Wednesday, October 12, 2011

KHỦNG HOẢNG LÃNH ĐẠO DƯỚI BẦU TRỜI ÂU CHÂU (Nguyễn Hoài Vân)


Nguyễn Hoài Vân
Tuesday, October 11, 2011

Berlusconi: « cả tiếng lại dài hơi ! »

Nếu chúng ta không hài lòng với các bác Obama, Sarkozy, Nguyễn Tấn Dũng, hay chi khác… thì xin hãy xem qua « sự nghiệp » của bác Berlusconi. Bác này ngự trị trên chính trường Ý từ 17 năm nay, tài sản 7,8 tỷ Đô La, làm chủ hầu hết báo chí và đài truyền hình của nước mình, 90 lần bị kiện, từng hối lộ 600 ngàn Đô cho một luật sư để ông ta làm chứng dối (ông luật sư bị kết tội, nhưng Berlusconi trắng án !), từng đút lót cho nhân viên thuế vụ (bị kết án rồi kháng cáo và được tha), từng tài trợ phi pháp nhiều đảng phái, gian lận trong việc mua bán cầu thủ bóng đá, trong việc mua một hãng làm phim, một công ty (đồng thời hối lộ thẩm phán), một nhà xuất bản (lại hối lộ thẩm phán), từng trốn thuế, mua phiếu của dân cử … Đó là chưa kể các vụ scandal tình dục với một lô bồ nhí, kể cả một « bé gái » vị thành niên (vụ « Ruby gate »), và các tuyên bố kỳ thị chủng tộc kiểu : Obama là « một chàng trai cháy nắng », hay những khôi hài hạ cấp đối với phụ nữ, như « phụ nữ hữu phái đều đẹp, trong khi đàn bà phe tả đều… mãn kinh ! ». Mặc dầu vậy, dân Ý vẫn vui vẻ bầu cho Berlusconi, 3 lần trong 15 năm, khiến cái bác « cả tiếng lại dài hơi » này đoạt được kỷ lục làm thủ tướng lâu năm nhất của nền cộng hòa Ý ! Cách đây vài tháng, Berlusconi, lại tranh thủ được tín nhiệm của quốc hội nhờ hối lộ bốn dân biểu đối lập...

Con tàu không lái

Vấn đề là với những xoong chảo leng keng ầm ĩ mà Berlusconi kéo theo mình, nước Ý như một chiếc tàu không lái, bồng bềnh trên một đại dương đầy bão táp phong ba. Chỉ trong năm 2012, Ý sẽ phải thanh toán một món nợ lên đến 500 tỷ euros, nhiều hơn toàn bộ món nợ của Hy Lạp. Nợ qua trái phiếu của Ý là 1800 tỷ euros, vượt quá 100 % sản lượng quốc gia !

Thật vậy, trong khi mọi người dồn mắt nhìn về phía Hy Lạp, thì khủng hoảng đang vươn vai tỉnh giấc dưới bầu trời Italy, với những đe dọa to lớn gấp bội phần. Dưới sự quản lý của Berlusconi, khả năng trả nợ của Ý càng ngày càng mơ hồ, mặc dù hai chương trình tiết kiệm nặng ký (54 tỷ euros) vừa được thông qua, và đang bị dân chúng chống đối mạnh mẽ, đặc biệt trong các cuộc biểu tình cuối tuần này. Standard and Poor đã không bỏ lỡ dịp để hạ điểm của Ý, và cho biết cũng sẽ làm như thế với các ngân hàng và đại công ty của nước này. Ngừa trước điều ấy, Quỹ Tiền Tệ quốc tế đã phải khuyến cáo ngân hàng trung ương Âu Châu hạn chế nâng cao tiền lời của Ý.
Tình trạng tê liệt

Trường hợp nước Ý tiêu biểu cho một sự thiếu vắng lãnh đạo đã trở thành hiển nhiên nơi nhiều quốc gia Âu Châu khác. Tại Bỉ, trong khi ngân hàng Dexia, được coi như xí nghiệp có tài sản lớn nhất nước, bị phá sản, thì quốc gia này trải qua tháng thứ 16 không có chính phủ. Tổng Thống Sarkozy của Pháp quốc, nước thành viên cùng với Bỉ của ngân hàng Dexia, cũng đang ở trong một tư thế khó khăn. 58 % dư luận không muốn thấy ông tái tranh cử vào năm 2012. Ít nhất là bốn cộng sự viên thân cận nhất của ông hiện bị tòa án chiếu cố, và chính bản thân ông cũng có thể bị liên lụy, đặc biệt là trong vụ hối lộ Pakistan (nghi án Karachi). Khả năng lèo lái quốc gia của chính quyền Sarkozy bị hạn chế một cách trầm trọng vì những khó khăn chồng chất này. Phần còn lại của « cột sống » của « khu vực Euro » là nước Đức, cũng đang tê liệt và làm tê liệt mọi quyết định trong vụ khủng hoảng Hy Lạp. Thật vậy Thủ Tướng Angela Merkel đang vất vả xoay sở với những dằng co phức tạp trong liên minh cầm quyền, và trước lực lượng đối lập càng ngày càng được củng cố. Tư thế chênh vênh của bà không cho phép bà đi ngược lại khuynh hướng ưu thắng của dư luận Đức, không muốn bơm tiền cứu giúp Hy Lạp.

Tình trạng tê liệt ấy khiến cho những biện pháp giải quyết vấn đề Hy Lạp, sau hơn một năm trì hoãn, đã trở nên cực kỳ tốn kém. Nếu hơn một năm trước, giới lãnh đạo Âu Chau đã có thể hợp tác với các ngân hàng để trợ cấp cho Hy Lạp mà không đe dọa ngân quỹ của các ngân hàng này, thì ngày hôm nay điều ấy trở nên rất tế nhị. Một phương pháp đánh lừa dư luận vừa được nghĩ ra : thay vì đổ tiền vào Hy Lạp, người ta quyết định đổ tiền công quỹ vào các ngân hàng, rồi đòi hỏi các ngân hàng ấy tham gia vào việc xóa nợ cho Hy Lạp. Dư luận sẽ chỉ thấy việc nâng đỡ hệ thống ngân hàng, không nhìn ra chuyện gián tiếp chuyển tiền cho Hy Lạp, nên sẽ dễ dàng chấp nhận giải pháp này.

Mâu thuẫn nền tảng

Tuy nhiên, không có gì bảo đảm rằng sau khi nhận được tiền của người dân qua các chính phủ, các ngân hàng sẽ không đổ tiền ấy vào đầu cơ tài chính. Những đầu cơ vào các lợi tức ảo như thế có nhiều nguy cơ sẽ lại đưa đến việc phải bù đắp chúng bằng lợi nhuận thật của dân chúng, qua dồn nén lương bổng, cắt giảm hưu trí, an sinh xã hội...

Một trường hợp khác cũng đáng quan ngại không kém là nước Tây Ban Nha, cũng vừa bị Fitch Ratings hạ xuống hai điểm. Ba ngân hàng lớn của Tây Ban Nha đã phải bị quốc hữu hóa. Đây là một hình thức bắt người dân phải gánh chịu sự thua lỗ các ngân hàng này, trong khi họ đã phải chấp nhận giảm lương và phải sống trong lo lắng với số thất nghiệp vượt quá 20%. Trước sự tụt dốc thê thảm của các chỉ số tín nhiệm của dân chúng, thủ tướng Zapatero đã phải cải tổ nội các và tuyên bố sẽ rời chính quyền vào năm tới.

Từ trung tuần tháng năm, một phong trào quần chúng chống lại sự bóc lột người dân bởi giới tài phiệt đã được phát động tại trên toàn lãnh thổ Tây Ban Nha. Phong trào tự phát ấy mang tên « Phẫn Nộ ». Nó đã lan rộng ra khắp Âu Châu, sang cả Israel. Thậm chí trong cuộc biểu tình của Phong Trào ngày hôm nay tại Bruxelles, có cả một phái đoàn đến từ... Hoa Kỳ !

Một dấu hiệu khác của sự trống vắng lãnh đạo chính trị, là sự kiện quyền năng càng ngày càng lớn mạnh của các cơ quan trắc lượng kinh tế, như Moody, Standard and Poor, Fitch Ratings ... Khi ban phát những điểm xấu, tốt, cho nước này hay nước khác, các cơ quan ấy mặc nhiên ảnh hưởng đến chính sách kinh tế của các quốc gia liên hệ, không chỉ qua tiền lời của các món nợ mà các quốc gia kia phải chịu, mà cả qua hình ảnh của các chính quyền đối với dư luận, một điều còn quan trọng hơn ảnh hưởng vào lãi suất gấp bội phần. Nhiều chính quyền đã phải thích nghi chính sách kinh tế, tài chính, của mình trước nguy cơ bị hạ điểm, bằng những phương cách gây ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống của người dân.

Khủng hoảng đã đưa ra ánh sáng những mâu thuẫn nền tảng giữa phú hữu đến từ việc làm với phú hữu đến từ tư bản, giữa dân chủ với chủ nghĩa duy lợi, giữa người dân với các thế lực tài phiệt ảnh hưởng trên quyền hành chính trị.

Khủng hoảng kéo dài sẽ đe dọa chính những nền dân chủ kiên cố nhất.

Nguyễn Hoài Vân
9 tháng 10 năm 2011
.
.
.

No comments: