Saturday, October 8, 2011

CHỦ TỊCH NƯỚC THĂM ẤN ĐỘ, CÙNG LÚC TỔNG BÍ THƯ ĐI BẮC KINH (Người Việt)



Người Việt
Thursday, October 06, 2011 8:06:09 PM

HÀ NỘI (TH) - Cùng một ngày với chuyến thăm viếng Bắc Kinh của Tổng bí thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng có chuyến đi thăm Ấn Ðộ.

Hiếm có chuyện lãnh tụ đảng và chủ tịch nước cùng đi công du nước ngoài ở hai nơi khác nhau cùng một ngày đã đành, chương trình thăm viếng này có thể là một tín hiệu báo cho Bắc Kinh biết mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Ðộ đang phát triển về mọi mặt, cả an ninh quốc phòng. Một điều mà Bắc Kinh không muốn thấy xảy ra.

Chuyến thăm viếng Ấn Ðộ và Sri Lanka cũng bắt đầu từ ngày Thứ Ba, 11 tháng 10 tuần tới và kết thúc ngày 15 tháng 10, 2011. Ông Trọng ở Trung Quốc cả 5 ngày trong khi ông Sang đi 2 nước.

Ông Trọng sang Trung Quốc, theo bản tin thông tấn AFP tường thuật lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà nội, sẽ thảo luận nhiều vấn đề khác nhau, kể cả vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo Biển Ðông.

“Chúng tôi nghĩ rằng các vấn đề còn tồn tại trong mối quan hệ giữa hai nước, gồm cả vấn đề trên biển, sẽ được thảo luận một cách thẳng thắn và thành thật.” Ông Nghị nói với ký giả tham dự cuộc họp báo hôm Thứ Năm. “Giải quyết tranh chấp ở Biển Ðông là một tiến trình lâu dài, khó khăn và phức tạp đòi hỏi nhiều cố gắng và cách tiếp cận vấn đề thực tế và khách quan từ cả hai bên.”

Tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa, ngoài Việt Nam và Trung Quốc, còn có thêm một số nước khác trong khu vực. Nhưng tranh chấp quần đảo Hoàng Sa thì hoàn toàn chỉ có giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa hồi tháng 1, 1974 sau một trận hải chiến với VNCH. Không những vậy, Trung Quốc còn đưa ra tấm bản đồ hình “Lưỡi Bò” chiếm gần hết Biển Ðông rồi ngang ngược tự nhận là của mình. Cái “Lưỡi Bò” này lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam cũng như của Phi Luật Tân, Indonesia. Ðó là lý do tại sao tàu Trung Quốc cắt cáp các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Cuối tháng 7 sang đầu tháng 8 vừa qua, đã có vòng đàm phán thứ 7 diễn ra tại Hà Nội về vấn để Biển Ðông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Không thấy có một tin tức gì lên quan đến nội dung cuộc họp kéo dài từ ngày 29 tháng 7 đến ngày 1 tháng 8, 2011 ngoài một số chi tiết được TTXVN đưa tin là “hai bên đã sơ bộ nhất trí với nhau về một số nguyên tắc như: Các tranh chấp ở Biển Ðông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; Trong quá trình giải quyết tranh chấp, cần nghiêm chỉnh thực hiện ‘Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông’ (DOC), không tiến hành bất cứ hành động nào nhằm mở rộng, phức tạp hóa tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; Những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì cần trao đổi giữa các bên liên quan.”

Những cam kết thì như thế, nhưng tờ Hoàn Cầu Thời Báo, ấn bản phụ Anh ngữ của tờ Nhân Dân Nhật Báo của Bắc Kinh, đã viết bài kêu gọi nên đánh Việt Nam sớm. Tác giả bài báo trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 27 tháng 9, 2011 ví von đánh Việt Nam cũng như “giết con gà để dọa bầy khỉ.”

Khác với chuyến đi của ông Trọng, ông Trương Tấn Sang đi New Delhi trong bối cảnh Việt Nam đang cần sự hậu thuẫn của Ấn Ðộ nhiều mặt, kể cả quân sự. Giữa tháng 9 vừa qua, Ngoại Trưởng Ấn S.M.Krishna đến Hà Nội trong một chuyến thăm viếng mà báo chí Ấn nói các cuộc họp “không loại trừ bất cứ đề tài nào.”

Ông Sang đi công du mang theo thông điệp gì hay các đề nghị gì tới New Delhi?

Việt Nam là khách hàng của Ấn Ðộ về các bộ phận phụ tùng máy bay, tầu chiến cùng có nguồn gốc từ Nga. Ấn cũng giúp Việt Nam huấn luyện phi công và hải quân. Tin tức cho hay Ấn huấn luyện giúp Việt Nam sử dụng tàu ngầm mà Việt Nam đang mua 6 chiếc Kilo của Nga.

Chuyến đi Ấn của ông Trương Tấn Sang có thể làm cho mối quan hệ “đồng chí anh em” giữa Việt Nam và Trung Quốc thêm phần khó chịu không? Sự trùng hợp ngày tháng của hai chuyến đi ở hai hướng quan hệ dễ đặt thành nghi vấn không tốt cho Bắc Kinh suy luận. (TN)

.
.
.

No comments: