Tuesday, October 25, 2011

NHÌN CÁI CHẾT CỦA GADDAFI TỪ GÓC ĐỘ VIỆT NAM (Nguyễn Việt)



Cảnh một ông già 69 tuổi bị lột hết áo, người đầm đìa máu, vẻ mặt hoảng loạn la lớn: “Tôi đã làm gì các anh?” và xin những người bị bắt: “Đừng bắn! Đừng bắn!” để tha mạng có làm động lòng các chiến binh đang đem xương máu ra đạp đổ bạo quyền – mà ông ta chính là tay đầu sỏ – có được đáp ứng không… Thực tế đã trả lời là: Không! Gạt qua bên hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt và bất nhẫn, mọi chuyện được dàn xếp cách bình tĩnh hơn thì chính giá treo cổ chớ không phải hình thức nào khác, đang chờ đợi tương lai ông ta. Vì ông ta không biết xót thương người khác nên ông ta đã không được thương xót.

Thay vì buông súng đầu hàng trước giờ 25, để bảo vệ lợi ích bản thân và băng đảng, M. Gadhafi đã chọn cách đánh trả nhân dân mình đến cùng. Với sự tiếp tay của lính đánh thuê ngoại quốc, nhà nước độc tài Libya đã đi đến ranh giới tận cùng của sự bất nhân và vong bản. Gadhafi đã gặt hái một đáp trả tương xứng.

Các quan điểm xoáy sâu vào yếu tố Libya là một xứ sở được hình thành từ các bộ tộc, những mâu thuẫn giữa xu hướng tự do và phe Hồi giáo cực đoan… nhằm đề cao tình trạng “xã hội ổn định” dưới sự lãnh đạo độc tài của Gadhafi xem ra đã bị hố to lần này. Bọn họ chỉ mong đất nước lụn bại, dân trí thấp kém, văn hóa xã hội thô lậu… mà bóp chết việc hình thành và phát triển của xã hội dân sự, nhằm đề cao vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng và chính quyền độc tài. Trên đường xuống hỏa ngục, cái chết của những kẻ độc tài thường thiếu sự biện hộ. Vụ tử hình vợ chồng Nicolae Ceausescu vào tháng 12/1989 đã minh chứng điều này. Tương ứng với bản án của Tổng bí thư đảng cộng sản Rumani là sự kiện Rumani thành nước Đông Âu duy nhất, trong các cuộc xung đột giữa những người dân chủ và quân đội cảnh sát, đã dẫn đến cái chết của hơn 1.000 người và hơn 3.000 người khác bị thương năm 1989. Do đó, sẽ hiểu tại sao trong đoạn video đưa lên mạng cảnh Gadhafi bị bắn chết, người ta nghe nhiều lần câu “Haram Aleiko” (1).

Tiếng nói của lòng dân

Liệu rằng có thiên vị chăng khi cho rằng cái chết của Gadhafi là xứng đáng?! Hãy căn cứ vào kết quả trong cuộc thăm dò trên một trang báo điện tử ở Việt Nam, với câu hỏi: “Bạn nghĩ gì về cách mà Gadhafi bị đối xử trước và sau khi chết?” (2). Kết quả nhận được vào lúc 16h 25’ GMT+ 7 cùng ngày là: Xứng đáng: 22,5%, Bình thường: 68,5% và Tàn bạo: 10,0% trên tổng số 8.169 phiếu chọn. Với kết quả hơn 90% không phản đối, mọi người Việt đã hiểu với nhau đâu là quy luật nhân quả. Đa số người bình chọn không quên những gì mà người dân Libya nếm trải suốt 42 năm qua. Thái độ về cách Gadhafi bị đối xử trước và sau khi chết cũng chính là thái độ của người dân Việt Nam trước kết cục của một chế độ độc tài.

Ông ta đã làm những gì nên nông nỗi để phải chết cách nhục nhã như vậy?! Khi tước đi phẩm giá của cả một dân tộc, Gadhafi đã đối diện với công lý và khó thoát sự báo thù tương ứng. Gadhafi đã dùng quân đội để trấn áp cuộc nổi dậy của nhân dân, ông ta gọi những người chống đối là chuột, là chó hoang và khẳng định hành động của quần chúng là hậu quả của việc dùng thuốc gây ảo giác. Tội ác của ông ta đã làm rúng động lương tri nhân loại, ngày 27/6, việc bắn giết thường dân của chính phủ Gadhafi đã bị đưa đưa lên Tòa án Hình sự Quốc tế. Sau đó cơ quan này ra lệnh bắt Gadhafi, một con trai của ông và người đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia Libya vì tội ác chống lại loài người.

Với tư cách là thành viên chủ chốt trong Phong trào Không liên kết trong giai đoạn chiến tranh Lạnh, từ năm 1977, M. Gadhafi đổi tên nước thành Đại dân quốc Nhân dân Xã hội chủ nghĩa Ảrập Libya. Sự cố gắng điều chỉnh hệ thống chính trị của Libya để nó có thể trở nên ưu việt như… “chủ nghĩa xã hội” không đơn giản là một ảo tưởng. Bản chất nham hiểm của chế độ xã hội chủ nghĩa Ảrập Lybia đã bộc lộ qua thực tế: Moammar Gadhafi bí mật tẩu tán hơn 200 tỷ USD trong các tài khoản ngân hàng, địa ốc và các khoản đầu tư khắp thế giới trước khi ông ta chết – trong khi 1/3 dân số Libya vẫn sống trong nghèo đói. Cái chết của Gadhafi khiến cho các đồng chí xã hội chủ nghĩa khác của ông còn sót lại ở Á châu không tránh được cảm giác lạnh xương sống. Chính những tay độc tài ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam – chớ không phải ai khác – đang run sợ. Trong mấy ngày qua, sự chậm trễ và lạnh nhạt của các cơ quan truyền thông chính phủ đương nhiệm Việt Nam trong việc bình luận về cái chết của Gadhafi đã khiến người ta có nhận xét này. Ngọn lửa của quy luật nhân quả đã thổi sát chân mày những cái đầu chủ trương độc tài hôm nay.

Hành trình tiến về Tripoli

Phải thấy rằng chặng đường phe dân chủ Libya đi qua có quá nhiều gian khó. Động thái các phe nhóm chính trị kịp thời bỏ qua bên các mâu thuẫn đơn lẻ, chịu đứng chung chiến tuyến là một bước phát triển mạnh về chất giúp cách mạng dân chủ Lybia nhanh chóng thành công. Dàn xếp những xung đột và mâu thuẫn để tập hợp một lực lượng đủ mạnh trong một quốc gia nhiều sắc tộc và bộ lạc là không đơn giản. Chúng đòi hỏi những nỗ lực tột đỉnh của Hội đồng Quốc gia Lâm thời (NTC) trong việc cân bằng và hài hòa giữa các lợi ích, đấu tranh và thỏa hiệp giữa những hệ tư tưởng đối ngược nhau nhằm đáp ứng mục tiêu chung: lật đổ độc tài… Tất cả những điều này đáng để mọi người đang đấu tranh cho dân chủ học hỏi.

NTC là một tập hợp những người Libya yêu dân chủ trong và ngoài nước. Ông Mustafa Abdel Jalil là quan chức chính phủ Gadhafi đầu tiên gia nhập phe dân quân nổi dậy, sau khi các sinh viên ở Bengahzi biểu tình ngày 15/2/2011. Ông Mahmoud Jibril, cầm đầu Ủy ban Hành pháp phe khởi nghĩa là một cựu sinh viên Ðại Học Pittsburgh ở Mỹ. Trong cuốn “Viễn tượng Lybia 2025” ông đã vẽ ra hình ảnh một chế độ mới, trong đó các quyền tự do được tôn trọng, kinh tế thị trường mở cửa và quyền hành chính phủ được giới hạn trong đời sống xã hội. Người đóng vai trò Bộ trưởng Tài chánh trong NTC là Ali Tarhouni, một giáo sư Ðại học Washington, ông đã bỏ ngang việc ở Mỹ để về nước ủng hộ phong trào dân chủ nước nhà.

Cấu trúc làm việc của lực lượng dân chủ Libya cũng là một kinh nghiệm đáng học hỏi khác. Thay vì sắp xếp theo cơ cấu hoạt động của các phe nhóm chính trị, các Hội đồng địa phương dân chủ Libya gắn liền với các địa bàn hành chính có sẵn. Lần lượt các Hội đồng địa phương/Ủy ban điều phối cấp huyện và tỉnh này trực thuộc sự lãnh đạo từ tổ chức cấp cao nhất là Hội đồng Quốc gia Lâm thời. Nhân sự các Hội đồng địa phương thuộc nhiều thành phần trong xã hội dân sự; họ là kỹ sư, công nhân hoặc nhân viên kế toán… Hàng tháng họ đều gặp nhau tại các địa điểm bí mật, với nguyên tắc cơ bản là mọi người đến họp với bí danh để tránh bị bắt giữ hay điệp viên xâm nhập. Các Hội đồng dân chủ địa phương Libya gắn liền với cộng đồng dân cư sở tại, tạo nên một mạng lưới làm việc trên toàn lãnh thổ, tỏ ra rất linh hoạt khi đáp ứng các yêu cầu cách mạng.

Đối với đa số dân chúng Libya sống trong những vùng sâu trong lục địa và sa mạc, những giá trị phổ cập của loài người như tự do, dân chủ và nhân quyền… thực sự chưa đủ sức kêu gọi người dân Ảrập đứng lên. Người dân các bộ tộc Bắc Phi chấp nhận dấn thân cho công cuộc dân chủ còn vì những mong muốn bình thường: cần có đủ cơm ăn áo mặc và con cái được đến trường như mọi dân tộc phát triển khác… Điều mà NTC muốn đạt được là một tiến trình chính trị chớ không phải những giải pháp chính trị nặng tính đối phó. Những hù dọa về tình hình bất ổn của xã hội khi thiếu bàn tay sắt cai trị chuyên chế không ngăn được tiến trình dân chủ Libya vận động. Tinh thần quả cảm của các chiến binh tự do Lybia đã giúp họ bù đắp được năng lực tác chiến yếu kém của quân khởi nghĩa. Trong chiến dịch Tripoli, họ đã chiếm lĩnh từng khu phố một dưới sự hoan hô của dân chúng. Bên cạnh thực tế NTC đứng lên vì lợi ích nhân dân, NTC đã làm rất nhiều để được nhân dân ủng hộ.

Một Mùa xuân Việt Nam…

Chính quyền đương nhiệm Hà Nội mặc nhiên nhận mình là những gương mặt, phe cánh mạnh nhất đủ sức kiểm soát xã hội Việt Nam. Họ ngạo nghễ chà đạp lên dư luận trong nước và quốc tế để thực thi chính sách độc tài của mình. Chính cái chết của Gadhafi đã chứng tỏ rằng, những biện pháp man rợ của chế độ độc tài nhằm triệt tiêu khả năng đối kháng của nhân dân không phải luôn hữu hiệu, tê liệt vì sợ hãi không phải là trạng thái cảm xúc vĩnh viễn. Không chỉ với người Ảrập, cái chết của Gadhafi còn thể hiện một thái độ ngoan cố xuẩn động mà những tư duy độc tài khác cần cảnh tỉnh. Vì đây không phải là lối thoát duy nhất cho các chính quyền toàn trị, nếu họ biết xúc tiến xây dựng các bộ luật mới với tiêu chí mở rộng dân chủ. Bởi những người yêu tự do dân chủ đều mong muốn khởi động cuộc chuyển tiếp dân chủ bằng những biện pháp ôn hòa nhất.

Cái chết của M. Gadhafi chỉ mới đánh dấu sự kết thúc giai đoạn đầu tiên trong cuộc cách mạng dân chủ Libya. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác như Syria, Myanmar vẫn đang chuyển mình. Hôm nay, người Việt Nam chúng ta cũng có quyền ước mơ Mùa xuân Ảrập sẽ xuất hiện trên quê hương mình. Nếu cách đây rất nhiều năm, đầu tàu dân chủ cả nước chỉ tập trung về Sài Gòn và Hà Nội. Nhưng trong những năm qua có: Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Lạt, Quảng Ninh, Huế, Quảng Nam, Cần Thơ và Tây Nguyên… và nhiều địa phương khác đã lần lượt lên tiếng. Phong trào dân chủ Việt Nam đang từng bước thích nghi với những chuyển biến thời đại. Với sự phát triển vũ bão của công nghệ truyền thông và internet, chiêu bài mỗi quốc gia và dân tộc có một trật tự pháp luật của riêng mình – đã trở nên hết đất dụng võ. Nhân dân cần được chọn lựa các hình thức thể hiện chính kiến của mình với tư cách là một công dân. Cuộc tranh đấu dân chủ cho Việt Nam cần xác định là một sự nghiệp lâu dài; do đó, không thể dựa vào những thời cơ ngẫu nhiên mà là phải kiến tạo cơ hội cho cách mạng dân chủ thành công. Vì khởi động được tư duy công dân từ quần chúng, sức mạnh phong trào dân chủ hôm nay đã lan tỏa… từng bước chuẩn bị một Mùa xuân Việt Nam.

Ngày 22/10/2011
© Nguyễn Việt
© Đàn Chim Việt
————————————————

Chú thích:
(1) Tiếng ẢRập có nghĩa: cái chết này xứng đáng với tội lỗi mắc phải.
(2) http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/10/ngay-cuoi-doi-cua-gadhafi/
.
.
.

No comments: