Người Việt
Thursday, May 05, 2011 7:46:36 PM
Thursday, May 05, 2011 7:46:36 PM
Tổng Thống Obama ngày hôm nay Thứ Sáu, 6 tháng 5, sẽ đích thân đến Fort Campbell ở Kentucky để khen thưởng toán biệt kích đã hoàn thành chính xác nhiệm vụ hạ sát Osama bin Laden.
Ðây là các quân nhân thuộc đơn vị quen gọi là Ðoàn 6 Biệt Hải (Navy SEAL Team 6). Team 6 chỉ là tên quen gọi, tên chính thức của đơn vị này là US Naval Special Warfare Development Group bao gồm những thành phần ưu tú nhất của SEAL, “All-Star Team.”
SEAL, chữ viết tắt từ SEa-Air-Land, do khả năng hoạt động trên biển, trên không cũng như trên mặt đất của những biệt kích này. Tuy nhiên khác hơn tất cả những biệt kích khác, SEAL còn được huấn luyện bơi lặn và thi hành những công tác dưới mặt nước mà trước kia người ta quen gọi là “người nhái.”
Trong Thế Chiến II, các nhà quân sự đã nhận ra rằng trước khi mở các chiến dịch tấn công từ ngoài biển cần phải có những toán biệt kích tiền phong dọn bãi, phá hủy chướng ngại vật, bãi mìn để cho tàu đổ bộ cặp bãi và đưa quân đội lên bờ. Vào thời kỳ ấy những toán biệt kích này sử dụng xuồng nhỏ nếu không phải là bơi hay lặn từ ngoài khơi vào bờ và tầm hoạt động của họ không đi sâu vào trong đất liền.
Ðầu thập niên 1960, Tổng Thống John F. Kennedy, một cựu sĩ quan hải quân, nhận thức được nhu cầu chiến tranh ở Ðông Nam Á đòi hỏi chiến thuật du kích và phản du kích chiến, đã cho phát triển các đơn vị lực lượng đặc biệt của lục quân và SEAL của hải quân.
SEAL được triển khai đến Việt Nam từ khoảng năm 1962, trước hết ở quanh vùng Ðà Nẵng, hoạt động từng nhóm nhỏ đổ bộ bằng khinh tốc đĩnh, xuồng máy hay trực thăng nhảy toán. Tại đồng bằng sông Cửu Long, các toán SEAL làm nhiệm vụ tuần tiễu trên sông bằng giang tốc đĩnh (PBR) hoặc dùng swift boat đột kích vào các mật khu. Một nhiệm vụ quan trọng khác của SEAL là huấn luyện các toán biệt hải cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Toán tham gia cuộc đột kích giết Osama bin Laden có 79 biệt kích SEAL nhưng chỉ có khoảng hơn 20 đặt chân xuống đất trong khu nhà đã được xây dựng đặc biệt cho lãnh tụ al-Qaeda, số còn lại ở trên trực thăng với nhiệm vụ tiếp ứng nếu cần. Mặc dầu đã có trục trặc đáng kể là một trực thăng rớt khi đáp xuống, nhưng không người nào bị thương và cuộc tấn công vào trong nhà diễn ra như đã được thực tập kỹ lưỡng từng chi tiết.
Có nhiều diễn tiến trong cuộc tấn công đột kích này mà các cơ quan truyền thông và hãng tin Hoa Kỳ cũng như quốc tế không thể biết rõ đầy đủ, nhưng đây là thực tế bình thường trong những hoạt động của các toán biệt kích. Sứ mạng bí mật chứa đựng đầy nguy hiểm của họ không cho phép tiết lộ tất cả mọi chi tiết kỹ thuật và nguyên tắc đầu tiên của một biệt kích SEAL là đừng nói ra nhiều.
Cho đến nay SEAL là đơn vị chỉ có nam không có nữ. Ðể trở thành một biệt kích SEAL cần nhiều điều kiện thể chất cũng như tinh thần và phải trải qua một quá trình huấn luyện rất khó khăn. Thời gian đào tạo kéo dài gần 3 năm và trung bình không quá 20% vượt qua được tất cả những thử thách và đòi hỏi này. Do đó một biệt kích SEAL đầy đủ khả năng và kinh nghiệm thường ở lứa tuổi trên dưới 30 chứ không phải ngoài 20 như quân nhân các binh chủng khác.
Giống như những đơn vị và lực lượng đặc biệt khác của lục quân và không quân, nhân số chính xác cũng như hệ thống điều hành chỉ huy của SEAL đầy những bí mật và phức tạp. Ðại cương có vào khoảng 3,000 SEAL chia làm 14 đoàn bao gồm các đoàn hành động và yểm trợ. Tám đoàn hành động được chia thành hai nhóm, bốn đoàn thuộc nhóm 1 với bộ chỉ huy đặt căn cứ tại Coronado, San Diego và Hawaii, các đoàn này mang danh số lẻ 1, 3, 5, 7; bốn đoàn thuộc nhóm 2 với bộ chỉ huy đặt căn cứ ở Virginia Beach, Virginia mang danh số chẵn 2, 4, 8, 10. Hai nhóm đặt dưới quyền Bộ Tư Lệnh Chiến Tranh Ðặc Biệt của hải quân, đóng tại căn cứ Hải Không Quân Coronado, San Diego. Mỗi đoàn gồm khoảng 200-250 SEAL chia thành 6 trung đội và được hải quân triển khai từng nhiệm kỳ 6 tháng đến khắp mọi nơi trên thế giới theo nhu cầu.
SEAL đã được điều động vào nhiều chiến dịch nhất là từ chiến tranh Afghanistan và Iraq, hoạt động sâu trong đất liền chứ không chỉ chuyên ở vùng duyên hải hay sông ngòi.
Ðoàn 6, từ năm 1987 đã đổi tên là DEVGRU (Devlopment Group) là một đoàn SEAL đặc biệt đặt dưới quyền điều động trực tiếp của Bộ Tư Lệnh Hỗn Hợp Hành Quân Ðặc Biệt (Joint Special Operations Command) giống như Delta Force của Lực Lượng Ðặc Biệt Lục Quân. Ðây là những đơn vị rất bí mật và hoạt động không bao giờ được bộ Quốc Phòng hay tòa Bạch Ốc nói đến chi tiết, nhưng người ta hiểu rằng có sự phối hợp chặt chẽ với công tác của CIA.
Ðoàn SEAL 6, như vẫn quen gọi, được tổ chức và hoạt động rút kinh nghiệm từ thất bại trong việc giải cứu con tin Hoa Kỳ ở Iran năm 1980, có một quân số bí mật, dự đoán vào khoảng gần 300 và đóng tại căn cứ Hải Không Quân Oceana ở Virginia Beach. Nhiệm vụ của họ đa dạng từ thu thập tình báo cho đến giải thoát con tin hay đột kích như trường hợp hạ sát Osama bin Laden.
Ngoài thi hài bin Laden được đem lên trực thăng đưa về mẫu hạm Carl Vinson ngoài khơi biển Á Rập, các biệt kích còn tịch thu được hàng trăm tài liệu, hồ sơ, dụng cụ điện tử. Bộ Trưởng Tư Pháp Eric Holder cho biết duyệt xét sơ khởi những tài liệu ấy người ta tin là có thể truy lùng ra những lãnh tụ al-Qaeda khác và một điều chắc chắn là sẽ có thêm một số tên tuổi bị đưa vào danh sách tình nghi khủng bố. Ông từ chối không giải thích cụ thể nhưng cho biết danh sách khoảng 10,000 người bị cấm lên máy bay hiện nay có lẽ sẽ tăng lên.
Mặc dầu thành công hoàn toàn của cuộc đột kích vào Abbottabad, Pakistan; theo kinh nghiệm của những cựu biệt kích SEAL, mỗi sứ mạng đều mang đầy tính cách bấp bênh trong đó rủi ro hay may mắn có phần quyết định cho kết quả. Giám Ðốc CIA Leon Panetta nói: “Các biệt kích SEAL của chúng tôi thực hiện cuộc đột nhập chỉ có từ 60 đến 80 phần trăm tin tưởng là bin Laden ở đó. Và khi lên tới phòng ngủ trên lầu hai, họ chỉ có một phần giây đồng hồ để nhận ra là đúng mục tiêu để nổ súng trước khi đối tượng kịp nắm lấy khẩu súng để bên cạnh.”
Dave Shipley, một cựu biệt kích SEAL cho rằng: “Nếu không bị thương vong, chỉ có hai kết quả trong sứ mạng loại này - zero or hero” (người hùng hay tay trắng). (HC)
.
.
.
No comments:
Post a Comment