(Nietzsche qua diễn giải của Deleuze)
Nguyễn Thị Từ Huy
24/05/2011
Gilles Deleuze phủ nhận việc người ta đã “nghi ngờ một cách sai lầm” về sự chính xác có tính hệ thống của triết học Nietzsche[1]. Ông phân tích các thuật ngữ của Nietzsche để chứng minh rằng chúng có nội hàm rất chính xác và chúng tạo thành một hệ thống. Đó là các thuật ngữ: sức mạnh, ý chí quyền lực, hoạt năng, phản ứng, khẳng định, phủ định, sự trở thành, sự quy hồi vĩnh cửu. Ở đây chúng tôi chỉ tập trung giới thiệu diễn giải của Deleuze xung quanh khái niệm “ý chí quyền lực”, một khái niệm căn bản của triết học Nietzsche, rất dễ bị hiểu lầm và trong thực tế đã bị hiểu lầm.
Để hiểu khái niệm ý chí quyền lực, Deleuze đã xuất phát từ quan niệm của Nietzsche về sức mạnh, về tính hoạt năng và phản ứng của sức mạnh[2]. Ông nhận thấy: “đối với Nietzsche, khái niệm sức mạnh là khái niệm về một sức mạnh có quan hệ với một sức mạnh khác: từ phương diện này, sức mạnh được gọi là ý chí. Ý chí (ý chí quyền lực) là yếu tố khu biệt các sức mạnh” (9)[3] Deleuze còn đi tới xác định một cách cụ thể hơn: “ý chí quyền lực vừa là một yếu tố di truyền của sức mạnh, vừa là nguyên tắc của sự tổng hợp các sức mạnh.” (71) Ý chí quyền lực, với tư cách là yếu tố khu biệt và di truyền, tức là yếu tố có tính phả hệ học, bổ sung vào sức mạnh. Yếu tố khu biệt, vì nó hình thành nên sự khác biệt về lượng giữa các sức mạnh có quan hệ với nhau. Yếu tố di truyền, vì nó làm nên chất của mỗi một sức mạnh trong quan hệ này. Chính sự khác biệt về lượng và sự khác biệt về chất tạo nên những đặc điểm mà Nietzsche gọi là hoạt năng, phản ứng, chế ngự hay bị chế ngự. “Tùy theo sự khác biệt về lượng của chúng mà các sức mạnh được gọi là chế ngự hay bị chế ngự. Tùy theo chất của chúng mà các sức mạnh được gọi là hoạt năng hay phản ứng.” (73). Điều quan trọng là ý chí quyền lực có cả ở trong các sức mạnh phản ứng và bị chế ngự, đồng thời cả ở trong các sức mạnh hoạt năng hay chế ngự. “Luôn luôn nhờ ý chí quyền lực mà một sức mạnh có thể thắng những sức mạnh khác, chế ngự chúng, hay điều khiển chúng” (70).
Khi xác định nguồn gốc của sức mạnh trong ý chí quyền lực, Deleuze chỉ ra rằng chính ý chí quyền lực diễn giải và mong muốn. Và ý chí quyền lực lại có chất riêng của nó, đó là tính khẳng định hay phủ định. Như vậy, tính hệ thống của triết học Nietzsche là ở chỗ: nếu hoạt năng và phản ứng là các chất của sức mạnh, thì khẳng định và phủ định là các chất của ý chí quyền lực. Và Deleuze còn đi tới khám phá lô-gic của tư tưởng Nietzsche: có một ái lực, một sự cộng tác giữa hoạt năng và khẳng định, giữa phản ứng và phủ định. Sự hợp tác hay ái lực giữa sức mạnh hoạt năng và khẳng định biểu hiện ở chỗ: sức mạnh hoạt năng tự khẳng định mình, tự khẳng định sự khác biệt của mình, lấy sự khác biệt làm đối tượng khẳng định, lấy sự khác biệt làm niềm vui. Còn ái lực giữa sức mạnh phản ứng và phủ định là ở chỗ: sức mạnh phản ứng bị tinh thần phủ định chi phối, nó phủ định sức mạnh hoạt năng, hạn chế sức mạnh hoạt năng. Sức mạnh phản ứng phủ định sự khác biệt, thù ghét sự khác biệt. “Chính vì lý do này mà chúng [các sức mạnh phản ứng] không hiểu bản thân chúng trong tư cách là sức mạnh, và thích quay lại chống chính mình hơn là tự hiểu mình đúng như vốn có và chấp nhận sự khác biệt.” (77) Deleuze bình luận như vậy.
Như vậy, diễn giải của Deleuze đã đặt các khái niệm của Nietzsche vào một hệ thống. Tuy nhiên hệ thống của Nietzsche, trong phát hiện của Deleuze, không dừng lại ở đó. Khẳng định và phủ định không chỉ có ái lực với hoạt năng và phản ứng, mà còn vượt quá phạm vi của hoạt năng và phản ứng để tham gia vào một phạm vi khác, cao hơn, đó là phạm vi của sự trở thành. Khẳng định là “hiện thân của sự trở thành có tính hoạt năng” (74), phủ định là “một sự trở thành có tính phản ứng” (74).
Sau đây chúng tôi tiến hành thao tác hệ thống hóa các luận điểm cơ bản của Deleuze để giúp độc giả thuận lợi hơn trong việc theo dõi một số phương diện (chưa đầy đủ) của khái niệm “ý chí quyền lực”, những phương diện mà chúng tôi muốn nhấn mạnh.
Ý chí quyền lực không phải là ý chí muốn quyền lực
Ý tưởng này được Deleuze nhắc đi nhắc lại nhiều lần: khái niệm “ý chí quyền lực” của Nietzsche không thể hiểu là: ý chí muốn có quyền lực. Đó là một cách hiểu sai [chúng tôi nhấn mạnh].
Deleuze xác quyết: “ý chí quyền lực không có nghĩa là ý chí muốn quyền lực” (118). Ông chỉ rõ rằng quyền lực không phải là đối tượng của ý chí, không phải là mục đích của ý chí: “Ý chí quyền lực có nghĩa là gì? Hoàn toàn không phải là cái ý chí muốn có quyền lực, không phải là nó muốn hay tìm kiếm quyền lực như một mục đích, và quyền lực cũng không phải là động cơ của nó.” (111)
Quyền lực trong “ý chí quyền lực” không phải là mục đích, không phải là động cơ của ý chí. Quyền lực không phải là đối tượng của ý chí.
Khi quyền lực trở thành đối tượng hướng tới của ý chí thì điều gì sẽ xảy ra? Thì lúc đó ý chí sẽ trở thành một ý chí nô lệ, ít nhất là nô lệ cho cái quyền lực ấy.
Đấy là lí do tại sao Nietzsche gắn sức mạnh phản ứng, gắn sự phủ định cho những kẻ nô lệ. Đương nhiên, cần hiểu nô lệ và ông chủ ở đây được Nietzsche sử dụng như những hình ảnh ẩn dụ, mang tính biểu trưng. Vì một người có thân phận nô lệ trong xã hội mà có tinh thần sáng tạo, sở hữu sức mạnh hoạt năng và ý chí quyền lực, thì người đó, theo quan điểm của Nietzsche, là một ông chủ. Đấy cũng là lí do khiến Nietzsche chống lại biện chứng pháp, vì ông xem biện chứng pháp là cách tư duy nô lệ (mặc dù những người đẻ ra biện chứng pháp không hề thuộc tầng lớp nô lệ). Nô lệ là những kẻ nói “không” với những gì khác mình. Qua phân tích của Deleuze, Nietzsche và Hegel khác nhau chính ở trên quan niệm về mối quan hệ giữa ông chủ và nô lệ: “dưới hình ảnh ông chủ do Hegel tạo ra luôn luôn lộ ra người nô lệ” (13) Theo Nietzsche, một ý chí “bắt thừa nhận quyền lực”, “thể hiện quyền lực”, thể hiện “sự hơn người”, đó là ý chí của người nô lệ. “Một quan niệm như vậy là quan niệm của người nô lệ, nó là hình ảnh mà kẻ phẫn hận tự tạo nên cho quyền lực” (13). Nếu một người ở địa vị ông chủ trong xã hội mà có cái ý chí thể hiện quyền lực này, muốn bắt người khác phải thừa nhận quyền lực của mình, thì cái mơ ước ấy của anh ta chỉ là mơ ước của một kẻ nô lệ, “mơ ước cao nhất là một nô lệ thành đạt”. (13) Như thế, cho dù có đi tới chỗ cưỡng bức được người khác phải thừa nhận quyền lực của mình, anh ta cùng lắm cũng chỉ là một nô lệ thành đạt. Và sự thành đạt không giúp anh ta thoát khỏi vị thế của kẻ nô lệ. Deleuze kết luận rằng diễn giải quyền lực như thế [bắt thừa nhận quyền lực, bắt thừa nhận sự vượt trội của mình, thể hiện sự hơn người] sẽ biến quyền lực thành đối tượng của sự biểu hiện, của sự kiểm nhận, và đó là “cách diễn giải tồi tệ nhất về quyền lực, cách diễn giải tầm thường nhất và hèn kém nhất” (113) Tại sao? Bởi vì tiêu chí của sự kiểm nhận là các giá trị hiện hành, các giá trị đã thiết lập, và trong trường hợp này ý chí quyền lực có mục tiêu là hướng tới các giá trị có sẵn, dùng để phân phối cho con người, như thế khác nào ý chí quyền lực trở thành nô lệ cho các giá trị đó, quyền lực trở thành một “tư tưởng nô lệ và bất lực”.
Ý chí quyền lực muốn khẳng định sự khác biệt
Nếu quyền lực không phải là đối tượng mà ý chí hướng tới thì nó là gì?
Điều mới mẻ mà Nietzsche đưa vào trong triết học về ý chí, đó là một quan niệm hoàn toàn khác về quyền lực. Toàn bộ tính cách mạng của tư tưởng Nietzsche là ở chỗ: quyền lực không còn là mục đích, mà nó trở thành chủ thể muốn: “quyền lực là những gì muốn ở trong ý chí” (118). Vậy nó muốn gì?
Để trả lời câu hỏi này, Deleuze tiếp tục truy nguyên nguồn gốc trong mối quan hệ giữa các sức mạnh, tức là quan hệ giữa hai loại sức mạnh hoạt năng và sức mạnh phản ứng.
Trong nhận thức của Nietzsche, các sức mạnh hoạt năng không xây dựng dựa trên nguyên lí phủ định. “Trong quan hệ với sức mạnh khác, sức mạnh làm tuân phục không phủ định sức mạnh kia, không phủ định cái không phải là nó, nó khẳng định sự khác biệt của chính mình và tận hưởng sự khác biệt này.” (11) Sức mạnh làm tuân phục không phủ định sức mạnh tuân phục. Mà như Deleuze đã chỉ ra, sức mạnh hoạt năng khẳng định chính mình trong tư cách là một sự khác biệt. Nó khẳng định bằng chính sự khác biệt của nó. Và khi mà sự khác biệt của nó được khẳng định, thì tất yếu nó tạo ra sự phủ định như là một hệ quả, hay là một sản phẩm[4]. Thế nên cần phải hiểu đúng Nietzsche ở những gì liên quan đến phủ định trong trường hợp này: phủ định không phải là sự chủ động từ chối, phủ nhận, bác bỏ hay thậm chí xóa bỏ những gì đối lập với mình, khác mình. Mà phủ định là hệ quả tất yếu khi một sự khác biệt được khẳng định. Bắt tuân phục không có nghĩa là bắt phải phục tùng. không có nghĩa là dùng sức mạnh buộc những gì khác mình phải tuân phục mình. Càng không có nghĩa là đàn áp, cưỡng bức. Trái lại, làm tuân phục thông qua sự khẳng định chính mình, khẳng định sự khác biệt của mình.
Sự khác biệt có ý nghĩa quan trọng đối với Nietzsche, nó là “đối tượng của khẳng định và hưởng thụ” (11) Khẳng định đồng nghĩa với khẳng định sự khác biệt. Hoàn toàn không phải khẳng định quyền lực. Nếu một sức mạnh có ảnh hưởng nào đó thì là nó có ảnh hưởng bằng chính sự khác biệt này. Từ đó Deleuze nhận diện câu hỏi thường trực của Nietzsche: “một ý chí muốn gì?” Và ông loại trừ ngay khả năng hiểu lầm do thói quen suy diễn thông thường mang lại, bằng cách nêu rõ: “Không nên hiểu câu hỏi này như là sự tìm kiếm một mục đích, một lý do hay một đối tượng cho ý chí này.” (11-12) Và ông xác định rõ ràng mục đích của ý chí: “Điều mà một ý chí muốn, đó là khẳng định sự khác biệt của nó.” (12)
Tuy nhiên cũng có khi yếu tố phủ định được hiểu theo nghĩa thông thường, tức là phủ nhận và loại bỏ những gì khác với mình. Đó là khi nào?
Đó là khi một sức mạnh đánh mất khả năng khẳng định sự khác biệt, đánh mất khả năng tác động, và nó quay ra phủ định những gì khác với nó, phủ định những gì không phải là nó. Nó trở thành sức mạnh phản ứng. Nó “bắt thừa nhận quyền lực của nó”, nó muốn thể hiện quyền lực và sự vượt trội của nó. Như vậy, khi một sức mạnh lấy sự phủ định làm bản chất và nguyên tắc tồn tại, thì nó là một sức mạnh suy yếu, kiệt quệ, nó trở thành nô lệ. Cái nguyên lí phủ định này là nguyên lí của kẻ yếu, của kẻ nô lệ. Nguyên lý của sức mạnh phản ứng.
Nếu đối chiếu với lý thuyết của Nietzsche, quả nhiên có thể thấy, trong đời sống có những người không sử dụng sức mạnh của mình để tự khẳng định mình như một giá trị. Trái lại, họ dùng năng lượng, thời gian, sức lực của họ để phủ định (hay phá hoại) hoạt động của người khác. Lấy một ví dụ thuộc về thời đại công nghệ thông tin: các hacker. Dù có đánh sập được các trang mạng của người khác, đánh cắp được thông tin hay hủy hoại được dữ liệu của các trang đó thì hành động ấy của hacker cũng không biểu hiện sức mạnh, mà trái lại nó cho thấy sự suy yếu của họ. Kể cả khi hành động của họ không phải vì mục đích cá nhân, mà nằm trong chương trình của một tổ chức, thì nó cũng bộc lộ sự suy yếu của tổ chức đó, sự suy yếu của toàn bộ tổ chức cũng như của từng cá nhân trong tổ chức. Và trong trường hợp này, mọi thứ còn tồi tệ hơn, khi mà một tổ chức lại phải sử dụng đến những phương thức phạm pháp, phi nghĩa và “hèn hạ” (ở đây chúng tôi dùng lại từ của Nietzsche) như vậy. “Hèn hạ” là điều khiến Nietzsche cảm thấy ghê tởm nhất ở con người. Đối với ông sự hèn hạ của tâm hồn còn tệ hại hơn cả sai lầm và sự ngu ngốc [xem tr.98]. Thế nên, một trong những nhiệm vụ của phê phán là phải phê phán sự hèn hạ. Hèn hạ, đấy là đặc tính của kẻ nô lệ.
Tóm lại, theo diễn giải của Deleuze, quyền lực là chủ thể muốn trong ý chí. Ý chí muốn khẳng định sự khác biệt của nó, hay nói cách khác, nó biến sự khác biệt của mình thành đối tượng khẳng định.
Ý chí hướng tới sự giải phóng và là sứ giả của niềm vui / Quyền lực dâng hiến ý nghĩa và giá trị
Ý chí, đối với Nietzsche, có hai nguyên tắc đó là: sáng tạo và niềm vui. Nếu như ý chí không muốn có quyền lực (quyền lực hiểu theo nghĩa “tầm thường nhất và hèn kém nhất”), thì bởi vì nó hướng tới sự giải phóng, hướng tới tự do: “Ý chí giải phóng: đó là học thuyết đích thực về ý chí và tự do, chính Zarathoustra dạy bạn như vậy”. (117) Thực chất, quyền lực ở đây là quyền lực giải phóng, đem đến tự do, để có thể sáng tạo các giá trị mới trong một niềm vui thuần khiết. “…ý chí quyền lực về cơ bản là yếu tố sáng tạo và dâng hiến: nó không khao khát quyền lực, nó không tìm kiếm quyền lực, nó không mong muốn, nhất là không mong muốn quyền lực. Nó dâng hiến: […] quyền lực ở trong ý chí như là “thứ đạo đức dâng hiến” ; bản thân ý chí quyền lực dâng hiến ý nghĩa và giá trị.”(119). Deleuze đã chỉ ra rằng người ta rất dễ hiểu sai Nietzsche. “Quyền lực” là từ mà Nietzsche sử dụng để chỉ sự dâng hiến ý nghĩa và giá trị.
Với toàn bộ tinh thần này Nietzsche đã nhìn thấy ở Dionysos tính cách khẳng định. Và cái được Dionysos khẳng định chính là cuộc sống. Dù có đau khổ, có bị bóp nghẹt bởi sức mạnh phủ định, cuộc sống vẫn xứng đáng để ta mong ước, vì chính bản thân nó. “Dionysos khẳng định tất cả những gì xuất hiện, ‘thậm chí cả nỗi đau khủng khiếp nhất’ […] Sự khẳng định đa tạp hay đa dạng, đó là bản chất của bi kịch” (22) Nietzsche, với nguyên lí về tính nghịch đảo của mình, đã làm đảo lộn quan niệm về bi kịch. Bi kịch không còn là nỗi đau, không còn là mâu thuẫn và phủ định, mà cùng với đại diện Dionysos, bản chất của nó là khẳng định, là niềm vui. Nỗi đau biến thành niềm vui. “Bi kịch được định nghĩa bởi niềm vui đa dạng, niềm vui số nhiều. […] Bi kịch biểu thị hình thức thẩm mỹ của niềm vui.” (22) Những người anh hùng của bi kịch có quyền được khinh khoái, vui vẻ, nhảy múa, vui chơi. Deleuze nhận thấy rằng Nietzsche chống lại quan niệm của Kitô giáo, cái quan niệm cho rằng cuộc sống là bất công, là đau khổ, là tội lỗi, vì thế mà nó cần được cứu chuộc, cần được bào chữa. Trước Kitô giáo, người Hy Lạp, với hình tượng Titan, cũng thần thánh hoá tồn tại bằng sự cứu chuộc tội lỗi, theo họ, tồn tại là khổng lồ vì nó tội lỗi: tội lỗi là tất yếu đối với những cá nhân khổng lồ. Nietzsche tìm thấy trong tư duy của người Xê-mit và tư duy Kitô giáo những phạm trù cơ bản dùng để diễn giải đời sống: phẫn hận (“đó là lỗi của mi”) và mặc cảm tội lỗi (“đó là lỗi của tôi”). Hai thứ này có một kết quả chung là trách nhiệm. Sống là phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình. Nietzsche đưa ra một quan niệm mới, một quan niệm vui tươi và giải phóng cho con người khỏi mặc cảm tội lỗi: đó là quan niệm về sự vô tội của đời sống. Đối với Nietzsche, những gì đang tồn tại và đang trở thành trên đời này đều vô tội. Đây là một quan niệm mang tính khẳng định đối với đời sống. Đời sống không có tội. Tồn tại không phải chịu trách nhiệm về một thứ tội lỗi vô hình nào đó đè lên nó, nó vứt bỏ gánh nặng để trở nên nhẹ nhõm và vận hành một cách tự do. “Đời sống không bị xem là tội lỗi, ý chí cũng không tự cảm thấy có tội vì đã tồn tại: đó là điều mà Nietzsche gọi là thông điệp vui. ‘Tôi gọi ý chí là người giải phóng và sứ giả của niềm vui’. Thông điệp vui là tư duy bi kịch” (46).
Chính với cách đặt vấn đề như vậy mà Nietzsche đã đảo ngược cách hình dung về bi kịch, lập nên một phương trình hoàn toàn khác với cách hiểu thông thường: cái bi = niềm vui sướng. Cái bi trở thành sự khẳng định cuộc sống, khẳng định sự tồn tại của cái đa dạng, khẳng định tính năng động của quá trình trở thành, khẳng định ý chí sáng tạo và quyền lực dâng hiến các giá trị.
N. T. T. H.
Bài đã đăng trên Tạp chí Tia Sáng, số 23, tháng 12/2010. Bản gửi cho BVN có chỉnh sửa.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
[1] Lý do của sự nghi ngờ này là ở chỗ Nietzsche đã không trình bày tư tưởng của mình một cách hệ thống, không triển khai các hình thức lập luận “bình thường” như triết học truyền thống, mà ông viết theo dạng mảnh, với những đoạn ngắn, những mẩu và những câu ngắn. Nhiều câu gần như là châm ngôn. Riêng tác phẩm Zarathoustra đã nói như thế có hình thức mang tính văn chương rất rõ.
[2] Xem chương “Hoạt năng và phản ứng” trong cuốn Nietzsche và triết học của Gilles Deleuze, Nguyễn Thị Từ Huy chuyển ngữ, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri Thức ấn hành năm 2010.
[3] Các con số đặt trong ngoặc đơn dùng để chỉ số trang của các trích dẫn được lấy từ cuốn Nietzsche và triết học.
[4] Lấy một ví dụ dễ hình dung: con gà, một khi đã phát triển hoàn chỉnh và khẳng định được sự tồn tại độc lập của nó, sự khác biệt của nó, thì một cách tự nhiên, nó phủ định quả trứng.
-----------------------------------
Nguyễn Thị Từ Huy - 23/05/2011
Nguyễn Thị Từ Huy - 22/05/2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment