Nguyễn Việt Thuận
Wednesday, October 12, 2011 1:47:39 PM
Từ năm 2003 đến nay, người lao động trải qua 7 lần điều chỉnh tăng tiền lương danh nghĩa tối thiểu (từ 210.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng) nhưng tiền lương thực tế chẳng đủ thiếu vào đâu trước cảnh giá cả tiêu dùng tăng liên tục từng ngày.
Tiền ăn, tiền thuốc, tiền nhà... trăm thứ bấu chặt vai người lao động. Ðời công nhân vất vả, các doanh nghiệp (DN) cũng lao đao.
Nếu chỉ căn cứ vào các con số tạo việc làm tháng này cao hơn tháng trước, kỳ này cao hơn kỳ trước của Tổng Cục Thống Kê thì dễ chừng Việt Nam đã phải nhập khẩu lao động từ đời tám hoánh nào rồi; hoặc ít ra cũng khiến nhiều quốc gia phát triển phải đỏ mặt trước các “thành tựu” lắm kỳ tích này. Song chẳng thấy đoàn chuyên gia quốc tế nào chạy sang học hỏi xứ mình cả, có lẽ họ cũng bình tĩnh lại khi nghe trong báo cáo Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011.
Sáng 1 tháng 10, Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư Bùi Quang Vinh đưa ra thông tin: 9 tháng qua đã có 48,700 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động. Trong đó, giải thể 5,803 DN, ngừng hoạt động là 11,421 và 31,477 DN đã dừng nộp thuế nhưng chưa đăng ký giải thể (1). Tức số DN giải thể và ngừng hoạt động đã tăng 21.8% so với cùng kỳ năm 2010. Chứng tỏ nhiều DN vừa và nhỏ đã quỵ ngã trước mức tăng phi mã của lạm phát, lãi suất và chi phí thị trường Việt Nam hiện nay. Từ đây đến hết năm 2011, tỷ lệ DN phá sản tính trên tổng số các DN đăng ký kinh doanh có khả năng xấp xỉ ở mức 40%. Ngay việc trụ lại được đối với các DN đã là nan giải thì làm sao tính tới chuyện tuyển thêm lao động.
Máy in tiền đang bốc khói
Theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống Kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9, 2011 tăng 22.42% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chắc chắn đây không phải là con số thực. Theo một nguồn thông tin độc lập, tính từ đầu năm đến tháng 9, 2011, Ngân Hàng Nhà Nước đã in ra gần 500 ngàn tỷ đồng. Còn theo Reuters thì từ đây đến cuối năm 2011, Ngân Hàng Nhà Nước sẽ in thêm 300 ngàn tỷ đồng nữa (2). Kinh tế Việt Nam đang bước dần vào giai đoạn lạm phát siêu khủng. Lạm phát dẫn đến mất giá đồng tiền, là một sắc thuế vô hình đang đánh trực tiếp vào toàn dân. Trăm dâu đổ đầu tằm thời bão giá, chính công nhân là tầng lớp chịu đòn thê thảm nhất. Tiếp tục tình trạng giá vàng tăng, giá USD rục rịch - kéo dài đến tháng 11, 2011 - do nhu cầu nhập hàng mùa Tết, giá USD lại càng tăng mạnh, lạm phát được đà nhảy vọt. Trong bối cảnh lương không thể tăng vào dịp này, anh chị em công nhân ta sẽ có nhiều người đói mất. Diễn tả cách thiết thực, trong lúc máy in tiền Ngân Hàng Nhà Nước đang bốc khói vì chạy tăng lên 3 ca thì bữa ăn người lao động sắp giảm còn 1 bữa.
Bởi không có gì đau lòng bằng cảnh mỗi sáng thức dậy, túi tiền người công nhân vơi bớt một ít mặc dù họ chẳng kịp tiêu gì - vì những đồng tiền mồ hôi nước mắt đó bị cúng trực tiếp vào sắc thuế nghiệt ngã có tên là lạm phát.
Tiền đi đâu về đâu?
Trớ trêu thay, trước số lượng tiền khổng lồ đưa vào thị trường như vậy mà người lao động Việt Nam lại thất nghiệp tràn lan. Nguyên nhân này không nằm ngoài sự có mặt của 12 tập đoàn kinh tế nhà nước. Các đơn vị này chiếm đến 60% tín dụng ngân hàng, 70% tổng tài sản cố định, 70% nguồn vốn ODA nhưng chỉ tạo ra được 9% việc làm cho toàn xã hội (3). Trong khi phải è cổ ra gánh việc tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, các DN tư nhân vừa và nhỏ trở nên vô cùng khốn khó khi thiếu sự đầu tư cần thiết từ phía nhà nước. Nghịch lý này càng trở nên cao trào khi người ta không thể không rùng mình trước các báo cáo thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước: EVN dự báo lỗ trong năm 11.669 tỷ đồng; Vinalines 6 tháng lỗ 660 tỷ đồng, chưa tính khoản nợ từ Vinashin chuyển sang là 16,000 tỷ đồng. Tổng công ty Xăng Dầu trong 7 tháng lỗ 1,449 tỷ đồng, Tập Ðoàn Sông Ðà thiếu vốn do chưa được chủ đầu tư thanh toán công nợ lên đến 5,500 tỷ đồng... Một loạt nhà máy xi măng thuộc dự án nhà nước đầu tư phải nhờ chính phủ đứng ra trả nợ. Ði đôi với trách nhiệm vô cùng ảo thì số tiền thất thoát là rất thực, thực y như hành vi đang đánh cắp tương lai cả xã hội Việt Nam hiện nay.
Vì lợi ích cục bộ của đảng cầm quyền, chủ trương đầu tư vô tội vạ và phân biệt chính trị là nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát siêu khủng này. Thay vì phải giải quyết từ gốc bằng cách giải tán triệt để các tập đoàn, tổng công ty quanh năm chỉ biết ăn hại này; quyền lợi của người lao động bị đem ra hy sinh cho chủ trương kiềm chế lạm phát. Các DN làm ăn chân chính - trung tâm giải quyết lao động xã hội - không thể tiếp cận nguồn vốn và mở rộng sản xuất kinh doanh vì mức lãi suất cho vay quá cao của ngân hàng. Thực trạng này minh chứng rằng, một khi nền kinh tế còn bị thao túng có hệ thống thì vấn đề đảm bảo việc làm cho người lao động sẽ còn quá xa vời.
Tình trạng báo động cực hạn
Tình trạng thất nghiệp hiện nay đang ở mức báo động. Theo Cục Việc Làm (Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội), đến hết tháng 6, 2011, số người đăng ký thất nghiệp tại các trung tâm giới thiệu việc làm cả nước, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Sài Gòn, cả năm 2010 chỉ có hơn 67,000 đăng ký thất nghiệp, trong khi chỉ 7 tháng đầu năm 2011, các điểm đăng ký thất nghiệp đã tiếp nhận hơn 70,000 người. Không chỉ riêng thành phố, thị trường lao động cả nước chìm trong cơn bão khủng hoảng. Trước thực trạng kinh tế suy sụp, không thể phát biểu vô trách nhiệm như một số quan chức: thất nghiệp ảo để trục lợi bảo hiểm. Họ phải thấy rằng nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN địa bàn Sài Gòn trong tháng 7, 2011 giảm khoảng 40% ở hầu hết các ngành nghề. Ðặc biệt những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giầy, chế biến... giảm đến 60% nhu cầu so với những tháng trước đó.
Các quan chức hữu trách và giới truyền thông nên phát lên tiếng nói lương tâm của mình, đừng dụng những đĩ từ, kiểu như: thất nghiệp ảo gia tăng bất thường. Không thể đem yêu cầu nhân công với mức lương rẻ mạt của một số công ty mà vu vạ thành tình trạng thất nghiệp ảo. Phải biết đồng lương chết đói ấy không đủ trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở các thành phố. Ðây là lý do chính khiến nhiều người lao động phải xin nghỉ mà chuyển việc khác hoặc đành quay trở về nông thôn mưu sinh.
Thị trường lao động ngày càng bị thu hẹp. Kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng, nhu cầu lao động nhập cư của thế giới tất giảm sút nghiêm trọng; thậm chí bị trả về như ở Nhật và Libya vừa qua. Trong buổi người khôn của khó, nguyên nhân thiếu việc làm còn do thái độ ưu ái của ai đó đối với ngoại bang phương Bắc. Thử hỏi đào đâu ra việc cho người lao động Việt Nam, trong khi: gần 90% lượng nhập siêu trong ngành cơ khí là từ Trung Quốc, và nhiều mặt hàng trong số này doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được từ lâu. Các doanh nghiệp nội địa đứng xa mà nhìn trước 20 công trình nhiệt điện đang thực hiện theo cơ chế EPC do các nhà thầu nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, thực hiện với tổng giá trị khoảng 20 tỷ USD (4). Các dự án quốc gia này nhập từ bù lon con tán đến nhân công lao động phổ thông ngoại quốc. Mà nào đã hết, khi nhìn lại Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) có điều khoản thu hoạch sớm, nghĩa là trong lúc chưa đưa được khuôn khổ chung về Hiệp định Thương mại Tự do thì những mặt hàng nào đưa vào giảm thuế lâu dài được thì giảm trước. Tức từ đây đến năm 2015, có 90% các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu tràn vào Việt Nam sẽ có thuế suất 0%. Thị trường hàng hóa nội địa càng bị bóp hẹp thì thị trường lao động càng thêm o ép. Thử hỏi, các các bộ ngành trên cao khi tham gia đàm phán, ký kết với thiên hạ có lượng định viễn cảnh này không - hay vì mỏi tay đếm các khoản huê hồng, lại quả mà tối mắt trước nỗi khổ dân đen.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Những con số biến ảo trên giấy không che giấu được thực trạng đói rách của người lao động Việt Nam. Trên mặt ai đó không rõ ràng lóe lên ánh mắt vui sướng khi người khác gặp họa, họ chỉ âm thầm ăn tươi nuốt sống tài lực đất nước. Trong khi người công nhân đang lo thắt ruột vì miếng ăn từng bữa thì loạt xe hơi hạng sang vẫn được nhập về tấp nập, các bàn ăn vẫn ngập tràn sơn hào hải vị - mà chủ nhân chúng thường là con cháu của anh Ba, chú Tư nào đó. Bỏ ngoài mắt lợi ích nhân dân, kẻ làm quan nha liệt tất cả những người lao động cùng khổ thành đám lưu manh đứng đường, hô to gọi nhỏ kêu gào suông tạo hưng phấn. Họ chẳng thèm biết, sức mạnh công nhân nào chỉ vậy, có ngày quang minh chính đại mà đứng lên đòi lại chút quyền lợi đang bị ngang nhiên cướp bóc của mình.
Bài ca về độc lập được ra rả mỗi ngày khi các báo đài nhà nước thuyết giáo về chính trị - như một thành tích bất khả so sánh của đảng cầm quyền. Nhưng thử bàn xa hơn, nền kinh tế Việt Nam có “độc lập” hay chưa khi làm gia công và xuất khẩu thô là trọng điểm, đời sống người lao động sắp đói đến chết vì thất nghiệp - trách nhiệm thuộc về ai?
Chú thích:
.
.
.
No comments:
Post a Comment