Việt Hà, phóng viên RFA
2011-10-13
Nhân chuyến thăm đến đài Á châu Tự do vào sáng ngày hôm nay, ông Brad Adams, giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Human Rights Watch đã dành cho Việt Hà buổi phỏng vấn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Phóng viên Việt Hà và ông Brad Adams, giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Human Rights Watch tại RFA hôm 13/10/2011 . RFA photo
Mạnh tay với người công giáo
Việt Hà: Thưa ông, đã gần 9 tháng đã trôi qua kể từ đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam với sự ra mắt của tân tổng bí thư và bộ chính trị mới, ông có thấy những thay đổi nào trong tình hình nhân quyền ở Việt Nam so với thời gian trước đó hay không?
Brad Adams: Chúng ta đều đã nghĩ là vấn đề nhân quyền bị bóp nghẹt hơn vào trước đại hội đảng bởi chính quyền Việt Nam lo ngại những sự phản đối, biểu tình, tiếng nói của những người bất đồng chính kiến và do đó họ cần phải thiết chặt an ninh để đại hội diễn ra suông sẻ, để những lãnh đạo mới ra mắt êm thấm, rồi sau đó họ sẽ nới lỏng hơn.
Thế nhưng tất cả những người mà tôi đã gặp trong các đòan ngoại giao, những người theo dõi tình hình Việt Nam đều vẫn chưa thể đưa ra được câu trả lời là tại sao đến lúc này họ vẫn tiếp tục sức ép siết chặt tự do, nhân quyền ở Việt Nam. Chính phủ theo dõi bắt giữ những người lên tiếng chỉ trích chính quyền mạnh mẽ. Việc họ bắt lại linh mục Nguyễn Văn Lý là một ví dụ rõ ràng, rồi việc họ bắt giữ những người theo công giáo lại càng làm thêm tình hình tồi tệ và làm cho quan hệ của họ với giáo hội thêm khó khăn.
Cho nên có một câu hỏi bỏ ngỏ là liệu có vấn đề trong nội bộ Đảng cộng sản hay không hay là đảng đã đoàn kết và cho rằng tương lai cần phải siết chặt nhân quyền hơn nữa, vì họ lo ngại những bất ổn trong xã hội nên cần phải làm mạnh tay hơn. Chúng ta không biết nguyên nhân thực nhưng điều mà chúng ta biết đó là tình hình rất tồi tệ và càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn giữa lúc mọi người đều mong đợi tình hình phải được cải thiện.
Việt Hà: Trong vòng khoảng 2 hay 3 tháng qua chúng ta thấy chính phủ Việt Nam bắt giữ nhiều người, nhất là những người theo công giáo, theo ông nguyên nhân tại sao bây giờ họ lại mạnh tay tập trung đàn áp bắt giữ những người công giáo đến vậy?
Brad Adams: Ví dụ như ở Trung Quốc, chính phủ tìm cách bóp nghẹt ngay những nhóm người nào mà họ nghĩ có thể trở thành mối đe dọa cho sự cầm quyền của Đảng cộng sản. Tôn giáo chính là một nhóm như vậy, công đoàn là một nhóm khác, hay nhóm những người đấu tranh cho quyền đất đai cũng vậy.
Nhưng với tôn giáo họ thu hút được mọi người tập trung một cách tự nhiên, họ có chung một niềm tin và họ có thể thách thức chính phủ Việt Nam, có thể là không phải trên toàn quốc nhưng ở từng địa phương, và chúng ta đã thấy ở nhiều nơi. Có thể là chính phủ Việt Nam cho rằng một vài nhóm người như vậy đã trở nên quá mạnh mẽ, không còn theo đường lối của chính phủ nữa.
Nỗ lực của quốc tế
Việt Hà: Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế đã nhiều lần kêu gọi chính phủ Việt Nam phải thả ngay những người bất đồng chính kiến, hay gần đây nhất là những thanh niên công giáo, nhưng dường như chính phủ Việt Nam không quan tâm đến những kiến nghị này, liệu những nỗ lực của cộng đồng quốc tế lên chính phủ Việt nam về vấn đề nhân quyền đã đủ và chúng ta cần phải làm gì để đẩy mạnh vấn đề này?
Brad Adams: Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục thông tin cho người dân Việt Nam như đài RFA đang làm, và HRW cũng sẽ tiếp tục làm công việc của mình. Một cách khác nhìn nhận vấn đề là chính phủ Việt Nam đã đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ phản đối các tuyên bố của HRW, cho nên điều này cho thấy họ có quan tâm. Họ nói là những người này là những tội phạm, và họ theo đúng luật. Tôi nghĩ là chúng ta sẽ có những tác động lên Việt Nam, thế giới đang thay đổi, Việt Nam có một vấn đề lớn đó là Trung Quốc là nước láng giềng lớn và đang đưa ra một hình mẫu mà tôi không nghĩ đó là một hình mẫu tốt, vì những gì đang diễn ra ở Trung Quốc không thể mãi mãi và cũng tương tự như ở Việt Nam.
Việt Nam nằm trong khu vực ASEAN đang dần dần đổi mới về nhân quyền. Việt Nam phải có sự khác biệt với Trung Quốc, họ cần phải hợp tác với Mỹ, họ cần trợ giúp của Mỹ, cho nên nhiều người sẽ nhìn vào vấn đề nhân quyền ở Việt Nam để gây sức ép lên Việt Nam. Chúng ta đang nhìn thấy những thay đổi ở Miến Điện điều mà nhiều người không nghĩ tới vào năm ngoái, cho nên chúng ta nên tiếp tục chiến đấu cho sự thay đổi.
Tôi hy vọng là những người Việt Nam là nhân tố quan trọng nhất, dù họ ở trong hay ngoài nước, họ sẽ cất tiếng nói rằng những gì đang diễn ra trong nước không phải là một hình mẫu, không thể có chuyện một đảng lãnh đạo độc tài trong một thế giới hiện đại.
Việt Hà: Đang có những nỗ lực để kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo. Theo ông điều này có thể giúp được gì cho việc cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam? và ông có tin là Việt Nam có thể sẽ sớm bị Hoa Kỳ đặt vào danh sách CPC?
Brad Adams: Tôi nghĩ có một vấn đề cơ bản của quốc tế với Việt Nam bây giờ, phần lớn mọi người chỉ tập trung vào những thành tựu kinh tế Việt nam đạt được, tôi muốn nói là cấm vận của Mỹ sau chiến tranh là không hợp lý, nó làm cho sự phát triển của việt Nam chậm lại đến cả thập kỷ, cho nên Mỹ và các nước khác liên quan đến cấm vận này đã cố gắng sửa đối bằng cách có quan hệ tốt với Việt nam.
Nhưng tôi nói với Mỹ là các anh đã không làm điều tốt cho người Việt Nam bằng cách thay đổi tức là đưa cho Việt Nam những trợ giúp không có điều kiện, và điều đó chỉ làm chính phủ hiện thời tiếp tục đàn áp người dân của mình. Cho nên điều quan trọng là khi anh muốn thay đổi, sửa sai, thì đó không phải là với chính phủ Việt Nam mà với người dân Việt Nam.
Cách tốt nhất là thúc đẩy dân chủ, minh bạch hóa, cởi mở, để người Việt Nam có thể có tiếng nói của chính mình, bởi bây giờ nếu họ lên tiếng thì họ sẽ bị đi tù. Cho nên tôi nghĩ là thế giới đang quá nhẹ tay với Việt Nam, Mỹ thì chỉ nghĩ đến Trung Quốc đang lớn mạnh và cố gắng thiết lập đồng minh với Việt Nam để chống lại Trung Quốc và do đó họ để vấn đề nhân quyền của Việt nam sang một bên. Chúng tôi cho rằng đó là cách tiếp cận không đúng và thực tế càng ngày càng có nhiều người đồng ý với chúng tôi.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment