Tuesday, October 4, 2011

TRUNG QUỐC GÂY ÁP LỰC LÊN MIẾN ĐIỆN VỀ DỰ ÁN ĐẬP THỦY ĐIỆN MYITSONE (Thanh Hà, RFI)



Thanh Hà   -   RFI
Chủ nhật 02 Tháng Mười 2011

Ngày 01/10/11 Bắc Kinh kêu gọi chính quyền Nayppyidaw bảo vệ quyền lợi của các tập đoàn Trung Quốc sau khi Miến Điện đình chỉ dự án xây dựng đập thủy điện Myitsone dưới áp lực của dư luận. Đây là một dự án do Trung Quốc tài trợ, trị giá 3,6 tỷ đô la.

Trong một thông cáo được công bố vào hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi thúc giục «các nước liên quan bảo đảm về phương diện pháp lý và bảo đảm quyền lợi của các tập đoàn Trung Quốc» tham gia vào dự án xây đập Myitsone. Đây là một dự án «do Trung Quốc và Miến Điện cùng đầu tư và đã được cả hai bên cùng nghiên cữu lý lưỡng». Do vậy Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các bên cần «xử lý vấn đề một cách thỏa đáng».

Ngày 29/09/11, dưới áp lực của xã hội dân sự, Tổng thống Miến Điện Thein Sein thông báo với Quốc hội là chính quyền «lắng nghe nguyện vọng của người dân» và quyết định đình chỉ dự án xây dựng đập thủy điện Myitsone trên con sông Irrawaddy tại bang Kachin.

Năm 2006 chính quyền quân sự Miến Điện đã đề nghị xây dựng công trình thủy điện nói trên. Ba năm sau, tập đoàn Asia World Company do quân đội kiểm soát đã ký hợp đồng với Công ty Đầu tư Điện lực của Trung Quốc để xây đập.

Dự kiến, đập Myitsone dự trù được hoàn thành vào năm 2019, cung cấp 6.000 MW điện, chủ yếu để bán cho Trung Quốc vốn đang phải nhập đến 90 % nhu cầu điện lực.

AFP nhắc lại, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng thứ nhì của Miến Điện và là nhà đầu tư ngoại quốc số 1 tại quốc gia Đông Nam Á này. Trung Quốc cũng là một chỗ dựa quan trọng của Miến Điện cả về phương diện kinh tế lẫn chính trị. Do vậy Bắc Kinh ít khi công khai bày tỏ thái độ bất đồng với Nayppyidaw.

Còn theo nhận định của Reuters, cho dù Miến Điện và Trung Quốc có những mối liên hệ gắn bó nhưng gần đây, đôi bên bắt đầu nghi kỵ lẫn nhau. Bắc Kinh lo ngại trước tình hình bất ổn tại các vùng miền núi tại Miến Điện, sát biên giới hai nước. Về phần mình Nayppyidaw bắt đầu hướng tới Ấn Độ để tìm cách giảm bớt mức độ lệ thuộc vào nước láng giềng to lớn nằm sát cạnh là Trung Quốc.

T.H.
----------------------

Phụ lục: Miến Điện treo dự án thủy điện do TQ xây
Chính phủ Miến Điện tạm dừng một dự án đập thủy điện gây tranh cãi sau khi người dân phản đối mạnh mẽ.
Đập Myitsone là dự án do Trung Quốc hợp tác đầu tư với nước chủ nhà trên sông Irrawaddy, tại khu vực hiện xảy ra xung đột vũ trang giữa quân Chính phủ và lực lượng thiểu số.
Quyết định tạm dừng dự án được xem là chiến thắng hiếm hoi cho những nhà hoạt động chính trị – xã hội tại Miến Điện.
Chiến dịch phản đối con đập có sự tham gia của các nhà hoạt động trong nước, nhà nghiên cứu và các nhóm quốc tế.
Danh sách phản đối của họ gồm những điểm như thiếu tham vấn với nhân dân, nguy cơ gây hại môi trường khi sẽ tạo ra một hồ chứa nước diện tích bằng Singapore, và khiến người thiểu số Kachin phải di dời.
Thay đổi thái độ
Nhà lãnh đạo phong trào đòi dân chủ Aung San Suu Kyi gần đây cũng ủng hộ chiến dịch.
Và bây giờ, trong một cử chỉ nhượng bộ quần chúng hiếm có, Tổng thống Thein Sein nói với Quốc hội rằng dự án sẽ tạm dừng.
Con đập đã làm tăng thái độ chống Trung Quốc ở Miến Điện.
Bắc Kinh đang đầu tư lớn trong một loạt dự án cơ sở hạ tầng nhằm khai thác tài nguyên và tận dụng vị trí chiến lược của Miến Điện.
Ngoài ra, sự hiện diện của các thương nhân Trung Quốc hiện bị coi là “tràn ngập” tại các đô thị như Mandalay khiến người dân bức xúc, theo đánh giá của BBC Miến Điện.

Lãnh tụ phe dân chủ, bà Aung San Suu Kyi liên tục kêu gọi cứu các con sông của Miến Điện

Tuy nhiên, vẫn theo các biên tập viên của BBC Miến Điện thì có thể Chính phủ chỉ dừng con đập lớn trị giá 3.6 tỷ USD nhưng cho khai thác hai đập nhỏ hơn tại các nhánh sông thượng nguồn.
Trong một diễn biến mới, hôm nay 30/9, lãnh đạo phe dân chủ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đã có cuộc hội đàm mới với Bộ trưởng Lao động Aung Kyi.
Dù chính quyền vẫn không công nhận Liên đoàn Dân tộc Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, họ vẫn muốn bà góp phần thúc đẩy các chuyển biến chính trị ở Miến Điện.
Giới chức trong chính quyền dân sự Miến Điện đối thoại với bà Suu Kyi để kêu gọi quốc tế bỏ cấm vận.
Cuộc gặp giữa bà Suu Kyi với Tổng thống Miến Điện trước đó có mục tiêu xóa bớt các khác biệt và tạo nền tảng cho hợp tác.
Giới quan sát cho rằng các chuyển biến ở Miến Điện đang tăng dần và có vẻ như trở nên một xu hướng.
Chính quyền cũng hứa sẽ xem xét đề nghị của quốc tế muốn chính quyền thả chừng 2.000 tù chính trị, tuy mới nói là sẽ chỉ làm vào “thời điểm thích hợp”.
.
.
.

No comments: