23.05.2011
Bài viết của Bùi Văn Phú, “Từ Cù Huy Hà Vũ đến Ngô Bảo Châu: sự can đảm của trí thức”, có đưa ra một số nhận dịnh đúng đắn, nhưng cũng có những lập luận khá vụng về và mâu thuẫn. Riêng cái đầu bài là một cú ghép rất khiên cưỡng của hai mẫu người khác hẳn nhau vào cùng một định nghĩa về “sự can đảm của trí thức”.
Trước hết, xin trích những nhận định đúng đắn của ông Phú:
“Dưới chế độ độc tài đảng trị như ở Việt Nam hiện nay, hành động của Luật sư Vũ là can đảm và bản án dành cho ông một lần nữa cho thấy Hà Nội không chấp nhận có những chính kiến bất đồng.”
“Nhà nước dù muốn mời gọi trí thức đóng góp khả năng vào việc xây dựng quốc gia, nhưng tuyệt đối không chấp nhận trí thức bàn luận đến những vấn đề chính trị, không cho trí thức phát biểu chính kiến độc lập.”
Những nhận định trên thì hiển nhiên là đúng, và có rất nhiều người lâu nay đã nói như thế, vậy khỏi cần bàn thêm.
Tiếp theo, xin trích những lập luận khá vụng về của ông Phú:
Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận định: “Với những gì xảy ra gần đây, ông [tức Luật sư Cù Huy Hà Vũ] thể hiện mình như một con người không tầm thường.” Giáo sư đưa ra những giả thiết dẫn đến vụ xử trong đó có khả năng “ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ.”
Bài viết rất ngắn nhưng cũng đủ để nói lên nhận định quán triệt của ông về lãnh đạo Việt Nam đương thời. Điều ngạc nhiên là chỉ ít hôm sau Giáo sư Ngô Bảo Châu quyết định đóng blog với lí do: “Bây giờ là thời điểm để dừng lại và suy nghĩ.”
Ngô Bảo Châu đổ hết trách nhiệm trong vụ xử án phi công lý đó cho cá nhân “ông quan tòa”, xem ông quan tòa là kẻ “sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ”, là “cẩu thả”, là “muốn làm nhanh cho xong việc”, rồi ông Châu đề nghị “chuyển ông chánh án sang công tác khác, phù hợp hơn”. Thế thì ông Châu đã đem cá nhân ông quan tòa ra mà đập bờ đập bụi để tránh tiếng xấu giùm cho chế độ, chứ đâu phải là ông Châu đã “nhận định quán triệt” về “lãnh đạo Việt Nam đương thời” như ông Phú nói. Ông quan tòa đó là tay sai của chế độ chứ đâu có phải là “lãnh đạo Việt Nam đương thời”. Mà trong toàn bài viết của ông Châu cũng không hề có một chữ nào dám phê phán “lãnh đạo đương thời”. Không biết vì sao ông Phú lại kiếm ở đâu ra cái ý này rồi ghép vào để nâng tầm ông Châu lên thêm một chút làm gì vậy!
Giả như ông Châu đã cam đảm “nói lên nhận định quán triệt của ông về lãnh đạo Việt Nam đương thời” (như ông Phú tưởng tượng), thì ông Châu đâu phải vội vã đóng blog lại với lí do: “Bây giờ là thời điểm để dừng lại và suy nghĩ.” Đã nói “quán triệt” rồi mà sao lại còn phải hối hả “dừng lại và suy nghĩ”?
Ông Phú có lẽ mến mộ tài năng toán học của ông Châu nên cố phong cho ông Châu cái đức tính “can đảm” mà ông Châu không có chăng? Nhưng nếu quả vậy thì quá cảm tính.
Ông Châu nói “Bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”, thì ông Phú cho đó là “phát biểu đầy dũng khí của một trí thức”! Nói cái câu ví von chung chung đó ở trên blog riêng của mình thì có gì mà “dũng khí của trí thức”? Ngay cả bất kỳ ai ở Việt Nam công khai nói câu đó thì cũng chẳng có con ma công an nào đến bất giam cả.
Dám nói công khai ở một sự kiện quốc tế quan trọng như bài diễn từ của Bùi Chát thì mới đáng gọi là dũng khí của trí thức. Nói xong, Bùi Chát vẫn trở về nước dù chắc chắn đã biết trước là sẽ bị bắt. Khi bị bắt rồi thì Bùi Chát vẫn không hề đóng blog câm mồm. Vậy không phải là dũng khí của trí thức sao mà không thấy ông Phú có một chữ nào nhắc đến ông Bùi Chát!
Ông Phú còn tự mâu thuẫn hơn nữa khi viết:
Sự việc Giáo sư Ngô Bảo Châu đóng blog của ông có lẽ cũng nằm trong sự đe doạ của Hà Nội liên quan đến những phát biểu chính trị của ông về Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Vì uy tín quốc tế của giáo sư mà Hà Nội không thể sách nhiễu hay bắt giam ông.
Vừa tán dương ông Châu là “đầy dũng khí của một trí thức”, ông Phú lại nói ông Châu đóng blog vì “có lẽ cũng nằm trong sự đe doạ của Hà Nội”. Thế là thế nào?
Nếu “vì uy tín quốc tế của giáo sư mà Hà Nội không thể sách nhiễu hay bắt giam ông”, thì Hà Nội đã “đe dọa” cách nào mà ông Châu đang “đầy dũng khí trí thức” thì bất thình lình phải hoảng hồn đóng blog để “dừng lại và suy nghĩ” như vậy? “Dũng khí” kiểu gì mà chưa có ai đe dọa thì đã chạy biến?
Gần đây nhất, bài viết “Về sự ngộ nhận của Giáo sư Ngô Bảo Châu” của kẻ ký tên Quý Thanh nào đó trên tờ Công an Nhân Dân ngày 10-5-2011 cũng không có một chút gì đe dọa, cùng lắm chỉ là những lời trách móc ông Châu nhẹ nhàng. Vậy thì ông Phú lấy cái gì để suy ra là ông Châu bị đe dọa?
Như đã viết trong bài Tài “thôi xao” chữ nghĩa “đặc biệt” của ông Ngô Bảo Châu, tôi thấy bài viết của ông Châu chứng tỏ thái độ đi hàng hai, một đằng cũng muốn làm ra vẻ trí thức không làm ngơ trước vụ xử ép Cù Huy Hà Vũ, một đằng lại sợ làm mất lòng chế độ, nên viết kiểu lập lờ nước đôi. Rốt cuộc thì đằng nào cũng có chút ít lấn cấn. Thấy phản ứng có chiều bất lợi, ông Châu đóng blog để “dừng lại và suy nghĩ”! Vậy thôi. Chẳng có gì là “dũng khí” cả.
Vậy thì cái đề bài “Từ Cù Huy Hà Vũ đến Ngô Bảo Châu: sự can đảm của trí thức“ của ông Phú quả là khiên cưỡng. Một trí thức dám công khai phản đối chế độ và đang chịu nằm trong tù với bản án nặng nề như ông Vũ, mà ghép chung với một trí thức vừa đang hưởng đủ thứ bổng lộc của chế độ, lại vừa ấp úng, rụt rè như ông Châu, thì cái chữ “can đảm” mà ông Phú dùng ở đây quả là khó hiểu.
------------------
Bài liên quan:
22.05.2011
[NHÂN QUYỀN & NGỤC TÙ] ... Những nhận định tích cực của Giáo sư Ngô Bảo Châu về Luật sư Cù Huy Hà Vũ và tiêu cực về vụ án đưa đến việc tự đóng blog cho thấy nhà nước dù muốn mời gọi trí thức đóng góp khả năng vào việc xây dựng quốc gia, nhưng tuyệt đối không chấp nhận trí thức bàn luận đến những vấn đề chính trị, không cho trí thức phát biểu chính kiến độc lập... (...)
11.04.2011
[NHÂN QUYỀN & NGỤC TÙ] ... Tôi không thấy Ngô Bảo Châu “ngây thơ về mặt chính trị” chút xíu nào hết. Một người ngây thơ chính trị thì nghĩ sao nói vậy chớ không có cái khéo léo lòng vòng, lấp la lấp lửng như trong bài viết của ông Châu. Ông Châu đặc biệt có tài “thôi xao” chữ nghĩa. Ông dùng cái tài này phải nói là cực khéo trong bài viết... (...)
.
.
.
No comments:
Post a Comment