Friday, October 7, 2011

THE MAO CASE - VỤ ÁN MAO (Qiu Xiaolong) [2]




Nam Cương dịch
03-10-2011



THE MAO CASE - VỤ ÁN MAO (Qiu Xiaolong) [1]   Saturday, September 24, 2011


Khi Trần Thảo trở về căn hộ của mình thì đã tám giờ hơn.

Căn phòng tiêu điều như thể nó phản ảnh tâm tư của anh vào lúc bấy giờ. Cái giường bừa bãi chăn gối, ly nước chỏng chơ trên bàn đêm, mẩu vỏ cam bé xíu đã mốc meo trong chiếc gạt tàn thuốc trông như cái mụn cóc, hay như nốt ruồi vẫn có trên cằm Mao Chủ tịch.

Anh ấn mạnh nắp bình thuỷ. Chẳng giọt nước nào chảy ra. Anh đặt ấm nước lên lò, hy vọng rằng một tách trà nóng sẽ giúp đầu óc minh mẫn hơn.

Thế nhưng hoàn toàn bất ngờ, hình bóng Linh lại xâm chiếm tâm trí anh. Nàng khi ẩn khi hiện, đang pha trà ở căn phòng tại Bắc Kinh, những ngón tay nàng rứt từng cánh hoa và thả vào tách trà cho anh. Nàng đứng cạnh khuôn cửa sổ bọc giấy trong chiếc áo dài mùa hạ, dáng mong manh nổi bật trên nền trời đêm như một cây lê đang trổ hoa.

Tin nàng đi lấy chồng không hẳn là hoàn toàn bất ngờ. Anh tự nhủ lại là nàng không có lỗi gì cả. Nàng đâu có lựa chọn để được làm con gái một uỷ viên bộ Chính trị cơ chứ.

Cũng như tự thâm tâm, anh nào có lựa chọn để thành một viên chức công an.

Hình bìa The Mao Case  .  Nguồn: eurocrime.co.uk

Anh tự trấn tĩnh để tập trung vào công tác sắp tới, bàn tay trái chống lên má như thể đang bị đau răng. Anh không muốn dự phần vào cuộc điều tra có liên quan đến Mao Trạch Đông, dù chỉ là gián tiếp. Chân dung Mao vẫn còn treo ngạo nghễ trên quảng trường Thiên An Môn kia, nên việc một đảng viên – công an lục lọi vào chuyện đời tư của Mao có thể là một hành vi tự sát chính trị nghiêm trọng.

Trần Thảo lấy một tờ giấy định viết một cái gì đó để giúp mình suy nghĩ, thì bí thư Lý Quốc Hoa gọi điện thoại.

“Bộ trưởng Hoàng vừa gọi cho tôi về nhiệm vụ đặc biệt của anh. Anh không còn phải lo gì về công tác ở cơ quan nữa nhé, mà anh cũng chẳng cần phải báo cáo tôi về công tác mới nữa”.

“Lý bí thư ơi, tôi chẳng biết nói sao”. Nước bắt đầu sôi và chiếc ấm réo lên. Lý Quốc Hoa từng là người đỡ đầu về mặt chính trị tại cơ quan cho Trần Thảo, nhưng dạo gần đây đã bắt đầu xem anh là đối thủ. “Tôi chưa biết gì cụ thể về công tác đó cả. Chỉ hiểu là tôi không có quyền từ chối sự phân công này mà thôi”.
“Bộ trưởng ra lệnh là dành cho anh mọi tài nguyên của cơ quan, nên anh cần gì thì cứ cho tôi biết nhé”.
“Vậy thì, đầu tiên là bác đừng cho ai biết về công tác mới của tôi. Cứ bảo là tôi xin tạm nghỉ công tác ít lâu vì chuyện riêng”. Anh nói thêm, “còn giao cho trinh sát Ngô đảm nhiệm đội Đặc vụ thay tôi ít lâu”.
“Tôi sẽ loan báo chức vụ tạm thời này cho anh ta vào ngày mai. Tôi biết là anh tin tưởng hắn lắm. À mà anh có muốn nhắn nhủ gì với trinh sát Ngô không?”
“Không, tuyệt nhiên là đừng tiết lộ gì về công tác mới của tôi”.
“Tôi sẽ lo mọi chuyện khác ở cơ quan. Cứ gọi tôi bất cứ lúc nào anh cần nhé”.
“Chắc chắn rồi, Lý bí thư ạ”.

Bỏ điện thoại xuống, Trần Thảo đi tới đi lui trong phòng khoảng một hay hai phút trước khi bước tới nhắc ấm nước xuống và nhận ra là hộp trà đã hết sạch. Lục lọi khắp các ngăn kéo cũng chẳng thấy sợi trà nào, mà cà phê cũng không, dù rằng còn cà phê chẳng ích lợi gì vì bình pha cà phê hỏng đã mấy tuần rồi.

Anh ngả người ra sau, tay xoa cằm. Sáng nay khi cạo râu anh đã tự cắt phạm một nhát. Thật là một ngày không may mắn, bắt đầu ngay từ sáng sớm.

Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Anh ngạc nhiên khi thấy hộp hàng giao nhận nhanh, đựng tập hồ sơ của Vụ Nội an về cô Giao. Anh không dự liệu là nó đến tay anh sớm đến thế. Ngay trong đêm.

Anh ngồi xuống bàn với ly nước nóng và một hồ sơ đầy ấn tượng trải dài qua mấy tập giấy. Vụ Nội an đã hoàn tất công tác của họ thật cặn kẽ. Hồ sơ không những bao gồm nhiều thông tin về cô Giao, mà còn có cả bà Khanh và bà Thượng Uẩn Quán, tức cả ba đời.

Trần Thảo quyết định bắt đầu từ bà Thượng. Anh châm điếu thuốc và hớp một ngụm nước nóng. Vị nước thật kinh khủng và có mùi kỳ dị khi không có trà.

Bà Thượng Uẩn Quán xuất thân từ một gia đình gia thế trong thập niên 30. Từ khi còn ở bậc đại học bà đã được mệnh danh là “nữ hoàng”, được bạn bè gọi là “Phụng hoàng” trước khi được một đạo diễn điện ảnh khám phá ra sắc đẹp và tài năng của bà. Từ đó bà đã nhanh chóng trở thành một nữ tài tử trẻ đầy duyên dáng nổi tiếng. Sau năm 1949, do thành phần gia đình và những rắc rối chính trị của chồng, sự nghiệp điện ảnh của bà gặp nhiều khó khăn. Nhiều người còn cho là sự nghiệp của bà xuống dốc một phần vì hình ảnh trên màn bạc của bà thời trước năm 1949. Dạo ấy bà thường hay đóng những vai thiếu nữ thượng lưu, sống trong những dinh thự và mặc y phục sang trọng, hiển nhiên là những nhân vật như thế phải bị xoá khỏi nền điện ảnh một nước Trung Hoa mới bước vào xã hội chủ nghĩa.

Mao Trạch Đông đã khẳng định là văn chương và nghệ thuật phải phục vụ giai cấp công nhân, nông dân và chiến sĩ, bằng cách thể hiện họ trên sân khấu và màn ảnh.

Tuy nhiên không hiểu do đâu mà những bức hình của bà trở lại xuất hiện trên báo chí nhà nước, trong những bài báo nói Mao chủ tịch khuyến khích bà Thượng Uẩn Quán và các đồng nghiệp cũ tham gia làm phim cách mạng.

Bà trở lại đóng phim, đảm nhận những vai công nhân hoặc nông dân và đoạt vài giải thưởng. Rồi sự nghiệp điện ảnh mới trỗi dậy của bà lại bị gián đoạn do cuộc Cách mạng Văn hoá. Cùng với những nghệ sĩ danh tiếng khác, bà đối diện với các cuộc phê bình tập thể và bị trừng trị. Tệ hại hơn, một đội đặc nhiệm được Nhóm Cách mạng Văn hoá thuộc Uỷ ban Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc từ Bắc Kinh cử đến thẩm vấn bà. Sau đó ít lâu, bà Thượng Uẩn Quán quyên sinh, bỏ lại người con gái là bà Khanh sống bơ vơ một mình.

Đó là câu chuyện buồn, nhưng không phải là ít xảy ra vào những năm đó. Trần Thảo thầm nghĩ như vậy, rồi đứng lên lục lọi mấy ngăn kéo. Lần này anh may mắn tìm được một gói trà sâm bé tí xíu. Nó nằm đó đã bao lâu rồi anh cũng chẳng biết. Anh bỏ nó vào tách nước, hy vọng nó sẽ giúp tăng năng lực cho anh phần nào. Tối nay anh đã bỏ bữa ăn vì cú điện thoại từ Bắc Kinh.

Nhấm nháp trà sâm, Trần Thảo trở lại với tập hồ sơ và khởi sự phần nói về thế hệ thứ nhì là bà Khanh, nhân vật chính của cuốn sách Mây Mưa Thượng Hải mà bộ trưởng Công an Hoàng Khế Minh nhắc tới.

Trở thành mồ côi sau cái chết của mẹ, bà Khanh chật vật tìm cách thích ứng với cuộc sống mới. Các vấn đề của bà Thượng Uẩn Quán mà tập hồ sơ gọi là “tình dục không xấu hổ” đã tác hại tới người con gái. Khanh lớn lên trở thành một “cô gái không biết hổ thẹn.”

Vào những năm ấy, một thiếu nữ có gốc gác lý lịch “đen”, tức là có vấn đề về chính trị, thường phải hành xử hết sức thận trọng, thế nhưng Khanh vẫn buông mình theo các đam mê tuổi trẻ. Cô yêu một chàng trai tên Tân, cũng có xuất thân tương tự là “bên kia” của chế độ. Nhận thức về tương lai mù mịt tại Hoa Lục, hai người liều lĩnh làm một cuộc vượt biên trốn sang Hồng Kông. Họ bị bắt lại và bị dẫn giải về Thượng Hải. Tân tự sát, Khanh mang thai.

Khanh hạ sinh một bé gái và sau đó yêu một chàng trai tên Bình, trẻ hơn nàng mười tuổi và được mô tả là có nhân dạng hết sức giống Tân. Một thời gian sau, hai người bị quần chúng bắt quả tang đang thân mật, Bình bị xử án tù về tội sa đoạ tình dục. Đến thời cuối của cuộc Cách mạng Văn hoá, Khanh qua đời trong một vụ được chính quyền mô tả là tai nạn.

Trần Thảo bỏ tập hồ sơ xuống và uống nốt chỗ trà sâm đắng chát. Thế là bi kịch Cách mạng Văn hoá đã kết liễu hai thế hệ. Những gì xảy ra vào thời ấy, đến nay xem ra hết sức phi lý, tàn bạo và hầu như không thể nào tin nổi. Đó là nguyên do mà chính quyền ở Bắc Kinh bây giờ muốn dân chúng chỉ nên “Hướng Tiên”, tức chỉ nhìn về tương lai mà quên đi quá khứ.

Cuối cùng, anh mở tập phúc trình điều tra về cô Giao, tập trung vào những điều đáng ngờ vực về cô.

Giao được sinh ra sau khi Tân đã chết, và tai nạn gây tử vong cho bà Khanh xảy ra vào lúc Giao hãy còn là đứa bé con. Cô lớn lên trong một nhà nuôi trẻ mồ côi. Giống như lời một bài hát tình cảm bình dân “cây cỏ dại bị chà đạp dày xéo”, Giao không theo học nổi đến cấp ba. Nên cô cũng chẳng tìm được việc làm nào ra hồn.

Không giống các bạn gái cùng trang lứa, Giao không có bạn bè thân hoặc thú vui nào, ngoài những hồi ức bi thảm của gia đình, dù rằng nhiều người khác hầu như đã cố ý hay vô tình lãng quên thời kỳ đó của lịch sử.

Sau hai hoặc ba năm chật vật với những việc làm chẳng đâu ra đâu, Giao khởi sự làm nhân viên tiếp tân cho một công ty tư doanh. Rồi sau khi cuốn Mây Mưa Thượng Hải phát hành được ít lâu, tự dưng Giao bỏ việc, mua một căn hộ cao cấp và bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác hẳn.

Cô bị ngờ là nhận được rất nhiều tiền từ cuốn sách, nhưng nhà xuất bản bác bỏ việc chi trả bất cứ khoản tiền nào cho cô. Người ta bắt đầu cho là có một đấng nam nhi nào đứng đằng sau sự “lên đời” của Giao. Thông thường thì một “đại gia” sẽ khoe khoang người đẹp của hắn như một tài sản quý báu để thiên hạ được biết “đẳng cấp” của hắn. Tuy nhiên với cô Giao, Vụ Nội an cũng đành chịu, không biết thật sự ai là đại gia đó.

Bất chấp sự theo dõi chặt chẽ, họ không thấy bất cứ một người đàn ông nào bước chân vào căn hộ của cô, hoặc đi cặp kè cùng cô.

Theo một giả thuyết khác thì có thể Giao được thừa hưởng gia tài kếch sù. Nhưng bà Thượng Uẩn Quán không để lại bất cứ món gì, tất cả những gì gọi là quý giá của bà đều đã bị Vệ binh Đỏ lục soát tước sạch từ thời Cách mạng Văn hoá.

Vụ Nội an đã kiểm tra trương mục ngân hàng của Giao và thấy là cô có rất ít tiền ký gửi. Cô đã mua căn hộ bằng tiền mặt, với một va li đầy giấy bạc, mà chẳng hề nộp đơn xin ngân hàng tài trợ như hầu hết mọi người khác.

Tính theo một thiếu nữ thông thường trong xã hội, thì đời sống của Giao rõ ràng có bao trùm một bức màn hết sức bí mật, và theo Vụ Nội an thì cô không phải là kẻ duy nhất bị nghi ngờ.

Ông họ Giải, người chủ dinh thự mà cô Giao đã trở thành khách quen hay lưu lại đến khuya, là người bị ngờ vực thứ hai. Ông nội của ông Giải từng là chủ một doanh nghiệp lớn thời thập niên 30 và đã xây một toà nhà mênh mông gọi là Giải Gia trang, được xem là một trong những kiến trúc lộng lẫy nhất của Thượng Hải.

Cha của ông Giải kế nghiệp vào thập niên 40, rồi bị trở thành “tên tư sản xấu xa” vào thập niên 50. Ông Giải lớn lên trong nghèo đói thời xã hội chủ nghĩa, còn lại chăng thì chỉ là những câu chuyện kể về thời huy hoàng xưa, về những yến tiệc, dạ hội tưng bừng sau những cánh cửa đóng kín của thời trước cách mạng thành công.

Sống biệt lập trong toà dinh thự và nhờ của cải còn sót lại, ông Giải không đi làm những công việc thường thấy như mọi người khác, mà chuyên tâm vào hội họa. Nội việc giữ toà dinh thự còn nguyên vẹn trong thời Cách mạng Văn hoá, không bị các cán bộ cao cấp tịch thu đã được xem là một phép lạ khó tin.

Đến giữa thập niên 80, trong thời kỳ đổi mới, ông Giải bắt đầu tổ chức dạ hội, yến ẩm tại nhà. Phần lớn khách không ít thì nhiều cũng có phần giống chủ nhân, tức đã luống tuổi và không giàu có, ngoại trừ những hồi ức về gia thế một thời lừng lẫy, sang trọng thì đầy ắp. Đối với họ, các dạ hội đó là giấc mơ xa hoa thành sự thật, dù chỉ một đêm.

Chỉ một thời gian sau, cái hồi ức về thời huy hoàng trước cộng sản của Thượng Hải đã trở thành mốt thời thượng tập thể, và những yến tiệc tại toà Giải gia trang tất nhiên thành nổi tiếng. Nhiều người hãnh diện khi được tham dự, xem như là biểu tượng cho đẳng cấp xã hội của mình. Người nước ngoài, rồi người Đài Loan bắt đầu tham gia. Một tờ báo phương Tây còn viết về những dạ hội đó là “cảnh quan cuối cùng của thành phố Thượng Hải quý phái cổ xưa đang dần biến mất”.

Cảnh quan cuối cùng hay không, thì tình thế của người tổ chức các dạ hội đó xem ra không mấy lý tưởng. Không có việc làm, lợi tức ổn định, ông Giải khó bảo trì toà dinh thự nguy nga và chi trả phí tổn cho các yến tiệc linh đình. Vợ ông ly dị và di cư sang Mỹ từ vài năm nay, bỏ ông sống một mình trong ngôi nhà rộng lớn.

Ông giải khuây bằng cách sưu tầm những món lặt vặt sót lại từ thời thập niên ba mươi, như chiếc máy đánh chữ hiệu Underwood, các muỗng nĩa bằng bạc thật, đôi máy hát có hình con chó nghe tiếng chủ qua loa kèn, vài chiếc điện thoại kiểu cổ, chiếc lò sưởi than có chân bằng đồng, và những đồ linh tinh tương tự.

Dù sao thì đó là những vật dụng và ông bà, cha mẹ ông đã kể cho ông nghe, những món đồ hiện diện trong những bức ảnh gia đình đã vàng úa màu thời gian, mà ông hay dùng để đắm chìm trong cô đơn. Và các món sưu tập đó nay trở thành đồ cổ ngoạn quý hiếm cũng góp phần vào huyền thoại của Giải Gia trang.

Trong mấy năm gần đây, ông Giải bắt đầu dạy vẽ tranh tại nhà ông. Người ta nói rằng ông có một quy tắc bất thành văn khi tuyển học trò, đó là ông chỉ nhận các thiếu nữ trẻ, đẹp và có năng khiếu. Theo vài người quen biết ông lâu năm thì ông già trên sáu mươi tuổi này muốn bắt chước nhân vật Bảo Ngọc trong truyện Hồng Lâu Mộng.

Cô Giao theo học vẽ với ông Giải bất chấp việc ông này chưa từng được đào tạo chính thức về hội họa, cô cũng tham gia các dạ hội dù rằng hầu hết quan khách đều lớn tuổi hoặc theo mốt cổ.

Để lý giải chuyện này, Vụ Nội an của Nhà nước đưa ra một giả thuyết. Ông Giải hoạt động như là kẻ trung gian, giới thiệu cô Giao với những người quan tâm đến tư liệu về Mao chủ tịch mà cô hiện nắm giữ. Các nhà xuất bản nước ngoài sẵn lòng trả những khoản tiền ứng trước kếch sù cho một cuốn sách nói xấu về đời tư Mao Trạch Đông, cũng như họ đã từng làm đối với cuốn hồi ký của bác sĩ riêng của ông Mao. Các buổi dạ hội tạo cơ hội cho cô gặp gỡ những khách có ý tìm mua tư liệu.

Phương án hành động do Vụ Nội an đề xuất là bất thần khám xét toà nhà, viện cớ tệ nạn xã hội, hay bất kỳ lý do nào để gây khó khăn cho ông Giải, đưa ông vào vòng lao lý. Theo cái nhìn của họ thì ông này không phải là loại gan lì. Hễ ông ta nhát đòn mà chịu khai, là họ sẽ tính tới cô Giao.

Thế nhưng các quan chức lớn ở Bắc Kinh không thích cái gọi là “biện pháp cứng rắn” đó, mà họ cũng không tin là có hiệu quả. Vì thế mà họ mới triệu đến Trần Thảo.

Trong hồ sơ, anh không thấy bản sao cuốn sách của bác sĩ riêng của Mao chủ tịch. Nó bị cấm. Anh cũng chẳng thấy bản sao cuốn Mây mưa Thượng Hải.

Anh hiếu kỳ do tựa đề cuốn sách. “Mây mưa” là hình thái cổ văn Trung Hoa miêu tả tình dục, phát xuất từ truyền kỳ vua nhà Chu gặp tiên nữ ở núi Vu Sơn, nàng nói rằng sẽ lại hiện xuống ân ái với nhà vua khi trời nhiều mây và mưa.

Tuy nhiên “mây mưa”, hay “vân vũ” cũng là một phần trong ngạn ngữ Trung Hoa: “Xoay bàn tay là mây, trở bàn tay là mưa”, hàm ý những biến chuyển liên tục không dự kiến được trong chính trường.

Trần Thảo tự hỏi có phải tựa đề cuốn sách có hai hàm ý hay chăng?

Anh nhìn đồng hồ trên mặt bàn đêm. Mười giờ mười lăm. Anh quyết định đi mua cuốn Mây mưa Thượng Hải ở quán sách gần nhà, vốn mở cửa khuya, đôi khi đến nửa đêm.

© DCVOnline

.
.
.

No comments: