Thursday, October 6, 2011

LÃNG QUÊN : VÔ TÌNH HAY CÓ CHỦ Ý ? (Định Nguyên, RFA)



Định Nguyên, thông tín viên RFA
2011-10-05

Kể từ năm 1945 đến nay bộ đội Việt Nam trải qua 3 cuộc chiến. 1945 – 1954 : chiến tranh chống Pháp; 1954 – 1975 : Chiến tranh chống Mỹ; 1979 – 1988 : chiến tranh chống Trung Cộng.
Những người nằm xuống trong 3 cuộc chiến đó đều mang lý tưởng bảo vệ tổ quốc và đều được vinh danh là Liệt Sỹ. Nhưng trớ trêu thay những người hy sinh trong cuộc chiến với Trung Quốc dường như đã bị lãng quên.

Chiến tranh biên giới Việt-Trung
5 giờ sáng ngày 17/2/1979 quân Trung Quốc đồng loạt nổ súng tấn công 3 tỉnh : Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng. Mở đầu cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam. Vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của quân dân Việt Nam, sau 23 ngày đẫm máu, ngày 16/3/1979 Trung Quốc tuyên bố rút quân - nhưng trên thực tế cuộc chiến kéo dài đến 10 năm mới thực sự chấm dứt. Con số thương vong trong cuộc chiến 23 ngày không bên nào nêu rõ, nhưng về phía VN ước lượng khoảng 10.000 người chết, chưa kể thường dân (tạp chí Time).
Tàn trận, một số người chết mất tích hoặc nằm trên đất mà Trung Quốc vừa mới chiếm được của Việt Nam không thể mang về chôn cất được, phần còn lại đều được an táng tại các nghĩa trang thuộc các tỉnh vừa mới xảy ra chiến tranh. Sau nầy một số được người thân đưa về yên nghĩ tại quê nhà.
Dù suy nghĩ như thế nào, những người hy sinh để bảo vệ tổ quốc cũng phải được tôn trọng và tri ân. Những người hy sinh trong trận chiến với Trung Quốc đã không còn được tri ân như vậy.

Những năm sau cuộc chiến, ít ra tới cuối năm 1988, mỗi khi có dịp nhắc đến họ người ta luôn đính kèm theo khẩu hiệu “Chống bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh” và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc luôn đứng đầu trong các bài diễn văn, các cuộc thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ trong ngày Thương Binh Liệt Sỹ. Thậm chí họ còn được vinh danh hơn cả những người đã hy sinh trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ
Khi Liên xô sụp đổ, Trung Quốc trở thành cái phao cho đảng Cộng Sản Việt Nam thì họ chính là những người bị đem ra đánh đổi đầu tiên. Cuộc chiến tranh biên giới phía bắc không còn được nhắc đến, họ không còn được nhắc đến. Họ vẫn là liệt sỹ nhưng không biết là liệt sỹ gì, hy sinh trong trường hợp nào, trận chiến nào. Họ bị đánh tráo lịch sử khi người ta đồng hóa họ thuộc về chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ.

Cuộc chiến 1979 không có liệt sĩ?
Hằng năm đến ngày Thương Binh Liệt Sỹ những ai may mắn nằm trong nghĩa trang liệt sỹ chung chung thì được hưởng chút hương hoa thăm viếng, còn những người khác nằm trong nghĩa trang liệt sỹ mà sự ra đời của nó là vì cuộc chiến chống Trung Quốc thì hầu như hương tàn khói lạnh. Các anh chỉ còn lại cái tên đến đau buồn là vô danh.
Nghĩa trang phường Duyên Hải, Tp Lào Cai là một điển hình. Nghĩa trang nằm trên một sườn đồi cạnh đường biên Sông Hồng, bên khia sông là thị trấn Hà Khẩu, Trung Quốc. Cổng nghĩa trang dường như đã khóa kín từ lâu và cũng rất lâu rồi không ai ghé thăm.
Khi thăm nghĩa trang Duyên Hải, blogger Mai Thanh Hải phải thốt lên: “Các anh các chị nằm trong khu vực vành đai biên giới, phía sau là sông Hồng ngầu đỏ cuộn chảy ngày đêm, phía trước là con đường trải nhựa, chạy từ Trung tâm TP Lào Cai, ra cửa khẩu Kim Thành mới mở với ầm ào máy móc, đang hối hả xây dựng nhà xưởng, Khu Công nghiệp - Thương mại, khách sạn nhiều sao... NTLS nơi các anh chị nằm, chẳng phải heo hút trong rừng, trên núi, ở những địa bàn vùng sâu - vùng xa, thế nhưng hiu quạnh và ngổn ngang đến không thể ngờ nổi và mình, đã phát khóc.
Không khóc sao được khi đây đó trên khắp đất nước người ta vẫn còn dựng bia, bảng đồng để ghi nhớ những chiến công trong thời chống Mỹ, tấm bia trước Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ, Sài Gòn - trước 1975 là tòa Đại Sứ Mỹ - ghi nhận chiến công của bộ đội đặc công đánh vào tòa đại sứ trong trận chiến Mậu Thân năm 1968, là một ví dụ, trong khi không một ai trong đảng và chính phủ dám gọi đến tên cuộc chiến đó nữa, còn các anh trở thành vô danh, không có lấy tấm bia ghi nhận chiến công và sự hy sinh trong trận chiến năm 1979.

Bảng ghi tội ác của quân Trung Quốc tại xã Hưng Đạo huyên Hoa An. (1980)

Một cuộc chiến bị lãng quên
Gần đây nhất, ngày 26/8/2011, ở Hà Giang người ta tổ chức cầu siêu cho những người hy sinh vì tổ quốc, đã không hề nhắc đến trận đánh khốc liệt nhất trong giai đoạn chiến tranh với Trung Quốc tại cửa khẩu Thanh Thủy, nơi mệnh danh là “Stalingrad của Việt Nam”, mà chỉ dùng ngôn từ chung chung gian lận.
Những người chết thì như thế. Còn những người sống sót sau cuộc chiến số phận họ cũng chẳng sáng sủa gì hơn.

Trong thư đề ngày 14/11/2010 gởi cho nhà báo Phạm Viết Đào, anh Trần Quốc Hùng, một cựu chiến binh từng tham gia trận đánh tại điểm cao 1509 còn gọi là Lão sơn, cho biết:
“Đến nay, 80% trong số những người lính trên chuyến xe trở về ấy đều làm tự do, thu nhập dưới mức trung bình. Mỗi năm một ngày gặp mặt, có người không dám đi vì hai trăm nghìn góp quỹ là cả một khoản ngân sách lớn của gia đình!
Em tự làm cuộc điều tra, khảng định 100% số người độ tuổi bốn mươi trở xuống không biết có cuộc chiến tranh này trong lịch sử dân tộc. Vậy ai biết? Những người cha, người mẹ có con tham gia cuộc chiến đó mà được trở về nguyên vẹn cũng chỉ lơ mơ rằng con mình có tham gia một cuộc chiến gì đó, mức độ khốc liệt thế nào không rõ. Em kể cho các cháu nghe về cuộc chiến tranh này, đứa em gái em nói chen vào : “Bác Hùng lại kể về tiểu thuyết sắp viết.”
Bây giờ, mỗi lần xem bắn pháo hoa, khi tiếng khai hoả vang lên là ngực em nghẹn thắt lại, nước mắt không kìm nổi. Tiếng khai hoả của những quả đạn pháo hoa không khác gì tiếng đầu nòng của cối sáu, cối tám. Những gì mình phải chịu đựng trong những ngày tháng ấy, hơn hai mươi năm sau vẫn còn bị ám ảnh.”


Mang chuyện lãng quên nầy ra hởi những người trong cuộc, các anh cho biết :

Anh Vi Toàn Nghĩa : “Đó là một trong những cái mà tôi đã nghĩ. Thực ra mà nói thì đó là hành động của những người còn sống nghĩ đến nghững người đã chết. Còn hiện nay tôi thấy thái độ chính phủ mình đi quá xa.”

Và Nguyên Trung tá Vũ Minh Trí : “ Tôi nghĩ tất cả mọi người đều có gia đình,có người thân, trách nhiệm chăm sóc trước hết thuộc về gia đình người thân. Trước hết ta phải trách những gia đình liệt sỹ đó. Nhưng mà vì lý do nầy lý do nọ, điều kiện nầy điều kiên kia, như xa xôi chẳng hạn người ta không đi thăm được thì tôi nghĩ là các cơ quan có trách nhiệm nhà nước cũng phải có làm những động tác như kiểu là tảo mộ hoặc là tôn tạo, tu sữa để cho người ta đến người ta đỡ có cảm thấy cái cảm giác là nghĩa trang liệt sỹ đó không được quan tâm chăm sóc. Tôi cũng có đọc những bài báo như vậy và cảm thấy rất buồn và rõ ràng không thể nói các cơ quan có trách nhiệm đã làm hết trách nhiệm của mình.”

Rồi đây liệu còn có ai đủ tinh thần cầm súng chống ngoại xâm bảo vệ giang sơn một khi chiến tranh xảy ra lần nữa, một hiện thực đang dần hình thành khi đảng Cộng Sản Trung Quốc hô hào chiến tranh với Việt Nam và Philippines trên tờ báo chính thức của đảng. Nói lãng quên đơn thuần e không đúng với bản chất sự việc. Thật ra phải gọi đó là sự lãng quên có chủ ý.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

.
.
.

No comments: