Saturday, October 15, 2011

BẢN CHẤT ĐỐ KỴ TÔN GIÁO CỦA CHẾ ĐỘ CSVN (Trần Đức Tường)



Trần Đức Tường
Cập nhật: 27/09/2011

Như thường lệ hai năm một lần, hôm 23/9/2011 vừa qua Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố một bản Phúc Trình về Tự Do Tôn Giáo trên thế giới. Bản phúc trình này dựa trên những dữ kiện điều tra, theo dõi về chính sách tôn giáo và những vi phạm quyền tự do tôn giáo tại 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới do Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ, USCIRF đệ trình và đề nghị.

Phúc Trình Tự Do Tôn Giáo Của Hoa Kỳ
Năm nay, Ủy Ban này đã đề nghị với hành pháp Hoa Kỳ liệt kê một số quốc gia có chính sách vi phạm trầm trọng quyền tự do tín ngưỡng cần phải quan tâm đặc biệt, trong đó có 8 quốc gia đã nằm trong danh sách đen CPC từ những lần điều tra trước đây là Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Ả Rập Saudi, Sudan và Uzbekistan. Nhưng ngoài những nước này Ủy Ban còn đề nghị thêm 10 quốc gia còn có nhiều vi phạm hay thiếu sót về tôn trọng tự do tôn giáo. Đó là: Afghanistan, Ai Cập, Irak, Nigeria, Pakistan, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Venezuela và Việt Nam. Thực chất, sau khi khai thác bản báo cáo của Ủy Ban, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mới là cơ quan quyết định ghi vô hay lấy ra khỏi danh sách CPC các quốc gia do Ủy Ban đề nghị. Cũng nên biết là Việt Nam đã từng bị nằm trong danh sách CPC hồi năm 2004 và tuy trong những lần điều tra kế tiếp Ủy Ban đã đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách này, nhưng vì nhiều lý do kinh tế, chính trị khác chính quyền Hoa Kỳ vẫn chưa chấp thuận.

Liên quan đến Việt Nam, bản phúc trình đã dành 20 trang để nêu lên những nhận xét tích cực cũng như tiêu cực về hiện tình thực tế của các tôn giáo tại nước ta. Tựu trung lại thì những điểm tiêu cực vẫn nhiều và nặng hơn những điểm tích cực. Điều đáng chú ý là bản phúc trình đã đưa ra những bằng chứng cụ thể về các vi phạm nhân quyền trong lãnh vực tôn giáo do chế độ CSVN là thủ phạm đối với tất cả các tôn giáo tại nước ta.

Trước những bằng chứng quá hiển nhiên do các tôn giáo cung cấp, do các quan sát viên của những tổ chức phi chính phủ ghi nhận, do những phóng viên quốc tế chứng kiến và nhất là do chính những nạn nhân và người trong cuộc khiếu kiện hay thông tin trên các trang mạng thế giới, nhà cầm quyền CSVN không thể nào chối cãi các sự việc vi phạm tự do tôn giáo. Họ chỉ còn có một luận điệu cũ rích mà lần nào bị thế giới tố cáo, chỉ trích về chà đạp nhân quyền là lại mang ra đối đáp với các phóng viên nước ngoài. Ai nấy đều phát ngấy vì họ đoán trước được câu trả lời của bao đời phát ngôn nhân. Lần này người phát ngôn mới được bổ nhậm đã lập lại: "Tại Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được quy định rõ trong Hiến pháp, được tôn trọng và được bảo đảm trên thực tế. Điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận… Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho giai đoạn từ tháng 7/2010 đến tháng 12/2010, mặc dù đã ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này, vẫn tiếp tục đưa ra những đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam".

Ai cũng biết bản Hiến Pháp của nước Việt Nam hiện nay được viết khá giống với những nước dân chủ tiến bộ, nghĩa là đầy đủ các giá trị nhân quyền mà cả nhân loại đã coi là đương nhiên. Tuy nhiên, trong khâu áp dụng thì nhà nước không những không tôn trọng các điều khoản của Hiến Pháp mà còn lập ra luật, ban hành các chỉ thị, và cho nhân viên các cấp thường xuyên làm ngược lại những điều khoản trong Hiến Pháp. Ngay trong bản Phúc Trình Về Tự Do Tôn Giáo, Hoa Kỳ cũng biết rõ chuyện này khi họ viết "Hiến Pháp và các bộ luật cũng như những chính sách khác bảo vệ quyền tự do tôn giáo, nhưng trong thực tế, chính quyền quản lý và trong nhiều trường hợp hạn chế tự do tôn giáo. Thường thường chính quyền tôn trọng tự do tôn giáo đối với hầu hết các nhóm tôn giáo có đăng ký (được công nhận), tuy nhiên, đối với những cộng đồng không được công nhận ngay cả những cộng đồng được công nhận vẫn bị đàn áp".

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng tường trình: "Bà ngoại trưởng Clinton, trong các cuộc hội đàm với những quan chức chính quyền, đã kêu gọi phải không ngừng có những tiến bộ về tự do tôn giáo. Những quan chức khác của Bộ Ngoại Giao cũng đã nêu vấn đề tự do tôn giáo trong những cuộc gặp gỡ với những giới chức trong chính quyền trong năm qua".

Những lý do chính thức được nhà cầm quyền CSVN nêu ra để làm ngược lại những điều quy định trong hiến pháp liên quan đến tự do tôn giáo là vấn đề "an ninh, ổn định" và "phá hoại tình đoàn kết dân tộc". Trong khuôn khổ này, họ biện hộ cho những hành động đàn áp bằng cách vu khống cho các tôn giáo là có hoạt động chính trị, có quan hệ với những "thế lực thù địch" nước ngoài; hoặc gây chia rẽ tôn giáo, gây hiềm khích, vv…

Điều đáng chú ý nữa được bản Phúc Trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ghi nhận là "những điều ghi trong Hiến Pháp về tự do tôn giáo đã không được diễn dịch một cách thống nhất ở khắp mọi nơi. Sự lừng khừng của chính quyền và cách làm việc thơ lại rùa bò đã hạn chế tự do tôn giáo của dân".

Khi người phát ngôn CSVN được chỉ thị đưa ra lời tuyên bố trên đây, nói rằng tự do tôn giáo có ghi trong Hiến Pháp, thì thế giới biết ngay nhà nước Trung Ương đang dọn chỗ để có thể đổ lỗi cho cán bộ địa phương làm sai. Nhưng thực chất, những hành động vi hiến, chà đạp tự do tôn giáo xuất phát từ bản chất CSVN và từ lãnh đạo trung ương. Các bài bản đối phó với tôn giáo đi từ Trung Ương xuống đến các địa phương trên cả nước theo 3 hệ thống cán bộ đặc trách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, và Mặt trận tổ quốc. Bản phúc trình còn ghi rõ thái độ: "Trong nhiều trường hợp, quan chức chính quyền địa phương đã nói với các vị lãnh đạo tôn giáo rằng luật pháp quốc gia KHÔNG áp dụng trong địa giới của họ".

Trong lời tuyên bố phản bác bản phúc trình, người phát ngôn Lương Thanh Nghị còn khẳng định là Hoa Kỳ đã "đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam". Vậy câu hỏi được đặt ra là đánh giá và thông tin về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam của các quan sát viên quốc tế đang hiện diện ở nước ta có sai lệch không? Câu trả lời gần nhất có thể tìm thấy trong chuyến kinh lý mục vụ giáo phận Kontum vừa qua của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam.

Đại Diện Tòa Thánh thăm viếng giáo phận Kontum

Trước khi nói về chuyến viếng thăm Việt Nam lần thứ 3 và cụ thể là tại giáo phận Kontum của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli kể từ ngày 13/01/2011 là ngày ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI chỉ định làm Đại Diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, thiết tưởng cũng nên tìm hiểu về chức vụ và vai trò của ngài.

Tòa Thánh Vatican đã thiết lập quan hệ cấp khâm sứ với Việt Nam từ đầu thế kỷ trước, chính xác là từ năm 1925. Tòa khâm sứ từ đó được đặt tại kinh đô Huế. Năm 1945 Huế không còn là kinh đô nữa nên tòa khâm sứ đã được chuyển ra Hà Nội năm 1950. Sau hiệp định Genève 1954, miền Bắc Việt Nam rơi vào tay Việt Minh và Đức Khâm Sứ cùng đoàn tùy tùng đã bị trục xuất ngày 15/9/1959. Cũng kể từ năm 1959 Tòa Thánh Rôma đã thiết lập tòa khâm sứ tại Sài Gòn. Sau ngày 30/4/1975, chính phủ lâm thời Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã yêu cầu Khâm Sứ đương thời là Đức Cha Henri Lemaitre rời khỏi Việt Nam và đoạn giao với Tòa Thánh Vatican. Ngày 19/12/1975 Đức Cha Lemaitre rời Sài Gòn. Kể từ đó, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bước vào thời kỳ đen tối nhất, bị bức hại, bị tước đoạt các cơ sở bác ái, tu hành, thờ phượng. Nhiều vị tu sĩ và giáo dân bị bắt đi giam cầm nhiều thập niên và nhiều người đã chết trong tù.

Vào cuối thập niên 80, chủ nghĩa cộng sản phá sản trên toàn thế giới. Một vài nước còn sót lại đã phải xoay chiều không còn dám lộng hành bất chấp quốc tế như trước đây nữa. Họ đã phải mở cửa, từ bỏ đấu tranh giai cấp, lạy lục các nước tư bản để mong được hội nhập nhằm sống còn. Giữa lúc nhân dân các nước cộng sản cũ đứng lên lật đổ độc tài đòi nhân quyền và tự do tôn giáo, CSVN cũng phải tìm cách lân la với Vatican tuy không phải là siêu cường kinh tế hay quân sự nhưng là siêu cường về tinh thần, tâm linh. Trong lúc đó, Vatican cũng có nỗ lực để cứu giúp đoàn chiên Việt Nam đã chịu bao nhiêu đắng cay trong hàng chục năm dưới chế độ độc tài thù hằn tôn giáo. Vì đôi bên cùng có nhu cầu mà Hà Nội đã vận động để được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến, và kết quả của những cuộc đàm phán là Hà Nội đã chấp thuận sự hiện diện của một vị Đại Diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam dù vị này chưa thường trú tại Việt Nam.

Vì giữa Vatican và Việt Nam hiện chưa thiết lập bang giao chính thức, nên Đức Tổng Giám Mục Ricelli chưa phải là Khâm Sứ hay Sứ Thần Tòa Thánh tại Việt Nam. Nhưng với tư cách vị Đại Diện Đức Giáo Hoàng, ngài có hai nhiệm vụ song song: Thứ nhất là đẩy mạnh những quan hệ giữa hai quốc gia (Việt Nam và Vatican); thứ nhì là duy trì những mối liên lạc giữa Tòa Thánh với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Về mặt tôn giáo thì rõ ràng Đức Cha Đại Diện là người thay mặt Đức Giáo Hoàng và được sự kính mến của toàn thể giáo hội Công Giáo Việt Nam, đặc biệt trong 3 ngày kinh lý mục vụ giáo phận Kontum vừa qua. Để được gặp mặt ngài nhiều đồng bào thượng ở sâu trong rừng đã phải lội suối, băng đèo hơn 40 cây số. Có người đi xe máy, có người đi xe kéo nông cụ… Dọc đường ngài đi qua, hàng ngàn giáo dân đứng hai bên chào đón, có những đoàn cồng chiêng của anh em thượng hợp tấu dưới trời mưa tầm tã… Chính Đức Đại diện cũng không kìm nổi sự xúc động trước lòng yêu mến, hiếu thảo và trung thành của con cái giáo phận Kontum đối với Đức Thánh Cha mà ngài là Đại Diện. Như vậy đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thì Đức Tổng giám Mục Leopoldo Ricelli quả thật đã là Sứ Thần Tòa Thánh.

Thái Độ của Nhà Nước Đối Với Cuộc Viếng Thăm

Trên mặt ngoại giao, chuyến viếng thăm của Đức Đại Diện Tòa Thánh được đánh dấu bằng 2 cuộc tiếp xúc.
Ngày thứ nhì sau khi tới Kontum, sáng ngày 10/9, Đức Cha Girelli đã tới thăm xã giao UBND tỉnh Kontum. Tháp tùng ngài có Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám Mục giáo phận Kontum và một số linh mục chức sắc. Tiếp đón phái đoàn ngay từ tiền sảnh Hội Trường trụ sở UBND là ông Phó Chủ Tịch UBND tỉnh Kontum và một số quan chức tỉnh. Buổi tiếp xúc tuy ngắn ngủi khoảng chừng 15 phút, nhưng đã diễn ra trong tinh thần tương kính, lịch thiệp. Ông Phó chủ tịch đã cáo lỗi vì ông Chủ tịch bận công tác xuất ngoại và đã tặng Đức Cha Đại Diện Tòa Thánh một bức tranh Nhà Rông cao nguyên.

Sau nhiều lần hò hẹn, chiều hôm 10/9/2011, lúc 17giờ30 Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh cùng phái đoàn đã tới chào UBND tỉnh Gia Lai. Theo bản tin của Nhóm Truyền Thông Giáo Phận Kontum thì "Trước khi đến chào thăm Chính quyền tỉnh Gia Lai, Cha Tôma Nguyễn Văn Thượng nhận được nhiều cuộc điện thoại từ mặt trận tỉnh mời đoàn lên kịp giờ hẹn (5 giờ 30 chiều). Đoàn xe đi vào cổng chính và dừng ngay tiền sảnh của UBND Tỉnh Gia Lai, đúng 5 giờ 28 phút. Cửa nhà khách Tỉnh im lìm không mở, phái đoàn quay nhìn chung quanh thì thấy có một căn phòng ở trên kia tầng lầu có một căn phòng cửa bật đèn và có mấy người đứng chờ sẵn trên đó. Phái đoàn đã đi lên tầng lầu đó…"

Phái đoàn Tòa Thánh đã được ông Đào Xuân Liên, phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cùng với khoảng 7 người khác tiếp kiến. Nội dung những lời phát biểu của ông Liên là một bài tuyên truyền về chính sách tôn giáo của CSVN và nhắn nhủ Đức TGM Đại Diện Tòa Thánh và Đức Cha Oanh phải dạy dỗ giáo dân sống "tốt đời đẹp đạo". Chắc hẳn Đức Cha Girelli trong 3 lần tới thăm Việt Nam cũng nắm được tình hình tôn giáo tại Việt Nam và những vụ vi phạm tự do tôn giáo không những đối với Công Giáo và còn đối với Phật Giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài, và các tôn giáo khác nữa. Vì vậy Đức TGM Leopoldo Girelli đã nêu thẳng với ông Đào Xuân Liên: "Tôi xin chúc cho chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai được bình an và kinh tế phát triển phồn thịnh hơn trong tương lai, đồng thời xin chính quyền cũng quan tâm tới quyền của người dân và quyền tự do tôn giáo của họ. Xin chân thành cám ơn cho những thiện cảm và sự tích cực để có cuộc gặp gỡ này".
Tại điểm này, ông Đào Xuân Liên và UBND Gia Lai biết Đức TGM Girelli đã nắm rõ tình hình tôn giáo tại Gia Lai và trên cả nước. Họ im bặt. Theo nhóm Truyền Thông Giáo Phận thì đây là cuộc tiếp khách quốc tế gượng gạo và bất lịch sự nhất của UBND tỉnh Gia Lai.

Sau khi rời UBND Gia Lai, phái đoàn đã đến Trung Tâm Truyền Giáo Pleichuet do các cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách để sinh hoạt, cầu nguyện với giáo dân Jarai. Đức TGM Girelli dự trù sẽ nghỉ qua đêm tại nhà dòng Pleichuet để sáng sớm hôm sau dâng lễ trước khi khởi hành đi Ban Mê Thuột. Cay cú vì câu nhắc nhở ban chiều của TGM Girelli, lãnh đạo tỉnh Gia Lai "ra lệnh miệng" không cho Đức TGM nghỉ lại đêm tại nhà dòng mà phải quay trở về Kontum. Phái đoàn đành cùng anh chị em giáo dân Jarai đốt lửa trại, ca vũ trong niềm vui hy vọng và trở về Kontum.

Những tưởng như vậy thì ngày hôm sau buổi lễ đại trào tại Pleichuet sẽ bị bãi bỏ. Nhưng sau khi ngủ chưa đầy 4 tiếng qua đêm tại Kontum, phái đoàn đã trở lại đúng 5 giờ 30 trước cổng nhà thờ Pleichuet. Theo các phóng viên Truyền Thông, ngày 11 tháng 9 năm 2011 thật là một ngày đáng nhớ đời với anh chị em Jrai; từ rất sớm (3 giờ sáng) anh chị em Jrai tại các buôn làng đã lũ lượt kéo về Trung Tâm Truyền Giáo Pleichuet, ước tính lên đến gần 20 ngàn người.

Trong ba ngày thăm viếng của Đức Đại Diện Tòa Thánh tại giáo phận Kontum, lãnh đạo chính quyền CSVN thì thế, còn bên dưới họ ra lệnh cho công an tạo đủ loại chướng ngại. Bất cứ ở đâu có tổ chức lễ nghi với sự hiện diện của Đức Đại Diện thì các nẻo đường dẫn tới địa điểm hành lễ đều có bố trí đủ loại công an ngăn đường, xét hỏi, xách nhiễu. Đồng bào giáo dân đã phải băng rừng lội suối tránh các chốt chặn. Và khi khối lượng giáo dân lên cao như ở Pleichuet đến gần hai vạn người thì mọi người nhận ra ngay những tên lén lút quay phim, chụp hình để bắt nguội.
Trong thánh lễ sáng Chúa Nhật 11/9/2011, Đức Cha Đại Diện Tòa Thánh đã trích dẫn thông điệp của Đức Giáo Hoàng trong ngày truyền giáo: "Đặc biệt, tôi muốn nói đến các Giáo Hội địa phương và các vị thừa sai đang làm chứng nhân và mở mang Nước Chúa trong hoàn cảnh bị bách hại, đang bị đàn áp nhiều cách: từ tình trạng bị kỳ thị về mặt xã hội cho đến ngục tù, tra tấn và sát hại. Ngày nay vẫn còn không ít nhà thừa sai bị giết vì ‘Danh Chúa’".

Thay lời kết

Nhìn thái độ đối xử này, người dân Tây Nguyên và người Việt nói chung không thể không lấy làm lạ. Rất lạ. Tiếp đón một đại diện ngoại giao từ nước khác đến thì các quan chức tại đây vô lễ và hùng hổ như thế. Nhưng đối với các toán công nhân Trung Quốc đang "làm việc" tại các tỉnh Tây Nguyên, dù ở cấp thấp nhất, thì từ các quan chức tỉnh đến các công an khu vực đều biểu lộ thái độ e dè, làm ngơ, né tránh, và thậm chí nể sợ.

Đó là "chính sách lớn" của Đảng?

.
.
.

No comments: