L.A.H.
12/10/2011
Mới đây, nhiều người Việt Nam tỏ ra hồ hởi khi hay tin xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đứng trước cơ hội vượt qua Thái Lan khi Chính phủ nước này thực hiện chính sách bảo hộ giá gạo trong nước [[1]].
Điều này càng cho chúng ta thấy một thực tế là thế giới đang ngày càng trở nên “phẳng” hơn và liên hệ chặt chẽ với nhau hơn. Giờ đây thì ngay cả các bác nông dân nhà ta hẳn cũng đã hiểu ra là cái thế giới này nó “phẳng” đến thế nào rồi. Không chỉ một động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có ảnh hưởng ngay lập tức tới gần như toàn bộ nền kinh tế thế giới, mà ngay cả một cuộc nội chiến ở đất nước Libya nhỏ bé với dân số chỉ 6,6 triệu người cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường dầu mỏ thế giới và qua đó là đến nền kinh tế thế giới, hay quyết định bảo hộ giá gạo của Chính phủ Thái Lan cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường gạo của thế giới, trong đó có những người nông dân Việt Nam.
Trong cái thế giới đang ngày càng gắn kết hơn với nhau đó, mỗi một động thái chính sách (và lớn hơn thế, chế độ chính trị) của một nước đều tạo ra ảnh hưởng nhất định đến các quốc gia bên ngoài, theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực.
Trước mắt, người nông dân Thái Lan sẽ được hưởng lợi từ chính sách bảo hộ giá gạo của Chính phủ Thái Lan, khi giá trị sản phẩm của họ tăng lên. Song về lâu dài, chính sách này sẽ tạo ra sức ỳ cho ngành nông nghiệp trong nước, trong khi gánh nặng bảo hộ lại đặt trên vai các tầng lớp dân cư khác, đồng thời nó còn làm méo mó cơ chế phân công lao động và phân bổ nguồn lực hữu hiệu của thị trường. Đối với người nông dân Việt Nam, chính sách bảo hộ của Chính phủ Thái Lan sẽ khiến cho giá gạo của Thái Lan kém cạnh tranh hơn và giá gạo của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn, cho nên trước mắt nó sẽ tạo nên một cú hích cho hoạt động sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài, việc chúng ta cạnh tranh với một đối thủ vốn đang chịu sức ỳ do chính sách bảo hộ gây ra thì cũng chẳng cải thiện được năng lực sản xuất cho mình là mấy; chưa kể, nếu Chính phủ Thái Lan lại đột ngột xóa bỏ chính sách bảo hộ thì người sản xuất lúa gạo ở Việt Nam không khéo lại còn phải chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn (do đầu tư dàn trải quá mức chẳng hạn) so với những gì mà họ được hưởng khi Chính phủ Thái Lan thực thi chính sách bảo hộ.
Người nông dân Thái Lan lâu nay vẫn được hưởng lợi từ lối vận hành lộn xộn của thị trường lúa gạo Việt Nam, nơi mà một mình Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA – với nòng cốt là Tổng Cty Lương thực Miền Nam và Tổng Cty Lương thực Miền Bắc) làm mưa làm gió, khiến cho lợi lộc chủ yếu rơi vào khâu trung gian và giới đầu cơ, còn đời sống của người nông dân thì vẫn chẳng khá lên là bao, nghèo vẫn hoàn nghèo. Thực tế này khiến cho người nông dân chẳng mấy mặn mà với việc mở rộng sản xuất, thâm canh hay tăng vụ (một phần là do không đủ nguồn lực để tái đầu tư). Bản chất của vấn đề là ở chỗ người ta đã lợi dụng vị thế độc quyền nhà nước để trục lợi tối đa cho cá nhân và phe nhóm. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên thị trường xăng dầu, lĩnh vực mà nhà chức trách và giới phân tích hiện vẫn đang mổ xẻ. Tuy nhiên, mọi giải pháp không sớm thì muộn rồi cũng thất bại, hoặc theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, khi mà trên thị trường vẫn tồn tại một hoặc một vài doanh nghiệp đóng vai trò thống lĩnh (trong trường hợp thị trường xăng dầu thì Petrolimex chiếm tới 60% thị phần) và khi mà thiệt hại của 86 triệu người tiêu dùng thì không thể đong đếm được trong khi lợi nhuận chảy vào hầu bao những kẻ đang thao túng thị trường và các khoản “lại quả” chảy vào túi của các nhà quản lý tự tư tự lợi, những kẻ sẵn sàng vì lợi ích của một nhóm người nhỏ bé và của bản thân mà nhắm mắt làm ngơ (dưới những chiêu bài như “ổn định thị trường”, “kiềm chế lạm phát”, v.v.), thì lại có thể “đếm” được. Và thị trường thì phản ứng rất chi là linh hoạt: xăng dầu hết chảy sang Campuchia (khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn ở Campuchia) lại chảy ngược từ Campuchia về ViệtNam(khi giá xăng dầu trong nước cao hơn).
2.
Sớm muộn gì thì người anh em Lào của chúng ta cũng sẽ tiến tới với dự án thuỷ điện Xayaburi, đơn giản là ở một chế độ “dân chủ XHCN” như của Lào thì lời nói của đồng tiền nó dễ lọt tai hơn bất cứ điều gì khác. Ngay cả nguy cơ về một cuộc Hán hóa vẫn không đủ để khiến họ phải rụt rè trước những đồng Yuan có in hình bác Mao thì còn có gì là đáng kể ở đây. Không khéo chính các đồng chí Lào ngay từ bây giờ cũng đã ấm ức trong bụng mà rằng, “Với những bauxite Tây Nguyên, thủy điện 6 và 6A Đồng Nai thì các vị đã nghĩ gì đến người dân của mình hay chưa mà buộc chúng tôi phải nghĩ cho dân của các vị”? Tình trạng phá rừng hàng loạt ở Lào, trong đó người Việt “góp công” rất lớn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, khí hậu và dòng chảy vào Việt Nam.
Nhiều người Việt Nam từng phấn khởi khi hay tin thủ lĩnh phe đối lập ở Campuchia bị xét xử về vụ nhổ cọc phân giới với Việt Nam, do tòa án tỉnh Svay Rieng tiến hành ngày 27/1/2010. Sam Rainsy bị tuyên án 2 năm tù vắng mặt (vì đang ở Pháp), và phải đóng tiền phạt 8 triệu Riel (2.000 USD), đồng thời phải bồi thường cho chính quyền địa phương 5 triệu Riel (1.200 USD) vì tội phá hoại tài sản nhà nước và kích động kỳ thị sắc tộc [[2]]. Tuy nhiên, những ai biết rõ hiện tình Campuchia lại đều hiểu rằng ông Hunsen từ nay sẽ càng dễ bề khuynh loát chính trường Campuchia, những vấn nạn xã hội như tham nhũng, tội phạm… cũng sẽ nổi lên theo đấy [[3]]. Và chính Việt Nam chúng ta lại phải nhận lãnh hậu quả: Tình trạng vũ khí nóng tràn lan trong nước hiện nay một phần là nhờ sự nhắm mắt làm ngơ của “người anh 16 chữ vàng” ở phía Bắc và một phần là nhờ nguồn cung dồi dào từ phía Campuchia. Các sòng bạc gần biên giới Việt Nam hoạt động gần như bất chấp pháp luật cũng là một hệ quả của tình trạng pháp luật lỏng lẻo ở Campuchia, và nó đã gây ra bao hệ lụy kinh tế – xã hội cho Việt Nam mà báo chí đã tốn nhiều giấy mực để phản ánh.
Chủ nghĩa Đại Hán Trung Hoa dẫu đáng sợ đến mấy nhưng một nước Trung Quốc dân chủ cũng sẽ khiến cho mối đe dọa đó giảm đi đáng kể. Và một ViệtNamtự do, dân chủ chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực để đưa đến một Trung Quốc ngày càng tự do và dân chủ hơn. Tuy nhiên, hai nước hiện nay lại đang là nguồn cổ vũ của nhau trong chính sách đè nén dân chúng, và tham nhũng. Đó cũng là lý do tại sao Chính phủ Việt Nam vẫn tỏ lập trường ủng hộ Gaddafi cho đến khi buộc phải muối mặt “thừa nhận” Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) của Libya vào ngày 14/9/2011, khi mà những tội ác man rợ của chế độ độc tài quái đản Gaddafi đang dần dần bị phơi bày trước mắt bàn dân thiên hạ. Và đó chính là lý do tại sao Tổng thống Venezuela lại sẵn sàng nghênh đón Gaddafi tới tị nạn; là lý do tại sao Trung Quốc và Nga lại phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 5/10/2011 về việc trừng phạt Syria nếu nước này không ngừng ngay lập tức hành động quân sự giết hại dân thường.
Phong trào dân chủ Mùa Xuân Ả Rập rõ ràng là đang tạo ra một sự thay đổi tích cực cho bức tranh chính trị của thế giới Ả Rập và phả hơi nóng vào các chế độ độc tài áp bức còn sót lại trên thế giới. Khi điều tất yếu phải đến thì cái giá cho nó lại tùy thuộc vào sự khôn ngoan và thức thời của nhà cầm quyền. Đó có thể là cuộc đổi thay khá nhẹ nhàng ởTunisia, sự chuyển tiếp tương đối bạo lực và lộn xộn ở Ai Cập, hay thậm chí là một cuộc nội chiến đẫm máu ở Lybia.
3.
Nhiều chính sách của Chính phủ Việt Nam lâu nay đang làm suy thoái nền kinh tế Việt Nam, khiến cho thị trường hỗn loạn, tạo ra sự bất công ngày càng sâu sắc trong xã hội, còn kẻ thù của chúng ta thì lại vui mừng. Khi mà giá vàng trong nước từ bao năm nay thường cao hơn giá vàng thế giới, với mức cước chênh lệch nhiều lúc lên tới 4 triệu VNĐ một lượng thì ngoài sự thiển cận và bảo thủ, điều mà ai cũng thấy bức xúc chính là thái độ THIẾU TRÁCH NHIỆM của Chính phủ. Khi mà chính sách bình ổn giá lại chỉ tạo kẽ hở cho khối kẻ lợi dụng chính sách để trục lợi thì người ta càng thấy rõ tư duy và tầm nhìn từ thời bao cấp của lãnh đạo Chính phủ [[4]]. Những chương trình mang hơi hướng xã hội, nhân đạo như “nhà ở cho người thu nhập thấp” lại chính là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và tiêu cực ở bất cứ đâu, chứ không riêng gì Việt Nam, nơi mà tình trạng này hầu như ai cũng nhìn thấy rõ [[5]]. Các chương trình an sinh xã hội của Chính phủ, đặc biệt là các chương trình trợ cấp trực tiếp, lại tạo ra một bộ phân dân nghèo chỉ biết trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước. Ngoài ra, nhiều tiêu cực cũng phát sinh từ đây, chẳng hạn như tình trạng trợ cấp chẳng đến được tay người nghèo mà lại thường rơi vào tay người nhà của quan chức địa phương, điều mà báo chí từng nói đến rất nhiều. Chính sách căn cơ và lâu dài ở đây là trao cho họ “cần câu”, tạo cho họ cơ hội bình đẳng (cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế; các quyền tự do cơ bản, trong đó có quyền tự do chính trị, để họ có thể bầu, giám sát và miễn nhiệm những người đại diện trong chính quyền của mình), chứ không phải là trao cho họ “con cá”. Hiện tượng ngành than xuất nhập tùm lum bấy lâu nay chính là do chính sách điều tiết giá bất hợp lý kéo dài từ năm này qua năm khác, làm méo mó cơ chế vận hành đúng đắn của thị trường, v.v.
4.
Vì sao trong khi cả Châu Âu đang phải gồng mình để cứu Hy Lạp thì người dân nước này [Hy Lạp] lại hết biểu tình rồi đến đình công? Đó là vì khu vực công ở đây đã phình ra quá to, một bộ phận dân chúng đã hình thành thói quen dựa dẫm vào các chương trình chi tiêu hoang phí hoặc mang bản chất tái phân phối thu nhập của Chính phủ. Đến khi mức nợ công cứ ngày một lớn dần lên và nhằm tránh đổ vỡ, Chính phủ buộc phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để nhận được gói cứu trợ của EU, và điều này lại đụng chạm đến bộ phận dân chúng vẫn sống dựa vào ngân sách Nhà nước (công chức, người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, những đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, v.v.). Thủ phạm của nó chính là chủ nghĩa dân túy (chính là chính sách mà Chính phủ Thái Lan của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trước đây và đương kim Thủ tướng Yingluck Shinawatra hiện nay theo đuổi, và cũng chính là bản chất của các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ Việt Nam hiện nay) và chủ nghĩa bảo trợ [[6]] (một thực tế vẫn đang diễn ra ở Việt Nam kể từ đầu giai đoạn đổi mới đến nay). Giải pháp căn cơ cho nó phải là một cuộc cải cách thể chế sâu rộng chứ không chỉ đơn thuần là các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” trước mắt [[7]].
Thông thường, một lĩnh vực trong bộ máy Chính phủ không ngừng phình ra là mục đích tự thân của hoạt động Chính phủ; người lãnh đạo nào cũng muốn có thêm đầu mối để quản lý (và dĩ nhiên là thêm nhiều lợi ích từ đó), nhà quản lý nào cũng trông chờ cơ hội thăng tiến tốt hơn nếu họ có thể tuyển dụng thêm thuộc cấp. Đấy chính là lý do tại sao ở ViệtNamthời gian qua tuy số bộ ngành đầu mối giảm, nhưng cơ cấu bên trong lại tiếp tục phình to. Các tổng cục cứ thi nhau ra đời. Bộ Nông nghiệp thì có Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi; Bộ Công an thì chia Tổng cục An ninh nhân dân thành Tổng cục An ninh I và Tổng cục An ninh II, chia Tổng cục Cảnh sát nhân dân thành Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm và Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH, v.v. Đến nay thì một loạt tỉnh thành đã có Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Đồng Nai và Bình Dương) (Ôi giời, cháy nổ thế kia thì cần thiết quá đi chứ lỵ!).
Con người ta có lẽ ai cũng muốn lo lắng và đem lại hạnh phúc cho những người xung quanh mình, cho đồng bào của mình. Đó là thiên hướng tự nhiên của con người. Hầu như nhà lãnh đạo nào cũng muốn “lo cho dân” cả, ít nhất là điều đó đem lại cho họ sự “chính danh”. Họ chỉ khác nhau về cách “lo” mà thôi. Ông Lê Duẩn từng có câu nói để đời: “Chúng ta cầm quyền mà không lo nổi rau muống và nước lã cho dân thì nên từ chức đi” [[8]]. Sau khi ông trút hơi thở cuối cùng trên cương vị lãnh đạo cao nhất của chế độ, Đảng Cộng sản Việt Nam ở vào thế dựa chân tường buộc phải tiến hành cái gọi là “đổi mới”, người ta mới nghiệm ra rằng hóa ra để cho dân chúng tự lo cho mình lại tốt hơn nhiều, và người dân càng được “cởi trói” thì đất nước lại càng phát triển. Ấy vậy nhưng cái chân lý đó dường như lại đang bị người ta quên mất. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc: “Nhà nước vẫn đang tiếp tục can thiệp quá sâu vào thị trường. Bộ máy bắt đầu sa vào giải quyết quá sâu những vấn đề cụ thể. Nhiều việc không làm xuể thế là phát sinh tổng cục, chi cục khiến đầu mối thì giảm mà cơ cấu bên trong vẫn tiếp tục phình to. Các chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo. Bối cảnh lạm phát mấy năm vừa qua đã phơi bày rõ sự lúng túng” [[9]]. Thủ tướng cứ phóng tay hết ký thành lập Tổng cục này lại đến ký bổ nhiệm Thứ trưởng kia, mà hình như chẳng thấy “băn khoăn” gì cả thì phải. “Bảo đảm an sinh xã hội” (bên cạnh những “thực hiện đồng bộ các giải pháp” và “bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô”) đã trở thành một điệp ngữ của Thủ tướng.
Cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu nói chung và ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha… nói riêng chính là bài học cảnh tỉnh cho chúng ta.
Theo quy định của luật tổ chức Chính phủ nhiều nước trên thế giới, cơ cấu của Chính phủ (nội các) chỉ bao gồm thủ tướng, Phó thủ tướng, các Bộ trưởng và Thứ trưởng cơ quan ngang Bộ. Còn theo Luật Tổ chức Chính phủ của ViệtNam, cơ cấu của Chính phủ bao gồm Bộ và cơ quan ngang Bộ. Quy định như vậy đã dẫn đến sự nhầm lẫn giữa hoạt động của Bộ và hoạt động của Chính phủ, các Bộ trưởng coi nặng hoạt động ở Bộ mà coi nhẹ hoạt động ở Chính phủ. Các Bộ là các cơ quan chuyên môn, đó là các cơ quan tác nghiệp hành chính, trong khi đó Chính phủ là cơ quan chính trị, tức là cơ quan đề ra các chủ trương, quyết sách và thực hiện chức năng điều hòa phối hợp toàn bộ bộ máy hành chính nhà nước. Nếu quan niệm cơ cấu của Chính phủ bao gồm Bộ và cơ quan ngang Bộ thì các Bộ trưởng chủ yếu hoạt động ở văn phòng Bộ, trong khi đó yêu cầu của xã hội là các Bộ trưởng phải hoạt động chủ yếu ở trụ sở của Chính phủ. Chính phủ các nước trên thế giới thông thường một tuần họp một lần như ở Pháp, một tuần họp hai lần như ở nội các Anh, còn trong thời kỳ phong kiến thì các phiên thiết triều được thiết lập vào các ngày lẻ hoặc ngày chẵn trong tháng và không ít hơn 4 lần.
Chính phủ của chúng ta hiện nay chỉ họp một tháng một lần. Như vậy không thể đảm bảo tính liên tục của hoạt động hành chính. Hoạt động điều hòa, phối hợp của Chính phủ vì thế cũng không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Có thể đưa ra một số minh chứng để khẳng định điều này. Chẳng hạn việc các đường phố lớn ở Thủ đô Hà Nội như Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh và một số đường phố khác bị đào lên đào xuống nhiều lần thể hiện sự thiếu phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc quản lý đô thị. Gần đây, việc xây dựng các khu đô thị cao tầng rất đẹp, rất hoành tráng ở Mỹ Đình nhưng không hề xây các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông nào dẫn đến việc quá tải của các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở Thủ đô Hà Nội là một ví dụ điển hình cho sự thiếu điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, ngành. Hiện tượng giấy hồng, giấy đỏ, giấy xanh cho nhà đất và hộ khẩu cũng là một ví dụ điển hình. Yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền đòi hỏi bộ máy hành chính không được tùy tiện đưa ra bất kỳ quy định nào trái với luật trong quá trình áp dụng chính sách, tuy nhiên ở Việt Nam, hiện tượng văn bản của cơ quan hành chính cấp dưới trái với văn bản của cơ quan hành chính cấp trên là một chuyện khá phổ biến.
(Tạp chí Nghiên cứu lập pháp: Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế – PGS.TS. Thái Vĩnh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Hành chính – nhà nước, Đại học Luật Hà Nội)
5.
Trong bài phát biểu ra mắt cương vị Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) ở Rostock trung tuần tháng 5 vừa rồi, chính trị gia người Đức gốc Việt Philipp Rösler đã so sánh hệ lụy khi người ta hạn chế tự do từng chút một với một câu chuyện về con ếch. Nếu ném con ếch vào nồi nước nóng nó sẽ phản xạ tức thì, nhảy ra khỏi nồi ngay. Nhưng nếu ném nó vào nồi nước lạnh rồi đun nóng dần thì nó sẽ nằm yên cho đến khi bị luộc chín. Hạn chế quyền tự do từng chút một rốt cuộc sẽ dẫn tới kết cục như vậy, bởi xã hội dần dần bị mất khả năng đề kháng.
Từ Sắc lệnh số 31 ngày 13/9/1945 của Hồ Chủ tịch cho đến bản Thông báo cấm biểu tình trời ơi đất hỡi ngày 18/8/2011 của UBND TP Hà Nội là cả một sự thụt lùi ghê gớm của lịch sử. Đối với nhiều người, dường như đến giờ họ mới nhận ra là “chú ếch” Việt Nam đã bị “luộc” từ từ trong suốt 66 năm qua như thế nào, và chính cái thực tế là ở đây “ta lại luộc ta” chứ chẳng phải bọn “đế quốc” hay “phản động” nào cả mới khiến cho nỗi niềm càng thêm chua xót.
Khi Chính phủ giành lấy trách nhiệm “lo rau muống và nước lã” cho người dân, thực chất họ đã tước mất một quyền cơ bản của công dân, đó là quyền được tự lo liệu cho cuộc sống của mình. Đến bây giờ thì những người từng một thời sống dưới chế độ bao cấp ở ViệtNamhẳn đã thấm thía điều này. Còn nhiều người dân Hy Lạp chắc cũng đã cảm nhận được cái giá của những ngày tháng sống trong vòng tay bao bọc của Chính phủ.
Gần đây, trước chủ trương sửa đổi Hiến pháp 1992 của Nhà nước Việt Nam, trên các báo đã xuất hiện nhiều tiếng nói tích cực, ủng hộ một sự thay đổi sâu sắc và toàn diện, tránh hiện tượng chắp vá hay chỉ thay đổi bề ngoài, vốn chỉ đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển bất ổn mới, bỏ qua nhiều vận hội trước mắt [[10]]. Tuy nhiên, có nhà nghiên cứu Hiến pháp lại đưa ra nhận định: “Ngày hôm nay chúng ta mong đợi một bản Hiến pháp hoàn hảo có lẽ hơi ảo tưởng, cũng giống như ảo tưởng một công ty nào đó của Việt Nam có thể tự chế tạo máy bay Boeing hay chip Intel vậy!” [[11]]. Hình như lập luận của nhà nghiên cứu Hiến pháp này có cái gì đấy không ổn:
1) Hiến pháp không đóng vai trò là bộ luật cơ bản nhất, hay khế ước xã hội, hay… chỉ bằng sự hiện hữu của nó. Các giới chức chính trị, các lực lượng có ảnh hưởng trong xã hội phải tôn trọng nó thì nó mới có giá trị, nó mới có hiệu lực. Vì thế, các bản Hiến pháp của Việt Namtừ trước tới nay phần lớn đều chỉ là mớ giấy lộn không hơn không kém. Thực tế này cũng có nghĩa là một điều kiện cần ở đây là phải phân chia quyền lực Nhà nước thành các nhánh độc lập để giám sát và chế ước lẫn nhau.
2) Năm 1946, khi 95% người Việt Nam bị mù chữ mà chúng ta vẫn có được bản Hiến pháp 1946 thì không có lý do gì khiến chúng ta lại KHÔNG THỂ cho ra đời một bản Hiến pháp thật sự phù hợp, khoa học, với tầm nhìn dài hạn vào lúc này (nhất là khi mà dân tộc Việt Nam đã đổ biết bao xương máu, trải qua biết bao thảm cảnh để ngộ ra chân lý như ngày hôm nay). Tại sao bao quốc gia khác không có “nền văn hiến bốn ngàn năm” như chúng ta mà họ lại có được bản Hiến pháp dân chủ (Thái Lan,Campuchia,Singapore, v.v.) trong khi chúng ta lại cứ phải “đi từng bước, đừng ảo tưởng”? Từ năm 1992 cho đến khi ra đời bản Hiến pháp mới sắp tới (dự kiến vào năm 2013) là 21 năm, tức là mới một “bước” thôi. Vậy liệu chúng ta còn phải đi thêm mấy bước nữa để quay lại bản Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp mà ai cũng cho là tiến bộ và dân chủ nhất trong số 4 bản Hiến pháp trước đây của chúng ta và đã ra đời cách nay đến 65 năm, tức là ngót 2/3 thế kỷ? Ai sẽ phải trả giá cho sự chậm trễ này?
3) Bản Hiến pháp Mỹ ra đời cách đây hơn 200 năm, chứ không phải vừa mới hôm qua. Nó là nền tảng cho sự ổn định và phát triển của nước Mỹ, cho những Boeing hay Intel như ngày nay. Điều đó cũng có nghĩa là không phải đến khi nào người ViệtNamlàm ra được những Boeing hay Intel thì chúng ta mới có quyền “mơ” tới một bản Hiến pháp “hoàn hảo”.
4) Ai ảo tưởng ở đây? Một cá nhân nào đó? Hay cả dân tộc ViệtNam? Cách đặt vấn đề như thế rõ ràng là đã thể hiện một thái độ không đúng mực đối với khát vọng cháy bỏng của cả một dân tộc.
Như Bản Kiến nghị của các nhân sỹ, trí thức ngày 10/7 về việc Bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay và Thư ngỏ gửi lãnh đạo Việt Nam về hiểm họa ngoại bang và sức mạnh dân tộc của các trí thức Việt kiều ngày 21/8/2011 đã chỉ rõ, bối cảnh lịch sử lại một lần nữa đặt đất nước chúng ta trước một nguy cơ mới. Liệu chúng ta có tận dụng được thời cơ để đầy lùi mối nguy và vươn lên mạnh mẽ hay không là trách nhiệm đang đặt lên vai các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Họ đang có cơ hội để sửa chữa sai lầm và hơn thế, còn tạo dựng được chỗ đứng của mình trong lịch sử. Đất nước Việt Nam vốn đã chịu nhiều đau thương và bất công này không thể vì sai lầm của bất kỳ một cá nhân nào để rồi lại một lần nữa phải ngậm ngùi nhìn thời cơ lịch sử trôi qua. Và nên nhớ rằng chỉ riêng việc chúng ta ký Hiệp định Thương mại Song phương Việt Mỹ chậm chưa đầy một năm thôi cũng đã khiến cho đất nước bỏ lỡ biết bao cơ hội rồi [[12]]. Để kết thúc bài viết, xin mượn lời của ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Mỹ, khi ông nhắc lại những cơ hội nhỡ nhàng vô cùng đáng tiếc chỉ do quyết định hơi muộn mằn đó: “Thời đại thay đổi, mình cũng phải thay đổi theo. Không thể cứ bám riết cái đã rất cũ của mình, chỉ làm thiệt mình và bắt dân tộc mình phải trả giá” [[13]].
L.A.H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
[1] Báo Thanh niên ngày 26/9/2011: Xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ qua mặt Thái Lan (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20110925/xuat-khau-gao-viet-nam-se-qua-mat-thai-lan.aspx).
[2] Báo Dân trí ngày 28/1/2010: Campuchia xét xử đối tượng nhổ cọc phân giới với Việt Nam (http://dantri.com.vn/c25/s36-375843/campuchia-xet-xu-doi-tuong-nho-coc-phan-gioi-voi-viet-nam.htm)
[3] Báo Dân luận ngày 18/11/2009: Sự xuống cấp của đạo đức xã hội trong nền kinh tế thị trường và thủ phạm của nó (danluan.org/node/3286).
[4] Báo Công an nhân dân ngày 4/10/2011: Ai hưởng lợi từ chính sách bình ổn giá? (http://www.cand.com.vn/vi-VN/kinhte/2011/10/157353.cand); Báo Lao Động ngày 29/8/2011: Giá hàng bình ổn vẫn cao hơn giá thị trường (http://laodong.com.vn/Tin-tuc/Gia-hang-binh-on-van-cao-hon-gia-thi-truong/56395); Báo Dân Trí ngày 26/7/2011: Loạn giá hàng bình ổn (http://dantri.com.vn/c76/s76-501959/loan-gia-hang-binh-on.htm).
[5] Báo VnExpress ngày 1/4/2011: Nhà thu nhập thấp bị rao bán gấp đôi giá gốc (http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/bat-dong-san/2011/04/nha-thu-nhap-thap-bi-rao-ban-gap-doi-gia-goc); Báo VTC News ngày 5/8/2011: Nhà thu nhập thấp, giá chung cư cao cấp (http://vtc.vn/1-296175/kinh-te/nha-thu-nhap-thap-gia-chung-cu-cao-cap.htm); Báo Diễn đàn doanh nghiệp ngày 20/8/2011: Nhà ở cho người thu nhập thấp: Thất bại lớn (http://dddn.com.vn/20110818024630777cat173/nha-o-cho-nguoi-thu-nhap-thap–that-bai-lon.htm).
[6] Chủ nghĩa bảo trợ (clientelism): một thuật ngữ dùng để mô tả một hệ thống chính trị mà trái tim của nó là mối quan hệ bất tương xứng giữa giới chính trị gia và các nhóm chịu sự bảo trợ của họ.
[7] OpenDemocracy: The causes of the Greek crisis are in Greek politics (http://www.opendemocracy.net/openeconomy/takis-s-pappas/causes-of-greek-crisis-are-in-greek-politics).
[8] Từ điển bách khoa mở Tiếng Việt: http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Du%E1%BA%A9n.
[9] Báo Sài Gòn tiếp thị ngày 16/6/2011: Bộ máy phình to, nhưng vẫn đẩy việc cho Thủ tướng (http://www.sgtt.com.vn/Thoi-su/146352/Bo-may-phinh-to-nhung-van-day-viec-cho-Thu-tuong.html).
[10] Báo Sài Gòn tiếp thị ngày 4/8/2011: Sửa đổi Hiến pháp: phải rạch ròi ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (http://www.sgtt.com.vn/Goc-nhin/148881/Sua-doi-Hien-phap-phai-rach-roi%C2%A0ba-quyen-lap-phap-hanh-phap-tu-phap.html); Báo Vietnamnet ngày 21/9/2011: Góp bàn về sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam (http://wwwz.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/40230/gop-ban-ve-sua-doi-hien-phap-o-viet-nam.html); Báo VTC News ngày 23/9/2011: Cởi nút thắt cho cải cách (http://vtc.vn/2-302740/xa-hoi/coi-nut-that-cho-cai-cach.htm).
[11] Báo Vietnamnet ngày 6/10/2011: Sửa Hiến pháp: Đi từng bước, không ảo tưởng (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-10-05-sua-hien-phap-di-tung-buoc-khong-ao-tuong).
[12] Báo Vietnamnet ngày 8/7/2010: BTA và cơ hội bị bỏ lỡ (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-07-03-bta-va-co-hoi-bi-bo-lo).
[13] Báo Vietnamnet ngày 8/7/2010: BTA và cơ hội bị bỏ lỡ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment