Wednesday, October 19, 2011

CẦU TREO CAPILANO, VANCOUVER - CANADA (Trần Đức Hợp)



18-10-2011

Giới Thiệu

Cầu treo Capilano, nằm trong công viên cùng tên, là một cây cầu dành riêng cho khách bộ hành, được báo chí thế giới và cộng đồng Internet nói tới nhiều. Nó nổi tiếng bởi hàng năm có tới gần 1 triệu du khách tới thăm thành phố Vancouver thuộc tinh bang British Columbia, Canada. Như điều tất nhiên, phàm ai đã đặt chân tới Vancouver thì không thể bỏ qua mà không chiêm ngưỡng thắng cảnh độc đáo này.

Nằm cách thành phố 3 km về phía Bắc, cầu treo Capilano được khánh thành vào năm 1889, nó có chiều dài tổng cộng 136 mét, làm bằng dây thừng bện, mặt cầu lát ván gỗ hương / Cedar mỏng. Cây cầu bắc ngang qua một thung lũng, hai bên là núi đá. Đung đưa ở độ cao 70 mét, nó như một dải lụa vắt ngang trên dòng Capilano êm đềm uốn lượn theo hướng bắc-nam chia đôi hai vùng rừng núi xanh tươi của miền Tây Nam Canada.

Ông George Grant Mackey, tác giả của cây cầu là một kỹ sư công chánh, đồng thời là uỷ viên uỷ ban Tài nguyên và Môi trường của thành phố. Bắt đầu, cây cầu (khởi công năm 1888) được làm bằng thừng bện, tới năm 1903 người ta thay thừng bằng chão thép để tăng độ an toàn, nhưng tới năm 1956 thì một lần nữa, được làm lại hoàn toàn mới như ta thấy ngày nay.

Cầu treo Capilano.   Nguồn ảnh: vantjsis.washington.edu

VIDEO :

Thiết kế và xây dựng

Ở hai đầu cầu Capilano là những bậc thang dẫn, có nhân viên kiểm soát theo dõi và liên tục nhắc nhở du khách tránh tai nạn, bảo đảm an toàn. Luật lệ tại đây không cho phép người qua cầu chạy nhảy, cũng như đu, lắc, ở trên cầu vì những điều đó tạo ra cảm giác bất an, lo sợ cho những người khác cũng đang di chuyển trên cầu, có thể gây ra tai nạn. Người ngồi xe lăn (wheelchair), mang nạng, hoặc trẻ em đi một mình, cũng không được phép qua cầu. Với trẻ nhỏ, cha mẹ phải địu hay đeo bồng trước bụng, từ ngang thắt lưng trở xuống, chứ tuyệt đối không được cõng, hay địu trên cổ (công viên có chỗ cho mượn những chiếc “địu” em bé cho những bà mẹ muốn qua cầu). Đi trên cầu Capilano du khách sẽ được hưởng cảm giác mạnh trong suốt hành trình 446 bộ Anh, khi dưới chân họ là một mặt đầt không bình thường, nó luôn lắc lư và đung đưa không theo một phép tắc nào.

Cầu treo Capilano.  Nguồn ảnh: buyric.com

Cầu treo Capilano được căng kéo bằng hai dây cáp lớn có đường kính khoảng 2.0 inches (5 cm), làm thành hai tay vịn cho du khách. Lối đi ở bên dưới được treo thẳng đứng bằng những dây cáp nhỏ, tạo thành một hình hộp khối vuông dạng chữ U, lối đi rộng khoảng một mét, đủ cho hai người đi bộ dễ dàng đi ngược chiều nhau, nhưng nếu đi ở chính giữa tim cầu với hai tay nắm hai bên thì điều này sẽ làm tăng độ dao động (đung đưa, lắc ngang) trên sàn nhiều hơn.

Khi xây dựng, những kỹ sư công chánh đã tính toán để đặt những khối neo dây (anchor blocks) bằng bê tông cốt sắt rất lớn ở hai đầu cầu, với kích thước 3 chiều khoảng 15x6x25 bộ Anh, tổng trọng lượng bằng 326.250 lbs cho mỗi khối, nhằm tạo ra đế móng mang sức nặng của cầu - Foundation Ground / Massive Concrete Foundation Structure hay Primary Load - Bearing Structure. Tiếp theo, hai sợi dây cáp được kéo qua những đường ống bằng hệ thống thủy lực (hydro-Jacks), hay bằng sức kéo của những con ngựa to và khoẻ ngày xưa khi xây dựng cầu treo này (năm 1888). Hệ thống “kéo và khoá” dây cáp được thực hiện từng bước một, liên tục trong nhiều ngày đêm, cho đến khi sợi cáp đạt được độ căng tối ưu. Trong thực tế con người ít khi nào đạt được độ căng mong muốn vì trọng tải rất lớn của cây cầu gồm trọng lượng thân cầu, trọng lượng xử dụng, sức gió (Dead Load, Live Load, và Winds Load,…) Một đường cong với một góc độ nhỏ, chấp nhận được, qua hai cầu tiếp dẫn ở hai đầu và nối liền hai bên bờ đá hoa cương ở hai bờ vực đã tạo những bước cơ bản hình thành cho cây cầu.

Bên trên khu tiếp dẫn là những sàn gỗ bằng phẳng, cho người đi bộ cũng như người tàn tật trên xe lăn, với nguyên liệu lấy từ những cây tùng, bách… (Doulas Fir, Sitka, Spruce, Cedar,…) do vùng gần đó cung cấp, tạo điều kiện cho du khách có thể tản bộ khắp nơi theo những hành lang uốn lượn bên trong công viên Capilano tuyệt đẹp.

“Sợ” và “không sợ” trên cầu treo Capilano.   Nguồn ảnh: DCVOnline tổng hợp

Bên dưới hai sợi cáp treo lớn, những công nhân chuyên nghiệp khéo léo và cẩn trọng đứng trên sàn treo di động cần mẫn làm việc bảo dưỡng hệ thống cấu trúc của cây cầu bằng những sợi cáp nhỏ, từ hai sợi cáp ngang bên trên buông xuống theo phương thẳng đứng, tạo thành những lối dẫn, đường đi bộ, để cho khách bộ hành dạo chơi được an toàn tuyệt đối khi băng qua chiếc cầu treo đầy kỷ niệm với những ấn tượng khó quên trong đời.

Những chiếc cầu treo khác ở Công viên Capilano

Tháng năm 2004, hai kỹ sư công chánh người Canada là Art Williams và Kent Larose đã thiết kế và xây dựng thêm 7 chiếc cầu treo khác trong công viên Capilano với những đặc điểm “tinh” nối liền nhau bằng những thân cây Douglas Fir to lớn sống hàng ngàn năm tại đây. Những chiếc cầu treo này hài hòa và đan lồng với khung cảnh thiên nhiên chung quanh của rừng núi và khi được thực hiện, chúng dính liền vào thân cây nhưng không xử dụng một cây bù loong, hay đinh ốc nào, cũng không có một vết cưa, vết cắt nào làm tổn hại và ảnh hưởng đến sự sinh trưởng bình thường và tự nhiên của cây rừng tại đây. Điều này cho thấy vai trò của người kỹ sư trong xã hội tiến bộ không chỉ nhắm vào kỹ thuật, lợi nhuận, hay đồng lương mà bỏ qua sự bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ sinh thái cho hôm nay cũng như trong tương lai.

Từ 8 thân cây Douglas Fir to lớn, được lựa chọn kỹ lưỡng theo hình móng ngựa, cùng dựa theo độ dốc thoai thoải tự nhiên của the dat, các kỹ sư đã cho du khách ngày nay được di chuyển thoải mái trên những cầu treo ở độ cao 30 mét so với măt đất, chúng nối với nhau qua những bệ tròn chung quanh thân cây, nơi du khách có thể nhìn bao quát 360 độ, dưới những tán lá của những tầng cây cao, mà ở dưới là những dàn chống tựa vào thân cây mà không làm xây xước vỏ của chúng. Những sợi cáp nhỏ được nối dài và dính vào 7 chiếc cầu treo nối liền những thân cây này, tương tự như hệ thống đi lại trên đỉnh của những vòm cây cao hàng trăm thước ở Costa Rica hay ở châu Úc.

Công viên Capilano .  Nguồn ảnh: capbridge.com


Lối Đi Bộ Trên Không / Cliff Hanger (khánh thành tháng 6, năm 2011)

Với những tiến bộ của ngành địa chất và hệ thống khoan sâu vào vách núi đá hoa cương cứng rắn, tại công viên Capilano người ta đã khởi công xây dựng một hệ thống khác, cũng dành riêng cho người đi bộ, dọc theo những vách núi thẳng đứng, trên vách cao hàng trăm thước, dọc bờ vực sâu, rồi tu đây du khách sẽ được thưởng lãm những phong cảnh tuyệt đẹp của núi rừng thiên nhiên ở đây.

Tương tự như công trình xây dựng những bức tường có dây neo / Soil–Nails Walls / khi bờ đá dọc hai bên Freeway bị sạt lở ở ở Ramona, State Route 78, mà tôi đã làm trong 15 tháng năm nào, nơi đây các nhà địa chất đã nghiên cứu kỹ lưỡng những bờ đá hoàn toàn cứng rắn bằng tia X để xác định những điểm trọng tải mấu chốt có cấu trúc bền vững trước khi đặt những mũi khoan đá Rock-Nails dài 18 bộ Anh vào lòng khối đá hoa cương. Người ta đã tính những góc độ tối ưu (khoảng 30 độ so với độ ngang) sao cho những mũi khoan Rock Nails này chịu tải một trọng lượng rất lớn mà không làm xê dịch khối đá. Một loại bê tông đặc biệt, khá mắc tiền so với bê tông thường trong ngành xây dựng (shortcrete) được bơm thẳng vào lỗ khoan làm đặc cứng những Rock-Nails chịu tải này. Sau đó, ở bên ngoài còn có một hệ thống khoá móc được thiết kế phân bố đồng đều lực tải ra nhiều hướng đến những phần khác nhau của chiếc cầu treo nặng 40 tấn độc đáo này. Bên bờ vực, những con đường rộng 0.5m, với mặt đường là những tấm kiếng trong suốt nhìn thấu tận đáy vực, được tính toán sao cho chúng hài hoà với khung cảnh thiên nhiên. Cạnh đường còn có những bảng giải thích khoa học để giúp du khách hiểu biết thêm về cấu tạo địa chất và về môi trường sinh thái của nơi họ đang có mặt. Sau hết, tổng thể những cây cầu (cầu treo, cầu tiếp dẫn) chạy dọc theo các vách núi, nối liền những “Clip Hangers” sẽ tạo thành một hệ thống “đi bộ trên không” dài tổng cộng 113 mét, có một không hai trên thế giới.

Không cần một sự tuyên truyền rùm beng nào về du lịch, ai đã tới Capilano đều có thể thấy trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển đất nước và con người Canada rất tuân thủ các quy luật thiên nhiên và lợi ích của dân chúng. Không một nhà cầm quyền nào có thể đưa Canada đi chệch khỏi hướng đó. Trong bối cảnh chung của một nước Canada dân chủ, thịnh vượng, Vancouver được đánh giá là một thành phố có mức sống cao, một trong những thành phố có cuộc sống êm đềm và tốt lành nhất thế giới.

Những chiếc cầu treo cổ nhất trên thế giới

Tại một số nơi, như ở vùng Cherrapunji miền Đông Bắc Ấn Độ, có những cầu treo rất đặc biệt. Số là cùng với thời gian bộ rễ chùm xum xuê của những cổ thụ có số tuổi hàng trăm năm mọc ở hai bên bờ con sông nhỏ chúng vươn sang nhau rồi tiếp nối với nhau làm thành một thứ cầu thiên tạo, khoảng cách có thể lên đến hơn 100 bộ Anh (30 mét). Cây càng phát triển thì bộ rễ càng to, làm tăng thêm độ vững chắc của chiếc cầu thiên tạo ấy. Những đại thụ này phần nhiều thuộc giống Đa Bồ Đề có tên khoa học là Ficus elastica, cùng loại cây Bồ Đề nơi Phật Thích Ca Mầu Ni ngộ đạo cách đây trên 4,000 năm.
Nói về những cây cầu thiên tạo thì không thể không kể đến những cầu treo do những nhánh dây leo của giống Wisteria vines được xoắn bện vào nhau mà thành. Người ta băng qua những thung lũng nhỏ, những hẻm vực trong thung lũng Iya, thuộc vùng Tokushima, Nhật bản, nhờ những cây cầu này. Để làm duyên cho những cây cầu thiên tạo, con người trồng chen vào những dây leo ấy những loài hoa leo với nhiều màu tím-hồng-trắng rất đẹp nở rộ vào mùa xuân. Những chùm hoa rủ xuống hai bên thành cầu treo thiên nhiên tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp, đầy thơ mộng trong sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người.

Ngày nay, con người đã xây dựng và tạo ra những cầu treo lớn bằng xích sắt, cáp xoắn, và ngay cả nguyên liệu tổng hợp nhân tạo FRP (Fiber REinforced Polymere), thứ nguyên liệu được xử dụng rộng rãi trong kỹ nghệ hàng không (làm khung sườn cho máy bay Boeing 787, Dream Liners), trong kỹ nghệ xe hơi, hàng hải (tàu bè, du thuyền).

Lời Kết

Cảm giác thật tuyệt vời khi ta bước nhẹ trên những thanh gỗ mỏng của cây cầu treo lơ lửng ở Capilano, trong khung cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên bao la và hùng vĩ của núi rừng xung quanh, với những hàng cây cao vút đã sống hàng trăm năm nhô lên từ dưới đáy vực sâu thăm thẳm, nơi có con sông nhỏ với dòng nước lững lờ bên dưới; ở đó, bên ta là những phiến lá rung động và đong đưa qua lại trong cơn gió thoảng dọc hai bên bờ núi đá xanh với vách thẳng đứng, cùng với nhịp đong đưa, run rẩy của nhịp cầu uốn lượn theo dòng du khách xung quanh.

Trong những giây phút đặc biệt này tâm hồn ta chìm vào những khoảng khắc tĩnh lặng nhất, thanh thản nhất, không còn một chút vướng bận với những hệ lụy của đời sống hằng ngày.
Một cảm giác thật là bình yên, thật là hạnh phúc!

San Diego, California


© DCVOnline

.
.
.

No comments: