Minxin Pei / foreignpolicy.com
Trần Ngọc Cư dịch
22/10/2011
Trong số tháng 11 của Foreign Policy, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton tranh luận rằng đã đến lúc Hoa Kỳ phải tiếp tục tiến lên từ các chiến trường tốn kém tại Iraq và Afghanistan, và thực hiện một cuộc chuyển hướng chiến lược tại châu Á. FP đã yêu cầu bốn nhà quan sát thời sự thông thái đánh giá những kế hoạch của Bà Clinton để Hoa Kỳ dấn thân vào Đông Á.
---------------
Với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật” mà BVN vẫn tuân thủ bấy lâu nay, đúng như câu nói trong Kinh Thánh: "And you shall know the truth, for the truth will set you free" (Và anh phải biết sự thật, vì sự thật sẽ giải phóng anh), chúng tôi đã mời một số dịch giả thân tín dịch cả 4 bài phản biện của bốn nhà thông thái nói trên và lần lượt đăng tải nhằm cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn đa chiều trước chủ trương chiến lược mới của nước Mỹ thông qua bài viết quan trọng của Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Bauxite Việt Nam
---------------------------------
Như là một cách mô tả chi tiết rõ ràng và toàn diện về chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bài tiểu luận của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton, nhan đề “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”, có vẻ xuất hiện quá trễ. Nhưng nó đã đến vào một thời điểm thích hợp nhất cho Washington. Một sự kết hợp gồm nhiều yếu tố, một số có tính cách ngẫu nhiên và một số khác thì không, đã giúp Hoa Kỳ tái lập địa vị siêu cường của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong hai năm qua, sau nhiều năm êm ả bỏ quên dưới Chính quyền Bush.
Chắc chắn là, Chính quyền Barack Obama đã bắt đầu gặt hái kết quả của đường lối ngoại giao tái tham gia vào khu vực này. Những cuộc thăm viếng cấp cao do các nhà ngoại giao Mỹ thực hiện, đặc biệt nhiều chuyến đi của Bà Clinton đến khu vực này, đã cải thiện rất nhiều cái lăng kính qua đó các nước châu Á-thái Bình Đương sẽ nhìn Hoa Kỳ. Thái độ hung hăng quyết đoán mà TQ biểu lộ trong các tranh chấp lãnh thổ gần đây cũng đã gây phẫn nộ cho các nước láng giềng và đẩy họ xích lại gần Washington hơn.
Trong tình thế này, một tuyên bố chính sách toàn diện nhằm khẳng định sự cam kết của Mỹ đối với khu vực sẽ mạnh mẽ trấn an các đồng minh và loan truyền sự rõ ràng chiến lược của Mỹ đến các đối thủ, chủ yếu là Trung Quốc.
Về thực chất, bản tuyên bố Clinton chẳng khai phá điều gì mới mẻ. Cái gọi là “sáu nguyên tắc hành động chủ yếu” – như Bà Clinton mô tả, “tăng cường các liên minh an ninh song phương; đào sâu các quan hệ hợp tác với các cường quốc đang lên, kể cả Trung Quốc; tham gia các định chế đa phương trong khu vực; mở rộng thương mại và đầu tư; tạo sự hiện diện quân sự trên cơ sở rộng lớn; và đẩy mạnh dân chủ và nhân quyền” – là những điều ai cũng biết. Tái khẳng định chúng hay diễn tả chúng bằng những câu văn mới hơn không hề thay đổi thực chất của chúng hay chính sách của Mỹ.
Nhưng những thắc mắc nghiêm trọng vẫn còn tồn tại về chính sách Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương. Thắc mắc quan trọng hơn cả là mục tiêu chiến lược dài hạn của Washington. Hoa Kỳ đang cố gắng đạt những mục đích dài hạn nào với sáu nguyên tắc nói trên? Duy trì địa vị siêu cường mãi mãi chăng? Ngăn chặn sự xuất hiện một bá quyền địa phương chăng?
Một thắc mắc khác là làm thế nào để sáu nguyên tắc hành động đó ăn khớp với nhau; chúng không luôn luôn tương hợp với nhau và, thật ra, là thường xung khắc. Chẳng hạn, tăng cường cộng tác với Trung Quốc nhất định xung khắc với việc duy trì một lực lượng quân sự to lớn triển khai ra phía trước (điều mà Bắc Kinh cho là một mối đe dọa cho an ninh của Trung Quốc), hậu thuẫn dân chủ và nhân quyền (điều mà Trung Quốc ghét thậm tệ), và duy trì các liên minh an ninh song phương (điều mà Trung Quốc cho là tàn tích của Chiến tranh Lạnh).
Thắc mắc cuối cùng là, liệu Washington có đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách của mình một cách hữu hiệu trong khu vực hay không. Rõ ràng là, những khó khăn ngân sách của Mỹ đã giảm khả năng tài trợ các nỗ lực ngoại giao một cách nghiêm trọng. Nhưng trong tình thế chính quyền Mỹ đang ngày càng bận tâm với các vấn đề trong nước, vốn chính trị cần thiết cho các nỗ lực ngoại giao cũng trở nên thiếu hụt. Trường hợp điển hình là đề nghị thành lập “Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TTP), một kế hoạch đầy tham vọng nhằm thiết lập một khu mậu dịch tự do ở trong khu vực. Những quốc gia nằm trong đề nghị này có thể là đang phấn chấn, nhưng khổ nỗi là tại Washington gần như không có người nào biết được ba chữ TPP tượng trung cho cái gì.
Minxin Pei là Giáo sư môn Chính phủ tại Đại học Claremont McKenna.
T.N.C. dịch từ: foreignpolicy.com
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
---------------------------
Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ (Hillary Clinton, Foreign Policy, November 2011)
.
.
.
No comments:
Post a Comment