Phi Khanh/Người Việt
Sunday, October 02, 2011 5:43:08 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=137918&z=310
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=137918&z=310
QUẢNG NAM - Những ngày này, khi cả nước Việt Nam sôi sục vì lạm phát, thì giấc mơ của dân nghèo càng lúc càng teo lại. Có ai đó ‘vui tính’ ví giấc mơ của họ như một trái bưởi khô, càng ngày càng teo tóp...
Tuy đã bán được 15kg cam, nhưng chị Phương vẫn thấy lo âu bởi số tiền lãi không hứa hẹn cho gia đình chị ổn định trong tháng này. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Nhưng họ phải sống, phải tồn tại và giấc mơ của họ không được phép khô, bởi họ là những người nghèo, họ muốn vượt qua nỗi thống khổ của kẻ bị xếp vào tầng đáy của xã hội.
Càng khổ, họ càng phải sống mạnh mẽ hơn để vượt qua.
Chị Phương ra Ðà Nẵng, thành phố cách quê chị (xã Ðiện Thọ, huyện Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam) chỉ chưa đầy 30 cây số, nhưng suốt 5 năm đằng đẵng, chị chưa một lần bước chân về cổng làng. Bởi kế sinh nhai vất vả nơi thành phố không cho chị cơ hội.
Chị buồn bã kể, “Lúc mới ra đây, dễ thở hơn, mỗi ngày kiếm được trung bình từ 50 đến 70 ngàn đồng, như vậy cũng đủ để thuê nhà trọ, nuôi ba đứa nhỏ ăn học, còn tiền ông xã đi phụ hồ mỗi ngày được 70 ngàn đồng, nhưng bữa đực bữa cái. Dù vậy chứ cũng có chút để dành phòng khi đau ốm, hữu sự... Bây giờ thì...!”
“Ở thành phố này, tôi đi bán khắp các ngõ ngách, các con hẻm, theo tôi ước đoán có chừng ba trăm người bán hàng trái cây rong.”
“Mỗi người có cách bán riêng, giá bán riêng tùy vào nguồn trái cây gốc của mình. Có người lấy trái cây miền Bắc hoặc Trung Quốc, tôi thì lấy trái cây miền Nam, loại này bán cao giá hơn, không lãi nhiều bằng hai loại kia nhưng được cái là để lâu hư, không cần bán tháo và hơn nữa bán lâu ngày sẽ có uy tín...”
Với mức lãi trung bình mỗi ngày chừng 60 ngàn đồng, cộng với tiền của chồng đi phụ hồ, nuôi ba đứa con ăn học, đứa đầu năm nay vào Ðại Học Bách Khoa Ðà Nẵng, đứa thứ nhì học lớp 10, đứa út học lớp 3. Nhưng đó là dự tính trước đây, với mức giá càng ngày càng cao, mọi thứ trở nên khó khăn, anh chị Phương bắt đầu thấy lo lắng. Nhất là chuyện đứa con đầu vào đại học.
Gần đây, đời sống những người lao động nghèo trở nên khó khăn, vất vả gấp bội lần bởi đồng tiền trượt giá, vật giá leo thang và nạn thất nghiệp... Mức tiền lãi của người bán hàng rong cũng bị ít đi bởi mọi nhu cầu hằng ngày của người dân bị bóp nhỏ lại.
Chị Phương kể: “Những khách hàng ruột trước đây mua mỗi ngày một ký cam Xã Ðoài (tên một loại cam ngọt nổi tiếng) thì nay chỉ mua còn nửa ký. Trước đây mỗi ngày tôi bán được 15 đến 20 ký cam, nay còn cao nhất là 12 ký... lãi rất thấp, vậy đó!”
Vừa bán vừa ‘chạy công an’
Nếu như trước đây, mỗi ngày người bán hàng trái cây rong như chị Phương kiếm được trung bình 60 ngàn đồng thì bây giờ họ khó khăn hơn vì kiếm không tới 40 ngàn đồng. Nhưng nỗi khổ dai dẳng và oái oăm của người bán trái cây vẫn là... công an!
Chị Thi, có thâm niên bán trái cây vỉa hè gần 20 năm nay, kể: “Trước đây dễ thở hơn, càng ngày người ta càng thắt chặt gọng kềm, đứng bán trái cây vậy mà lo nhiều hơn vui, bán được ký trái cây lãi chẳng bao nhiêu đồng mà công an nó đi dẹp đường, nó hốt xe về đồn thì coi như xong!”
Nghề bán trái cây tuy khỏe hơn, ổn định hơn đi bán vé số, bán đậu phộng rang, bán chổi... Nhưng bù vào đó, người bán trái cây phải có một số tiền vốn ít nhất cũng ba triệu đồng để mua trái cây về bán lấy lãi. Những ngày đầu, trái cây còn mới, nếu bán chạy thì không sao, nhưng nếu bán không chạy thì nhìn vào khối tiền vốn mỗi lúc cáng héo úa mà phát rầu!
Chị Thi cũng là nhà thơ, chị kể: “Những lúc ế khách, vừa lo không có tiền đi chợ, vừa lo mất vốn, lại vừa lo bị công an rượt, tịch thu mất gia sản (xe trái cây), tôi miên man nghĩ đến những vườn cây, những trái cây mưng mưng mùa vụ và những thân phận quê nghèo ký thác ước mơ vào trái cam, hột bưởi, ký thác đời mình vào phù sa đất quê, cái âm vang đất đồng khói rạ cứ âm ỉ chảy trong tôi!”
Chạm một nửa giấc mơ...
Trở lại chuyện chị Phương và anh Hạt (một người chở trái cây bằng chiếc xe gắn máy đi bán dạo khắp miền Trung, bữa nay Bình Ðịnh, mai Quảng Ngãi, mốt Quảng Nam, bữa kia Ðà Nẵng, hiên nhà người là chỗ trú đêm của anh), hai người có con chuẩn bị vào đại học. Dường như họ vui hơn gấp đôi lần mà buồn hơn gấp ba lần!
Chị Phương nói: “Con mình vào đại học, đó là giấc mơ mấy đời nhà nghèo bán mặt cho đất bán lưng cho trời của dòng tộc mình. Nhưng rồi, chú thấy đó, bây giờ, ngay cả chuyện sống hằng ngày, cơm đủ ba bữa cũng là nan giải, huống gì cho nó vào đại học nữa thì ôi thôi... Nhưng bằng mọi giá phải cho cháu nó vào đại học, có chết vợ chồng tui cũng cam!”
Anh Hạt thì thảm não hơn khi nhắc đến chuyện đứa con đầu lòng anh năm nay vào đại học mỹ thuật Sài Gòn: “Nghe con mình vào đại học, mình vui khôn xiết, nhất là vào cái trường nó mơ mộng từ tấm bé, nó vẽ đẹp lắm, nó mơ thành họa sĩ, nó hứa với tôi rằng bức tranh đầu tiên nó vẽ ở trường mỹ thuật sẽ là bức tranh tôi chở giỏ trái cây đi bán... Nhưng thú thật là nghe mức học phí, chi phí ăn ở và tiền mua vải làm toang (tole), mua ống màu, mua cọ để học tập, thực hành của nó, tôi phát ốm!”
“Mẹ của nó thì bị bệnh, có làm gì đâu ngoài mấy con gà, con heo và coi nhà, tui đi bán lưu động, không phải tốn 900 ngàn đồng mỗi tháng tiền nhà như chị Phương, hơn nữa không tốn tiền điện, tiền nước nên tích lũy có khá hơn chị Phương. Nhưng xét cho cùng, cũng không đủ nuôi một đứa con học đại học. Huống gì tôi có đến bốn đứa con đang ăn học. Thôi kệ, trời sinh voi, sinh cỏ!”
Cái chữ ‘thôi kệ’ có kèm một cái chép miệng và tiếng thở dài của anh Hạt khiến tôi liên tưởng đến rất nhiều người sống trên đất nước này phải trông chờ vào sự rủi may khi mà cơ hội đổi đời đã cận kề. Nói là cơ hội bởi với dân nghèo, học hành không đến nơi đến chốn thì có con vào đại học là một cơ hội đổi đời, chí ít là khai mở được nỗi âm u hằng thế hệ của gia đình họ bằng con chữ trên giảng đường. Nhưng với người nghèo, đó chỉ là cơ hội một nửa.
Một nửa cơ hội còn lại phó thác cho rủi may, cho ông trời. Bởi người nghèo ở xứ sở này, nhất là trong lúc đồng tiền trượt giá, mọi thứ trở nên khó khăn, họ biết kêu gì mỗi khi gặp khốn khổ ngoài kêu trời!
.
.
.
No comments:
Post a Comment