Nguyên tác của: Tân Tử Lăng xuất bản tại Hongkong năm 2007
Bản dịch Việt ngữ của: Tủ Sách Tiếng Quê Hương ấn hành tại Hoa kỳ năm 2011
Đoàn Thanh Liêm
Tuesday, October 4, 2011
Thêm một lần nữa Tủ Sách Tiếng Quê Hương lại cống hiến cho công chúng bạn đọc một tác phẩm rất có giá trị của một tác giả người Trung quốc tên là Tân Tử Lăng (Xin Ziling). Tác giả họ Tân năm nay đã gần 80 tuổi và hiện đang bị nhà nước Trung quốc tìm mọi cách gây khó dễ, ngăn cản không cho ông tự do phát biểu quan điểm rất thẳng thắn dứt khóat của mình về đường lối phát triển quốc gia theo chủ trương “Dân chủ Xã hội”, đặc biệt rút kinh nghiệm của các nước tại Âu châu. Tác giả kiên trì kêu gọi giới lãnh đạo đảng cộng sản Trung quốc phải triệt để và công khai lọai bỏ cái đường lối “cách mạng vô sản bạo lực” do Mao Trạch Đông đề xướng từ hồi thập niên 1950.
Việc này vào năm 2010 – 2011 gần đây đang gây tranh luận sôi nổi tại Trung quốc, giữa “phe trí thức tiến bộ” muốn Trung quốc hội nhập với trào lưu dân chủ hiện nay trên thế giới, đối nghịch với “phe cực tả” vẫn muốn khôi phục lại cái di sản tàn bạo độc ác của họ Mao trước đây, mà cao điểm là trong thời kỳ “đại cách mạng văn hóa” hồi những năm 1966 trở đi cho đến lúc Mao lìa đời năm 1976. Cơ quan tuyên truyền và an ninh của nhà nước Trung quốc đã tỏ ra ngả theo khuynh hướng cực tả này. Đây quả là mối nguy cơ cho công cuộc xây dựng dân chủ tại quốc gia có đông dân số nhất trên thế giới.
Bản Việt ngữ dày cỡ 400 trang, khổ chữ 12 được in trên giấy trắng phớt màu vàng nhẹ, với cách trình bày khá trang nhã, gáy đóng thật chắc với bìa cứng. Cuốn sách được dàn trải qua 40 chương, mỗi chương lần lượt trình bày chi tiết về các diễn tiến trong âm mưu thâm độc tai hại của Mao Trạch Đông, suốt trong hơn 25 năm giữ quyền hành gần như tuyệt đối tại lục địa Trung Hoa.
Trước khi phân tích và giới thiệu chi tiết về cuốn sách, người viết xin ghi tóm lược về tiểu sử tác giả và trích dẫn một số đọan tiêu biểu của tác phẩm được sọan thảo rất công phu bởi một nhân vật rất am hiểu về nội tình sinh họat của giới lãnh đạo cộng sản Trung quốc kể từ thập niên 1950 cho đến cuối thập niên 1970.
I – Tóm lược về Tiểu sử của tác giả Tân Tử Lăng
Tân Tử Lăng gia nhập quân đội Trung quốc rất sớm khi vừa đến tuổi trưởng thành vào đầu thập niên 1950 lúc người cộng sản vừa mới lên nắm chính quyền trên khắp lục địa Trung Hoa. Ông say mê đi theo làn sóng cuốn hút cách mạng của Mao Trạch Đông và đã lên tới cấp bậc Đại tá chuyên về việc nghiên cứu biên tập tại Trường Đại học Quốc Phòng Trung quốc. Ông về hưu vào năm 1994. Nhờ biết quá rõ những sự việc tồi tệ độc ác tàn bạo của chế độ Mao Trạch Đông, tác giả đã tỉnh ngộ và dứt khóat tìm mọi cách vạch trần những sự sự thực đau lòng đó của Mao, và cảnh tỉnh giới lãnh đạo hiện nay phải dứt khóat đi theo con đường dân chủ xã hội tiến bộ hầu đưa đất nước Trung Hoa đạt tới tình trạng thịnh vượng và phát triển bền vững hài hòa cho tòan thể dân tộc.
Tân Tử Lăng đã cực lực bác bỏ chủ trương phân biệt Dân chủ Tư sản và Dân chủ Vô sản của phe tả hiện nay ở Trung quốc, mà vẫn còn viện dẫn cái quan điểm cực đoan lỗi thời của Lenin để làm cái “lá bùa hộ mệnh” (protective amulet) cho mình.
Quan điểm tiến bộ của ông đã được nhiều cán bộ đảng viên lão thành có uy tín, có tên tuổi tán đồng, điển hình như Lý Nhuệ là người đã từng giữ chức vụ Thứ trưởng và làm Thư ký riêng cho Mao Trạch Đông hồi thập niên 1960. Nhưng họ Tân cũng đang bị những phần tử cực tả chỉ trích và tìm cách sử dụng bàn tay của giới chức an ninh để triệt hạ ông và những người bạn đồng chí hướng tiến bộ cởi mở như ông. Vì thế mà gần đây đã có sự đàn áp nặng nề đối với giới trí thức văn nghệ sĩ, cụ thể như việc kết án tù 11 năm đối với Lưu Hiểu Ba là người vừa được trao giải thưởng Nobel về Hòa bình năm 2010.
Công cuộc tranh đấu cho những quyền tự do căn bản như tự do ngôn luận, tự do phát biểu mà giới trí thức đã phát động từ hồi đầu thế kỷ XXI hiện đang là chuyện thời sự được giới thanh niên sinh viên tại Trung quốc rất quan tâm theo dõi, và tên tuổi của Tân Tử Lăng đã được nhiều người nhắc nhở đến trong các mạng lưới thông tin thường ngày.
Chính cố Thủ tướng Triệu Tử Dương cũng đã từng nêu rõ quan điểm của mình, như được ghi lại trong cuốn Hồi ký được xuất bản năm 2009, sau khi ông lìa đời vào năm 2004, đó là “chế độ Dân chủ Đại nghị là chế độ chính trị tốt nhất mà Trung quốc phải áp dụng nhằm đưa đất nước tiến lên”.
II – Trích dẫn một số đọan văn điển hình trong tác phẩm.
Là một chuyên gia nghiên cứu lâu năm, tác giả họ Tân đã trưng dẫn ra những số liệu thống kê và sự kiện rất cụ thể, chính xác trong suốt những chương của cuốn sách. Xin ghi ra một số đọan tiêu biểu như sau :
1 – Con số 37,5 triệu người chết đói.
Đây là con số do chính Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung quốc cho giải mật vào năm 2005. Tác giả đã nhắc đi nhắc lại đến trên 20 lần con số 37,5 triệu người chết đói này trong có mấy năm áp dụng chính sách “Đại Tiến Vọt” hay “Bước Nhảy Vọt” (Great Leap Forward) do Mao áp đặt lên tòan thể các vùng nông thôn và đô thị ở Trung quốc.
Tác giả viết trong trang 132 – 133 và các trang sau, xin trích một vài đọan tiêu biểu như sau :
“Số người chết đói ở Trung quốc trong thời gian 1959 – 1962 chiếm 5,11% dân số cả nước. 6 tỉnh nặng nhất là An Huy 18,37%, Tứ Xuyên 13,07%, Quý Châu 10,23%, Hồ Nam 6,81%, Cam Túc 6,45%, Hà Nam 6,12%....
Nạn ăn thịt người đã diễn ra ở Tứ Xuyên và nhiều nơi khác : khi chôn người chết người ta chỉ vùi sơ sài, tối đến mới bới lên xẻo lấy thịt mà ăn, hoặc tang chủ lóc thịt thân nhân trước khi mai táng…
Tàn nhẫn hơn nữa là nạn ăn thịt trẻ con…”
“Theo thống kê tương đối chuẩn xác, qua 3 năm Đại Tiến Vọt trong 73 huyện ở An Huy có 6,33 triệu người chết đói, đứng đầu cả nước về tỉ lệ này” (trích phát biểu của ông Vạn Lý – trang 363)
2 – Cuộc phá họai của Vệ Binh Đỏ hồi giữa thập niên 1960.
“ Khởi đầu phong trào bằng việc đập phá tượng Thích Ca Mâu Ni trên Phật Hương Các ở Di Hòa Viên, Hồng Vệ Binh đã phá họai 4,922 trong số 6.843 di tích lâu đời ở Bắc Kinh… Lăng mộ của nhiều nhân vật lịch sử hoặc danh nhân như lăng Viêm Đế, mộ Hạng Võ, Gia Cát Lượng, Thành Cát Tư Hãn, Chu Nguyên Chương, Ngô Thừa Ân, Từ Bi Hồng… cũng bị đập phá (trang 186)
3 – Mao Trạch Đông ra tay ám hại những nhân vật có công rất lớn như Lưu Thiếu Kỳ, Hạ Long, Bành Đức Hòai.
“Khi chân lý trong tay, Mao Trạch Đông có thể bao dung các đối thủ, đòan kết với phe chống đối. Nhưng khi Mao đuối lý, phát hiện mình sai, thì ông ta không thể bao dung họ được, mà quyết tâm đẩy họ vào chỗ chết, để trừ hậu họa. Đó là lý do vì sao Mao bạc ác đến tận cùng đối với những người bạn cũ, như Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hòai …”(trang 184)
“ Sự ra đi của hai vị nguyên sóai hiển hách Bành Đức Hòai và Hạ Long để lại nhiều tổn thất cho Trung quốc… Điều này lại một lần nữa chứng tỏ tâm địa đen tối, xảo quyệt của con người từng được xem là vị cứu tinh cho dân tộc Trung Hoa.”(trang 197)
III – Giới thiệu về cuốn sách
Như đã nói sơ qua ở trên, cuốn sách này đã trưng dẫn những chứng từ rất chính xác, khả tín về sự độc ác tàn bạo của Mao Trạch Đông xuyên qua bao nhiêu thủ đọan nham hiểm nhằm lọai trừ những người vốn có sự công tâm ngay thẳng muốn can ngăn những sự liều lĩnh cuồng tín quá khích của ông ta. Tác giả phơi bày hết sức rõ ràng cái tai họa khủng khiếp mà họ Mao đã gây ra cho nhân dân Trung quốc do các chính sách cực kỳ phi lý, sai trái như Bước Nhảy Vọt, Công Xã Nhân Dân, khiến gây ra nạn đói làm thiệt mạng hàng mấy chục triệu con người.
Cuốn sách chứa đầy những sự kiện cụ thể, chính xác (factual) dựa trên những tài liệu thống kê, kết quả điều tra và báo cáo của các giới chức có thẩm quyền, mà ai ai cũng có thể kiểm chứng một cách dễ dàng.
1 - Có nhiều chương chỉ dài có 4 -5 trang mô tả về một sự kiện cụ thể mà độc giả nào cũng có thể đọc một cách mau lẹ trong 7 – 8 phút . Đặc biệt trong hai chương 18 & 19 với nhan đề : “Địa ngục Trần gian”, tác giả đã mô tả những đau khổ đày đọa mà nhân dân Trung Hoa phải gánh chịu do chính sách ngoan cố tàn ác của họ Mao. Người dân đói khổ cùng cực đến nỗi tại nhiều nơi đã xảy ra nạn ăn thịt người, mà tàn nhẫn hơn cả là nạn ăn thịt trẻ con. Điển hình như tại một thôn trong tỉnh Tứ Xuyên có 491 nhân khẩu thôi, thế mà trong có một năm từ tháng 12/1959 đến tháng 11/1960, đã có đến 48 bé gái 7 tuổi trở xuống bị người lớn làm thịt (trang 133).
2 – Nhiều chương khác viết chi tiết về các vụ “Mao tìm cách hãm hại thanh trừng những cộng sự thân tín trước kia của mình, từ Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hòai cho đến Đào Chú, La Thụy Khanh, Lâm Bưu v.v… Chương 28 với nhan đề “Mao Trạch Đông chơi trò chính trị lưu manh”, tác giả đã vạch trần tất cả mưu lược thâm độc của họ Mao để đưa đến cái chết thảm thương của hai vị nguyên sóai có công trạng rất lớn của Hồng quân Trung quốc, đó là Bành Đức Hòai và Hạ Long.
3 – Trong các chương gần cuối sách, tác giả còn ghi rõ về những âm mưu của “Bè Lũ Bốn Tên : Giang Thanh – Vương Hồng Văn – Trương Xuân Kiều – Diêu Văn Nguyên” được chính Mao dàn dựng để khuynh lóat nội tình chính trị trong nước. Và kết cục, sau khi Mao lìa đời thì “Tứ Nhân Bang” này bị thanh trừng thảm bại. Kể như đây là một kết thúc có hậu : Bè lũ gian tà bị trừ diệt để cho đất nước Trung Hoa lại có cơ hội được phục sinh với một tương lai đầy hứa hẹn nhờ áp dụng đường lối Dân chủ Xã hội đã được chứng nghiệm rất thành công ở Âu châu, đặc biệt ở Thụy Điển.
Viễn tượng tươi sáng trong công cuộc phát triển và xây dựng một thể chế chính trị xã hội tốt đẹp cho Trung quốc như thế đó, tác giả họ Tân đã trình bày khá chi tiết nơi chương cuối cùng có nhan đề là “Lời Kết” dài đến trên 70 trang.
4 – Nhân tiện, người viết cũng xin lưu ý bạn đọc về sự thiếu chính xác của một vài từ ngữ liên quan đến mấy tác giả người Âu Mỹ. Lý do là vì đây là bản dịch từ nguyên tác tiếng Hoa, mà tác giả đã phiên âm danh từ tiếng Anh theo lối phát âm quen thuộc của riêng người Hoa, rồi khi chuyển từ bản tiếng Hoa ra tiếng Việt, thì đã bị biến dạng đi. Điển hình như tên nhà sử học nổi danh người Mỹ là Will Durant, thì trong bản dịch lại viết là W. Dulan (trang 340). Hay như tên của tác giả cuốn sách nổi tiếng “The Road to Serfdom” (Con Đường dẫn tới Nô Dịch) là người Áo quốc có tên là Frederick Hayek, thì trong bản dịch lại ghi lệch đi là Kharyek (trang 368). Mặc dầu đây chỉ là một vài hạt sạn nho nhỏ thôi, nhưng nó cũng khiến cho độc giả thắc mắc không làm sao mà hiểu rõ được tên thật của tác giả ngọai quốc đó như thế nào.
Nói vắn tắt lại, đây là một cuốn sách biên sọan rất công phu với lối trình bày sáng sủa gọn gàng kèm theo rất nhiều chứng liệu khả tín, và những số liệu thống kê chính xác. Tác giả Tân Tử Lăng quả đã rất thành công trong việc phô bày thật rõ nét cái thảm kịch cực kỳ đen tối do Mao Trạch Đông đã gây ra trên đất nước Trung Hoa trong giữa thế kỷ XX, mà cho đến nay vẫn còn nhiều dấu vết tai hại bi đát.
Người viết xin trân trọng giới thiệu tác phẩm thực sự có giá trị này với các độc giả người Việt chúng ta. Đồng thời cũng xin ghi lời cảm ơn chân thành đối với Ban Chủ trương Tủ Sách Tiếng Quê Hương vì sự đóng góp quý báu này vào sự phân tích và tìm hiểu tận gốc rễ những vấn đề đã và đang gây ra bao nhiêu thảm họa cho con người trong thời đại hiện nay của chúng ta.
California, Tháng 10 năm 2011
Đoàn Thanh Liêm
.
.
.
No comments:
Post a Comment