Trước khi đi Đà Lạt, anh vừa cười vừa nói: “kỳ này chắc chắn tụi nó sẽ dập mình! anh em cố gắng mà vững tiến, chăm lo và hỗ trợ cho nhau, tù trong tù ngoài cũng là tù”. Tháng sau, anh bị bắt và bị tuyên án. Anh vào nhà tù nhỏ với nụ cười khí phách. Anh em ở lại nhà tù lớn vẫn lo lắng cho nhau, vẫn cùng nhau vững tiến trong sự nhớ thương và cảm kích về người anh lớn.
Những anh em, bạn bè ấy là các thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Người anh lớn đó là Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải. Bản án của anh đã được anh tự viết bằng trái tim, trí óc và hành động để cuối cùng nó có được một cái tên, một tội danh: Yêu Nước.
Bản án tự viết bắt đầu tại địa đầu của tổ quốc khi anh đứng nhìn dòng thác Bản Giốc đã không còn là máu thịt của tổ tiên. Người cựu chiến binh Nguyễn Văn Hải đã từng dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ sự toàn vẹn của tổ quốc quay về và trở thành Blogger Điếu Cày. Nơi anh ở nhiều con chim líu lo ghé đậu cùng anh hát khúc tự do. Trong tự do xác định thái độ sống của mình, anh và các bạn đã cất tiếng, đã bước xuống đường và tự viết bản án cho những người tù yêu nước trong tương lai.
Cách đây hơn 3 năm, vào ngày 16 tháng 12 năm 2007 anh Điếu Cày đã hòa nhập cùng hàng ngàn thanh niên sinh viên xuống đường bày tỏ lòng yêu nước và đồng thanh lên tiếng xác nhận chủ quyền lãnh hải lãnh thổ của cha ông.
Nếu mãi cho đến ngày 23 tháng 2, 2010, thủ tướng của đảng và nhà nước mới kêu gọi báo chí thông tin “tốt hơn” về chủ quyền lãnh thổ thì hơn 2 năm trước, anh Điếu Cày, cùng với các thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do đã bày tỏ thái độ kiên cường, xứng đáng là hậu duệ của Trần Bình Trọng – thà làm Quỷ Nước Nam còn hơn làm Vương Đất Bắc, khi anh và các bạn viết lên áo trắng: Việt Nam muôn năm – Bọn Trung Quốc xâm lược hảy cút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhìn lại, anh em vẫn đùa về chuyện yêu nước trước-sau của anh Điếu Cày và… của đảng:
Bác Điếu vác cày đi trước
đảng mình lẻo đẻo theo sau
đảng ta theo hoài tắt thở
điên tiết tống bác vào tù.
đảng mình lẻo đẻo theo sau
đảng ta theo hoài tắt thở
điên tiết tống bác vào tù.
Nếu về sau này công an của đảng ngày đem rình rập những công dân Việt Nam phải yêu nước lén lút với 6 chữ vàng HS-TS-VN thì ngày ấy Điếu Cày đã cười thách đố với những Lê Chiêu Thống của thế kỷ 21 bằng hàng chữ đàng hoàng, công khai và đầy lòng ái quốc ngay trên đầu của anh: Hoàng Sa & Trường Sa là của Việt Nam. Nhớ lại, anh em vẫn đùa bác Điều chơi khôn, đội nón bảo hiểm, công an không dám gõ đầu.
Vậy đó, từ những niềm đau và nỗi nhục Hoàng Sa – Trường Sa anh đã khai bút viết lên tội trạng đầu tiên của anh: dám xâm phạm, dám tranh giành “độc quyền yêu nước” của đảng, dám không yêu nước theo “kiểu” của đảng.
Ngọn lửa yêu nước bùng lên tại Sài Gòn, Hà Nội vào cuối năm 2007 đã bị dập tắt bởi công cụ công an còn đảng còn mình, dưới sự chỉ đạo của TW Hà Nội, theo lệnh của triều đình Bắc Kinh. Dù bị dập tắt nhưng nó đã là một bước ngoặt lịch sử. Lần đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất dưới sự toàn trị của đảng, hàng ngàn thanh niên học sinh biểu tình không theo ý đảng. Rõ ràng hơn bao giờ hết, mặt nạ yêu nước vì dân tộc của đảng đã bị rớt xuống bùn bằng chính thái độ của đảng. Quan trọng hơn cả, biến cố này đã chứng minh rằng yếu tố để kết hợp lòng người, tạo động lượng cùng nhau dấn thân chính là sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Blogger Điếu Cày hiểu rõ điều đó. Anh trở về cùng với các bằng hữu mở ra một mặt trận thông tin qua trang blog Điếu Cày, trang mạng Dân Báo, trang blog Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Mỗi người dân phải là một chiến sỹ thông tin! Mỗi tất đất trên cạn, mỗi hòn sỏi dưới bờ đều phải được thông tin khi bị rơi vào tay ngoại bang. Mọi thái độ buôn đất bán biển, mọi âm mưu dâng hiến gia sản của tổ tiên phải được vạch trần và lên án. Điếu Cày đã tự làm dài thêm bản án cáo trạng cho chính mình. Anh đã chạm nọc và trở thành cái gai của những Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống. Tuy vậy Điếu Cày vẫn ung dung, cười và gọi những việc mình làm là: chơi blog.
Chơi. Người ta nói, anh chơi. Người ta làm, anh chơi. Những “trò chơi” đầy chiến lược mà người cựu-chiến-binh-trở-thành-blogger đã ngày đêm suy nghĩ để làm sao có tác động lớn nhất, bảo vệ sự an toàn tối đa cho anh em trong môi trường luật rừng náo loạn cung đình của đất nước. Chính vì thế mà anh tạo được niềm tin, dấy lên được lòng can đảm để nhiều bằng hữu của anh đã bước qua biên giới của sợ hãi. Sau ngày anh bị bắt, một thành viên trẻ, tuổi mới ngoài 20 tâm sự: “thật ra em cũng nhát, nhưng bác Điếu đã làm cho em can đảm bằng chính hành động dứt khoát, chơi tới bến của bác ấy. Em follow the leader”. Anh đã trở thành người anh cả của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Anh trở thành một trong những biểu tượng của blogger Việt Nam. Và anh Điếu Cày quý mến, đứa em nhút nhát của anh hôm nào, bây giờ đang là một blogger chơi tới bến, đang cùng với nhiều bằng hữu ngày đêm miệt mài phát triển phong trào Dân Báo.
Đấu tranh một mình đảng và nhà nước xem đó là chuyện ruồi. Khi có những bằng hữu, anh em chung quanh và “follow the leader”, blogger Điếu Cày đã trở thành một lực lượng. Đối với những kẻ ngồi xổm trên pháp luật thì đó là hiểm họa và họ đã phải ra tay. CA còn đảng còn mình được lệnh hạ mình làm bẹt giê trước nhà, làm tài lọt đưa đón ngày đêm cho Điếu Cày và các thành viên của CLBNBTD. Uống cà phê? có mặt!. Mua rau cho vợ? có mặt! Đi nhậu? có mặt luôn!. An ninh được lệnh bằng mọi cách ngăn chận cuộc biểu tình ngày 29/04/2008 rước đuốc Thế vận hội Bắc Kinh. Tuyên giáo họp và ra thông tư, chỉ thị mỗi phóng viên phải là một bồi bút của đảng viết bài dựng chuyện bôi nhọ Điếu Cày…
Ngày 10 tháng 9 năm 2008, khúc đại hòa tấu "Lời chó tru đêm" chấm dứt. Triều đình Lê Chiêu Thống tuyên án Điếu Cày. Bản án đã có sẵn do chính anh tự viết. Công an quan tòa chỉ việc đóng cửa sửa lại tội danh: Yêu nước đổi thành trốn thuế.
*
Một blogger vào tù hàng ngàn blogger khác tiếp nối. Một trang blog bị đánh sập hàng trăm trang blog khác mọc lên. Cư dân mạng đã nói thế. Đúng như vậy, công an có thể tước đoạt tự do của anh Điếu Cày nhưng đã không làm tắt ngọn lửa tự do thông tin của blogger Việt Nam. Chỉ nhìn vào 1,2 năm qua cũng đủ thấy. Mọi vấn đề to lớn của đất nước, ngay cả một số quyết định mà lãnh đạo đảng buộc lòng phải thay đổi đều thấy có ảnh hưởng bởi thông tin chủ động, đồng khắp và mau lẹ của blogger. Từ dự án đường sắt cao tốc đến vấn nạn bằng giả trường dỏm, từ chuyện mua dâm học sinh của chủ tịch Hà Giang đến Nông cha lợi dụng tình thế công an Bắc Giang giết người đưa Nông con vào ghế bí thư tỉnh để dọn đường vào TW, từ 80.000 tỉ Vinasink cho tới Đại lễ 10% GPD, từ công hàm bán nước, âm mưu "đồng thuận" cho đến đạp mặt người dân yêu nước… blogger Việt Nam đã trở thành tấm gương trong suốt phản ảnh bức tranh Việt Nam và bộ mặt thật của đảng.
Trong bối cảnh trên, viễn ảnh anh Điếu Cày ra khỏi tù nhỏ do đó đã trở thành nỗi ám ảnh của đảng. Trước ngày anh mãn hạn tù, 19.10.2010, công an được lệnh lên kế hoạch đàn áp, khủng bố tù nhân và bằng hữu của anh. Họ đã bắt blogger Anhbasg Phan Thanh Hải, một trong những người bạn cộng tác thân tín nhất của anh. Họ đã bao vây tìm mọi cách cô lập và khủng bố tinh thần các thành viên của CLBNBTD và người thân của anh. Ngày 21.10.2010, công an ra công văn 927/TB/ANĐT tiếp tục giam giữ anh Điếu Cày để điều tra anh tội tuyên truyền chống phá chế độ khi anh đang ở trong tù!.
Ngày hôm nay anh Điếu Cày đã bị giam giữ trái phép 9 tháng sau khi anh đã mãn hạn tù. Hôm nay lại có tin anh bị mất một cánh tay. Tin dữ chỉ mong là tin không thật, không có. Không thể nào được!!!
Bác Điếu ơi, nhớ lắm nụ cười hiền nhưng đầy tự tin của bác. Nhớ lắm những ngày bác cùng anh em ngạo nghễ phản đối Bắc triều. Bác đang ở trong tù, thể xác bác có thể bị đọa đày, hủy diệt, nhưng tinh thần của bác chắc chắn vẫn nguyên vẹn. Vì bác là bác Điếu!. Ở ngoài này, trong cái nhà tù lớn, cả nước đang bừng bừng uất hận vì họa xâm lăng leo thang, vì lòng yêu nước bị đạp vào mặt. Những tuần qua, con đường mang tên Yêu Nước đang réo gọi người người xuống đường. Những ngày qua, vẫn còn đó và luôn còn đó những gót chân của lớp lớp người tiếp tục tiến bước, cho dù họ có phải vừa đi vừa phải tự viết cho mình một bản án như anh đã tự viết năm nào: bản án dành cho những công dân Việt Nam yêu nước.
Viết lại trong ngày nhận được tin về anh.
.
.
.
No comments:
Post a Comment