Wednesday, October 12, 2011

HENRY KISSINGER : TRUNG QUỐC SỢ BỊ HOA KỲ BAO VÂY (Duy Ái, VOA)



Duy Ái – VOA
Thứ Ba, 11 tháng 10 2011

Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger cho biết Trung Quốc đang lo sợ về việc bị Hoa Kỳ bao vây như Liên Sô trước đây, và ông kêu gọi hai nước phát triển một mối quan hệ hợp tác thay vì đối đầu với nhau. Nhà ngoại giao Mỹ nổi tiếng về những hoạt động ngoại giao “đi đêm” thời Chiến tranh Lạnh đã kêu gọi như thế hôm thứ 3 vừa qua trong lúc một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Washington đang lợi dụng vụ tranh chấp Biển Đông để lôi kéo các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và các quốc gia Đông Nam Á chống lại Bắc Kinh. Cũng trong ngày thứ ba, một bài viết cổ võ cho việc gây chiến với Việt Nam và Philippines đăng trên một tờ báo chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tạo ra điều mà các nhà quan sát cho là “một động lượng xấu xí” (ugly momentum) ở Biển Đông. Mời quí vị nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Trong thời gian gần đây ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu ở Trung Quốc nhận định rằng Hoa Kỳ đang lợi dụng vụ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông và sự lo ngại của Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đối với sự phát triển sức mạnh trên biển của Trung Quốc để lôi kéo các nước này vào một trận tuyến chống Bắc Kinh. Những nhận định đó đã được đưa ra mặc dù giới hữu trách ở Washington nhiều lần tỏ ý hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc và hy vọng rằng một nước Trung Quốc thịnh vượng và hùng cường hơn sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.

Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger thừa nhận rằng Trung Quốc đang lo ngại về việc bị Hoa Kỳ bao vây như Liên Sô trước đây. Ông phát biểu như sau tại một cuộc hội thảo ở Washington hôm thứ ba vừa qua (27-09-2011).

Ông nói" "Vấn đề khó khăn thật sự và thách thức thật sự là ứng phó với điều mà tôi cho là hai sự sợ hãi mâu thuẫn nhau. Trung Quốc lo sợ hay lo ngại về việc bị Hoa Kỳ bao vây. Họ e rằng chúng ta sẽ đối phó với họ như Liên Sô trước đây. Họ lo sợ như vậy vì từ trước tới nay lúc nào cơn ác mộng chiến lược của Trung Quốc cũng là các nước láng giềng của họ có thể đoàn kết lại với nhau để giành ưu thế. Và chính sách ngoại giao của Trung Quốc từ trước nay là tìm mọi cách để chia rẽ các nước láng giềng. Trong khi đó, mối quan tâm của Hoa Kỳ là làm thế nào để không xảy ra tình trạng một nước làm bá chủ toàn bộ châu Á, một tình trạng đã dẫn tới thế chiến thứ hai."

Nhà ngoại giao Mỹ nổi tiếng về những hoạt động ngoại giao “đi đêm” thời chiến tranh Lạnh cho rằng nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc có mối quan hệ đối địch, hai mối lo sợ đó sẽ đụng độ với nhau, mang lại những hậu quả vô cùng tai hại cho cả thế giới. Ông cũng bác bỏ nhận định cho rằng Trung Quốc là một nước đang lên.

Ông nói: "Hầu hết sách vở ở Mỹ đều mô tả Trung Quốc hiện nay như một nước đang lên. Không có người Trung Quốc nào nghĩ rằng Trung Quốc là một nước đang lên. Trong 18 của 20 thế kỷ qua, trong 18 thế kỷ đó, Trung Quốc là nước hùng mạnh nhất thế giới. Nhưng rồi một sự bất thường đã xảy ra trong tâm thái và kinh nghiệm của Trung Quốc trong thế kỷ 19 và trong phần đầu của thế 20, khi Trung Quốc không bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp và trở thành một nước tương đối yếu. Nhưng trong đầu óc của người Trung Quốc họ không nghĩ rằng họ đang trỗi dậy. Người Trung Quốc nghĩ rằng họ đang lấy lại vị thế lịch sử của mình và họ đang trở về với vị trí của mình.

Ông Miles Yu, giáo sư môn quân sử của Trường Võ bị Hải quân Hoa Kỳ, cho rằng tuy giới hữu trách Bắc Kinh không ngớt trấn an thế giới về chủ trương phát triển trong hòa bình, nhưng những lời lẽ về sự quật khởi của Trung Quốc làm cho các lân bang của Trung Quốc cảm thấy lo ngại.

Ông cho biết: "Trung Quốc đang giốc sức để quật khởi. Nói một cách khác, giờ đây Trung Quốc tin rằng đã tới lúc Trung Quốc trở thành cường quốc bá chủ thế giới. Trung Quốc chưa bao giờ né tránh hay ngại ngùng khi nói như vậy. Quí vị đã nghe cụm từ 'thế kỷ 21 là thế kỷ của Trung Quốc'. Và mọi người dân bình thường ở Trung Quốc đều nói một cách tự nhiên như vậy. Nhưng đối với những người ở bên ngoài, đặc biệt là những người của một nước láng giềng, tuyên bố này thật là đáng sợ vì không ai biết rõ ý nghĩa cụ thể của điều này."

Sự lo ngại này đã gia tăng trong mấy ngày qua, sau khi tờ Hoàn Cầu Thời Báo ở Trung Quốc cho đăng một bài viết hô hào cho việc tấn công Việt Nam và Philippines để đạt mục tiêu gọi là “dĩ chiến chỉ chiến”. Bài viết của tờ báo chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc nói rằng Biển Đông là nơi tốt nhất để Trung Quốc tiến hành chiến tranh vì “trong số hơn 1000 giàn khoan dầu ở đó, không có cái nào là của Trung Quốc; 4 phi trường ở quần đảo Trường Sa, không có cái nào là của Trung Quốc; một khi chiến tranh xảy ra mọi thứ sẽ bị thiêu rụi. Ai sẽ thiệt hại nhiều nhất khi các đại công ty dầu khí Tây phương rút đi?”

Trong khi đó, một số các nhà nghiên cứu an ninh quốc tế đã lên tiếng kêu gọi thiết lập một diễn đàn để ngăn chận điều mà họ cho là một cuộc chạy đua vũ trang ở Á châu trong bối cảnh Trung Quốc nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự của mình. Phát biểu tại một cuộc hội thảo hôm 29 tháng 9 ở Hồng Kông về chính sách an ninh quốc tế vùng Nam và Đông Nam Á, tướng hồi hưu Klaus Olshausen của Đức nói rằng sự tăng cường sức mạnh quân sự của các nước trong khu vực đang gây ra nhiều nỗi bất an.

Ông nói: "Nếu chúng ta nhìn vào tỉ lệ của chi tiêu quân sự đối với tổng sản lượng quốc nội của mỗi nước ở Á châu, chúng ta không thể nói rằng một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra. Tỉ lệ chi tiêu quốc phòng của tất cả hoặc đại đa số các nước Á châu trong năm 2010 đều tương đương hoặc thấp hơn tỉ lệ của những năm 2000 và 2001. Tuy nhiên, có một điều hiển nhiên là những hành động nhằm nâng cao khả năng quân sự trong những năm gần đây đã khiến cho các nước trong khu vực, Hoa Kỳ và các nước khác cảm thấy khó hiểu, lo lắng và bất an."

Ông Trương Bạc Hối, giáo sư chính trị học của Đại học Lĩnh Nam ở Hồng Kông, tán thành những nỗ lực để giảm thiểu mối rủi ro xung đột quân sự. Nhưng ông nói thêm rằng Trung Quốc có trách nhiệm đi tiên phong trong nỗ lực này.

Ông cho biết: "Sự trỗi dậy của Trung Quốc rốt cuộc sẽ làm cho nhiều nước trong khu vực phải tính toán tới trường hợp xấu nhất. Bởi vì không một nước nào có thể hoàn toàn tin tưởng vào những tuyên bố của một nước khác về những ý đồ trong lãnh vực quân sự của họ. Vì vậy, tôi cho rằng cách giải quyết rốt ráo là Trung Quốc phải tự mình thực hiện sự khắc chế về chiến lược, phải hạn chế việc phát triển khả năng tấn công những mục tiêu ở xa."

Các chuyên gia quốc phòng cho biết trong 10 năm qua Trung Quốc đã chi tiêu hơn 150 tỉ đô la cho các trang thiết bị quân sự và chi tiêu quốc phòng của họ đã gia tăng với tốc độ hai con số mỗi năm. Các nước khác ở Á châu như Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Australia, Việt Nam và Ấn Độ cũng đã dành ra những ngân khoản lớn để trang bị tàu ngầm và các loại vũ khí khác.


.
.
.

No comments: