Phan Hồng Giang
viet-studies ngày 12-10-11
Các nhà xã hội học thường có thói quen nghề nghiệp là bày vẽ ra các cuộc điều tra thăm dò ý kiến người dân về đủ các loại vấn đề, - từ chuyện to như "Bạn muốn thấy ai trong vai ông chủ Nhà trắng?", "Theo bạn, ai là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới?" cho đến những chuyện khá tầm phào như "Theo anh (hay chị), loại dầu gội đầu nào kể sau đây giúp tóc bạn sạch gầu, suôn mượt, óng ả?" v.v và v.v...
Thế rồi tôi vẫn phải đôi chút vị nể trí tưởng tượng khá dư thừa của một nhà xã hội học ở tít bên bang Texas xa xôi từ mấy chục năm trước đã hạ cố tìm đến phỏng vấn loại người gần như bị lãng quên là vài trăm vị đạo chích đang thụ án trong các nhà tù của bang với câu hỏi không úp mở: "Trước đây, trong những lần đi ăn trộm, ông (hay bà) đã sợ nhất cái gì?". Và kết quả điều tra thật thú vị: hơn 95% số đạo chích được hỏi thành thực cho biết bọn họ sợ nhất là tiếng chó sủa khi phát hiện có trộm và có đèn sáng quanh ngôi nhà mục tiêu.
Thế là rõ: với những kẻ làm điều khuất tất, sợ nhất là có sự đánh động (ở đây là tiếng chó sủa!) khiến hành vi gian tà bị hiển lộ; sợ không kém là có ánh sáng dọi chiếu để mọi ý đồ đen tối không có cơ hội được che dấu. Không có gì ngạc nhiên khi các đạo chích cho biết giải pháp đối phó với mối hiểm nguy nói trên là phải đánh bả chó trộn thịt nướng thơm phức để bịt mõm chó sủa và phải dùng súng cao su chẳng hạn để bắn vỡ đèn chiếu sáng trước khi vượt tường trèo qua...
Tiếc thay, những kẻ muốn trục lợi, muốn chiếm đoạt những gì vốn không phải của mình lại không chỉ có đám đạo chích. Đạo chích kiểu trèo tường, khoét ngạch là thứ cổ xưa như ... trái đất, có thể coi là "đạo chích thế hệ 1.0". Đạo chích thời nay đã chuyển mạnh sang thế hệ 2.0, 3.0 ... rồi, nhưng nền tảng vững chắc để kiếm ăn vẫn là triệt tiêu tiếng chó sủa cảnh báo và ánh sáng đèn công minh chiếu dọi. Nói một cách văn vẻ thì thiếu minh bạch, thiếu công khai chính là mảnh đất không thể mầu mỡ hơn cho nấm độc, cỏ dại nẩy sinh và phát tán...
♦
Tài chính không minh bạch, công khai là điều kiện tiên quyết cho bọn đục khoét quỹ công ung dung ẵm hàng chục tỷ đồng cao chạy xa bay rồi mọi người mới tá hỏa tam tinh hay biết. Phải chi các khoản thu chi được cáo bạch công khai định kỳ ít ra là hàng quý thì đâu đến nỗi tiền của dân đổ xuống sông xuống biển!
Các quy hoạch sử dụng đất, mở đường, xây dựng khu dân cư... không ít khi được xác lập trong cửa đóng then cài; các ý đồ" thẳm sâu" được giữ kín; thường là đã có không ít kẻ có điều kiện "tiếp cận thông tin gốc" thu lợi kếch xù rồi thì những ý đồ quy hoạch mới có dịp được công khai mà những thay đổi xoành xoạch của nó không mấy khi được cập nhật thường xuyên.
Đề án bổ nhiệm cán bộ u u minh minh, đủ các thứ quy trình này nọ xem ra có vẻ nghiêm ngặt lắm, nhưng ai cũng biết tiếng nói quyết định nằm ở đâu và vì lý do đầu tiên là gì. Chẳng thế mà trước mỗi lần có đợt thay đổi lớn về bố trí cán bộ là các bác tài xe công (loại xe con 4 chỗ) lại được dịp trổ tài phục vụ vô điều kiện, không kể giờ giấc, nắng mưa, cho sếp của mình lao vào cuộc đua cửa sau mà thiên hạ cũng không còn coi là chuyện bí mật khi đặt tên cho loại "thể thao - điền kinh" này là môn "chạy chức, chạy quyền". Nhiều Nghị quyết của Đảng đã thừa nhận "cán bộ yếu kém là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra tình trạng yếu kém nói chung của nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội".Tình trạng này sẽ còn lặp lại, không bao giờ cải thiện được nếu công tác cán bộ không thực sự được minh bạch, công khai; nếu nhân dân chưa có điều kiện để thực sự có tiếng nói quyết định trong việc xuống - lên của các bậc "cha mẹ" dân; nếu cái tài, cái đức của các quan chưa có dịp được cạnh tranh lành mạnh trước sự đánh giá minh bạch của mọi người, của công luận; và nếu người quyết định bổ nhiệm ai đó chưa phải chịu trách nhiệm công khai về kết quả sai lầm nhỡn tiền của mình trong sử dụng cán bộ...
Còn có thể nói dài dài về tình trạng tiêu cực ở nhiều lĩnh vực khác nữa để thấy sự cần thiết của minh bạch, công khai trong quá trình lành mạnh hóa xã hội. Nhân đây, xin nhắc lại lời cụ K. Marx,- nguời đề xướng chủ thuyết mà ở xứ ta hiện nay vẫn tôn vinh là "kim chỉ nam của hành động" -, khi phê phán bộ máy thống trị thời đó đã rành rẽ "bắt mạch kê đơn" như vầy: "Thói quen thâm căn cố đế của đám quan liêu là vô cùng ưa thích ghé tai thì thào mọi chuyện!". Quả là "chuẩn không cần chỉnh!". Thì thào để bưng bít thông tin, thì thào để trục lợi cho mình, cho phe cánh của mình. Một cách làm cũ xưa như... Trái đất!...
Lại nhớ đến một lần đàm đạo với nhà văn đàn anh Nguyễn Khải - nay đã thành người thiên cổ - dịp ông ra Hà Nội dự Đại hội nhà văn lần IV (tháng Mười 1989). Dạo ấy, sau Cải tổ ở Liên Xô, Đổi mới ở nước ta cũng đang vào form. Biết tôi vừa từ Nga về, anh Khải hỏi:
- Theo cảm nhận của cậu thì Cải tổ ở Liên Xô là gì vậy?
- Là Dân chủ, là Công khai hóa những gì xưa nay ưa giấu giếm!...
Anh Khải gật gù tán thưởng và nói tiếp luôn:
- Vậy thì Đổi mới là NÓI TO lên những gì xưa nay vẫn THÌ THÀO!
Hóa ra Đông hay Tây, cổ hay kim, triết gia hay văn sĩ... đều có thể nghĩ giống nhau.../.
Tác gỉa gửi cho viet-studies ngày 12-10-11
.
.
.
No comments:
Post a Comment