Kính gởi: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
“Cải cách tư pháp (CCTP) hướng đến hệ thống tư pháp công minh, uy tín, trong sạch, vững mạnh, bảo vệ nhà nước, Đảng, chính quyền. Đây là mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân”. Anh Tư Sang có phát biểu vậy không?
Nói thiệt, khi bầu đại biểu Quốc hội, tôi đã bỏ phiếu cho anh với một mong muốn anh sẽ là người đại diện đích thực của nhân dân. Nhưng với lời phát biểu trên (lạy trời, mong là nhà báo viết nhầm) thì tôi không còn hy vọng điều gì ở anh nữa.
Giống như anh Sáu Phong nguyên Chủ tịch nước nhiệm kỳ trước cũng lại phát biểu, cũng lại “chém gió” thôi. Anh chỉ còn hơn 4 năm là hết nhiệm kỳ Chủ tịch, anh sẽ lại nghỉ hưu như anh Sáu Phong. Các anh chẳng để lại một dấu ấn tốt đẹp nào trong lòng người dân cả. Tiếc là ở cuối thế kỷ trước, thời luật sư Nguyễn Hữu Thọ giữ quyền Chủ tịch nước, Đảng chưa có nghị quyết cải cách tư pháp. Nếu có thì có thể nền tư pháp nước nhà đã tiến bộ nhiều chứ không phải dẫm chân tại chỗ, và “tiến lùi” như bây giờ và chắc chắn sẽ không có vụ án HAI BAO CAO SU ĐÃ QUA SỬ DỤNG.
Tư pháp là một bộ phận cấu thành thể chế Nhà nước. Cải cách tư pháp phải đồng thời với việc cải cách cả hệ thống chính trị, còn không CCTP chỉ dừng lại ở ngôn từ không được thực hiện trên thực tế. CCTP phải đề cao dân quyền và pháp quyền. Các anh cứ nói như học sinh học thuộc lòng cái mệnh đề “nhà nước pháp quyền XHCN” mà chính các anh cũng không hiểu được, không giải thích được nó là cái gì? Cái nhà nước đó vận hành như thế nào? Cả một Hội đồng lý luận trung ương với các giáo sư, tiến sĩ… xây dựng đảng cũng chưa nặn ra hình thù CNXH ra sao thì nhà nước pháp quyền XHCN có hình thù ra sao thì ông Mark, ông Lenin ở âm ti cũng chịu thua sang kiến của các học trò của mình.
Ông Mark nói “vật chất quyết định ý thức”, cứ cho là ông Mark đúng thì các học trò Việt Nam này đã không theo lời thầy dạy rồi. Này nhé, đảng nói xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mới kinh tế mới “định hướng XHCN” thôi mà đã xây dựng được nhà nước pháp quyền XHCN thì hóa ra là kiến trúc thượng tầng quyết định cơ sở hạ tầng. CNXH đã tan rã nhưng các anh cố bám lấy để duy trì quyền lực nên cứ luẩn quẩn nghĩ ra lý này lý nọ, cuối cùng là đi vào ngõ cụt của chủ nghĩa duy tâm.
Nhiều người dân cũng mắc chứng bệnh học thuộc lòng của các anh, mở miệng ra là “ơn đảng, ơn nhà nước”. Ô hay, dân có trước hay đảng có trước? Nhận thức như vậy nên ngay cả trên lộ trình CCTP các anh cũng nhấn mạnh đến mục đích là “bảo vệ NN, Đảng, chính quyền”, tuyệt nhiên anh không nói một từ nào CCTP nhằm mục đích bảo vệ nhân dân. Vậy là nhân dân có nghĩa vụ làm cu li cho đảng. Anh nói đến bảo vệ NN, đảng, chính quyền thì thực ra là bảo vệ sự độc quyền lãnh đạo của đảng vì thực chất Đảng + Nhà nước + chính quyền = 1.
Thưa anh Tư, chúng tôi là những đảng viên thường, có nghĩa là đảng viên không giữ chức vụ. quyền hành gì trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, là những người làm công ăn lương nhưng hàng tháng vẫn phải trích tiền lương đóng đảng phí. Nghĩa là cùng một mức lương như người ngoài đảng thì chúng tôi vẫn là người thu nhập thấp hơn người ngoài đảng. Vì vậy, “bảo vệ NN, Đảng, chính quyền” thực chất là bảo vệ các đặc quyền đặc lợi của những đảng viên có chức có quyền, những đảng viên thường như chúng tôi chỉ là tấm lá chắn để bảo vệ các anh thôi.
Dân ghét, dân oán các anh chúng tôi là những người hứng chịu những lời rủa xả của người dân về đảng, vì chúng tôi là đảng viên của đảng, còn các anh thì ở cao quá, dân rủa xả đâu vọng tới tai các anh được! Xung quanh các anh chỉ là một lũ cơ hội, nhăm nhe những cái ghế các anh đang ngồi để khi các anh hết nhiệm kỳ sẽ “cơ cấu” họ vào những cái ghế đó. Vài dòng gửi đến anh Tư.
Tôi phải ẩn danh vì nếu nói tên thật ra an ninh sẽ không cho tôi ngủ đủ giấc đâu, mà tôi cũng không còn khỏe nữa. Mong các đồng chí thư ký, trợ lý vào trang mạng DLB và chỉ anh Tư đọc những dòng này của tôi. Cám ơn các đồng chí nhiều lắm!
Một đảng viên ĐCSVN
danlambaovn.blogspot.com
danlambaovn.blogspot.com
Ghi chú: Bài viết này được tác giả gửi đến trong mục phản hồi của bài Cải cách tư pháp: bình cũ và rượu có độc tố. Dân Làm Báo xin phép tác giả được đăng tải thành 1 bài riêng.
-------------------------------
Như vậy thì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp đã kết thúc ngày 5.10. Từ nay đến cuối năm còn có 2 phiên họp nữa. Ban Chỉ đạo gồm 15 người do ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước đứng đầu ban chỉ đạo này. Nghe tin sẽ có cải cách tư pháp nhân dân phấn khởi ra mặt. Nhưng theo dõi phiên họp thứ nhất của BCĐ cải cách tư pháp (CCTP) thì niềm hi vọng nhỏ nhen cũng lụi tàn theo phát biểu của ông Trương Tấn Sang.
Ông Trương Tấn Sang, Trưởng BCĐ CCTP phát biểu: "cải cách tư pháp nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của nhà nước, của đảng và chính quyền". Quyền lợi của nhân dân, của đa số quần chúng lầm than chẳng nghe ông Chủ tịch nước nhắc đến. Vậy mà ông tuyên bố đó là nguyện vọng của đảng và nhân dân. Nguyện vọng của đảng thì đúng chứ nguyện vọng của nhân dân thì chắc chắn không có. Không có nhân dân nào ủng hộ mục đích CCTP để bảo vệ quyền lợi cho dảng chứ không nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho dân tộc, cho tổ quốc.
Chỉ cần nhìn vào thành phần của BCĐ CCTP là biết kết quả của lần CCTP kỳ này rồi. Chuyện nhà nước pháp quyền cũng chỉ là một cụm từ hoa mỹ, viễn vông xa vời. Nhân dân đứng bên lề các cuộc mua bán của đảng cầm quyền. Khai thác Bô Xít trên Tây Nguyên thì nhân dân phản đối mặc kệ đảng đã quyết định rồi. Quốc hội họp cũng chỉ để "đồng thuận". Con tàu Vinashin sắp chìm vì nợ nhưng đã có BCĐ đứng ra cứu còn nhân dân phải còng lưng trả nợ thay cho chính phủ làm ăn yếu kém.
Nhân dân đang trông chờ có CCTP bởi hàng năm có trên 20000 đơn thư khiếu nại tố cáo nhưng chỉ có 1700 đơn được gởi đi các cơ quan chức trách cần giải quyết. Trong 1700 thư mà UB thường vụ Quốc hội đề nghị giải quyết thì chỉ có 1000 đơn các cơ quan phản hồi. Chưa biết trong 1000 đơn có phản hồi này bao nhêu oan ức người dân được giải tỏa. Nhưng tỷ lệ 1/20 tứ là 5 % đơn thư khiếu nại được xem xét. Còn 95 % các đơn thư khác thì như là rơi vào cõi hư vô, không được phản hồi giải đáp. Nhân dân đang mong chờ một cuộc thay máu ở kỳ CCTP lần này.
Nhưng phát biểu của ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước như là một cú đấm đánh thẳng vào nỗi khổ của nhân dân hiện nay. Như vậy thì CCTP lần này cũng là chuyện bình cũ mà thôi. Trong cái bình cũ dơ bẩn ấy lại chứa một lượng độc tố nguy hiểm.
Vậy thì nhân dân Việt Nam đa phần còn sống trong khổ nghèo tìm lối nào cho tương lai của mình? Tin vào đảng cộng sản cầm quyền hiên nay ư? Hơn 36 năm rồi cái bầu rượu ấy người ta đã nhẵn mặt. Từ chuyện hôm qua mất lòng tin thì ngày mai khó có thể tìm lại được.
-------------------------
Tin về Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp:
Giải đáp đầy đủ vấn đề đặt ra liên quan đến cải cách tư pháp
Cập nhật 05/10/2011 14:27 (GMT+7)
Sáng nay, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (BCĐ CCTP) TƯ tổ chức phiên họp thứ nhất dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước – Trưởng BCĐ Trương Tấn Sang.
Các thành viên của BCĐ đều thống nhất, CCTP là 1 quá trình phức tạp, nhiều việc cần phải làm, nhiều nội dung phải nghiên cứu để thực hiện trong nhiệm kỳ mới, trong đó các cơ quan liên quan phải tích cực, chủ động, thực hiện các nhiệm vụ CCTP, dù khó khăn cũng không thể bỏ qua. Hoạt động của BCĐ nhiệm kỳ này đặc biệt phải gắn với sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 nên các nội dung hành động ưu tiên vào các vấn đề CCTP liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, giải quyết căn cơ những vấn đề trong hoạt động tư pháp.
Trưởng BCĐ - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, các cơ quan tư pháp là một bộ phận quan trọng trong NNPQ XHCN nên kết quả hoạt động của BCĐ CCTP TƯ là rất quan trọng. Chủ tịch nước hy vọng, hoạt động của BCĐ nhiệm kỳ này sẽ có nhiều đổi mới trên cơ sở kế thừa và bổ khuyết những kinh nghiệm của khóa trước, giải đáp đầy đủ những vấn đề đặt ra liên quan đến CCTP.
“CCTP hướng đến hệ thống tư pháp công minh, uy tín, trong sạch, vững mạnh, bảo vệ NN, Đảng, chính quyền. Đây là mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân nên BCĐ và các cơ quan tư pháp, cơ quan liên quan cần cố gắng lớn, vượt qua chính bản thân và những khó khăn trong quá trình CCTP” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Từ nay đến cuối năm, dự kiến BCĐ sẽ tổ chức 2 phiên họp: Phiên họp thứ 2 (giữa tháng 11) sẽ thảo luận thông qua chương trình trọng tâm CCTP, chương trình làm việc của BCĐ nhiệm kỳ 2011-2016, các đề án đổi mới tổ chức hoạt động cơ quan tư pháp trong quân đội, xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo cán bộ tư pháp, thống nhất đầu mối đào tạo nghề cho các chức danh tư pháp.
Phiên họp thứ 3 (cuối tháng 12) sẽ thảo luận về đề án mô hình tố tụng hình sự Việt Nam, nghiên cứu chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, báo cáo kết quả chương trình làm việc của BCĐ năm 2011 và chương trình làm việc năm 2012.
H.Giang
BCĐ CCTP TƯ khóa mới gồm 15 thành viên và một số ủy viên chuyên trách, cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách chịu sự chỉ đạo của Thường trực BCĐ, Ban thư ký. BCĐ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, làm việc theo nguyên tắc tập thể, thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện. BCĐ họp định kỳ 3 tháng/lần, họp bất thường khi cần thiết, kết quả các phiên họp của BCĐ thể hiện bằng văn bản và thông báo đến các cơ quan có liên quan để tổ chức thực hiện.
.
.
.
No comments:
Post a Comment