Thursday, October 20, 2011

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA LÀ CỦA TRUNG QUỐC . . ! (Trần Thạch Linh)



Trần Thạch Linh
20/10/11 2:24 PM

Cách đây hai năm, Trần Thạch Linh viết Truyện ngắn “Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc…!. Tại thời điểm đó, khi mà tất cả các khẩu hiệu “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam” đều bị hủy diệt và những ai nói, viết câu đó là sự phạm húy không thể chấp nhận được. Thậm chí, nhiều người đã vào tù chỉ vì ý nghĩ, hành động và lời nói khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam như Điếu Cày, Phạm Thanh Nghiên…

Thế nhưng, trước sự phản ứng ngày càng gay gắt của mọi tầng lớp nhân dân, nhà cầm quyền VN buộc phải thoái lui trước tinh thần yêu nước của nhân dân, họ không thể tiếp diễn sự im lặng đáng ngờ để dâng lãnh thổ, lãnh hải cho bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh như múa gậy vườn hoang trước đây.

Truyện ngắn của Trần Thạch Linh như đã tiên đoán về kết quả ngày hôm nay từ ngay thời điểm nhà cầm quyền CSVN đàn áp khốc liệt nhất.
Mời quý vị bạn đọc thưởng thức.

---------------------

Bắt đầu từ năm ngoái, vào cái đận giá cả cứ lên vòn vọt, túng thiếu quá, bế tắc quá, cay đắng, khốn cùng vì không có đủ tiền để sống, đến độ không thể chịu đựng hơn được nữa, giữa đêm thanh vắng tôi đã phải thét to lên với chính mình “Tiền ơi, mi là con quái vật… mi là tiên là phật!… không!.. không phải… mi là đảng và nhà nước…”
Tuồng như hét to lên giữa đêm thanh vắng mà vẫn không giảm được cơn bí bách, sáng hôm sau tôi lấy tấm vải tráng nhựa cũ, dùng ít sơn viết vào mặt sau nỗi niềm sâu cay của chính mình “Tiền ơi… mi là đảng và nhà nước” tôi dùng cặp căng treo sát ngay trên cửa sổ căn hộ của mình.

Cứ tưởng, căng tấm băng-rôn đó lên thì sẽ nhẹ được lòng đi đôi chút, nào ngờ rắc rối lại qua đó lại kéo đến.
Ngay trưa hôm đấy, anh cảnh sát khu vực xuất hiện tại nhà tôi với mũ áo sắc phục nghiêm chỉnh (khác với mọi ngày, anh ta vẫn mặc thường phục khi có việc phải lui tới trong dân). Anh tự đẩy cửa bước thẳng vào nhà mà không thèm cởi hay chùi giầy. Không chào hỏi ai, không kịp để tôi mời nước, anh nói to, tay chỉ thẳng vào tấm băng-rôn với một thái độ nghiêm khắc và kiên quyết:
-Yêu cầu ông tháo tấm băng rôn phản động kia xuống.

Tôi chỉ còn cách mỉm cười gượng gạo rồi thò tay giật cái băng-rôn xuống, lôi vào nhà trải ra ngay trước măt anh ta, có ý định diễn giải đôi điều về nội dung của nó.
Anh dùng mũi giày phanh mép quăn của tấm băng-rôn ra, nhăn mặt đọc kỹ lại từng chữ trên đó, rồi lại dùng mũi giày hất hất, gập quấn lại, đá nhẹ một cái, đẩy cuộn băng-rôn vào gậm giường, quay người đi ra. Đến cửa anh ta dừng lại như chợt nhớ ra và không buồn quay đầu, anh nói cũng vẫn với cái giọng nghiêm khắc và kiên quyết như vừa rồi:
- Dám gọi đảng và nhà nước là mi, lần này thì nhắc nhở như thế, nếu còn tái diễn lần sau chúng tôi sẽ lập biên bản xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Và anh ta đi thẳng không thèm đóng khép cánh cửa nhà tôi lại.

Tôi ngồi bần thần trên ghế khá lâu, ngỡ ngàng về thái độ vừa rồi của anh cảnh sát khu vực.Tôi có gọi đảng và nhà nước là mi đâu, tôi gọi đồng tiền là mi đấy chứ. Còn thì hãy nhìn xem ngay trong phố nhà tôi ở là rõ ngay thôi. Những gia đình nào có người làm trong hệ thống cơ quan đảng hoặc nhà nước là có đời sống cao, thừa tiền nhởn nhơ đi làm từ thiện, cung tiến các chùa chiền, tổ chức các lễ giải hạn, ma chay cưới hỏi nổi đình nổi đám, du lịch khắp nơi trong và ngoài nước.
Chỉ cần làm quan ở một quận thú, huyện lỵ nào đấy là là có thừa cho các con đi du học nước ngoài, có nhà to tại Hà Nội, tại quê nhà, có tiền “găm”đất tại những nơi có “tầm nhìn” đến năm 2010, 2012, 2015… Vậy rõ ràng có đảng, có nhà nước là có tiền, có cuộc sống thần tiên thì tiền là đảng và nhà nước là đúng quá rồi… Lòng tôi cứ vò võ mãi không yên được về cái sự “Phản động” này.

Thật ra quan hệ giữa tôi và anh cảnh sát khu vực không đến nỗi nào, có phần thân tình là đằng khác. Ngay từ khi chuyển đến đây, theo mách nước của mấy tay “đề đóm” ngoài hàng nước, tôi đã chủ động làm quen và nhờ anh ta giải quyết những việc “tế nhị”. Như chuyển hộ khẩu cho nhanh, rồi làm sổ đỏ, hay là chạy cho con cậu em họ thuộc diện trái tuyến về học tại trường của địa phương này cũng vậy, anh ta làm rất mau lẹ, có độ tin cậy cao. Tuỳ việc mà là mấy “vé”, khi anh ta đã nhận “vé” rồi thì cứ đúng ngày giờ quy định là trả kết quả tại nhà.
Thi thoảng có công, có việc phải đến, nếu trúng vào bữa ăn, và nếu tiện có bộ lòng hay con mực nướng gì đó thì tôi đều mời anh ta ở lại. Anh vui vẻ nhận lời ngay. Rượu vào anh ta lại thả ra những lời bất mãn bâng quơ, qua đó tôi hiểu được nỗi niềm sâu kín trong lòng anh là không có tiền để chạy các “sếp” trên, nên có tuổi rồi mà vẫn cứ lẹt đẹt là anh cảnh sát khu vực.

Kể từ bữa treo băng-rôn ấy, anh ta hay tới nhà tôi luôn, tuy nhiên lúc nào cũng với bộ dạng đầy đủ sắc phục và với thái độ lạnh lùng nghi kị, có phần hăm doạ nữa. Cũng chẳng sao, tôi đã hết việc để nhờ anh ta và tôi cũng hết cái ý định treo băng rôn “phản động” để giải toả bức xúc của mình.

Thế nhưng bỗng nhiên những tháng gần đây báo chí rộ lên chuyện Trung Quốc xâm lấn biển đảo, cướp bóc đánh đập đồng bào ta tránh bão tại quần đảo Hoàng Sa lại làm cho tôi phát một cơn bức bối trong lòng, đỉnh điểm là việc Trung quốc lập uỷ ban thôn đảo tại Hoàng Sa đã làm tôi bị “sốc”.

Thế là tôi lại làm ngay một băng rôn với nội dung “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” căng treo đúng tại vị trí đã căng lần trước. Xong việc tôi pha riêng cho mình một ấm trà, ngồi thảnh thơi trên ghế dựa vì đã bày tỏ, giải phóng được phần nào bức xúc trong lòng mà không liên quan gì tới vấn đề “phản động” cả.

Bất ngờ là tay cảnh sát khu vực đã xuất hiện ngay, bất ngờ hơn là lần này thì khác, anh ta mặc thường phục và với một thái độ mềm mỏng, bẽn lẽn. Anh ta gõ cửa rồi mới cởi giày và chỉ vào nhà khi đã câu “mời vào” của tôi. Tuy nhiên anh ta đã tự chọn cho mình vị trí ngồi ngay sát bên cửa sổ nơi căng tấm băng-rôn.
Sau một hồi nói năng nhăng nhít không đâu vào đâu, đôi mắt ma lanh, ráo hoảnh cứ liếc ra cửa sổ, anh ta mạnh dạn hỏi nhẹ:
-Ông anh lại treo băng-rôn à?

Thái độ nhũn nhặn khi vào nhà tôi lần này của tay cảnh sát khu vực, cùng với sự chính nghĩa trong lòng mình khi treo băng rôn khiến tôi trở nên khá cứng vía, tôi đáp gọn lỏn:
- Phải
- Lần trước đã thống nhất với nhau rồi… Ông anh không nhớ à…?
- Tôi thống nhất gì với cậu nhỉ? Sự thật thì tôi không nhớ ra nổi mình đã thống nhất gì với anh ta.
- À thì cái lần anh treo băng phản động trước đây đấy? – Anh ta lí nhí – Em đã bỏ qua cho anh, chỉ nhắc nhở thôi, giờ anh lại tái diễn rồi.
- Phản động ở chỗ nào nào? Tôi cứng giọng.
- Lãnh đạo không có chủ trương như thế, với lại anh treo băng quảng cáo thì phải xin phép chứ?
- Quảng cáo gì nào? Tôi bắt đầu lên giọng – Tôi chỉ thể hiện lòng yêu nước của mình.
- Anh thể hiện lòng yêu nước tức là quảng cáo cho lòng yêu nước của anh đấy còn gì? – Anh ta cao giọng lên giống như tôi và tỏ ra đắc ý về cách lập luận, về cái lôgic tự nhiên mà anh ta đã nêu ra.
Tôi xuất thần vặn lại:
- Thế thì tất cả những lá cờ được treo lên là để thể hiện lòng yêu nước, là quảng cáo cả hay sao? Cậu ra mà bắt chẹt những người treo cờ trước đã rồi hẵng vào đây lằng nhằng với tôi.

Biết là lỡ hố rồi, anh ta im thin thít, tôi có phần đã hơi nổi khùng nên nói tiếp một thôi một hồi : “… Rõ ràng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, lịch sử là như thế, báo đài, ti vi, rồi người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta tuyên bố này nọ… Cậu không biết à…? Tôi chỉ thể hiện lòng yêu nước của mình thôi…”

Gã cảnh sát khu vực kiên nhẫn lắng nghe, lắng nghe một cách ranh mãnh, thỉnh thoảng lại chêm vào vài câu: “…Chuyện quốc gia đại sự đã có lãnh đạo lo rồi…” “…Yêu nước là tốt thôi… nhưng cũng có những cách khác để thể hiện… Yêu nước cũng phải có lãnh đạo, chủ trương của lãnh đạo là…

Biết là tranh luận không đi đến đâu, anh ta chuyển sang một hướng khác, chính là điểm yếu của tôi, đó là tình cảm. Anh ta bắt đầu lải nhải rằng các vấn đề “Nhạy cảm” “Tế nhị” tôi dây vào làm gì cho mệt, cái bọn “gió máy”, “Nấm niếc” gì đó vừa bị bắt ráo cả rồi, rằng là anh ta bị sức ép từ cấp trên, rằng anh ta có thể bị mất sao mất hột về chuyện này..v..v…

Rồi thật bất ngờ và nhanh như một động tác vũ thuật điêu luyện, anh ta thò tay ra cửa sổ, giật cái băng-rôn xuống, cuộn lại và lủi nhanh ra cửa ngay trước măt tôi. Tôi ớ ra không biết phải làm gì nữa, chẳng lẽ lại chạy theo giằng co với anh ta. Đến cửa, anh ta dừng lại, quay về phía tôi nhưng không dám nhìn vào mặt tôi mà lắp bắp phân bua mấy câu rồi mới khuất hẳn:
- Vuốt mặt phải nể mũi ông anh ạ, chỗ anh em đi lại với nhau, anh làm gì thì làm cũng phải nể em một tý chứ.

Thật là không thể hiểu nổi nữa. Tôi cứ đi loanh quanh mãi trong phòng không biết là bao nhiêu vòng để rồi bỗng nhiên lại phát khùng lên. Đã thế thì…
Chỉ trong mươi phút đồng hồ tôi đã làm xong một băng-rôn khác với nội dung “Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc và treo ngay lên. Tôi khoá chặt cửa lại với ý định không cho tay cảnh sát khu vực vào nhà nữa và lại pha một ấm trà mới, ngồi yên trên ghế dựa với sự hưng phấn lạ lùng, cảm giác đắc thắng của sự trả thù, chơi đểu lại được đối phương lan toả trong lòng.

Chừng hai giờ sau, bỗng có tiếng huyên náo ồn ào ở bên ngoài, buộc tôi phải mở cửa ra xem có chuyện gì. Ôi…giời, vẫn lại là tay cảnh sát khu vực nhưng sắc phục chỉnh tề. Lần này không chỉ một có mình anh ta, lố nhố phía sau là một nhóm bốn năm người, họ là tổ trưởng, tổ phó, cán bộ gì đó ngoài phường. Họ đứng ở ngoài nhìn vào nhà tôi đầy vẻ nghi ngại soi mói, chỉ có tay cảnh sát khu vực sấn sổ xông vào và lại nghiêm giọng lạnh lùng như lần nọ:
- Yêu cầu ông tháo băng-rôn phản động kia xuống.
- Phản động? Tôi ngạc nhiên dằn giọng – Phản động ở chỗ nào?
- Ai bảo ông Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc? Anh ta hất hàm hỏi, rồi sổ một tràng đúng như luận điệu của tôi lần trước. – Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, lịch sử là như thế, báo đài, ti vi, rồi người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta tuyên bố này nọ… Ông không biết à…?
Tôi cứng họng không thể nói gì hơn được nữa, tâm phục khẩu phục giao nộp cho anh ta tấm băng- rôn “Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc”.

Họ đi rồi tôi rơi vào cơn hoang mang đến tột đỉnh, cả đêm hôm đấy vật vã không sao chợp mắt được… không thể hiểu được đâu là sự thật. Gần sáng, đột ngột lại vụt loé trong lòng tôi một phương cách mới. Với cách này tôi quyết tâm đi cho tới cùng sự thật.
Thế là hôm sau tôi lại có ngay một tấm băng rôn mới, nội dung “Hoàng Sa-Trường Sa không là của ai”. Lần này thì khác, tôi mở toang cửa và thay vì pha ấm trà, tôi lấy can rượu quê để dành từ tết năm ngoái rót đầy một chén tống, săn sàng đối diện với tay cảnh sát khu vực.

Hết ngày hôm đó, sang hôm sau, rồi những hôm sau nữa… Chỉ mình tôi như thế. Can rượu quê đã cạn hết mà tình hình vẫn vậy. Thời gian đã làm cho quyết tâm đối đầu với tay cảnh sát khu vực nguội dần, thời gian cũng đã làm cho tôi nhìn nhận rõ hơn cái khúc mắc, lắt léo của câu chuyện này. Hoàng Sa – Trường Sa là của ai không quan trọng, đừng có bàn đến là được.

Tôi lặng lẽ thu băng-rôn lại, lòng ngân nga ý nghĩ chẳng biết là buồn hay vui nữa. “Đúng, Hoàng Sa – Trường Sa không là của ai… Là của giời… Nhưng là máu thịt của đồng bào tôi, là phần không thể chia cắt của quê hương đất nước tôi, tôi sẽ gìn giữ Hoàng Sa – Trường Sa ở nơi sâu lắng nhất trong tâm hồn mình”.

Cửa bật mở, vẫn tay cảnh sát khu vực, anh ta tươi tắn khác thường trong bộ thường phục, nhưng mặc anh ta, tôi đã ngán ngẩm lắm rồi, tôi không có ý định vướng víu với anh ta thêm nữa nên cũng chẳng thể hiện gì.
Anh ta đặt vào tay tôi cuộn băng-rôn “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt nam” và nói đơn giản:
- Trả lại anh đấy. Anh mỉm cười thân thiện rồi lanh lẹ quay ra.
- Sao? Lãnh đạo có chủ trương khác rồi à? Tôi hỏi theo phản xạ vậy thôi chứ sự thật là chẳng cần biết để làm gì.
Anh ta dừng lại ở cửa giây lát, quay lại nhìn tôi, thay vì trả lời câu hỏi, anh nói chậm rãi:
- Vì đã có thành tích trong thời gian qua nên em đã được điều chuyển lên công tác mới.

Anh cười với tôi, vẻ mặt tươi vui đầy vượng khí của thăng quan tiến chức, nhưng trong khoé mắt bỗng long lanh, hình như là ngấn lệ.

28/11/2009
Trần Thạch Linh
.
.
.

No comments: