Wednesday, May 18, 2011

ĐỪNG THAN VÌ SAO HỌC SINH CHÁN THI KHỐI C? (Trần Kỳ Trung)


Trần Kỳ Trung
18/05/2011 15:03

Năm nay số lượng thí sinh thi khối C thấp kỷ lục. Nền văn học Việt Nam đã đến hồi báo động.
Nguyên nhân do đâu?

Nhiều người nêu nguyên nhân do phát triển công nghệ thông tin, do phổ cập hóa tiếng Anh, rồi hiện trạng giáo viên dạy văn lương thấp không hứng thú với nghề, không tuyên truyền đọc sách, nhuận bút thấp, số lượng bản sách in ít. các em học kém mới chọn thi ban C v.v...và v.v...

Theo tôi, đúng là có nguyên nhân trên, nhưng nguyên nhân chính của hiện tượng này là chúng ta đã “ chính trị” hóa nền văn học.

Nền văn học Việt Nam đa dạng, phong phú, nhiều áng văn thơ bất hủ. Nhưng chúng ta cho các em học thế nào?

Lúc nào cũng đề cao những tác phẩm văn học " lên án sự bóc lột dã man ,tàn độc của bọn đế quốc, thực dân", "Chủ nghĩa anh hùng cách mạng", “ chiến thắng quân xâm lược”... Phải chăng, văn học Việt nam chỉ thế thôi! Quay đi, quay lại vẫn mấy tác phẩm này, để thi đại học. Trong khi đó, chưa kể các tác phẩm văn học sáng tác trong nước, hiện thời, rất nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài, viết về đất nước, về tình yêu đồng loại, dân tộc rất hay, lên án chiến tranh... nhưng các em không biết, trong giảng dạy, ngoại khóa không đề cập.

Các em học sinh có quyền biết, quyền phát biểu ý kiến, lớn hơn các em có thể trình bày tác phẩm... Nhưng nếu như các em trình bày một ý kiến độc lập, một tác phẩm văn học khác với yêu cầu “ chính thống”, lẽ ra cần khuyến khích, thì ngược lại, nếu các em làm điều này sẽ điểm kém, truy chụp... Cứ như vậy, vô hình trung giáo viên đã làm thui chột tài năng văn học ngay trong trường phổ thông.

Phương pháp giảng dạy văn học, hướng dẫn giảng dạy văn học... gần như rập một khuôn, nếu là tác phẩm của mấy “ông lớn” thì ca ngợi, ngược lại, giáo viên giảng dạy văn học không đọc hay không dám bảo vệ những tác phẩm sáng tác hiện đại có xu hướng cách tân. Giảng dạy văn học ở trường phổ thông, nhiều người ví von như đang nói chuyện thời sự, các em ngồi nghe cho biết, không hứng thú. Vì thế, nhiều em ham thích văn học cũng thấy chán.

Trong các nhà văn, nhà thơ Việt Nam hiện nay, tôi biết, rất nhiều nhà văn, nhà thơ có những tác phẩm hay, viết về thân phận con người, nêu lên hạn chế của xã hội đương thời, cần mạnh dạn cải tạo. Nhiều tác phẩm chỉ căn nguyên gây nên những tội ác... nhưng rất tiếc, những tác phẩm có nội dung như vậy, hiện thời không thể xuất bản, đốt đuốc giữa ban ngày chẳng tìm ra một tác phẩm văn học có thể “ trụ” được với thời gian như tiểu thuyết “ Số đỏ” của nhà văn lớn Vũ Trọng Phụng. Không có những tác phẩm lớn, thì thử hỏi làm sao có nền văn học lớn! Và như thế, không trách vì sao trong văn học không tạo được một động lực cho các em ham văn học, ham sáng tác.

Thực tế xã hội hiện nay các em đang sống như thế nào? Chủ nghĩa thực dụng bao trùm. Những khái niệm trong sạch về đạo đức, lối sống, lý tưởng... tất cả chỉ là “ bánh vẽ” ,còn nhìn ở đâu cũng thấy những cảnh tiêu cực chướng tai, gai mắt, tương lai của các em gần như xã hội ít quan tâm. Chính những điều đó đập thẳng vào suy nghĩ, rất dễ gây cho các em sự phản kháng. Nếu nhẹ các em tìm đến chơi điện tử, đi phượt... còn nặng hơn, các em chơi thuốc lắc, đến nhà nghỉ... mong đốt thời gian nhanh nhất, không phải suy nghĩ nhiều nhất. Như vậy còn thời gian đâu để các em ham thú văn chương, đọc sách, viết sách... Một điều đòi hỏi, ngoài tài năng, còn có độ chín của suy nghĩ, của sự trưởng thành.

Đó là chưa kể rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà trí thức cũng chỉ muốn nói lên tiếng nói trung thực, điều tâm huyết muốn xã hội chúng ta đang sống phải tốt hơn, Đảng đang cầm quyền phải là Đảng có đường lối đúng, thật trong sạch, thật tài giỏi, được dân tin... nhưng cuối cùng, nhiều người viết những cuốn sách nói điều đó đã gặp “nạn”, thậm chí, không thể sáng tác. Có người mang cả sự hàm oan đến chết, họ chết trong nghèo khổ.

Những tấm gương văn học như thế, chắc chắn các em không muốn theo, hoặc muốn trở thành nhà văn.
Mới điểm qua những điều như vậy, để thấy rằng, các em học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông, chán thi khối C, đó là điều đương nhiên!
.
.

No comments: