Thursday, October 13, 2011

GIÁ TRÊN GIẤY (Đào Tuấn)



Đào Tuấn
Đăng ngày: 22:17 13-10-2011


3 tháng trước, Hà Nội kết thúc cuộc tranh cãi kéo dài suốt 7 năm xung quanh chuyện đền bù giải phóng mặt bằng ở khu đất vàng 22 Hàng Bài. 52 m2 tại tuyến phố đắt đỏ này đã được chủ đầu tư đền bù cho các hộ dân với giá trị 47 tỷ đồng. Cần phải nói thêm là cú thỏa thuận chót kết thúc vào ban đêm, chỉ vài giờ trước khi Thành phố xuống tay cưỡng chế nếu các hộ dân không chấp nhận. Nói thế cũng là đủ để biết cho dù giá đền bù ngót nghét 1 tỷ đồng, tức là 7 con số/m2, nhưng các hộ dân cho rằng giá đền bù vẫn xa so với thực tế.

Ở đây cần phải nói thêm, theo "giá nhà nước", mỗi m2 ở Hàng Bài chỉ được đền bù 81 triệu đồng.
 
Cũng vẫn phải nói thêm: Đây là chuyện thu hồi đất cho một dự án xây dựng Trung tâm thương mại - văn phòng - nhà ở mà chủ đầu tư là một doanh nghiệp. Bởi vậy, giá đền bù, cũng như tính chất bồi thường khác xa so với các công trình công cộng mà các cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư.

Một chuyện khác liên quan đến giá đất cũng đáng nói ở đây: Vào ngày 10-12-2010, có tới 132/133 đại biểu HĐND TP Hà Nội đã tán thành thông qua khung giá đất mới năm 2011 dù đây là biểu giá mà chính Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh thừa nhận "Cách xa so với giá thực tế". Ông Khanh còn nhấn mạnh môt thông tin bối cảnh rất quan trọng là "Cũng như nhiều năm trước".

Như vậy là các đại biểu nhân dân đã tán thành một biểu giá không hề có lợi cho dân. Như vậy là bản thân các cơ quan làm luật đã ủng hộ một thứ giá trên giấy, hoàn toàn khác xa, không đúng với thực tế, bất chấp thực tế. Và như vậy là dù bảng giá đất được ban hành mỗi năm nhưng liên tục "lạc hậu hàng chục năm".

Bởi vậy, khi Thanh tra tài chính công bố sự thật, rằng giá thực tế cao hơn bảng giá đất của Hà Nội từ vài chục, đến 400-500% nhiều người bắt đầu nhìn nhận một cách thông cảm hơn với những hộ trong các báo cáo được liệt vào diện "chây lì, không chịu di dời", cảm thông hơn với chủ nhân những ngôi nhà "nằm giữa ngã tư".

Không ai muốn bị cưỡng chế. Nhưng thật khó chấp nhận những cái giá đền bù kiểu nhà nước mà khổ chủ gần như mất trắng gia sản khi không may nhà cửa rơi vào diện giải tỏa.

Năm 2010, trong số 157.797 đơn khiếu nại, tố cáo có tới 69,9% liên quan đến đất đai. Cũng không phải vô cớ mà 80% các khiếu nại đất đai ở Hà Nội liên quan đến chính sách đền bù giải phóng mặt bằng.

Nhưng đằng sau sự chênh lệch 400-500% phi lý này, có hai cách nhìn nhận. Thanh tra tài chính chỉ nhìn thấy thiệt thòi của nhà nước khi người dân "được" đóng thuế cho thuê, chuyển nhượng trên bảng giá quá ư bèo bọt này. Nhà nước quả là có mất chút tiền thuế với bảng giá bèo. Nhưng người thiệt hại nhiều nhất lại là những người dân. Chẳng hạn nếu nhà nước lấy đất làm đường, làm công trình công cộng ở 22 Hàng Bài, thay vì làm dự án trung tâm thương mại- thì có lẽ, cụ Hoàng Đình Trung, dù là cán bộ tiền khởi nghĩa, dù là cha liệt sĩ, cũng sẽ phải chấp nhận chỉ được bồi thường đúng giá nhà nước, "lạc hậu" vài trăm % so với thực tế.

Phải chăng nhà nước, vẫn tự xác định bản chất là "do dân và vì dân"- quy định những cái giá trên giấy quá bèo bọt chỉ để đỡ tốn khi bị buộc phải đền bù cho dân mỗi khi thu hồi?

.
.
.

No comments: