Tuesday, October 25, 2011

BÀI HỌC LIBYA (Đoàn Xuân Lộc)



Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC từ Global Policy Institute, London
Cập nhật: 10:34 GMT - thứ ba, 25 tháng 10, 2011

Chưa ai có thể đoán trước được tương lai của đất nước Libya thời hậu Gaddafi như thế nào. Nhưng dù muốn hay không, cái chết thê thảm của ông Muammar Gaddafi chắc chắn làm những ai quan tâm đến thời cuộc phải thừa nhận rằng các nhà độc tài dù mạnh đến đâu sớm hay muộn đều bị lật đổ. Không một chế độ độc tài nào muôn năm tồn tại.

Cách đây gần chín tháng, trước khi có các cuộc biểu tình chống lại ông Gaddafi, không ai có thể nghĩ rằng một ngày nào đó người dân Libya dám lên tiếng chỉ trích ông, nói chi đến chuyện lật đổ hay giết hại ông.

Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, trong suốt 42 năm cai trị ông Gaddafi dám làm tất cả để bắt bớ, tra tấn, bỏ tù và triệt tiêu bất cứ ai dám chỉ trích hay chống đối ông.

Sự hiện diện, quyền lực của ông bao trùm lên tất cả mọi ngõ ngách của Libya.

Với những ai dám thách thức ông và quyền lực của ông, ông coi họ như kiến, như chuột và sẵn sàng tàn sát không thương tiếc.

Chết thê thảm, nhục nhã

Tưởng rằng với sự cai trị sắt máu đó, người dân Libya sẽ mãi sợ hãi, khiếp nhược và không bao giờ dám lên tiếng thách thức ông.
Nhưng không, sau các cuộc nổi dậy lật đổ các chế độ độc tài tại Tunisia, Ai Cập và một số nước láng giềng khác, người dân Libya đã vượt qua sự sợ hãi xuống đường đấu tranh đòi tự do, dân chủ, đòi quyền sống cho mình.

Trước sức mạnh của người dân Libya, cùng với các cuộc không kích của liên quân Anh, Mỹ, Pháp được Liên Hiệp Quốc chấp thuận, ông Gaddafi phải rời thủ đô Tripoli, bỏ dinh thự, thành trì của mình, tìm về Sirte – thành phố quê hương của ông – lẫn trốn.

Và sau mấy tuần cầm cự, chống trả, dù là nơi ông sinh ra, Sirte vẫn không thể che chở cho ông. Một lần nữa ông lại phải tìm cách lẩn trốn và trên đường trốn thoát lần này đoàn xe của ông bị oanh tạc và chính ông đã bị thương.
Hết đường chạy trốn, để cứu mạng, ông Gaddafi – một người từng tự phong cho mình không chỉ là ‘vua của Libya’ mà còn là ‘vua của các vua ở châu Phi’ – buộc phải chui trốn trong một ống cống.
Và chính nơi đó, ông bị bắt.

Chắc chưa bao giờ trước đây, đặc biệt khi ông gọi những người nổi dậy chống đối ông là ‘lũ chuột’ và cương quyết tiêu diệt họ, ông nghĩ tới một ngày nào đó mình sẽ lủi trốn trong một ống và bị bắt như một con chuột như vậy.

Nhìn những hình ảnh ghi lại thân hình đầy máu của ông sau khi bị bắt – hay cảnh xác của ông nằm nhơ nhuốc, bẩn thỉu, trơ trọi không người thân tại một phòng chứa thịt gia súc cho dân chúng xem trong hai ngày qua – chắc chắn không ai ngờ rằng một người một thời ai cũng khiếp sợ, một thời đầy quyền uy như ông lại có một kết cục nhục nhã như thế.

Cái giá của độc tài

Chắc không phải ai cũng cảm thấy hứng thú hay đồng tình với cách ông bị lăng nhục, bị đối xử thô bạo và bị giết một cách thiếu nhân đạo – nếu không muốn nói là rất dã man, man rợ như vậy.
Nhưng phải chăng chính bản thân ông đã gây nên kết cục đó cho mình?
Phải chăng đó là cái giá cho sự kiêu ngạo, độc tài và tàn bạo mà ông đã gây ra cho người dân Libya trong 42 năm qua? Phải chăng đó là cái giá mà ông phải trả cho những vụ khủng bố, giết hại nhiều người khác tại nhiều nơi trên thế giới mà ông chủ mưu, dàn dựng?

Lybia là một nước giàu về tài nguyên (ước tính chiếm 1% trữ lượng dầu của thế giới) và dân số tương đối ít (khoảng hơn 6 triệu dân).
Nếu ông biết sử dụng những khoản tiền khổng lồ thu được từ việc bán dầu để lo cho dân, để phát triển những công trình, dịch vụ phúc lợi, chắc chắn người dân Libya có một sống sống khá hơn nhiều. Và nếu vậy, chắc chắn họ đã không căm ghét ông như vậy.

Nếu ông biết nghĩ tới họ, cho họ được hưởng những quyền căn bản như được nói, được hội họp, chắc chắn họ đã không khinh tởm ông đến thế.

Nếu ông không tàn ác, nếu không dùng ‘luật rừng’ để cai trị, chắc họ cũng không dùng ‘luật rừng’ để đối xử với ông như thế.

Nếu trong suốt hơn bốn thập niên qua – và đặc biệt trong những năm gần đây khi ông được cộng đồng quốc tế đón nhận trở lại sau nhiêu năm cô lập – ông tiến hành cải cách chính trị, và cho xây dựng một xã hội biết thượng tôn pháp luật, chắc chắn ông không phải hứng chịu cái chết thê thảm và ‘giang hồ’ như vậy.

Nếu cách đây bảy, tám tháng – khi biết thời vận của mình đã hết – ông tự rút lui, từ bỏ quyền lực, chắc chắn ông đã không phải chấp nhận cái chết đau đớn, nhục nhã như thế.

Không chỉ vậy, vợ con ông cũng không rơi vào cảnh tha phương và tang thương như bây giờ.

Nhưng, cũng giống trường hợp của Saddam Hussein, vì sự độc tài, vì sự ham mê quyền lực quá độ, ông đã không thể từ bỏ. Cũng vì thế, sau hơn bốn thập niên độc tài cai trị, cuối cùng ông chẳng giữ lại được gì cho mình, cho người thân của mình.

Bỏ quyền lực không dễ

Trường hợp của ông Gaddafi cũng là một ví dụ nữa cho thấy đối với những chế độ độc tài, từ bỏ quyền lực không phải là chuyện dễ dàng.
Vì đặc quyền, đặc lợi, vì ham quyền cố vị, vì những ham muốn điên cuồng, họ bất chấp tất cả, thậm chí dùng những thủ đoạn bẩn thỉu, hành động tàn ác để duy trì quyền lực của mình.
Họ chỉ từ bỏ quyền lực hay sự cai trị của họ chỉ chấm dứt nếu người dân nổi lên đẩy họ vào đường cùng hay truất phế, giết hại họ.

Trên thế giới vẫn còn không ít những chế độc độc tài, đảng trị, như ở Zimbabwe, Cuba, Syria, Bắc Triều Tiên, Miến Điện và một vài nơi khác. Họ sẵn sàng làm tất cả để giữ quyền lực của mình.

Hy vọng rằng, với kết cục bi thảm mà ông Muammar Gaddafi phải hứng chịu những, nhà độc độc tài biết rút ra bài học để tiến hành những cải cách khi còn có thể và tránh được những hậu quả không hay cho mình, cho người thân của mình cũng như chính người dân của mình.

Những gì diễn ra tại Lybia và một số nước khác tại châu Phi trong thời gian qua cũng cho thấy rằng ở đâu có áp bức thì ở đó có phản kháng. Bị dồn nén nhiều, chắc chắn sẽ có ngày bùng nổ. Tức nước sẽ vỡ bờ.

Cảnh người dân tại Libya xuống đường vui mừng, chào đón cái chết của ông Muammar Gaddafi cũng cho thấy ‘không có gì quý hơn tự do’.

Vì tự do, người dân Libya đã vượt lên trên nỗi sợ hãi, bất chấp tất cả để xuống đường, đấu tranh cho quyền lợi của mình. Họ vui mừng vì lần đầu tiên sau 42 năm, họ được tự do, đất nước họ được giải phóng.

Hòa hợp và hòa giải

Trong các bài phát biểu sau khi ông Gaddafi bị giết, các lãnh đạo Anh, Mỹ, Pháp và nhiều nước khác đã nhấn mạnh rằng đất nước Libya đã chuyển sang một trang sử mới.
Nhưng, sau hơn bốn thập niên sống dưới một chế độ độc tài, không có các cơ cấu dân sự căn bản, Libya và người dân nước này phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong việc hàn gắn những vết thương quá khứ, như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Ban Ki-moon, thừa nhận.

Hy vọng rằng, với những gì họ đã chịu suốt hơn 40 năm đó, người dân Libya biết quý trọng tự do, biết xây dựng một xã hội dân chủ, thượng tôn pháp luật, biết xóa bỏ hận thù.

Trong buổi lễ tuyên bố Libya được giải phóng tại thành phố Benghazi – cái nôi của cuộc nổi dậy chống ông Gaddafi – vào hôm Chủ nhật (23/10), ông Abdul Jali, lãnh đạo của NTC, đã kêu gọi người dân Libya xóa bỏ hận thù và tiến hành hòa hợp, hòa giải dân tộc, vì theo ông “điều này rất quan trọng cho thành công của cuộc cách mạng và tương lai của Libya”.

Đúng vậy, cuộc cách mạng ngày hôm nay của người dân Libya chỉ có ý nghĩa thực sự, chỉ mang lại thành công nếu lãnh đạo mới của Libya biết chủ trương xóa bỏ hận thù và quyết tâm xây dựng một xã hội thật sự dân chủ, công bằng, và tự do.
Lịch sử cho thấy, vì hận thù, có không ít trường hợp sau khi lên nắm quyền, người ta tiến hành đàn áp những người thuộc chế độ cũ.
Vì ham muốn quyền lực, vì những mưu đồ chính trị khác nhau, sau khi giải phóng đất nước, sau khi dẹp bỏ được một chế độ nô lệ, độc tài này người ta lại dựng nên một chế độ nô lệ, độc tài khác với một học thuyết và những luật lệ hà khắc khác nhau.
Do đó, có giải phóng nhưng người dân vẫn không được tự do và bất công đối xử, hận thù chia rẽ, độc tài cai trị vẫn cứ xảy ra.
Liệu chính quyền mới của Libya có thể rút ra được bài học và tránh đưa Libya vào vòng luân hồi khắc nghiệt đó?


Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm riêng của tác giả, đang là nhân viên nghiên cứu (Research Associate) tại Global Policy Institute, London.
.
.
.

No comments: