Vũ Thế Phan
Thứ năm, 06 Tháng 10 2011 11:25
Kính tặng GS Song Thành, tác giả bài «Để tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành kim chỉ nam cho hành động», Tạp chí Cộng Sản số 435 (03/1992).
Tôi mới tự chuyên tu học tập xong cuốn Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, do Hội đồng TƯ chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin-Tư tưởng HCM, GS Đặng Xuân Kỳ chủ biên, GS Song Thành thuộc Ban biên soạn, NXB Chính Trị Quốc Gia tái bản – TP.HCM, 07/2008 với Lời tựa “…Tư tưởng HCM là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng VN, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại”. Bản thu hoạch nóng hổi cho bản thân tôi là cả cuốn sách 488 trang này - trên bình diện “đạo đức cũ và đạo đức mới khác nhau nhiều. Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngững lên trời… Đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng [trước hết], của dân tộc, của loài người.”, “đạo đức mới đã lật ngược lại các kiểu đạo đức cũ của các giai cấp thống trị, áp bức bóc lột nhân dân lao động”, “đạo đức mới hoàn toàn trái ngược với đạo đức cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ cực đoan của giai cấp tư sản…” (1) do đó “Đảng là đạo đức, là văn minh”] (1) - có thể góm ghém trong tám chữ mà không hề sợ thiếu sót: Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.
Tám chữ này tôi đã biết từ hồi mày mò nghiên kíu HCM Toàn Tập gồm 10 cuốn (ấn bản đầu tiên, HN 1980-1989), nhưng bấy giờ chưa thấm, chưa biết « vận dụng sáng tạo ». Nay học thêm ‘Giáo Trình’ chính thức nêu trên ở tuổi đời cận kề hoa giáp và tuồng như « nhờ ơn Bác, ơn Đảng » tôi đã bất ngờ « ngộ » ra: Tại sao 8 chữ cửa miệng hay ho gọn nhẹ như ri – sau đăng đẳng tháng năm xuyên thế kỷ lao tâm khổ tứ « trồng người », tốn hàng hàng giấy mực từ tiền thuế của nhân dân, đánh đĩ lớp lớp bàn phím vi tính dưới tay nỏ GS-PTS cũng TS-PGS… rốt cuộc lại coi như vô phương cụ thể ứng dụng vào xã hội siêu việt XHCN, đặc biệt đối với tầng lớp công bộc của nhân dân kể từ năm 1992 - thời Đảng ta nhất trí khẩn trương chôn tươi cụ già liêm chính nhưng khó tánh ‘mua cái đinh cũng phải xin miếng giấy’ ?
- Xin thưa: Tám chữ ni tách biệt thành bốn hay tám mảnh thì vẫn còn giá trị Dương trong từ điển, óp ép thành khẩu hiệu tức khắc hàm giá trị Âm cấp thập phân, bởi vì thiếu chữ thứ chín: Chữ Sỉ. Sỉ nghĩa là biết xấu hổ. Sách xưa dạy rằng « Liêm, sỉ là tính rất hay của loài người, vì người mà không liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm. Người mà đến thế là người bỏ đi, không khác gì giống vật (2). Nhất là những bậc đứng chủ trương việc nhà, việc nước mà vô liêm, sỉ thì nhà phải suy bại, nước phải nguy vong. Nghĩ cho kỹ thì Sỉ cần hơn Liêm: Người không liêm làm những việc bất nghĩa, căn nguyên cũng ở vô sỉ mà ra.
« Đức Khổng nói: “Hành kỷ hữu sỉ” nghĩa là giữ mình biết làm xằng là xấu hổ. Thầy Mạnh nói: “Nhân bất khả vô sỉ” tức người ta không biết xấu hổ thì không được.
Than ôi ! Thế mà ngày nay, nhân tình phản trắc, phong tục suy đồi, người ta quên cả liêm, sỉ. Không kể chi người thường, thậm chí đến bọn sĩ phu cũng chan chan như thế cả. Ôi! Nếu cho là sự xấu hổ chung cho cả nước, cũng không phải là nói ngoa.] (3)
« Không liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm ». Đã đành hai vế ni đều là « nền tảng của đạo làm người», có điều Không liêm ở nước ta chí ít từ 1992 đến nay (2011) đã là chuyện thường ngày ở huyện, tán thêm tổ nhói 2 ngón tay trỏ thì ít, đau bàn phím vi tính thì nhiều, hơn nữa choán chỗ Website, vô duyên chi cực. Cho nên, bài này chỉ tán thẳng vào vế thứ hai tức « không sỉ thì việc gì cũng làm ».
Hôm 01/10/2011 vừa qua lãnh đạo Lào Cai đã long trọng tổ chức đaị lễ « 20 năm tái lập tỉnh » thay vì phải là ngày 10/10/2011, theo biên bản sử liệu còn vô phúc sót lại nhưng vẫn rành rành trên Internet. Nhờ trang Dân Làm Báo đã tức khắc lật tẩy việc tẩy sửa thời điểm buổi lễ này mà cư dân mạng đã thừa cơ tới tấp phản biện dữ dội việc làm vô sỉ của lãnh đạo Lào Cai. Nếu chỉ nhìn thẳng ruột ngựa vào sự kiện « 20 năm tái lập tỉnh » của Lào Cai thì chẳng có gì để tán thêm bởi chưng tính chất « vô sỉ » đã hết đường ngụy biện. Nhưng, sự kiện Lào Cai cạo sửa ngày ‘lịch sử’ đâu phải là chuyện mới mẻ gì cho cam. Tiếp tục gí lãnh dạo Lào Cai vào chỗ bất khả biện bạch đến phải ‘từ chức’ hàng loạt lui về « Sóc Sơn vui thú điền viên » như đức Thánh Gióng họ Nguyễn, theo tôi là biểu hiện tầm thấp phần Minh Triết, thiếu hoàn toàn tinh thần khách quan và « tấm lòng khoan hồng, độ lượng » vốn là quốc sách lưu cửu của Đảng & Nhà Nươc ta.
Phải chịu khó giữ bình tĩnh review & replay & repeat cuốn phim nhiều tập mang tên Lịch sử, Made in VN-XHCN, đơn cử 4 tập:
« Bác vô vàn kính yêu » có đến ba năm sinh: 1890, 1892, 1895 - đã thuộc dạng « xưa nay hiếm», và hai ngày chết: 03/09, 02/09 (tức sự thật là Bác đã thật sự chết trùng ngày Quốc Khánh từ thời VNDCCH và hiện nay) thì bótay.com.
Bản thảo tập ‘Nhật Ký Trong Tù’ ghi rành rành ngày tháng biên soạn là 29/08/1932 – 10/09/1933, vậy mà trong tập thơ cùng tên do NXB Văn Học Giải Phóng in tại HN năm 1960 và các ấn bản sau này lại biến thành « từ mùa thu 1942 đến mùa thu» tức sao cho khớp với khoảng thời lượng bác tác giả họ Hồ bị Tàu Tưởng ‘vô cớ’ bắt bỏ tù.
Vua Lý Thái Tổ lập đô Thăng Long nhằm « Tháng 7, Thuận Thiên nguyên niên (1010) » (Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, tập 2 trang 94) vậy mà năm ngoái Đại Lễ Ngàn Năm Thăng Long đã được « vô tình » du di đến ngày 10/10/2010, tức trùng chóc ngày Song Thập Quốc Khánh của Trung Hoa Dân Quốc (10/10/1911)
Hiến Pháp CHXHCN-VN 1980 ghi rành rành « chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc » rồi từ mấy năm qua lại hoá thành « 4 tốt…làm, 16 chữ vàng…lỏng » !
Chưa vội tính tới dự kiến sửa đổi bản Hiến Pháp 1992, nếu được bôi trơn tuột luột đến ngày biểu quyết, dám cái đầu gà Việt Nam anh hùng độc lập quen thân sẽ được Hiến định thành cái đuôi voi…lạ, «có gì mà sợ» (4). Ai biết trước được khi « không sỉ thì việc gì cũng [đã dám] làm » !
Suy đi nghĩ lại rặt ròi tôi thấy thôi thì chuyện 10/10 (trùng Quốc khánh Tàu xanh) biến ra 01/10 (trùng Quốc khánh Tàu đỏ) của tỉnh Lào Cai ta cứ tạm cắn răng mắt nhắm mắt mở tâm tâm niệm niệm câu vè « Xưa đúng, nay sai, tương lai (biết đâu) lại…đúng » ! Dẫu sao cũng chỉ là con số, vả lại đã có tiền lệ từ thời « cha già dân tộc », như thế may ra đối với những ai bức xúc khả dĩ tự an ủi phần nào cho thân phận dân tộc anh hùng…náo mà bớt bớt « chém gió » tập đoàn lãnh đạo tỉnh Lào Cai nhỏ xíu, cũng như bất chấp luôn sự im lặng đáng sợ của ‘14 ông vua tập thể’ cả nước Việt Nam CHXHCN!
Vạn sự nhiêu khê trong tâm ý hơn 4.000 năm văn hiến vẫn là hảo-huyền-tự-sướng cũng do thiếu chữ Sỉ. Toàn bộ cuốn « Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh » không hề nhắc tới chữ Sỉ thì quốc sách « trồng người » học đòi và tiếm danh Quản Di Ngô 2.500 năm trước vẫn chỉ là dự phóng tầm phào nếu không kíp thời thay máu cho cái cơ chế ‘siêu việt’ hiện hành.
Vũ Thế Phan
(Savanna)
(Savanna)
(1) ‘Giáo trình tư tưởng HCM’ trang 336-339. Bàn thêm: Xem ra, bộ sậu biên soạn hùng hậu cuốn Giáo Trình này đã nhất trí lẫn lộn Luân lý và Đạo đức: Luân lý (moral) nơi xứ này hay địa phương này có thể khác hay trái ngược với xứ nọ hay địa phương nọ, còn đạo đức (vertu) trên trần ai chỉ có một và chỉ có một mà thôi. Ví dụ, chửa chồng mà chửa hay ca hát bằng lỗ rốn + vòng một là phi luân lý ít ra đối với truyền thống VN trước 1975; cán bộ ức chế vòi phong bì nhân dân là phi đạo đức, là ngụy đầy tớ; chế độ ô dù tham nhũng là đạo đức giả, là ngụy quyền. Bàn gọn vậy thôi, chứ tán ra thì tràng giang đại hải, cộm hơn cuốn Giáo Trình là cái chắc.
(2) “Tất nhiên, chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình ...". (Karl Marx)
(3) Theo Ôn như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân: Cổ Học Tinh Hoa (1933) tập 2, trang 106, NXB Tinh Hoa MN tái bản tại SG, không ghi năm.
(4) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Sửa hiến pháp, có gì mà sợ!
.
.
.
No comments:
Post a Comment