Theo phapluattp.vn - 10 giờ trước
Chủ Nhật, 29/5/2011, 10:43 Sáng
Vùng đặc quyền, không nước nào được nhảy vào tranh chấp. Báo nước ngoài viết: Tàu Trung Quốc quấy nhiễu, thách thức tàu Việt Nam. Tàu Bình Minh 02 tiếp tục khảo sát dầu khí. Có thể kiện ra toà án quốc tế.
Sự kiện ba tàu hải giám của Trung Quốc táo tợn xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 80 hải lý và cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 đã vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài phân tích dưới góc độ pháp lý của Thạc sĩ Hoàng Việt - giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM xung quanh sự kiện này.
Sự kiện tàu Bình Minh 02 trong khi đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam bị ba tàu hải giám số 12, 17 và 84 của Trung Quốc uy hiếp, cản trở hoạt động, cắt cáp thăm dò đã cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Cụ thể là: Công ước Luật Biển năm 1982 Liên Hiệp Quốc (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông năm 2002 (DOC 2002).
Quyền đương nhiên của quốc gia ven biển
Điều 77 UNCLOS 1982 đã quy định cụ thể quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa. Theo đó, quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình. Các quyền nói trên có tính chất đặc quyền, nghĩa là các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thoả thuận rõ ràng của quốc gia đó.
Đặc biệt, các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào.
Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có quyền thực hiện các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa của mình. Đây là một quyền đương nhiên của quốc gia ven biển như Việt Nam được hưởng mà không thể có một quốc gia nào khác có quyền tranh chấp đối với quyền ấy. Đây là thềm lục địa của Việt Nam, chứ không phải là vùng biển tranh chấp với Trung Quốc (nơi diễn ra sự kiện cách bờ biển Việt Nam chưa tới 120 hải lý và cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 340 hải lý). Vậy mà tàu hải giám của Trung Quốc lại ngang nhiên vào gây sự và có hành vi cắt dây cáp của tàu Bình Minh 02 ngay trên thềm lục địa của Việt Nam, hành động đó là một hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, cộng đồng quốc tế cần phải phản đối quyết liệt hành vi vi phạm này.
Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh 02. Đường gạch đỏ đứt khúc là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế thuộc Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Trung Quốc đã chà đạp luật pháp quốc tế
Điều cần nhớ là khi cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên đã tham gia, phê chuẩn UNCLOS 1982, thì theo đúng luật quốc tế (theo cả Hiệp ước về điều ước quốc tế năm 1969 và UNCLOS 1982), tất cả các thành viên phải có nghĩa vụ thực hiện các quy định của UNCLOS 1982. Trong UNCLOS 1982 (Điều 279) cũng đã quy định các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa họ về việc giải thích hay áp dụng công ước bằng các phương pháp hoà bình theo đúng quy định tại Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Tại vùng thềm lục địa của mình, Việt Nam hoàn toàn có quyền thực hiện việc thăm dò, khai thác, không phải là vùng đang tranh chấp. Nhưng các hành động mà Trung Quốc sử dụng với tàu Bình Minh 02 đã vi phạm Điều 279 của UNCLOS 1982, Điều 33 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Hành vi này của tàu hải giám Trung Quốc cũng vi phạm tới DOC 2002 mà Trung Quốc cùng ASEAN ký kết năm 2002. Theo đó các bên phải tự kiềm chế, không tiến hành các biện pháp làm phức tạp tình hình, không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực, tôn trọng năm nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình giữa các quốc gia…
------------------------
Báo nước ngoài viết: Tàu Trung Quốc quấy nhiễu, thách thức tàu Việt Nam
Vụ tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ngày 26-5 đã gây chú ý đối với giới truyền thông quốc tế. Một số báo phương Tây ngày 27-5 (giờ địa phương) đã loan tải thông tin về sự kiện này.
Báo Upstream (Na Uy) có bài Tàu Trung Quốc quấy nhiễu tàu khảo sát của Việt Nam. Bài viết thuật lại sự kiện tàu Bình Minh 02 phát hiện ba tàu hải giám Trung Quốc trên radar vào rạng sáng 26-5 và khoảng 1 tiếng sau tàu hải giám Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02.
Bản tin có nội dung tương tự đã được hãng tin Reuters (Anh) loan tải. Bản tin mở đầu bằng đoạn: “Ba tàu hải giám Trung Quốc đã thách thức tàu khảo sát của Việt Nam ở biển Đông, phá hoại thiết bị và cảnh báo tàu Việt Nam xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối vụ việc trên cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Công hàm kêu gọi Trung Quốc phải chấm dứt ngay, không để lặp lại hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Báo Forbes (Mỹ) chạy tít Việt Nam tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền. Hãng tin nổi tiếng của Mỹ Bloomberg đăng tin với đầu đề: Việt Nam cáo buộc Trung Quốc làm hư hại tàu khảo sát của Việt Nam. Báo viết khẳng định ba tàu hải giám Trung Quốc đã cắt cáp khảo sát của tàu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) ở thềm lục địa 120 hải lý cách tỉnh Phú Yên. Hãng tin RNW (Hà Lan) đăng bài nhận định Việt Nam tố cáo Trung Quốc làm xấu thêm tranh chấp về biển Đông.
ĐÌNH PHONG
--------------------------
Tàu Bình Minh 02 tiếp tục khảo sát dầu khí
Chiều 28-5, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã điện báo cho lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng tuyến biển để hỗ trợ. Nội dung điện báo cho biết sau khi bị phía tàu hải giám của Trung Quốc cản trở ngày 26-5, tàu Bình Minh 02 hiện nay đã tiếp tục hoạt động khảo sát dầu khí trở lại.
Có thể kiện ra toà án quốc tế
Trước hành vi bị xâm phạm chủ quyền, các nước có thể sử dụng biện pháp kiện ra toà án quốc tế về Luật Biển hoặc có thể nhờ một toà án trọng tài quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trong thực tiễn quốc tế đã xảy ra vụ kiện giữa Guyana và Suriname - hai quốc gia Nam Mỹ bên bờ Đại Tây Dương. Từ năm 1999, Guyana đã cấp phép cho tập đoàn CGX của Canada tiến hành thăm dò địa chấn tại khu vực tranh chấp với Suriname. Đến tháng 6-2000, hai tàu hải giám của Suriname tiến đến gần tàu của CGX, yêu cầu chấm dứt hoạt động và buộc tàu này rời khỏi khu vực hoạt động đã được Guyana cấp phép.
Năm 2004, Guyana đã đưa vấn đề ra giải quyết theo các quy định của UNCLOS 1982 để giải quyết vùng biển chồng lấn với Suriname. Một toà án trọng tài quốc tế đã được thành lập để giải quyết vụ việc với sự chấp thuận của cả hai bên tranh chấp.
Khi yêu cầu toà trọng tài tiến hành phân định, Guyana đã cáo buộc Suriname trong sự kiện CGX đã sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Guyana và chống lại công dân cùng các thực thể khác hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Guyana. Guyana cũng yêu cầu toà ra phán quyết yêu cầu Suriname khắc phục những thiệt hại phát sinh đối với Guyana, trong đó có cả việc bồi thường.
Toà án trọng tài trong phán quyết ngày 17-9-2007 cho rằng trong sự kiện CGX, Suriname đã vi phạm nguyên tắc cấm đe doạ sử dụng vũ lực theo UNCLOS 1982, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế nói chung. Hơn nữa, toà cũng cho rằng việc vi phạm nguyên tắc cấm đe doạ sử dụng vũ lực cũng dẫn đến việc vi phạm nghĩa vụ không được cản trở việc đạt được thoả thuận phân định theo những quy định UNCLOS 1982.
HOÀNG VIỆT
.
.
.
No comments:
Post a Comment