Saturday, October 15, 2011

NOBEL HÒA BÌNH 2011 & VẤN NẠN CỦA LIBERIA (Hoàng Vũ)


Hoàng Vũ
Thứ sáu, 14 Tháng 10 2011 21:33

Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2011 được công bố vào ngày thứ sáu 07/10/2011 vừa qua: Giải thưởng được trao chung cho ba nhân vật phụ nữ: Ellen Johnson Sirleaf (người Liberia), Leymah Gbowee (người Liberia) và Tawakkul Karman (người Yemen).
Các nhân vật phụ nữ này được vinh danh cho công cuộc đấu tranh bất bạo động vì sự an toàn của người phụ nữ và cho sự bình đẳng nữ quyền trong việc kiến tạo hòa bình trên đất nước của họ.

Tawakkul Karman là người phụ nữ trẻ tuổi nhất trong ba người.
Bà là phụ nữ Arab đầu tiên, và cũng là công dân Yemen đầu tiên đoạt giải Nobel Hòa Bình.
Bà Tawakkul Karman là nhà văn, nhà báo và là người tranh đấu đòi quyền lợi công dân. Bà Tawakkul Karman sinh năm 1979, tốt nghiệp nghành Khoa Học Chính Trị tại Đại Học Sana'a University – Yemen. Bà là đồng sáng lập tổ chức “Women Journalists Without Chains” – WJWC (tạm dịch là “Nhà Báo Nữ Không Bị Xiềng Xích”) vào năm 2005 lúc bà đang là cây bút của tờ báo Al-Thawrah.
“Women Journalists Without Chains” có tên gọi ban đầu là “Female Reporters Without Borders” (tạm dịch là tổ chức “Phóng Viên Nữ Không Biên Giới”). Ngay sau khi thành lập, WJWC liên tục bị quấy nhiễu và đàn áp vì chính danh xin phép phát hành tờ báo và đài phát thanh riêng. Chính Bộ trưởng Bộ Thông Tin Yemen đã khước từ đơn xin này và WJWC đã phản kháng.
Năm 2007, WJWC chính thức phát hành thông cáo báo chí tố cáo chính phủ Yemen đàn áp tự do ngôn luận. Năm 2009, WJWC tố cáo Bộ trưởng Bộ Thông Tin Yemen thiết lập các phiên tòa khủng bố tinh thần và triệt hạ các phóng viên.
Bà Tawakkul Karman là người khởi động các cuộc “biểu tình ngồi” tại quảng trường Change Square, tại thành phố Sana'a – đây chính là điểm xuất phát phong trào xuống đường tuần hành hàng tuần kể từ năm 2007.
Cũng chính bà Tawakkul Karman là nhà báo khởi xướng việc phát hành tin tức qua mạng lưới điện thoại di động tại Yemen. Bà Tawakkul Karman là gương mặt nổi bật trong cuộc nổi dậy Mùa Xuân Arab tại Yemen. Bài viết “Yemen's Unfinished Revolution” bằng tiếng Arab, được dịch sang Anh ngữ và được tờ New York Times đăng tải ngày 18/06/2011 đã gây tiếng vang lớn khi bà công kích đích danh Hoa Kỳ và Arab Saudi vẫn tiếp tục ủng hộ chế độ độc tài Saleh đã mục ruỗng tại Yemen.
Bà thường mang khăn choàng trùm đầu với nhiều màu sắc thay cho mạng che mặt truyền thống niqab (mạng che kín mặt màu đen chỉ chừa đôi mắt) của người phụ nữ Arab. Là người mẹ của ba đứa con, bà được mệnh danh là “Bà Mẹ Cách Mạng” hoặc là “Người Đàn Bà Thép”.

Leymah Gbowee là Giám đốc Điều hành Tổ chức “Women Peace and Security Network Africa” (Phong Trào Phụ Nữ Đấu Tranh Cho Hòa Bình Và An Ninh) trụ sở đặt tại thủ đô Accra - Ghana. Bà cũng là sáng lập viên và cựu nhân vên điều hành của tổ chức “Women in Peacebuilding Program/West African Network for Peacebuilding” - WIPNET/WANEP (Phong Trào Phụ Nữ Đấu Tranh Cho Hòa Bình/ Mạng Lưới Đấu Tranh Cho Hòa Bình Của Tây Phi)
Bà Leymah Roberta Gbowee sinh năm 1972, là mẹ của 6 người con nên bà hiểu đất nước Liberia cần hòa bình để thế hệ trẻ có tương lai. Bà Gbowee là nhà đấu tranh ôn hòa khởi xướng các phong trào đấu tranh bất bạo động mang lại hòa bình và chấm dứt cuộc nội chiến ở Liberia.
Khởi đầu từ năm 2002, lúc đó bà Leymah Gbowee là nhân viên của tổ chức “Women of Liberia Mass Action for Peace” (Phong Trào Phụ Nữ Liberia Hàng Động Cho Hòa Bình), bà dấy lên phong trào cầu nguyện và ca hát tại các phiên chợ mua bán cá tại địa phương. Bà tổ chức thành công các cuộc tuần hành cầu nguyện ôn hòa và bất bạo động chung cho phụ nữ Công Giáo và Hồi Giáo tại Monrovia, Liberia. Bà đã huy động được sức mạnh tiềm ẩn của người phụ nữ bằng các cuộc tuần hành trong yên lặng kết hợp với phương án đấu tranh đình công tình dục. Phong trào của bà lớn mạnh với sự tham gia của hàng vạn phụ nữ, họ mặc áo màu trắng, biểu tượng của phong trào và đã tạo được áp lực lên chính quyền Tổng thống Charles Taylor, buộc Tổng thống Taylor phải ngồi vào bàn đàm phán với lực lượng nổi dậy tại Ghana để tìm giải pháp cho hòa giải và dân chủ cho Liberia.
Chính bà Leymah Gbowee dẫn đầu phái đoàn phụ nữ Liberia đến Ghana để tiếp sức gây áp lực tại cuộc hòa đàm đó. Những người phụ nữ Liberia mặc áo trắng tập hợp yên lặng bên ngoài Dinh Tổng Thống ở Accra (thủ đô Ghana) trong suốt thời gian hòa đàm là ngững người mang lại hòa bình và chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 14 năm (1989–2003) tại Liberia. Và cũng chính những người phụ nữ Liberia này đã mang lại chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Liberia 2005 cho người phụ nữ Tổng thống Phi Châu đầu tiên: Ellen Johnson Sirleaf – đương kim Tổng thống Liberia và cũng là nhân vật thứ ba đoạt giải Nobel Hòa Bình 2011.

Ellen Johnson Sirleaf và vấn nạn của Liberia
Có lẽ không có người phụ nữ Phi Châu nào vinh quang hơn bà Ellen Johnson Sirleaf. Ngày 08/11/2005, bà đắc cử Tổng thống Liberia. Năm 2006, tạp chí Forbes xếp hạng bà đứng hạng 51 trong hàng ngũ những người phụ nữ quyền lực trên thế giới; đến năm 2010, tạp chí Time đã xếp hạng bà Ellen Johnson Sirleaf trong hàng ngũ mười nhân vật lãnh đạo phụ nữ hàng đầu thế giới; và bây giờ bà đoạt giải thưởng Nobel Hòa Bình 2011.
Bà Ellen Johnson Sirleaf sinh năm 1938 tại Monrovia, thủ đô Liberia. Bà theo học ngành kinh tế tài chính tại trường Cao đẳng Tây Phi (College of West Africa). Sau khi lập gia đình bà theo chồng đến Hoa Kỳ, bà tiếp tục học ngành tài chính kế toán tại trường Madison Business College ở Madison, Wisconsin. Sau đó bà lấy bằng Cử nhân Kinh tế tại trường Đại Học Colorado, thành phố Boulder, Colorado. Năm 1969~1971, bà Sirleaf theo học và tốt nghiệp trường Đại Học Harvard với văn bằng Tiến sĩ.
Bà Sirleaf nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành tài chính. Trở về Liberia bà làm phụ tá Bộ trưởng Tài Chính năm 1972~1973; làm Bộ trưởng Tài Chính từ 1979 đến 04/1980 dưới thời Tổng thống William Tolbert. Sau cuộc đảo chánh tháng 04/1980, bà rời Liberia đến Washington D.C. làm việc cho World Bank trước khi đến Nairobi (thủ đô Kenya) làm Phó Chủ tịch Citibank Phi Châu. Năm 1985, bà Ellen Johnson Sirleaf từ chức ở Citibank để tham gia tranh cử, sau đó lại làm việc cho Equator Bank, một chi nhánh của HSBC. Từ năm 1992 đấn năm 1997, bà được bổ nhiệm làm Phụ tá Quản trị, sau đó là Giám đốc Chương Trình Phát Triển Phi Châu của Liên Hiệp Quốc. Năm 1997, bà từ chức để tham gia tranh cử Tổng thống.
Sự nghiệp chính trị của bà Ellen Johnson Sirleaf cũng khá thăng trầm. Năm 1985, ngay sau khi từ chức ở Citibank, bà trở về Liberia làm phó trong liên danh tranh cử Tổng thống của đảng Liberian Action Party, nhưng bà bị bắt và bị kết án 10 năm tù vì kêu gọi chống đối chính quyền độc tài Samuel Kanyon Doe. Dưới áp lực quốc tế, chính quyền Doe phải trả tự do cho bà Sirleaf. Đảng National Democratic Party và Samuel Doe đã thắng cử năm 1985. Bà Sirleaf đắc cử Thượng Nghị Sỹ nhưng từ chối tham gia chính trường và bà tố cáo cuộc bầu cử gian lận. Một tháng sau cuộc bầu cử, ngày 12/11/1985, Tướng Thomas Quiwonkpa đảo chánh nhằm lật đổ chính phủ của Samuel Doe nhưng bất thành vì không được Hoa Kỳ ủng hộ, ngày 13/11/1985 bà Sirleaf lại bị cầm tù. Đến tháng 07/1986, bà mới được trả tự do và đào thoát sang Hoa Kỳ. Năm 1997, bà Sirleaf trở về Liberia làm ứng viên Tổng thống cho đảng Unity Party tranh cử cùng ông Charles Taylor, mặc dù thời gian trước đó bà Sirleaf là người ủng hộ Charles Taylor trong cuộc nội chiến chống lại chính quyền độc tài Doe. Thất cử chỉ với 10% phiếu bầu, bà Sirleaf lại rời khỏi Liberia đến tị nạn ở Abidjan, Côte d'Ivoire. Sau khi cuộc nội chiến Liberia chấm dứt, bà Sirleaf trở về Liberia là lại làm ứng viên Tổng thống cho đảng Unity Party trong cuộc bầu cử năm 2005. Vòng I cuộc tranh cử năm 2005, bà Sirleaf chỉ đạt 19.8% phiếu bầu, trong khi George Weah của đảng Congress for Democratic Change dẫn đầu với 28.3%. Thế nhưng vòng II, bà Sirleaf đã lật ngược thế cờ và chiến thắng với 59.4%, và George Weah chỉ đạt được 40.6% số phiếu. Bà Sirleaf tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 24 của Liberia ngày 16/01/2006.

Bốn ngày trước cuộc bầu cử năm 2011 ở Liberia, danh tánh bà Ellen Johnson Sirleaf được công bố là người đoạt giải Nobel Hòa Bình 2011. Trước đó, bà Ellen Johnson Sirleaf cũng đã tuyên bố ra tái tranh cử Tổng thống Liberia bấp chấp những cáo buộc bà đã thất hứa là chỉ đảm đương cương vị Tổng thống chỉ một nhiệm kỳ trong cuộc vận động tranh cử từ năm 2005.
Lãnh tụ đảng đối lập Winston Tubman thuộc đảng Congress for Democratic Change đã lên tiếng đả kích giải thưởng Nobel Hoà Bình 2011 trao cho bà Ellen Johnson Sirleaf là "không xứng đáng" và "gây nhiễu loạn chính trường đất nước chúng tôi".

Thật sự tình trạng đất nước Liberia hiện nay thật tệ hại với tình trạng thất nghiệp lên đến con số 80%.
Dân chúng Liberia thất vọng với chính quyền của bà Ellen Johnson Sirleaf. Chính quyền của bà quá tham nhũng, mặc dù ngay từ lúc lên cầm quyền và chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử, bà tuyên bố chống tham những một cách rất quyết liệt. Nhưng cho đến nay cá nhân bà không bị tai tiếng tham nhũng nhưng chính quyền của bà thì quá bê bối, tham nhũng tràn lan.
Dân chúng Liberia bất mãn với chính sách gia đình trị của chính quyền bà Sirleaf. Bà đã bổ nhiệm quá nhiều anh em họ hàng và người thân quen vào chính quyền. Chính quyền của bà là một thứ gia đình trị.
Dân chúng Liberia ca thán với những bất công xã hội ngày càng gia tăng. Gần 90% dân chúng Liberia vẫn sống nghèo khổ với mức thu nhập không quá $1.25usd /ngày.

Bối cảnh xã hội và tình trạng bi đát của Liberia đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi cần suy nghĩ:

Tại sao thế giới vẫn tưởng thưởng giải Nobel Hòa Bình 2011 cho bà Ellen Johnson Sirleaf khi họ hiểu rõ tình trạng đất nước Liberia trong thời gian bà Sirleaf cầm quyền?
Có lẽ câu trả lời thật đơn giản, người ta nghĩ rằng bà Ellen Johnson Sirleaf đã thành công trong bối cảnh kinh tế-chính trị hiện nay của Liberia và bà không thể làm gì hơn được trong tình trạng bi đát đó.

Tại sao với khả năng và uy tín của mình, bà Ellen Johnson Sirleaf vẫn không thể nào chống đỡ được nạn tham nhũng?
Tham nhũng là một thứ văn hoá của băng đảng, gần giống như băng đảng mafia. Với tính toàn cầu hoá và phương tiện kỹ thuật dồi dào, tham nhũng trở thành vật cản chướng ngại cho bất cứ nhà lãnh đạo “nhân sỹ” nào khi lên cầm quyền. Bà Ellen Johnson Sirleaf là một nhân sỹ có uy tín và tài năng nhưng bà đã không có được một tổ chức chính trị đủ mạnh để chống lại tổ chức của băng đảng tham nhũng. Do đó bà đã thất bại trong chính sách chống tham nhũng là điều dễ hiểu. Muốn chống tham nhũng phải có lực lượng và tổ chức chính trị mạnh mẽ.

Tại sao sau 5 năm cầm quyền bà Ellen Johnson Sirleaf vẫn không lập được một đảng chính trị đủ sức mạnh để chống lại tham nhũng?
Một chính đảng đúng nghĩa chỉ có thể được hình thành qua cả một thời gian dài đấu tranh và rèn luyện kiên trì, không thể chỉ một sớm một chiều mà lớn mạnh được. Nhìn lại sự nghiệp chính trị của bà Ellen Johnson Sirleaf, chúng ta cũng thấy: năm 1985, bà Sirleaf tranh cử trong liên danh của đảng Liberian Action Party; đến năm 1997 bà lại là người của đảng Unity Party, thất bại bà lại ra đi; sau đó đến cuộc tranh cử năm 2005, với uy tín và phong trào phụ nữ Liberia lớn mạnh, bà Sirleaf trở thành con “át” chủ bài của đảng Unity Party, chứ bà Sirleaf không gắn kết với đảng chính trị của bà. Không một ai có đủ tài phép để thành lập một chính đảng lành mạnh khi đã nắm quyền trong tay. Vì lúc đó, họ không biết và không phân biệt được người thật và người giả, kẻ a-dua và bọn nịnh thần. Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và đảng Cần Lao Nhân Vị; cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và đảng Dân Chủ là những minh chứng. Và tất cả các nhà lãnh đạo khác khi lên cầm quyền trong tư thế không có lực lượng chính trị hậu thuẫn cũng sẽ thất bại như vậy.

- Tại sao một người lương thiện và uy tín như bà Ellen Johnson Sirleaf lại để xảy ra một chính quyền “gia đình trị”?
Đây là hệ quả đương nhiên của một nhà lãnh đạo khi nắm quyền mà không có đảng chính trị. Lúc đó, thật sự họ biết tin dùng ai ngoại trừ anh em, bà con họ hàng thân thuộc. Trường hợp chính quyền của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng là một minh chứng.

Tin tức mới nhất về kết quả bầu cử Tổng thống Liberia 2011, cho thấy bà Ellen Johnson Sirleaf khó có thể đắc cử Tổng thống ngay tại vòng I, mặc dù bà Sirleaf đang dẫn đầu với 44% số phiếu, vượt qua đối thủ Winston Tubman với 36%, và cựu lãnh đạo phong trào nổi dậy Prince Johnson đang xếp hạng ba với 12% phiếu bầu. Nếu cuộc bầu cử này được quyết định ở vòng II, thì kết quả sẽ khó lường trước được vì những lá phiếu quyết định lại thuộc về những người ủng hộ ông Prince Johnson, như ông ta đã trả lời với phóng viên Reuters: “Nếu vòng II cuộc bầu cử xảy ra, thì tôi sẽ yêu cầu các cử tri của tôi bỏ phiếu cho ai sau khi lắng nghe ý kiến của họ. Tôi sẽ là người quyết định, nhưng bây giờ thì tôi không thể nói gì hơn. Chúng tôi đại diện cho một số đông dân chúng”.

Tình hình chính trị tại Liberia và bà Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf một lần nữa chứng minh cho nhận định xác đáng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Rally for Democracy and Pluralism/ Le Rassemblement pour la Democratie Pluraliste – RDP): Đấu tranh chính trị phải có tổ chức. Đấu tranh chính trị kiểu nhân sỹ thì sẽ rất khó giành được chính quyền, mà nếu có một phép màu nào đó, nhân vật “nhân sỹ chính trị” nắm được chính quyền thì họ cũng sẽ thất bại và gây thất vọng.

Liberia – tên gọi của vùng đất tự do, nơi đó những người nô lệ từ Mỹ quốc được giải phóng trở về Phi Châu quy tụ để xây dựng một quốc gia, một tương lai chung, một cuộc sống mới tự do. Hy vọng họ sẽ có được một tổ chức chính trị đủ sức mạnh để dựng xây Liberia trở thành một đất nước phồn vinh.

Thế còn chúng ta, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam ?
Hoàng Vũ

Tài liệu tham khảo:
Wikipedia
Tawakkul Karman, Yemen’s Unfinished Revolution, New York Times, ngày 18/06/2011
– Joshua E. Keating, The Men Who Would Be Queen, Foreign Policy, ngày 19/08/2011
– Tamasin Ford, Ellen Johnson Sirleaf faces a tough presidential election in Liberia, The Guardian, ngày 09/10/2011
– Jonathan Paye-Layleh, Ellen Johnson Sirleaf- Nobel Winning Liberia President- Faces Competition In Upcoming Elections, Huffington Post, ngày 09/10/2011
– Scott Stearns, Corruption Crackdown Dominates Liberian Presidential Campaign, VOA Africa, ngày 03/08/2011
– Tewroh-Wehtoe Sungbeh, The president's men, women and nepotism, The Liberian Dialogue, ngày 02/02/2006
– Richard Valdmanis & Alphonso Toweh, Update 1-Tight race seen as Liberia gears for vote results, Reuters, ngày 13/10/2011
– Tìm hiểu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Thông Luận

.
.
.

No comments: