền lãnh thổ đối với vùng biển giới hạn trong 12 hải lý, tính từ đường cơ sở, nhưng các tầu quân sự và dân sự nước ngoài vẫn có quyền qua lại tự do. Quốc gia ven biển được hưởng độc quyền đối với các tài nguyên khoáng sản và tài nguyên phi sinh vật trong tầng đất cái của thềm lục địa, và được phép kiểm soát độc quyền đối với các nguồn tài nguyên sinh vật sinh sống trong vùng thềm lục địa, hay 200 hải lý – nhưng không được vượt quá 350 hải lý – tính từ đường cơ sở.

Trong khi các quốc gia ven biển Đông Nam châu Á đều chỉ giữ vùng biển lãnh thổ 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 dặm phù hợp với UNCLOS, Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Đông và tất cả những gì nằm dưới nó, làm dấy lên mối quan ngại to lớn về vấn đề tự do hàng hải xuyên qua eo biển Malacca tới Trung Quốc, Nhật Bản và những nơi khác. Hàng năm có khoảng 60,000 tầu đi qua khu vực này.

Một bài báo trên Washington Post tháng 9, tựa đề “Sự khát dầu của Trung Quốc ở biển Đông đã đẩy nước này vào thế bất đồng với (tuyên bố của) các quốc gia khác” đã lưu ý rằng Tập đoàn dầu mỏ Quốc gia của Trung Quốc có một giàn khoan trị giá 1 tỷ đô la ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Giàn khoan này sẽ được đặt trong vòng 100 dặm của đảo Palawan. Bài báo nhấn mạnh rằng kể từ đầu năm 2011, các tầu thuyền của Trung Quốc, bao gồm cả tầu của Trung Quốc Nhân dân Giải phóng quân Hải Quân, đã cho dựng các cột trụ và đổ nguyên liệu xây dựng lên bãi đá ngoài khơi bờ biển Palawan.

Tạp chí Foreign Policy đã chỉ ra tầm quan trọng của các tuyến hàng hải, sự tồn tại của dầu khí cũng như sự dồi dào các nguồn tài nguyên biển ở biển Đông là “ba nguyên nhân chính” của những tranh chấp về chủ quyền.

Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế nói các hành động quân sự hóa khó có thể được kìm hãm. Viện này dự đoán sẽ có sự leo thang của các cuộc cạnh tranh về hải quân cũng như đối đầu của các lực lượng bán quân sự.”

A. Gaffar Peang-Meth, Ph.D., trí thức nghỉ hưu của trường Đại học Guam. Liên lạc với ông tại peangmeth@yahoo.com Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. .


.
.
.

No comments: