Lê Phước - RFI
Chủ nhật 02 Tháng Mười 2011
Nền kinh tế Trung Quốc phát triển thần tốc trong 30 năm qua đã tạo ra một tầng lớp nhà giàu mới có tài sản hàng tỉ đô la. Con của họ sinh sau thập niên 1980 được người Trung Quốc gọi là “phú nhị đại”, nghĩa là “thế hệ thứ hai giàu có”. Thế hệ này thường ỷ lại vào thân thế gia đình và có lối sống buông thả.
Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều vụ xì căn đan mà tác giả là thuộc hàng “con ông cháu cha”. Phân tích hiện tượng này, tuần san Courrier International dành mục Từ chọn của tuần cho từ “Nhị đại”. Bài viết nhắc lại hai vụ xì căn đan gây xôn xao dư luận nhất, đó là vụ của Lý Thiên Nhất và Lý Khởi Minh.
Lý Thiên Nhất là con trai của thiếu tướng Lý Song Giang, chủ nhiệm Khoa Âm nhạc thuộc Học viện nghệ thuật quân đội Trung Quốc, một nghị sỹ nổi tiếng về những bài hát cách mạng. Cậu bé 15 tuổi này đã đánh trọng thương một cập vợ chồng ngay trên đường phố chỉ vì một va chạm xe nhỏ. Khi xung đột, cậu ấm còn lớn tiếng thách thức: “Ai dám gọi cảnh sát”. Điều đáng chú ý nữa là cậu ta lái chiếc BWM bóng loáng và không hề có bằng lái.
Lý Khởi Minh là con ông Lý Cường, một quan chức công an cao cấp. Cậu ấm 22 tuổi này đã lái xe trong tình trạng say rượu và đâm chết một sinh viên. Khi gây ra tai nạn, cậu ta còn lớn tiếng: “Có giỏi thì kiện tao đi, cha tao là Lí Cường đấy”.
Hiện tượng “Cha tao là Lý Cường”, hay “Cha tao là Lý Song Giang” không phải là trường hợp riêng lẻ ở Trung Quốc. Bởi vậy, vấn nạn Con ông cháu cha đang trở thành đề tài thời sự nóng bỏng ở nước này. Courrier International chỉ rõ, nói “Thế hệ thư hai” ở đây, chỉ là đề cập đến con em của quan chức, của đại gia và của các ngôi sao. Đó là những cô cậu ấm tưởng mình ở trên pháp luật và không hề biết ngần ngại hay có lòng trắc ẩn khi gây hại cho người khác.
Báo chí lên án hệ thống giáo dục, sự vô trách nhiệm của bố mẹ và quan ngại về nguy cơ bất ổn xã hội mới này. Trong khi đó, cư dân mạng thì đi xa hơn. Họ lên án bất công xã hội, hiện tượng “vô pháp vô thiên” và bênh vực lẫn nhau giữa những người giàu có thế lực. Theo Courrier International, dù bề ngoài có vẻ khác nhau, nhưng những đại gia giàu có, những ngôi sao nổi tiếng và các quan chức của Đảng đều thuộc giai tầng xã hội được ưu ái. Theo số liệu chính thức được công bố gần đây, tại Trung Quốc, 90% tỷ phú vốn là con em quan chức lãnh đạo.
Thế lực gia đình: con dao hai lưỡi!
Đi sâu hơn vào chi tiết vụ việc, Courrier International trích dẫn bài báo đề tựa: “Từ cô cậu ấm đến những bật cha mẹ không xứng đáng” của tờ Quốc tế tiên Khu đạo báo Trung Quốc.
Trước tiên, tờ báo cho rằng, nguyên nhân chính là do những người nổi tiếng, như các ngôi sao chẳng hạn, không có thời gian dành cho việc chăm sóc và dạy dỗ con cái. Đặc biệt, đối với giới nghệ sỹ, đời sống tình cảm thiếu ổn định của họ cũng là nguyên nhân khiến họ trở nên ít được tôn trọng hơn trong mắt con cái. Để bù đấp cho thiếu thốn tình cảm, họ cho con họ sống trên đống vàng. Bởi thế, theo tờ báo, thật không có gì ngạc nhiên khi những đứa trẻ vốn quá quen với việc “được cung phụng đến tận mây xanh” tỏ ra ngạo mạn và xấc xược.
Nguyên nhân kế tiếp có thể kể đến đó là tâm lí lo xa của các bật bố mẹ có thế lực và tiền của. Ngay khi con họ mới ra đời, họ đã lên sẳn một kế hoạch chi tiết từ A đến Z cho “tương lai tươi sáng” của bé. Vì thế, bé còn gì phải lo cho tương lai mình nữa, và còn phải phấn đấu làm chi cho phí sức.
Bên cạnh, tâm lí ỷ lại vào gia đình cũng không phải là nhỏ. Con em nhà giàu sang, có thế lực thường có phức cảm tự tôn, luôn đặt mình ở trên mọi người, vì thế trong cách cư xử đương nhiên là trịch thượng.
Cuối cùng tờ báo cho rằng, các bé tưởng đâu quyền lực của bố mẹ có thế lực là vô hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quyền lực này, luôn có những đường ranh giới vô hình. Một khi đường ranh giới này bị vượt qua, thì bỗng nhiên người cha đầy thế lực không còn là tấm chấn bảo vệ cho con mình nữa, mà lại trở thành nguồn phát sinh thảm họa. Đó chính là cái giá phải trả, là qui luật của trò chơi quyền lực mà con em nhà danh tiếng thế lực cần phải hiểu.
Vladimir Putin: trở lại điện Kremlin thì dễ, điều hành hiệu quả đất nước thì khó
Ông Vladimir Putin đã chính thức được đề cử thay mặt đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền ra tranh cử tổng thống năm 2012. Nếu ông đắc cử, tổng thống Medvedev sẽ trở thành thủ tướng. Sự trao đổi quyền lực của cặp đôi này đã được báo giới bàn luận khá nhiều. Tạp chí Le Nouvel Observateur tuần này đặc biệt chú ý đến những thách thức đang chờ đợi ông Putin khi ông trở lại điện Kremlin với bài viết :”Putin đến tận năm 2024”.
Tờ báo cho biết, do hiện vẫn đang rất được lòng dân nên chắc chắn ông Putin sẽ đắc cử tổng thống vào năm tới. Với nhiệm kỳ mới là 6 năm, như vậy ông sẽ làm chủ điện Kremlin đến năm 2018. Năm nay ông Putin mới 58 tuổi. Do đó, năm 2018, ông sẽ còn có thể tiếp tục tranh cử, và nếu tái cử ông sẽ làm tổng thống Nga đến tận năm 2024.
Nói về sự “đổi ghế” giữa tổng thống và thủ tướng, ông Putin thừa nhận rằng ông và ông Medvedev đã thỏa thuận từ lâu về vị trí mỗi người phải đảm nhận.
Nếu sự phân chia quyền lực theo hướng có lợi cho ông Putin đã diễn ra một cách dễ dàng, thì thách thức chờ đón vị chủ mới của điện Kremlin không phải là nhỏ. Sản xuất công nghiệp và nông nghiệp của Nga đang rất thấp. Nước này vẫn phải dựa vào nguồn năng lượng khí đốt. Nạn tham nhũng hoành hành dữ dội gây chán nản cho các nhà đầu tư. Khủng hoảng dân số ngày càng trầm trọng. Cơ sở hạ tầng quá củ kĩ, đòi hỏi phải có những khoản đầu tư khổng lồ để cải tạo.
Trong bối cảnh đó, chỉ có ông Alexei Koudrine, bộ trưởng tài chính, người theo đuổi chính sách kiểm soát chi tiêu và là gương mặt được giới đầu tư nước ngoài quí mến, đã dám bày tỏ phản đối về việc tổng thống Medvedev trở thành thủ tướng vì cho rằng ông Medvedev là người chi tiêu xa xỉ. Tổng thống Medvedev đã chấp nhận cho ông Koudrine từ chức.
Nói về những người biểu tình phản đối việc ông Putin trở lại điện Kremlin, Le Nouvel Observateur cho biết họ không chiếm đa số, bới chỉ độ khoảng vài trăm.
Trục ngoại giao chiến lược Thỗ Nhĩ Kì-Ai Cập đang thành hình
Trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế, Le Nouvel Observateur quan tâm đến liên minh đanh thành hình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập với bài viết: “Trục Cairo-Ankara”.
Trong khu vực, có ba nước từng thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel là Ai Cập, Thổ Nhĩ Kì và Jordani. Thế nhưng, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kì đã cho triệu hồi đại sứ ở Israel về nước, và đã có động thái xích lại gần nhau, một động thái gây lo ngại cho Israel và Hoa Kỳ.
Hiện tại, kế hoạch liên minh giữa Cairo và Ankara chỉ trong lĩnh vực kinh tế. Sau vụ tòa đại sự Israel tại Cairo bị tấn công, chính quyền mới của Ai Cập dù vậy vẫn chưa có ý định chấm dứt hiệp ước hòa bình ký năm 1979 với Israel.
Thế nhưng, về phần mình, nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kì không dấu ý định phát triển quan hệ với Ai Cập trong nhiều lĩnh vực khác để biến Ai cập thành đồng minh thay thế cho hai đồng mình đã mất lòng nhau là Syria và Israel.
Đối với Syria, Thổ Nhĩ Kì phê phán chính phủ Assad tiếp tục đàn áp người biểu tình dù đã hứa với Thổ Nhĩ Kỳ là sẽ đàm phán. Còn đối với Israel, thì thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ là ông Recep Tayyib Erdogan vốn được xem là “người bảo vệ” cho người Palestine. Hơn nữa, Ankara còn giận dỗi Tel-Aviv sau vụ 9 công dân Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt mạng do lính Israel hạ sát trên một chiếc tàu nhân đạo toan vượt sự phong tỏa của Israel ở Gaza hồi năm 2010.
Tờ báo nhắc lại, trong chuyến công du đến Tunisia, Libya và Ai Cập hồi đầu tháng này của thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan, nhiều thỏa thuận kinh tế đã được ký kết. Nhân đó, trục Cairo-Ankara bắt đầu được xem xét.
Bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ còn cho biết, giữa nước ông và thế giới Ả Rập có nhiều điểm tương đồng tâm lí. Ông cũng nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập là hai nước đông dân nhất và có nền quân sự mạnh nhất khu vực. Sự phát triển mối quan hệ hữu hảo này gây lo ngại cho nhiều nước. Israel, Iran và Ả Rập Xê Út đương nhiên có cái nhìn không thiện cảm.
Vừa rồi, Thổ Nhĩ Kì đã đồng ý cho quân đội Nato thiết lập trên lãnh thổ mình hệ thống rada dùng cho việc theo dỏi và đề phòng tên lửa của Iran bắn vào Châu Âu. Le Nouvel Observateur đặc câu hỏi, có phải bằng động thái này, Thổ Nhĩ Kì muốn trấn an phương tây về trục chiến lược Cairo-Ankara?
Trong lĩnh vực địa chính trị, nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 10 có bài “Ngoại giao thông đồng và trật tự thế giới”.
Tờ báo nhận định, kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh đến hiện tại, thật khó mà chỉ rõ được trật tư thế giới mới, dù “ban lãnh đạo thế giới” G8 đã và đang ra sức khẳng định mình.
Thói “trưởng giả phương tây” vẫn còn đó và đang tiếp tục bám vào các ưu thế dành cho mình. Hiện tại, phương tây không còn giải thích cho những ưu thế đó bằng cuộc chiến chống cộng sản, mà nhân danh tự do, dân chủ, nhân quyền.
Ông Bertrand Badie, thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (CERI) tại Paris, nhận định, dưới lớp áo văn hóa “hoàn toàn tưởng tượng” này, phương tây đang vẽ ra một không gian thiếu ý nghĩa khách quan, không cơ sở địa lí, lịch sử và xã hội.
Tờ báo cho rằng, trật tự thế giới cũ đã bị xáo trộn với sự nổi dậy của các nước mới phát triển, như Trung Quốc và Braxin chẳng hạn. Họ ngày càng muốn tiếng nói của mình trở nên có trọng lượng, tương xứng với vị thế mới của mình. Theo tờ báo, vì thế, mà khối G8 đã toan dập tắt thị phi bằng cách cho họ họp thành khối G20.
Nhắc đến khối G8 hay G20, tờ báo cũng dẫn lời ông Badie cho rằng, nếu G8 thì cả thế giới có đến 184 nước nằm ngoài cuộc chơi, mà nếu là G20 thì con số đứng ngoài cuộc là 172 nước.
Hiện tượng có quá nhiều nước nằm ngoài cuộc chơi này, theo ông Badie, là một sai lầm, bởi về mặt khách quan, nó hạn chế những khả năng điều tiết toàn cầu, còn trên phương diện chủ quan thì nó gieo rắc tâm trạng không thỏa mãn, cảm giác tủi nhục, sự thù hận và ngay cả bạo lực.
Báo động toàn cầu về hiện tượng lạm dụng thuốc kháng sinh
Đến với lĩnh vực y tế, Le Nouvel Observateur có bài viết: “Báo động về thuốc kháng sinh”. Tuần rồi, hội thảo chuyên ngành về bệnh viêm nhiểm ở Chicago đã cảnh báo về hiện tượng kháng thuốc kháng sinh trên thế giới. Một chuyên gia của Pháp nhấn mạnh: “Tình hình đã trở nên trầm trọng. Trong những năm tới, chúng ta không còn có thể cứu được mạng người do chúng ta đã làm cho thuốc kháng sinh mất hiệu nghiệm”.
Một thế giới không thuốc kháng sinh có thể sẽ khiến cho các bệnh viêm phổi, viêm màng nảo, và các bệnh viêm nhiểm khác trở nên đáng sợ như hồi thời trung cổ. Một câu hỏi đặt ra là: Do đâu sau 83 năm kể từ khi đưa thuốc kháng sinh vào sử dụng, thế giới lại lâm vào tình cảnh này?
Câu trả lời theo các chuyên gia và do tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh của bác sỹ, bệnh nhân và của người chăn nuôi. Họ luôn có tham vọng tiêu diệt ngay lập tức các loại vi khuẩn nói chung.
Các chuyên gia nhấn mạnh sự khác biệt giữa vi khuẩn (bacteria) và vi rút (virus). Các loại kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng đối với vi rút vốn là thủ phạm gây ra hơn 80% bệnh viêm nhiểm mà trong nhiều năm nhiều thầy thuộc không biết đã kê toa chỉ định kháng sinh.
Thật ra, ruột con người chứa đầy vi khuẩn (bacteria), chúng nằm đó mà không hề có ý muốn tấn công nào. Nhưng nếu bị tấn công, chúng lập tức phản ứng chống lại kẻ thù. Cơ chế tự vệ đó được truyền từ dời này qua đời khác, và dần theo thời gian sẽ cho ra đời những chủng vi khuẩn mới có khả năng kháng thuốc kháng sinh.
Còn trong ngành chăn nuôi, theo thống kê, năm rồi, đã có đến 1 000 tấn thuốc kháng sinh được sử dụng cho mục đích tăng trọng vật nuôi.
Riêng tại Pháp, từ tháng 9/2010 đến tháng 8/2011, đã có đến 131 064 303 hộp thuống kháng sinh được bán ra với giá trị lên đến 700 triệu euro.
.
.
.
No comments:
Post a Comment