Tạp chí “Statafrik”
Tài liệu Tham khảo đặc biệt
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Thứ bảy, ngày 08/10/2011
TTXVN (Angiê 5/10)
Posted by basamnews on 09/10/2011
Trung Quốc và Ấn Độ đang nhòm ngó nguồn tài nguyên thiên nhiên của Mianma. Vùng hẻo lánh của châu Á này liệu có làm nên chuyện trong thế kỉ 21 này và có giúp được dân chúng không phải trả giá cho tham vọng của nước ngoài không? Với nhận định Mianma đang trở thành cuộc chơi địa chính trị tầm cỡ của châu Á, tạp chí “Statafrik” phân tích dưới đây những cơ hội và thách thức đang đặt ra với cả Mianma lẫn châu Á cũng như các tác nhân chính như Trung Quốc và Ấn Độ trong việc thay đổi vai trò và vị trí của châu lục này trong tương lai.
Khi địa lý thay đổi, các mối quan hệ cũ giữa các nước được thay thế bằng các mối liên hệ mới, người xa lạ trở thành láng giềng và các vùng xa xôi biến thành các vùng có tính chiến lược cao. Đó là điều đã xảy ra khi kênh đào Xuyê nối liền châu Âu với Ấn Độ Dương hay khi mạng lưới đường sắt làm biến đổi miền Tây nước Mỹ và miền Đông nước Nga… Lúc đó, có nhóm suy tàn, có nhóm lại phát triển.
Những năm gần đây, địa lý châu Á thay đổi sâu rộng, lần đầu tiên nối Trung Quốc với Ấn Độ thông qua nơi ngày xưa là một vùng biên giới bị lãng quên dài 1.500 km, chạy từ Calcutta đến vùng bình địa sông Dương Tử. Đối với Mianma, nước từ lâu bị phương Tây coi là một chế độ không thể kiểm soát được và nằm trong só các nước hung bạo nhất về vi phạm nhân quyền, sắp tới có thể đứng ở nút giao cắt của thế giới với tầm chiến lược cao. Nhờ có một số dự án hạ tầng quy mô cực lớn, một môi trường đáng lẽ mãi mãi bị coi là không thân thiện, sẽ được thuần hoá. Hơn nữa, Mianma và các vùng lân cận, sau một thời gian dài là hàng rào ngăn cách giữa hai nền văn minh lâu đời, đang đứng trước một bước ngoặt của lịch sử nước mình và phương diện dân số, môi trường và chính trị. Việc các vùng biên giới cũ mở ra đã định hình lại châu Á.
Trong nhiều thiên niên kỷ, Ấn Độ và Trung Quốc không đến với nhau một mặt là do những cánh rừng nhiệt đới không thể vượt qua được với căn bệnh sốt rét làm nhiều người chết nhất và thú dữ, mặt khác vì dãy Himalaya và vùng hoang mạc cao nguyên Tây Tạng tạo ra cách trở. Hai nước tạo cho mình một nhân dạng riêng, không ai giống ai, trên cả phương diện sắc tộc, ngôn ngữ lẫn văn hoá. Từ Trung Quốc muốn đến Ấn Độ hay ngược lại, các tu sĩ, nhà truyền giáo, nhà buôn và nhà ngoại giao đều phải đi bằng lạc đà hay ngựa vượt qua hàng nghìn cây số, đi qua các ốc đảo và sa mạc ở vùng Trung Á và Ápganixtan. Đôi khi họ phải đi bằng tàu thuỷ qua vịnh Bengan, rồi vịnh Malắcca để đến Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
Cùng với việc quyền lực kinh tế chuyển sang Đông, định hình của phương Đông cũng thay đổi. Đường biên giới rộng lớn của châu lục này đang bị xoá nhoà đến nỗi châu Á sắp tới sẽ tạo thành một khối vững chắc.
Mianma, nước đầu tiên có liên quan
Mianma nằm ở trung tâm những sự biến đổi đó. Mianma không phải là một nước nhỏ vì diện tích nước này tương đương với của Pháp và Anh cộng lại. Nhưng dân số Mianma (60 triệu người) lại tương đối là ít so với 2,5 tỷ người của hai nước láng giềng lớn. Trên thực tế, Mianma là mắt xích nối giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Đó là một cực không ai dám nghĩ đến trong thế kỷ 21. Một trong những nước nghèo nhất thế giới, tan hoang sau một loạt các cuộc xung đột vũ trang dường như bất tận. Từ gần 50 năm nay, các chế độ quân sự – hay do quân đội thống trị – nối tiếp nhau lên cầm quyền. Năm 1988, sau vụ đàn áp đẫm máu một cuộc biểu tình đòi dân chủ, một nhóm quân sự mới đã chiếm đoạt được chính quyền. Nhóm quân sự này chấp nhận ngừng cuộc chiến chống những người nổi loạn trước đây theo chủ nghĩa cộng sản và “sắc tộc” và muốn dần dần thoát khỏi sự cô lập do họ tạo ra. Nhưng trước các chính sách đàn áp, phương Tây nhanh chóng ban hành các biện pháp trừng phạt. Hơn nữa, nạn tham nhũng gia tăng cộng với lãnh đạo tồi đã nhanh chóng làm thui chột mọi niềm hy vọng mang lại tiến bộ, dù chỉ về phương diện kinh tế.
Vào giữa những năm 1990, quan điểm của các nước phương Tây về Mianma hầu như không thay đổi: họ coi đó là một nước quá xa xôi, không phù hợp với thời đại, bị phá sản, một vương quốc ác độc của những nhóm quân sự và những kẻ buôn ma tuý. Nhưng Mianma cũng có nhưng nhà hoạt động dân chủ dũng cảm, trong đó đầu tiên phải kể đến một phụ nữ: Aung San Suu Kyi. Đó là một nước cần có viện trợ nhân đạo và đứng ngoài sự trỗi dậy về kinh tế của châu Á ở tầm thế giới.
Quan điểm khác của Trung Quốc
Tuy nhiên, Trung Quốc lại có cách nhìn khác về Mianma. Trong khi phương Tây chỉ nhìn thấy vấn đề ở nước này và bằng lòng với việc nhắc đi nhắc lại những lời nhàm chán và gửi đến đây một chút viện trợ, Trung Quốc lại thấy đây là vận hội và quyết định thực hiện thay đổi trên thực địa.
Bắt đầu từ nửa sau của những năm 1990, Trung Quốc đã bắt đầu công bố kế hoạch nhằm nối liền các vùng đất nằm sâu trong nội địa của mình với vùng bờ biển Ấn Độ Dương. Vào giữa những năm 2000, Trung Quốc đi vào thực hiện các dự án này. Nhiều con đường mới bắt đầu chạy ngang dọc qua các vùng núi cao của Mianma, nối vùng nằm sâu nhất trong nội địa Trung Quốc thẳng đến Ấn Độ và vùng nước ấm của vịnh Bengan.
Một trong những trục đường lớn đó dẫn đến một hải cảng mới được xây dựng với chi phí lên tới nhiều tỷ USD và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng công nghiệp từ các vùng miền Đông của Trung Quốc và nhập khẩu dầu mỏ từ vùng Vịnh Pecxích và châu Phi. Dầu mỏ được vận chuyển qua một đường ống mới dài 1.600 km chạy tới các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc nằm ở tỉnh Vân Nam. Một đường ống dẫn khí đốt chạy song song giúp vận chuyển khí đốt tự nhiên khai thác từ ngoài khơi Mianma về để sản xuất điện phục vụ các thành phố mọc lên như nấm ở Côn Minh và Trùng Khánh. Thêm vào đó là hơn 20 tỷ USD được đầu tư làm đường sắt cao tốc. Một số tuyến đường trước đây xây dựng phải mất nhiều tháng sắp tới có thể sẽ được thực hiện trong chưa đến một ngày. Những người phụ trách các công trình đó cho rằng từ nay đến năm 2016, có thể đi bằng tàu hoả từ Rangoon đến Bắc Kinh. Và một ngày nào đó, tuyến đường lớn đó sẽ kéo dài đến tận Niu Đêli và thậm chí có thể cả châu Âu.
Bang California của người Trung Quốc
Nếu Mianma trở thành bang California của người Trung Quốc thì sao? Đã lâu rồi thời mà Trung Quốc không thích thú khi nhìn chiếc hố ngăn cách về thu nhập ngày càng rộng ra giữa một bên là các thành phố và các tỉnh ven biển phồn thịnh ở miền Đông và bên kia là nhiều vùng hẻo lánh và nghèo ở miền Tây. Cái Trung Quốc còn thiếu là một vùng bờ biển ở phía Tây để giúp vùng nội địa có đường vươn ra biển và đến được các thị trường quốc tế đang mở rộng. Các trí thức Trung Quốc nói đến chính sách “hai đại dương”, một là Thái Bình Dương và hai là Ấn Độ Dương. Theo lôgíc này, Mianma làm đầu cầu cho đến vịnh Bengan và các biển thông với vịnh này.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nghĩ đến “thế bế tắc Malắcca”. Nền kinh tế Trung Quốc dựa rất nhiều vào dầu mỏ, và khoảng 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của nước này hiện nay phải đi qua eo biển Malắcca. Nằm gần Xinhgapo, eo biển này là một trong những con đường biển tấp nập nhất thế giới và phần hẹp nhất của nó chỉ rộng 2,7 km. Đối với các chiến lược gia Trung Quốc, eo biển này là một nút thắt cổ chai tự nhiên và ở đó các kẻ thù tự nhiên của Trung Quốc có thể phong toả hàng năng lượng nhập khẩu của nước này. Từ đó này sinh sự cần thiết phải có một tuyến đường khác thay thế.
Một lần nữa, ra biển từ Mianma có thể có những lợi thế: Trung Quốc có thể sẽ ít phụ thuộc hơn vào eo biển Malắcca và đó có thể là một cách để giảm đáng kể khoảng cách giữa các nhà máy của Trung Quốc, thị trường của họ ở châu Âu và đường vòng qua Ấn Độ Dương. Như vậy, Trung Quốc còn được thêm tài nguyên nguyên liệu của Mianma, đặc biệt là những nguyên liệu nuôi sống sự phát triển công nghiệp ở vùng Tây-Nam Trung Quốc.
Lập trường của Ấn Độ
Ấn Độ không phải không có tham vọng. Trong khuôn khổ chính sách “hướng Đông” của mình từ những năm 1990, các chính phủ kế tiếp nhau ở Ấn Độ tìm cách thiết lập và tăng cường với vùng Viễn Đông mối liên hệ trên biển và đất liền có từ thời cha ông thông qua Mianma. Ấn Độ đã chọc thủng hàng rào địa chất và sinh vật trước đây không thể vượt qua được. Ở phía Bắc vùng này, nơi Trung Quốc xây dựng một đường ống dẫn dầu dọc theo bờ biển của Mianma, Ấn Độ đã xúc tiến việc hồi sinh một cảng khác nối với một con đường đặc biệt và một đường hàng hải dẫn đến Assam cũng như một số bang khác bị cô lập và chịu ảnh hưởng của các cuộc xung đột ở vùng Đông Bắc Ấn Độ. Ngoài ra còn có kế hoạch mở lại con đường Stilwell được quân đồng minh xây dựng với chi phí rất cao trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, nhưng hiện nay bị bỏ hoang. Con đường này có thể bắt đầu từ vùng Cận Đông của Ấn Độ và nối với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo chính trị Ấn Độ cũng không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của Mianma đối với an ninh và phát triển của vùng Đông Bắc Ấn Độ và kiểm soát chặt chẽ mọi hành động của Trung Quốc liên quan đến Mianma.
Một số nhà quan sát cảnh báo một “Cuộc chơi lớn” có nguy cơ dẫn đến xung đột giữa hai cường quốc trỗi dậy chính của thế giới. Một số khác dự đoán sẽ sớm hình thành một Con đường Tơ lụa mới, như con đường đã có từ thời Trung Cổ, nối Trung Quốc với châu Âu qua Trung Á. Điều quan trọng là sự thay đổi về địa lý này diễn ra vào một thời điểm chủ chốt của lịch sử châu Á: một thời kỳ hoà bình và thịnh vượng gia tăng sau một thế kỷ bạo lực và xung đột chưa từng có, và nhiều thế kỷ đô hộ thực dân của phương Tây. Một kịch bản tích cực hoàn toàn có thể xảy ra.
Một thế hệ những người lạc quan mới
Giới trẻ ở châu Á ngày nay đã đến tuổi trưởng thành trong một châu lục vừa mang tính hậu thực dân vừa có tính chất hậu chiến. Đúng là có một số hành động kình địch nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc vốn là đặc trưng của thế kỷ 21 và sản sinh ra một “Cuộc chơi lớn”. Nhưng châu Á cho thấy niềm lạc quan ở gần như khắp nơi, đặc biệt trong các tầng lớp trung lưu và giới tinh hoa sản sinh ra những người cầm cân nảy mực. Họ có cảm giác rằng lịch sử đứng về phía mình và muốn nhìn về tương lai và thịnh vượng chứ không chỉ ngồi nghiền ngẫm về những thời kỳ đen tối mới diễn ra gần đây.
Việc xây dựng một nút giao lộ ở Mianma có thể sẽ không chỉ giới hạn ở việc nối các nước lại với nhau. Hai vùng Trung Quốc và Ấn Độ cần được gắn với nhau thông qua Mianma nằm trong số các vùng hẻo lánh nhất của hai Nhà nước khổng lồ này. Đó là những vùng lãnh thổ đa dạng về sắc tộc và ngôn ngữ không đâu có (không nói ngoa là dân chúng ở đây nói hàng trăm thứ tiếng rất khác nhau) hay các vương quốc bị lãng quên, như Manipur hay Dali. Đó là những dân tộc sống ở vùng núi cao cho đến gần đây mới thoát khỏi sự kiểm soát của Ấn Độ hay Trung Quốc.
Đó cũng là những vùng trước đây rất đông dân, bởi lẽ ở đó có nhiều rừng và gần đây dân số phát triển tới mức bùng nổ. Đó là những vùng lãnh thổ tạo ra những người láng giềng mới. Trái với sự sụp đổ của Bức tường Béclin vốn chỉ thiết lập lại các mối liên hệ bị gián đoạn trong một thời gian, những biến đổi đang diễn ra ở châu Á mở ra khả năng gặp gỡ mới giữa người với người. Một trung tâm đa dạng nằm ở trung tâm châu Á…
Một Con đường Tơ lụa hiện đại đang ra đời chăng? Cho đến đầu năm nay, vẫn khó có thể lạc quan bởi tin tức từ Mianma – nước đầu tiên có liên quan ở đây – hoàn toàn không hay. Đa số người dân Mianma sống quá nghèo khổ, đàn áp chính trị xảy ra thường xuyên hơn bao giờ hết. Còn các dự án của Trung Quốc đang được thực hiện dường như nuôi dưỡng nạn tham nhũng và làm tổn hại môi trường nhiều hơn. Năm 2010, bầu cử đã được tiến hành, song bị tố cáo là gian lận.
Bộ mặt mới của Mianma
Trong những tháng gần đây, người ta thấy có thêm nhiều dấu hiệu báo hiệu những ngày mới đang xuất hiện.
Tháng 3/2011, ban lãnh đạo quân sự đã chính thức bị giải thể và chính quyền thuộc về mọt chính phủ gần như là dân sự do một viên tướng về hưu đứng đầu, Thein Sein. Trong một thời gian tương đối ngắn, Tổng thống Thein Sein đã làm ngạc nhiên những ai không chờ đợi những điều to tát. Ông tỏ rõ lập trường cứng rắn chống tham nhũng, nhấn mạnh đến tính cấp bách phải thực hiện hoà giải chính trị bằng cách bổ nhiệm các nhà kỹ trị và doanh nhân vào các vị trí chiến lược, đồng thời mời những người sống lưu vong về nước. Ông còn thông báo sẽ tổ chức thương lượng hoà bình với các nhóm nổi loạn bằng cách chìa tay ra với Aung San Suu Kyi ngay trước khi bãi bỏ lệnh quản thúc tại gia đối với bà. Tổng thống Thein Sein cũng ban hành chính sách đấu tranh chống nghèo khổ, giảm thuế, tự do hoá trao đổi thương mại và dự kiến đưa ra một loạt luật mới về một loạt vấn đề, trong đó có cải cách ngân hàng và ra quy định bảo vệ môi trường sẽ được Quốc hội thông qua. Một Quốc hội sau một thời gian đầu khó khăn sẽ bắt đầu hoạt động. Kiểm duyệt báo chí đã giảm rất nhiều. Các đảng đối lập cũng như các tổ chức phi chính phủ của Mianma đang phát triển mạnh và được hưởng một mực độ tự do chưa từng có từ nửa thế kỷ nay.
Tuy còn mong manh, song mở cửa là có thực. Tổng thống Mianma dường như quyết tâm hành động theo hướng này. Vấn đề là ông không phải là tác nhân chính trị duy nhất ở nước này. Quốc hội và Hội đồng Bộ trưởng cũng có các viên tướng cũ có quyền lực. Và cơ cấu đàn áp vẫn còn nguyên. Đó là thời điểm mang tính quyết định của nước này.
Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Mianma và chính sách đối nội có một tầm quan trọng nhất định. Nếu bỏ qua cơ hội thay đổi tích cực này, dân tộc Mianma có nguy cơ tiếp tục phải chịu một sự lãnh đạo tồi tệ. Điều chắc chắn là Mianma không còn là một nước bị cô lập như đã từng thấy nữa vì hai dự án hạ tầng lớn do Trung Quốc thực hiện sẽ được tiếp tục, cũng như tiến trình thay đổi dài hạn. Biên giới châu Á sẽ khép lại và lúc đó sẽ xuất hiện một điểm kết nối mới nhưng nguy hiểm.
Nhưng nếu Mianma bước vào con đường tiến bộ và chỉ với vài điều kiện chính – chấm dứt xung đột vũ trang kéo dài hàng thập kỷ nay, chấm dứt lệnh trừng phạt của phương Tây, thành lập một chính phủ dân chủ và đạt được tăng trưởng kinh tế nhất định – hậu quả có thể sẽ rất ngoạn mục: vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc bất ngờ sẽ cùng tồn tại với một nền dân chủ non trẻ đầy tham vọng, và vùng Đông Bắc của Ấn Độ, hiện đang được coi là một nơi tận cùng của thế giới, sẽ trở thành chiếc cầu nối với cùng Viễn Đông. Những gì sẽ diễn ra ở Mianma có thể sẽ làm thay đổi hẳn chiều hướng của cuộc chơi chiến lược ở châu Á./.
.
.
.
No comments:
Post a Comment