Thursday, October 13, 2011

HÃY CHẤM DỨT VE VÃN NHỮNG TÊN ĐỘC TÀI TRÊN QUÊ TÔI (Mikhail Khodorkovsky)



Mikhail Khodorkovsky
Thứ tư, 12 Tháng 10 2011 21:13

Từ trong tù, nhà tỷ phú một thời từng là người giàu nhất nước Nga, viết về chính sách nhân nhượng vì dầu hoả của Hoa kỳ.

Chính quyền Obama có vẻ khá mãn nguyện vì sự thành công trong việc ‘phục hoạt’ các quan hệ Mỹ-Nga. Và đúng thế, guồng máy tuyên truyền đại chúng chống Mỹ ở Nga đã thực sự giảm cường độ tương tự như cuộc đối thoại giận dữ của Điện Cẩm Linh về phòng thủ Châu Âu bằng kế hoạch chống hoả tiễn của Mỹ. Cả hai nước đã tìm được lập trường ngoại giao chung về Libya và Iran và NATO tiếp tục sử dụng không phận của Nga để tiếp liệu cho quân lính của họ ở Afganistan. Cuối cùng không kém quan trọng là sự hoán đổi cổ phiếu trị giá $3.5 tỷ đô la vào tháng Tám giữa [đại công ty dầu hoả của Mỹ] Exxon và Rosneft, công ty dầu hoả quốc doanh lớn nhất của Nga, dưới nhãn quan của Nhà Trắng là một thứ quà tặng đắt giá từ nước Nga với lòng quý mến gởi đến cho nước Mỹ.

Điều đáng buồn là giá trả cho sự xáp lại gần nhau tí nữa đã đắt một cách quá quắt. Sự cải thiện chính trị và kinh tế đã được Hoa Kỳ mua bằng giá lặng lẽ bỏ rơi các quyền về con người và các giá trị về dân chủ của nước này.

Nếu Hoa kỳ còn có thể được gọi là lãnh đạo thế giới ngày hôm nay thì sự lãnh đạo ấy phải nói trước nhất và trên hết là về mặt tinh thần. Hàng triệu con người khắp thế giới vẫn nhìn về Hoa Kỳ như ngọn hải đăng của tự do. Có phần lớn sức mạnh kinh tế của Hoa kỳ từng thiết sự lãnh đạo tinh thần ấy. Người ta tin tưởng vào đông đô la Mỹ bởi vì người ta tin tưởng vào mô thức kinh tế Hoa Kỳ. Nhưng đồng thời người ta cũng tin tưởng vào các giá trị mà Hoa Kỳ đã khởi xướng từ bên trong quốc gia và đang xiển dương ra ngoài chính trường quốc tế: Cạnh tranh chính trị, tự do bầu cử, một giới truyền thông độc lập và một nền tư pháp độc lập.

Lẽ dĩ nhiên, Tổng thống Obama phải đối đầu với những thực tại khó khăn – mà cái khó khăn nhất là sự phát triển kinh tế toàn cầu đã gia tăng sức cạnh tranh giành nguyên liệu, đặc biệt là các nguyên liệu tạo năng lượng. Và cũng rõ ràng những khi xảy ra các cuộc khủng hoảng kinh tế có sự cám dỗ mãnh liệt nên làm bạn với các quốc gia có nhiều nguyên liệu như thế, bất kể các chế độ ấy ghê tởm đến bao nhiêu, hơn là chiến đấu chống lại chúng hoặc gây thù địch với chúng.

Nhưng sự thiệt hại về tinh thần qua cách nhân nhượng như thế này còn nhiều hơn gấp bội các lợi lộc ngắn hạn của nó. Bằng cách bỏ rơi các giá trị nền tảng để làm bạn với những tên độc tài, Hoa Kỳ có nguy cơ đánh mất tài sản tinh thần – thứ tài sản chắc chắn không phải là vô hạn định. Nếu Hoa Kỳ thất bại trong sự bảo vệ các giá trị của chính nền dân chủ của nó, niềm tin vào Giấc Mơ Hoa Kỳ - theo đó mọi người được quyền có cơ hội bình đẳng, có tiếng nói ngang nhau và có sự xét xử công bằng – sẽ sụp đổ. Cũng quan trọng như thế, niềm tin vào sự kiện cho rằng dân chủ là hệ thống chính quyền hữu hiệu và thành công nhất trên thế giới, cũng sụp đổ luôn.

Có một phương cách khác. Hãy hoàn trả các lý tưởng về vị trí trung tâm và xứng đáng của nó trong các sinh hoạt chính trị và đương đầu với các khó khăn kinh tế bằng phương cách mà những con người thông minh và đáng kính trọng đã quyết định nhiều lần trong quá khứ - bằng sức mạnh của trí tuệ. Xin đưa một thí dụ đơn giản, cụ thể, nếu Hoa Kỳ chi dụng nhiều vào việc tiết kiệm năng lượng và tìm kiếm các năng lượng thay thế như, hãy nói, nước Do Thái hoặc nước Đức đã chi dụng, thì sự lệ thuộc của họ vào dầu hoả ngoại nhập đã trở thành chuyện cổ tích rồi.
Chính trị gia có vẻ tránh né các thể loại chính sách có tầm nhìn xa rộng bởi vì [vì các chính sách này mà] họ có thể bị thất cử. Nhưng có bất cứ sự nghi ngờ nào về việc Hoa Kỳ sẽ không phải là kẻ chiến thắng trên đường dài về mặt tự túc năng lượng không?

Được như thế không phải chỉ tốt chuyện cho Hoa Kỳ mà thôi. Các chế độ như, thí dụ, nước Nga, phải thực lòng thực hiện các vấn đề cải cách chính trị và kinh tế nghiêm chỉnh thay vì bằng chót lưỡi đầu môi nghe cho bùi tai nhưng cuối cùng chỉ là những câu nói trống không.

Thời điểm phải có quyết định đang tiến gần: Liệu nước Mỹ có sức mạnh tinh thần, hay chỉ tuyền thực dụng? Đây là quyết định sinh tử. Một nước Hoa Kỳ thôi bảo vệ các quyền của con người trên khắp thế giới không những chỉ sai trái thôi. Nó còn nguy hiểm. Người ta có thể nói cũng nguy hiểm tương tự như sự tiếp tục lệ thuộc của nó vào năng lượng ngoại nhập.

Sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ tuỳ thuộc vào sự lãnh đạo về mặt tinh thần của nó: Mất cái này là mất luôn cái kia. Nếu xảy ra sự kiện này thì Hoa Kỳ, chứ không phải nước Nga, sẽ trở thành nước chiến bại thật sự trong cuộc Chiến Tranh Lạnh. Và tất cả chúng ta, những con người tiếp tục tin tưởng vào và chiến đấu cho các lý tưởng tự do sẽ thấy mình đang chiến đấu một trận chiến trong sự đơn độc hơn nữa.

Mikhail Khodorkovsky

Sơn Dương dịch

Nguồn: Newsweek Magazine (Stop Coddling My Country’s Rulers, Sep 25, 2011)
Mikhail Khodorkowsky, một thời là Người Giàu Nhất Nước Nga, bị bắt vào năm 2003 sau khi phát biểu chống lại sự phát triển quyền lực của Vladimir Putin khi ấy đang làm tổng thống. Ông bị đưa ra toà và bị án chín năm tù vì bị cáo buộc tội tránh thuế. Năm rồi ông bị xử lần thứ hai về các cáo buộc khác, được biết rộng rãi là nguỵ tạo, lãnh thêm án 14 năm tù nữa.

.
.
.

No comments: