Saturday, October 8, 2011

MỸ - PAKISTAN - TRUNG QUỐCTRONG VÁN CỜ AFGHANISTAN (Đinh Xuân Quân)



Đinh Xuân Quân
Friday, October 7, 2011

Trong nhiều năm, nhất là từ sau 9/11- 2001, Hoa Kỳ đã giúp quân đội Pakistan – một lực lượng với trên 610,000 quân với 500,000 quân trừ bị - nước Hồi giáo duy nhất có khí giới hạt nhân. Mỹ muốn được sự hợp tác của Pakistan trong thế cờ Afghanistan và để chống lại khủng bố Taliban. Tổng Thống Pakistan lúc đó Tướng Pervez Musharraf xoay chiều và nghiêng hẳn về Mỹ. (TT Musharraf có gặp thứ trưởng ngoại giao Mỹ ông Armitage. Ông này nói nếu quý vị không giúp nước Mỹ chống khủ bố thì Mỹ sẽ ném bom Pakistan không còn một mảnh giáp – the then deputy secretary of state Richard Armitage warned Pakistan’s leadership that it would be ‘bombed back into the Stone Age’ if it did not support America’s invasion of Afghanistan).

Viện trợ quân sự cho Pakistan đứng thứ nhì, sau Israel mà thôi. Trung bình hàng năm Pakistan nhận trên một tỷ đô để đưa quân về phía Tây, nơi sát biên giới với Afghanistan (còn gọi là đường Durand). Quan hệ Mỹ-Pakistan không mấy “vui vẻ” vì một bên Mỹ muốn Pakistan giúp họ, trong khi Pakistan vẫn còn có nhiều quan hệ với các nhóm khủng bố và việc Pakistan không mấy hài lòng vì các máy bay không người lái gọi là “drone” vẫn tiếp tục hoành hành tại vùng biên giới.

Sau vụ lực lượng đặc biệt Mỹ tổ chức cuộc triệt hạ trùm Al Qaida Osama Bin Laden thì có nhiều “trách móc giữa Mỹ và Pakistan.” Phía Mỹ thì bị trách đánh mà không báo cho phía Pakistan, trong khi Mỹ lại tỏ ý phiền hà Osama có mặt tại thành phố của trường sĩ quan Pakistan tại Abbottabad trong nhiêu năm mà không ai biết. Thủ tướng Pakistan ông Gilani đã bay qua thăm TQ và khi trở về đã được tặng 50 máy bay chiến đấu cơ JF 17. Mới đây bộ trưởng an ninh TQ cũng viếng thăm Pakistan.

Ngày 25 tháng 9, 2011 vừa qua, Tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ đô đốc Mike Mullen, trước khi về hưu “tố” trước uỷ ban quốc phòng của Thượng Viện là Pakistan chủ mưu trong vụ đánh toà đại sứ Hoa Kỳ tại Kabul và đứng đàng sau giựt dây nhiều vụ tấn công quân đồng minh tại Afghanistan. Đây là vụ “tố” thẳng thừng nhất từ trước đên nay.

Pakistan và Mỹ đang đi tới con đường bế tắc trong quan hệ ngoại giao và quân sự. Bế tắc vì vấn đề chính sách quốc phòng đối với Ấn và Afghanistan. Sự thật ra sao về quan hệ Pakistan – Trung Quốc? Bàn cờ Afghanistan ra sao?

Chính sách và những lo ngại của Pakistan

Từ khi độc lập vào năm 1947, Pakistan đã có ba cuộc chiến với Ấn Độ và lần nào Pakistan cũng không thành công. Lúc đầu khi độc lập các thành phần Hồi giáo được đưa qua Pakistan phần Đông (Đông Hồi - Bangldesh) và Tây (Tây Hồi - Pakistan hiện nay). Sau các cuộc chiến với Ấn Độ thì Pakistan chỉ còn phần Tây mà thôi vì Bangldesh đã trở thành độc lập.

Pakistan lúc nào cũng lo ngại bị Ấn bao vây – và họ luôn luôn dàn quân theo biên giới Pakistan/Ấn Độ để sẵn sàng chiến đấu. Song song với việc này lúc nào họ cũng tham gia vào việc gây bất ổn tại Afghanistan.

Cũng nên nhớ là Pakistan là đường ra biển của Nga và khi quân Liên xô chiếm Kabul, thì Pakistan cùng Mỹ và Saudi giúp phe kháng chiến Afghanistan còn gọi là Mujahedeen đánh quân Liên xô.

Vì vị trí địa lý, Pakistan trở nên quan trọng trong chính sách của các cường quốc Mỹ, Nga và TQ chưa kể các nước trong vùng như Ấn, Iran và Arập Saudi. Đối với Afghanistan thì Pakistan sẽ là “hậu cần – tiếp tế” cho quân đội NATO tại Afghanistan. Đối với TQ và Nga thì Pakistan là đường ra biển về phía Nam của họ. Do đó chính trị và ngoại giao của Pakistan sẽ bị các đối tác này ảnh hưởng dù có Afghanistan hay không.

Trong thời kỳ chiến tranh với quân Liên xô thì tất cả các phe Taliban hay Haqqani Hồi giáo quá khích đều được CIA-ISI của Pakistan và Saudi ủng hộ và nuôi dưỡng qua việc cấp tiền và súng để chống quân Liên xô.

Sau khi quân Liên xô rút thì CIA bỏ quên các phong trào này cho đến ngày 9/11, khi quân Mỹ trở lại và lúc bấy giờ tình hình thay đổi hẳn.

Với phong trào Hồi giáo quá khích, Taliban có thể lan tràn từ Afghanistan qua Tajikistan, Kyrgyzstan hay có thể qua Tân Cương của TQ nữa. Như vậy Pakistan có cơ hội có tiếng nói trong việc chống khủng bố Hồi Giáo.

Quan hệ Pakistan-TQ có phải đồng minh hay không?

Vào tháng 5- 2011, Thủ Tướng Gilani của Pakistan đã viếng TQ trong 4 ngày để đánh dấu 60 năm quan hệ Trung-Pakistan.

Chuyến viếng thăm này cho thấy là Pakistan không mấy tin Hoa kỳ. TQ là nước thân với Pakistan, là nước bán vũ khí cho Pakistan trong tranh chấp Pakistan - Ấn. TQ bán chiến đấu cơ J-10 và tàu chiến loại F-22P frigate. Các công ty Pakistan cùng sản xuất chiến đấu cơ JF 17 và hai bên trao đổi tin tức và hợp tác chặt chẽ về quốc phòng. Trong thập niên 80 và 90, TQ đã trao đổi nhiều bí mật hạt nhân cho Pakistan và cũng giúp Pakistan xây dựng nhà máy điện nguyên tử.

Về quân sự, hợp tác Pakistan-TQ gồm dự án các nhà máy đạn dược, cùng chế tạo máy bay khu trục JF-17, máy bay K8- Karakorum (máy bay huấn luyện), máy bay AWACS, chiến xa Al Khalid và hỏa tiễn Babur.

Thương mại giữa hai bên dưới $10 tỷ, ít hơn Mỹ nhiều, nhưng có rất nhiều kỹ sư, cố vấn TQ làm việc tại Pakistan.

Một bất đồng khác giữa Pakistan và Mỹ là về hạt nhân. Trên thế giới có NSG (Nuclear Supplier Group) nghĩa là các nước trong nhóm này sẽ không cung cấp hạt nhân cho nước nào không ký hiệp định hạt nhân của Liên Hiệp Quốc. Pakistan trách Mỹ có chính sách đối xử không công bình, đã hỗ trợ cho Ấn về vấn đề hạt nhân dân sự (đây là chính sách của Mỹ, giúp đỡ Ấn cho cân bằng với TQ) trong khi không giúp cho Pakistan khi nước này cần hạt nhân dân sự (nhà máy điện nguyên tử). TQ giúp Pakistan trong việc này.

Trục Pakistan – TQ đã có hơn nửa thế kỷ và ngày một gần nhau. Quan hệ ngoại giao Pakistan – TQ bắt đầu từ 1950 khi Pakistan là một trong những nước đầu tiên công nhận TQ. Từ cuộc chiến giữa TQ và Ấn Độ vào năm 1962, quan hệ này ngày càng khắng khít: đi từ việc có quan hệ ngoại giao vào năm 1950 đến viện trợ quân sự vào 1966 và quan hệ kinh tế vào 1979. TQ là nước trợ cấp về quân cụ và đứng thứ 3 về quan hệ kinh tế.

Về kinh tế, TQ giúp Pakistan xây dựng hạ tầng cơ sở, nhà máy điện, và đầu tư khai thác hầm mỏ. Mới đây TQ đã rút khỏi các dự án hầm mỏ. Các dự án phát triển kỹ nghệ của TQ trị giá khoảng trên $19 tỷ. So sánh, ta thấy Mỹ đầu tư vào Pakistan trung bình gần 1,000 tỷ/năm trong khi TQ chỉ ở mức vài chục triệu.

Sau đây là những mốc chính trong quan hệ TQ – Pakistan:

1950 – công nhận TQ.
1951 – Bắc Kinh và Karachi lập quan hệ ngoại giao
1963 - Pakistan ký hiệp ước biên giới nhường Karakoram Tract cho TQ.
1970 - Pakistan giúp tổ chức chuyến Nixon đi gặp Mao.
1978 – Xa lộ Karodoram nối Pakistan với TQ được khánh thành.
1980s – TQ và Mỹ giúp chống lại Liên xô
1986 – TQ Pakistan ký hiệp ước hạt nhân
1999 – TQ xây nhà máy điện hạt nhân 300-megawatt tại tỉnh Punjab
2001 – Dự án hỗn hợp về xe tăng MBT 2000 (Al-Khalid)
2002 – Xây cảng Gwadar
2003 – Dự án xây dựng $110 triệu tại Lahore
2007 – Dự án máy bay JF 17
2008 – Hiệp ước tự do mậu dịch TQ-Pakistan
2008 - Pakistan và TQ xây đường xe lửa Karadoram - cảng Gwadar
2008 – Chiến hạm F 22P được vào hải cảng Pakistan
2010 – Hành quân hỗn hợp chống khủng bố
2010 – TQ viện trợ $260 million cho vụ lụt
2011 - Pakistan mua hỏa tiễn SD 10 của TQ cho không quân

Trong quan hệ kinh tế - ngoại giao, lúc nào Pakistan cũng dùng TQ như là đòn bẩy đối với Ấn hay Mỹ. Pakistan ví quan hệ Pakistan – TQ như quan hệ Israel – Mỹ.

Quan hệ Ấn - TQ

Pakistan không phải là con cờ duy nhất của TQ tại Ấn Độ Dương. Tại đây TQ tăng gia quan hệ ngoại giao và quốc phòng với các xứ như Myanmar (Miến Điện), Nepal, Sri Lanka, Bangladesh, Bhutan, và Maldives.

Ấn và TQ có một cuộc đụng độ năm 1962 tại Kashmu trong vùng Hi Mã Lạp Sơn. Mặc dù TQ-Ấn có hoà giải nhưng TQ cạnh tranh ảnh hưởng với Ấn: tại Nepal, xây đường xe lửa từ Tibet đến Katmandu; tại Bangldesh các công ty TQ đang xây cảng Chittagong; tại Sri Lanka, TQ đã trở thành nước viện trợ lớn nhất và đầu tư cho cảng Hambantota; và nhất là tại Miến Điện, TQ gần như là kẻ đô hộ. / Nhìn chung trong vùng, Ấn thấy họ đang bị TQ bao vây.

Các tranh chấp Pakistan – Mỹ và Afghanistan

Từ 2003, chính phủ Afghanistan lúc nào cũng nhắc đồng minh Hoa Kỳ là những người đứng đàng sau Taliban là cơ quan tình báo ISI của Pakistan. Hoa Kỳ lúc đó chưa tin vì nghĩ là có thể “ve vãn” thay đổi lập trường Pakistan qua viện trợ ồ ạt.

Dần dần quân NATO cũng thấy là mọi chuyện không như họ muốn. Những khó khăn đầu tiên là khi Pakistan bắt một chuyên viên CIA dưới dạng ngoại giao đoàn. Ông này đã bắn chết hai người Pakistan vì cho là họ cướp ông ta. Sau nhiều tháng ông này bị trục xuất sau khi trả tiền chuộc cho gia đình nạn nhân (theo Hồi giáo thì eyes for eyes). Sau đó có nhiều vụ xẩy ra mà bây giờ ta mới đọc thấy các bản báo cáo khi một số sĩ quan Mỹ và Afghanistan bị mai phục sau khi họ bay qua Pakistan với lời mời của Pakistan để thương thuyết biên giới.

Ông Rabbani, cựu TT Afghanistan, người đứng đầu uỷ ban điều đình hoà bình bới Taliban mới bị ám sát. Tình báo Afghanistan bắt được vài thành viên và họ cho rằng kẻ ám sát ông Rabbani là người Pakistan.

Chính phủ Afghanistan lúc nào cũng nói là chính cơ quan ISI phá đám – cho Taliban dưỡng quân bên Pakistan rồi qua Afghanistn đánh phá – như VC làm tại Kampuchia trước đây. Họ cho là Pakistan phá đám vì sợ Afghanistan mạnh và đi với Ấn thì Pakistan sẽ bị kẹp vào giữa.

Đã từ lâu Afghanistan không mấy có cảm tình với nước láng giềng Pakistan. Cũng vì vụ ám sát Rabbani, TT Karzai đã sang Ấn Độ. Vào ngày 4 tháng 10 Tổng Thống Hamid Karzai và Thủ Tướng Manmohan Singh của Ấn đã ký một thỏa thuận đối tác chiến lược nhằm củng cố quan hệ song phương. Thỏa thuận này bao gồm vấn đề hợp tác an ninh, quan hệ thương mại và kinh tế, giao lưu văn hóa và xã hội. Đây là thỏa thuận toàn diện đầu tiên Afghanistan đã ký với nước ngoài kể từ khi chiến tranh Afghanistan khởi sự hồi năm 2001. Việc này sẽ làm Pakistan tức giận thêm nhưng theo Afghanistan thì Pakistan “quá trớn.” Cả hai chính phủ Ấn Độ và Afghanistan đều tố cáo Pakistan là gây “bất ổn” tại Afghanistan và dĩ nhiên Pakistan đã bác bỏ cáo buộc này.

Đối với Hoa kỳ, cựu Bộ trưởng quốc phòng Gates không muốn làm quá đối với Pakistan nhưng nay ông ta đã ra đi và các người thay thế ông là ông Panetta (BT quốc phòng) và tướng Petraus (đứng đầu CIA) sẽ không nể Pakistan như những người tiền nhiệm ông ta.

Chính phủ Obama không còn “tin vào đồng minh Pakistan của mình nữa.” Thực tế cho thấy một số chuyện sau đây:

Đầu năm 2010 đã có khó khăn giữa Mỹ và đồng minh Pakistan. Ông Raymond Davis (làm việc cho CIA) không được công nhận có quy chế ngoại giao mặc dù trên giấy tờ được quy định như vậy. Pakisan trục xuất một số huấn luyện viên quân sự Mỹ và việc Pakistan làm khó dễ về chiếu khán cho Mỹ thấy đây là kẻ đồng minh khó tin được. CIA tố là Haqqani đứng sau vụ đánh bom vào 2008 trong đó 7 nhân viên CIA thiệt mạng. Hai trưởng cơ quan CIA tại Pakistan đã phải ra đi vì họ bị Pakistan tố vào cuối 2010 và đầu 2011.

Một số vụ ném bom của máy bay không người lái đã làm cho bang giao Mỹ- Pakistan nặng nề thêm. Nên nhớ là tại Pakistan có một số vùng mà chính phủ trung ương không có mặt (gọi là FATA – Federal Agency for Tribal Areas) và là nơi các bộ lạc được tự do cho phép Taliban và nhóm Haqqani trú ẩn. Mỹ luôn yêu cầu quân đội Pakistan càng quét vùng này mà không được hồi âm. Tình báo Mỹ có cho Pakistan biết là trong vùng Waziristan có nhiều Taliban và Haqqani và khuyến cáo quân đội Pakistan chiếm vùng này nhưng luôn luôn bị từ chối mặc dù Mỹ tài trợ việc này.

Việc lực lượng đặc biệt Mỹ hạ sát Osama (mà không báo cho Pakistan) người đã ẩn núp trên đất Pakistan trong nhiều năm cho thấy là Pakistan không thật tình giúp đồng minh. Theo báo cáo của ông Panetta trùm CIA cho QH thì một là quân đội Pakistan âm mưu việc này hay là họ làm việc không có hiệu quả. Các TNS và thành viên QH Mỹ rất bực mình vì quân đội Pakistan đã không sử dụng tốt viện trợ Mỹ và là nơi trú ẩn cho quân Taliban sang Afghanistan giết quân NATO. Do đó họ cúp $800 triệu viện trợ cho quân đội Pakistan.

Gần đây các cú điện thoại của quân Taliban cho thấy tình báo Pakistan có dính vào vụ 77 binh sĩ Hoa kỳ bị thương tại tỉnh Wardak khi một Taliban cảm tử cho nổ xe của anh ta. Gần đây nhất một số quân Taliban đã lọt tới gần Toà Đại sứ Mỹ tại Kabul.

Về phần Pakistan, họ có kinh nghiệm là Mỹ đến và giúp trong ngắn hạn (thời kỳ Liên xô và thời kỳ 9/11) và họ sẽ đi vào khoảng 2014. Vì vậy Pakistan phải cố tìm một giải pháp để kiểm soát Afghanistan qua các nhóm Taliban đồng thời phá vỡ vòng vây của Ấn. Họ biết là Mỹ sẽ giảm quân và sẽ không mấy cần Pakistan.

Chính Pakistan cũng bị nhóm Hồi giáo cực đoan gây khó khăn. Chính sách hiện nay của Pakistan đã làm cho Afghanistan thiên về Ấn và mặc dù họ có phá thì chỉ một phần mà thôi và như thế Pakistan khó có thể có phát triển kinh tế.

Vậy tương lai sẽ ra sao? Mỹ đã thay thế đường tiếp tế quân sự qua phía Bắc (qua Nga, Kyrgystan, vv) và nay đường tiếp tế quân NATO qua Pakistan đã giảm từ 90% xuống còn 50%. Mỹ tin tưởng là họ có thể tiếp tế cho quân NATO mà không cần qua Pakistan.

Nếu Pakistan tẩy chay - không hợp tác với Mỹ thì các chuyên gia cho là Pakistan sẽ thiệt hại nặng. Không ai viện trợ cho Pakistan (vừa rồi Pakistan bị lụt – chẳng ai giúp cả). Khi bị lụt kỳ 2010 Mỹ giúp Pakistan $150 triệu trong khi TQ giúp $5 triệu – một đóng góp coi như rất nhỏ.

Nhờ Mỹ, trong quá khứ Pakistan đã qua các cơn khó khăn kinh tế qua viện trợ và vay IMF. Trong trường hợp cần thiết, Pakistan có thể bị Mỹ coi là một chính phủ che chở cho khủng bố và các viện trợ sẽ bị cắt.

Tuy nhiên đó không phải con đường ngoại giao tối ưu /. Chính đô đốc Mullen nói là có quan hệ còn hơn không. Ngoại giao Mỹ có làm việc với TQ. Theo đô đốc Willard – tham mưu trường hải quân vùng Thái Bình Dương "thì ai cũng mong muốn là Afghanistan ổn định và Pakistan và Ấn Độ có quan hệ tốt.”

Tạm kết:

Pakistan luôn luôn lo chiến tranh vì quân đội nắm quyền – chính phủ dân sự yếu. Lúc nào cũng lo đua với Ấn Độ cho nên phát triển kinh tế yếu – và sẽ không mang nước này lên mức độ phát triển.

Mới đây dân chúng xuống đường vì thiếu điện. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Pakistan trong một giai đoạn nhạy cảm, Thủ tướng Pakistan Gilani nhấn mạnh tầm quan trọng của viện trợ năng lượng của Mỹ để duy trì ổn định. Theo các chuyên gia thì nếu Pakistan nghiêng hẳn về TQ thì họ lầm to vì TQ không có khả năng thay thế Mỹ về viện trợ quân sự và kinh tế, và chính TQ cũng biết điều đó – họ không thể giúp Pakistan như Mỹ đã giúp.

Pakistan có cái nhìn rất thiển cận, cho là Mỹ bỏ rơi họ nhiều lần trong thời kỳ tranh chấp với Ấn cho nên họ nghiêng về TQ. Pakistan tưởng mình có vị trí chiến lược nên sẽ thành nước lớn. Một khi Mỹ hạ được hết các trùm Taliban, họ sẽ giúp Afghanistan một thời gian và sẽ rời khu vực này. Pakistan sẽ mất một dịp phát triển và mở mang đất nước. Trong khi đó dân số tăng mau chóng mà hầu như chẳng có cơ hội nào để thăng tiến.

DXQ

1/ Xin xem bài cùng tác giả trong Diễn Đàn Thế kỷ (www.diendantheky.net) về chuỗi hạt trai
2/ Jeff M. Smith, Kraemer Strategy Fellow at the American Foreign Policy Council

.
.
.

No comments: