01-10-2011
Giữa bao nhiêu vụ bê bối đương thời, thì vụ bán độ trong bóng đá năm 2004 “chỉ là một cái gì rất nhỏ". Sau khi điều tra trên diện rộng, và có lẽ chỉ có một số nhỏ người có liên quan là có án cụ thể. Song tôi nghĩ cái số người không có án, số đó mới đáng sợ. Nghĩ tới họ ta hình dung ra cả một tình trạng lầm lỗi tràn lan với những biểu hiện muôn màu muôn vẻ.
Đã có những con người hư hỏng, cậy chút tài năng để buông thả, và thường xuyên đầu cơ lòng yêu mến của người hâm mộ. Đã có những cán bộ phụ trách làm ăn với xã hội đen để kiếm chác. Đã có những tập thể cùng nhất trí đưa tiền đi hối lộ. Đã có những thành tích có được do đi xin đi chạy. Đã có lối sống bài bạc trai gái rủ rê nhau làm bậy rồi phản bội nhau, ăn chặn tiền công của nhau. Đã có những cuộc chạy làng. Đã có lỳ lợm chối quanh ngoan cố cãi chày cãi bửa sau khi bị cơ quan điều tra phát hiện. Tóm lại, đã có những tội lỗi mà lâu nay chúng ta chỉ đọc trong sách vở, hoặc xem trong phim ảnh, nay trong thực tế còn bẩn hơn ghê hơn. Không gì xa lạ với chúng ta cả.
Đấy, cái chính làm cho người ta nghĩ ngợi nhân chuyện cá độ bóng đá là ở chỗ ấy: Nó không phải là một “hiện tượng cá biệt” như chữ ta hay dùng. Nó tiêu biểu cho một xu thế thấy ở nhiều ngành nhiều địa phương. Chẳng qua, những ngành những địa phương đó quan trọng, lôi ra thì xấu hổ chung nên người ta ỉm đi. Còn thể thao ư, thể thao có vẻ chẳng là gì cả, nên người ta cho “bới tung” ra như vậy. Dẫu sao, nó – cái hiện tượng tiêu cực chung –, cũng đã có dịp được bộc lộ, và ai cũng thấy đây không phải là chuyện riêng của một ngành thể thao.
Nhân đây tôi nhớ lại một mẩu chuyện cũ.
Nhà thơ Thợ Rèn có lần kể với tôi: Cụ Tuân (tức nhà văn Nguyễn Tuân) mang tiếng là hay thắc mắc chứ thật ra nhiều khi cũng ngây thơ lắm. Đâu mấy năm đầu hoà bình 1954, chính cụ đã có lần kêu tướng lên rằng nay là lúc ai cũng tốt cả, vậy thì các loại nhà tù như Hoả Lò cần giải tán đi chứ để làm gì nữa. Sau này nghĩ lại, chính Nguyễn Tuân cũng thấy buồn cười cho mình.
Nhắc lại chuyện ấy để thấy ngay ở những nhân vật xuất sắc của xã hội, trong sự suy nghĩ nhiều khi cũng có ảo tưởng. Mà cái ảo tưởng lớn nhất là lầm tưởng rằng chúng ta có một xã hội khác hẳn mọi xã hội khác. Xấu xa đê tiện hư hỏng tàn ác… không có đất sống. Có thể còn nghèo nhưng “đói mà sạch rách mà thơm“. Mọi người đều “trên mức tuyệt vời”. Ai cũng thành chủ nhân ông chân chính của đất nước. Ai cũng đáng yêu. Vâng kỳ lạ, ngớ ngẩn, ảo tưởng, bốc thế đấy! Có người còn ngờ vực chưa tin ư? Chỉ cần giở sách giáo khoa mà học sinh các cấp đang học. Chỉ cần giở các sáng tác văn thơ “kinh điển“ ra, những câu kiểu như “Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn“ (Chế Lan Viên) nhan nhản, nó là bằng chứng của một cách nghĩ đã thuộc về quá khứ.
“Răng không cô gái trên sông—Ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài- Thơm như hương luỵ hoa nhài — Sạch như nước suối ban mai cửa rừng…”
Đó là mấy câu trong bài Tiếng hát sông Hương của Tố Hữu mà nhiều thế hệ học sinh nửa thế kỷ nay phải học thuộc lòng, và nếu tôi không lầm thì ai cũng thấy đúng. Ngày mai sẽ hơn ngày nay, còn gì đúng hơn thế nữa? Nhưng nay nghĩ lại, nó không phải là ảo tưởng thì còn là một cái gì khác?
Ảo tưởng mãi mãi nẩy sinh là vì thế, nó thuộc về tất cả chúng ta, khi chúng ta chưa trưởng thành. Và nó khó vượt qua, là vì khi đã nẩy sinh rồi thì cứ làm người ta quyến luyến mãi.
Năm 2006 có vụ tự truyện Lê Vân yêu và sống bị nhiều người phản đối. Nhiều người không thể chấp nhận chuyện một người con gái — ở đây là một diễn viên nổi tiếng – mang kể tung những chuyện riêng trong gia đình mình cho mọi người cùng nghe. Một mặt người ta tỏ ý thạo đời: “ Ai chả biết!”. Mặt khác người ta vẫn cho là nhiều điều chẳng hay ho gì ấy nhất thiết không được đưa lên trang giấy, không được cho lớp trẻ đọc.
Qua việc này tôi nhận thấy thói quen sống trong ảo tưởng vốn đã trở nên thâm căn cố đế nơi nhiều người lại có thêm cách bộc lộ mới. Ảo tưởng rằng nếu ta nhắm mắt không muốn nhìn một hiện tượng xấu nào đó thì rồi tự khắc nó sẽ biến đi. Nhất là ảo tưởng là chúng ta muốn nhào nặn lớp trẻ thế nào cũng nên, muốn nói dối những công dân tương lai đó thế nào cũng được.
Trên nguyên tắc thì ai cũng biết phải dám nhìn thẳng vào sự thật. Nhưng trong thực tế thì đã bao lâu nay lối sợ khuyết điểm sợ sự thực kéo dài, dẫn tới che giấu cho nhau và nhiều khi cả đám đông hùa vào cùng bảo nhau che giấu. Người nọ sợ người kia biết. Cấp dưới sợ cấp trên biết. Người già sợ thanh niên biết. Người phụ trách sợ dân biết… Thoạt đầu là thành tâm, là có dụng ý tốt. Nhưng do đã kéo quá dài nên những động cơ tốt đẹp ấy không đủ để biện minh cho bao nhiêu tai hại tiếp nối.
.
.
.
No comments:
Post a Comment