Saturday, October 22, 2011

LẠC NHỊP (Song Chi)



Song Chi

Ngày 21 tháng 10, 2011, hơn một ngày sau khi nhà độc tài, cựu lãnh đạo Libya, Ðại Tá Muammar Gaddafi thiệt mạng ở Sirte, thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lương Thanh Nghị, nhà nước VN mới chính thức lên tiếng về sự việc này:
“Việt Nam mong muốn tình hình Libya sớm ổn định, nhân dân Libya được sống trong hòa bình để có điều kiện tái thiết và phát triển đất nước.Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và tham gia vào quá trình tái thiết lại Libya trong khả năng của mình.” (theo TTXVN/Vietnam+)

Trước đó, đài BBC đã kịp có bài nhận xét “Việt Nam chậm bình luận về Gaddafi.”

Trước một sự kiện được chính nhân dân Lybia và đa số các nước dân chủ, tiến bộ trên thế giới đón nhận một cách tích cực, có vẻ như lần này VN chọn giải pháp nghe ngóng dư luận rồi mới lên tiếng. Và không dám có những tuyên bố trái chiều như một số nước đồng minh cũ của Lybia, trong đó có Tổng Thống Venezuela Hugo Chavez.
Ông này đã “bày tỏ sự phẫn nộ trước cái chết của Gaddafi.” Và ca ngợi: “Suốt đời này chúng tôi sẽ mãi tưởng nhớ Gaddafi như là một chiến binh, một nhà cách mạng và liệt sỹ vĩ đại.” (“Ðồng minh nói về cái chết của Gaddafi,” BBC)

Thế là nhà nước VN cũng đã “tỉnh” ra hơn một chút.
Thời thế bây giờ đã khác.

Công bằng mà nói, suốt thời gian qua, khi phong trào cách mạng hoa nhài diễn ra ở hàng loạt các nước Bắc Phi, báo chí chính thống của VN đều đưa tin, bài nhanh chóng, đầy đủ.
Có lẽ nhà nước VN tự tin rằng đối với phần đông dân chúng, những sự kiện “long trời lở đất” tại Tunisia, Ai Cập, Lybia, và đang rục rịch ở Yemen, Syria... dường như chẳng tác động gì nhiều đến nhận thức của người dân, nên không cần phải tuyên truyền ngược lại. Mà đáng buồn là đúng như vậy!

Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có một vài bài viết “lạc quẻ,” như bài “Sự thật về Lybia và Gaddafi” của tác giả An Chi tức Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập báo Năng Lượng Mới. Ca ngợi hết lời Gaddafi, nhà lãnh đạo “ở trong trái tim của hầu hết mọi người dân Châu Phi như một con người độ lượng và giàu tinh thần nhân văn.” Và xã hội Lybia với “nền dân chủ hình thức cao,” với “nhiều chính sách mà nhân dân nhiều nước trên thế giới nên mơ”...
Ðáng chú ý là bài này mới được đăng trong tháng 9, 2011 chứ không xa xôi gì để bảo rằng người viết còn mơ hồ nhầm lẫn về ông Gaddafi!

Một số blogger đã có bài châm biếm đáp lại. Và sau khi nhà lãnh đạo độc tài của Lybia đã chết, nhiều blogger tiếp tục nhắc lại bài báo của tác giả Nguyễn Như Phong như một ví dụ về cái nhìn lạc loài, một kiểu làm báo cố tình bưng tai bị mắt trước sự thật khách quan.

Cũng may, nhờ có Internet mà người dân VN bây giờ còn biết được trên thế giới đang xảy ra chuyện gì. Còn trước kia thì khác.

Nhớ lại cái thời mà người dân dưới sự tuyên truyền của đảng cộng sản VN và của báo chí cách mạng, đã hăng hái lao vào cuộc chiến tranh tàn khốc, lao vào cái chết với suy nghĩ, “Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa, Vui gì hơn làm người lính đi đầu”... (thơ Tố Hữu). Rằng “VN là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa,” là “...ngọn cờ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới”...

Cuộc chiến huynh đệ tương tàn chua xót lại được gọi tên là cuộc chiến tranh thần thánh chống đế quốc Mỹ cướp nước và ngụy quyền bán nước. Sau bao nhiêu năm, nhiều người mới “ngộ” ra Mỹ không hề có tham vọng xâm chiếm lãnh thổ của VN, và ai bây giờ mới thật là có âm mưu cướp nước, ai là kẻ bán nước đây?

Ðó là cái thời mà Tố Hữu, nhà thơ hàng đầu của nền văn thơ cách mạng VN, đã có những bài như thế này về nhà lãnh đạo Stalin của Liên Xô:
“Yêu biết mấy khi con học nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít Ta Lin.”

Và khi Stalin mất thì tác giả khóc thương:
“Ông Xít-ta-lin ôi. Ông Xít-ta-lin ôi,
Hỡi ôi ông mất, đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười.”

Bây giờ thì cả thế giới đều rõ đây là một trong những nhà độc tài khét tiếng, phạm vào tội ác diệt chủng đối với chính đồng bào của mình cũng như các dân tộc khác suốt thời gian ông ta cầm quyền!

Bao nhiêu năm, đảng và nhà nước cộng sản VN nhất định lựa chọn con đường bạo lực để thống nhất đất nước, nhất định lôi kéo cả dân tộc đi theo giấc mơ tiến lên chủ nghĩa xã hội “nghìn lần dân chủ hơn xã hội tư bản giẫy chết.”
Nhưng dù sao, trong một giai đoạn nào đó, những sai lầm u mê như vậy có thể hiểu được. Và cũng có thể tự an ủi là không riêng gì những người cộng sản VN bị đánh lừa bởi cái chủ nghĩa Mác Lênin và mô hình lý tưởng xã hội chủ nghĩa!

Nhưng khi thời đại đã thay đổi mà nhà nước VN vẫn cứ lạc loài.

Nhà báo Trần Ngọc Thành kể lại trong bài “Thế nào là phản bội? Ai phản bội?”:
“Nhớ lại những ngày này cách đây 25 năm, khi người thợ điện Lech Walesa trở thành lãnh tụ của ‘Công Ðoàn Ðoàn Kết,’ tại Việt Nam tất cả các hệ thống tuyên truyền của đảng đều lên án Walesa và các bạn ông là tay sai của đế quốc, là công cụ của CIA. Năm 1989, khi những nhà lãnh đạo ‘Công Ðoàn Ðoàn Kết’ được nhân dân bầu vào vị trí lãnh đạo đất nước, đảng cộng sản Việt Nam đã tổ chức biểu tình rầm rộ trước Ðại Sứ Quán Ba Lan tại Hà Nội, do bà Nguyễn Thị Ðịnh ủy viên Trung Ương Ðảng dẫn đầu: “Ðả đảo Công Ðoàn Ðoàn Kết,” “Ủng hộ nhân dân Ba Lan,” “Nước Ba Lan mất rồi”!... Ông đại sứ Ba Lan lúc đó sửng sốt: “Ủng hộ nhân dân Ba Lan nào? Nước Ba Lan nào mất?”... Khi Liên Xô sụp đổ, những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam lại kết tội Gorbachow là kẻ phản bội, những người cộng sản Liên Xô và Ðông Âu là kẻ phản bội, buộc tội họ phá tan thành quả “70 năm Cách Mạng Tháng Mười”...

Hụt hẫng, cuống quít trước sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Ðông Âu, nhà nước VN tiếp tục có những định hướng sai lầm là quay sang bám lấy TQ để mong TQ thay Liên Xô dẫn dắt các nước do đảng cộng sản lãnh đạo còn lại, “bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc.” Hậu quả của sự quay lại này đã dẫn đến mối quan hệ Việt-Trung bất lợi ra sao trong mấy thập niên qua, nhiều người đã phân tích rất rõ.

Khi Mỹ tấn công I-raq vào năm 2003, dưới sự tổ chức của đoàn thanh niên, học sinh tại một số trường ở Hà Nội đã biểu tình trước Tòa Ðại Sứ Mỹ, phản đối, lên án Mỹ xâm lược Iraq. Báo chí VN cho đến tận khi Mỹ đưa quân vào Iraq vẫn đưa tin như thể chính nghĩa thuộc về chế độ của ông Saddam Hussein, Mỹ tiến vào I-raq là sẽ thảm bại đến nơi!

Có thể thấy VN đã luôn nằm trong thiểu số các quốc gia độc tài “chậm hiểu” còn lại trên thế giới, luôn lội ngược dòng chảy chung của thế giới tiến bộ, văn minh, dân chủ.

Trở lại cái chết của Ðại Tá Gaddafi, người lãnh đạo có tài, có tâm là phải biết nhìn xa tình hình cục diện chính trị thế giới và trong nước để chọn lựa cách ứng xử phù hợp. Cách xử sự khác nhau giữa các nhà lãnh đạo độc tài Bắc Phi đã dẫn tới những kết cục khác nhau cho đất nước và cho chính họ.

Từ cái chết của Gaddafi, nhiều bài báo trong và ngoài nước đã viết về một cái kết cục bi thảm cho những kẻ độc tài hay sự cáo chung cho những chế độ độc độc tài nói chung.

Ngay những người lãnh đạo Cuba, Miến Ðiện bây giờ cũng đang thay đổi.

Không rõ rồi những người lãnh đạo VN nghĩ gì, và sẽ chọn đứng về phía thế giới dân chủ hay tiếp tục duy trì quyền lực, đi theo mô hình TQ mà họ tưởng là sẽ vững mạnh như những người lãnh đạo Bắc Kinh đang nghĩ vậy. Chẳng khác nào các thế hệ lãnh đạo nhà nước Liên Xô trước đây.

Nhưng riêng với những người đang làm trong hệ thống báo đài chính thống của VN, hãy cân nhắc nghĩ đến cái hậu mai sau trước khi viết/đưa những bản tin sai sự thật, lạc nhịp “không giống ai.”

Bởi rồi sẽ có lúc họ không dám đọc lại những gì đã viết!
.
.
.

No comments: