Saturday, May 7, 2011

ẨN TRONG MÂY & NÚI (Xuân Bình)

Xuân Bình

Chúng tôi đi quyên góp tiền giúp các trẻ em nghèo miền núi. 250 triệu cho 312 cháu ở 6 huyện thuộc Lào Cai và Điện Biên. Mỗi cháu được hỗ trợ 800.000 đồng. Số tiền không lớn nhưng với một số cháu đó là… tài sản. Vậy mà sao ở đâu tôi cũng chỉ nhìn thấy những ánh mắt rất buồn, rất xa, rất lạ? Vì sao?

Simacai- Cán Cấu- Bắc Hà- Tả Phìn- Sapa- Cát Cátmột cung đường cắt chéo Đông và Tây của Lào Cai. Đó là những địa danh được định vị ở độ cao trên dưới 1500m. Một hướng vận động khác ngược với hình thái của Fanxifang- dãy núi cao và hiểm trở bậc nhất đất nước. Nhịp nối đủ dài để vượt qua đôi bờ sông Hồng, sông Chảy.
Cũng là tọa độ, lát cắt khá tiêu biểu, thú vị cho không gian sống của người Hmong Hoa, Đỏ, Trắng, Xanh và Hmong Đen. Có thể ví đây là góc ban công hay bậc thang của Tây Bắc giúp cho những ai muốn có tầm vóc và cơ hội để nhìn thấu những tiếp biến, giao thoa cũng như quá trình xâm thực của các nền văn hóa. Một cơ sở dữ liệu, điểm tựa cần thiết để rò tìm, phân tích, dự báo những thay đổi về không gian sống cũng như thời vận, thế cuộc

Một lộ trình phai tàn

20 năm qua tôi không còn nhớ mình đã quay trở lại cung đường này bao nhiêu lần. Chỉ có vóc dáng sừng sững, trầm tư của núi; hình thái biến ảo, lãng mạn của mây; âm thanh tình tứ của nước và sự hào phóng, ngang tàng của gió là không đổi.
Đâu đó, thiên tai, lũ bùn, dông lốc có thể đã xóa sổ vài ngôi làng bé nhỏ. Nhưng nhân tai thì khủng khiếp hơn cả những cơn đại địa chấn. Xuân thu nhị k, cứ theo chính lộ, đường lớn mới mở, nhu cầu đồng hóa vô thức tựa như những đợt sóng thần hoặc xối xả, lôi cuốn, phá bỏ hoặc lì lợm biến đổi, biến dạng tất thảy những gì chúng bắt gặp.
Bao đời nay nguồn sống của người Hmong gắn bó thiết thân với rừng vậy mà có những lúc người ta đã cấm cửa rừng. Nguồn sống tại chỗ cạn kiệt, cái nghèo và sự mặc cảm đeo bám dai nhách. Cơ chế, hiện thực đó cho phép văn minh vật chất ở dưới xuôi tràn lên. Những khẩu hiệu bảo vệ rừng, cải tạo đất, đưa núi rừng tiến kịp miền xuôi cứ nghênh ngang, ngạo mạn vai trò dẫn đường, thống lĩnh.

Rừng núi với biết bao nguồn tài nguyên, nguồn sống dồi dào, trù phú bỗng chốc trở thành vùng rất sâu mới nhặt được vàng, rất xa mới kiếm được bạc và rất nhọc nhằn với miếng cơm, manh áo. Người bản địa rơi vào tình cảnh tá túc trên chính nơi chôn nhau, cắt rốn. Họ chỉ biết lặng nhìn cây rừng, thổ sản, tài nguyên bị chặt đốn, khai thác tận diệt vô tội vạ đ góp phần xây dựng miền xuôi.

Lễ hội Gầu Thào, Nào Lồng bớt đi phần kính ngưỡng thiên nhiên, đất trời nhưng rộng lối cho trình diễn, sắp đặt để mua vui cho khách lạ. Chợ Cán Cấu nhạt nhòa không gian văn hóa, tinh thần, cảm xúc và ngày càng trơ trụi thân phận một nơi mua bán, trao đổi vật phẩm, hàng hóa. Rượu ủ Bắc Hà đã bỏ qua quốc hồn, nhạt nhòa cái tinh túy của trời đất ban tặng cho con người. Chỉ có tửu lượng là còn cơ hội thắng thế, tiến thẳng, tiến vững chắc lên thành phép thử tình cảm, tiêu chuẩn định lượng năng lực và thước đo phẩm chất.

Kiến trúc kềnh càng, ngơ ngáo, ngớ ngẩn và ngu dốt của miền xuôi khống chiếm những vị trí đắc địa. Nhà mái gỗ samu, bưng sàn, vách pơmu với cầu thang may mắn, cột thiêng bị thế chỗ bởi nhà bê tông, mái tôn hoặc công trình nhiều tầng nhại phong cách của người Pháp. Dinh thự Hoàng A tưởng một thời đại diện cho sự giàu có, tráng lệ của núi rừng, của người Hmong nay ngơ ngác trong dáng vẻ của một đào già, kép ế, phấn son lòe loẹt. Cũn cỡn và hớ hênh những vạt bản sắc văn hóa hiện đại.

Những biệt thự ở Tả Phìn, đồi Violet hay kiến trúc đá tọa lạc bên suối Hoa, suối Thủy Tiên từng một thời kiêu hãnh cùng mây ngàn núi cao nay mốc xanh, mốc đỏ, đổ vỡ, hoang tàn. So với Đà lạt, Bà Nà, Bạch Mã, Tam Đảo, Mẫu Sơn ( những khu nghĩ dưỡng sang trọng mà người Pháp đã kiến lập từ đầu thế kỷ trước) tạm thời, Thị trấn Sapa vẫn còn là một điểm đến hấp dẫn nhất. Nhưng sức lôi cuốn của vùng đất này vẫn đang từng giờ bám víu vào những cái chưa thể mất. Những giá trị mới được tạo dựng thì quá mong manh và xộc xệch. Nhiều khoản đầu tư càng lớn thì càng xa lạ với nhu cầu thực tế và sức công phá văn hóa bản địa càng gia tăng.

8 năm qua, kể từ khi người Pháp kiên trì quay trở lại góp sức xây dựng Quy chế đô thị Sapa, quỹ kiến trúc đặc biệt quý hiếm này ngày càng suy đồi. Rất nhiều những quy định, chỉ định cụ thể về sử dụng đất, kích thước lô đất, vị trí vọng lâu, chỉ giới, ranh giới phân cách, mật độ xây dựng, chiều cao, màu sắc công trình, độ dốc của mái tiếp tục bất động trên những trang giấy cô hồn.

Quan sát hiện thực không gian sống trong hơn sáu chục năm qua, ngỡ tưởng nơi đây chưa từng có sự hiện diện đời sống các dân tộc, những cư dân chính đáng, xứng đáng với Tây Bắc như Hmong, Dao, Tày, Xa phó, Lô Lô, Pháp Chẳng thể định nghĩa cái gì đang hiện hình?

Cổ tích Gai Dầu?

Để tiếp cận và cảm nhận văn hóa Hmong theo một hướng khác biệt, tôi tự tìm kiếm, xác định một biểu tượng riêng.
Ban đầu tôi bị ám ảnh bởi những Giằng lì- tờ giấy bản ba màu trắng- đỏ-vàng, nơi tạm trú của các ma Saman trước khi chuyển tới bàn thờ. Người Hmong thường dán ở gần ban thờ hoặc cửa ra vào. Tôi cũng rất tò mò bởi bức tranh giấy lớn, màu tím có dán hình chim- ngựa- cá treo ở chính giữa ban thờ. Hình ảnh tượng trưng cho quan niệm của người Hmong về thế giới ma với ba tầng Trời- Đất và Nước (trong bản cát cát còn treo một bức). Tôi cũng cân nhắc về cột thiêng, cột ma, cột chính (Cù dề đăng). Cột nằm ở vì kèo bên trái, là nơi phân chia gian bếp với gian giữa. Cột được lựa chọn từ những cây gỗ thẳng, đẹp, không bị đóng đinh, tránh bị đánh roi, không được dây bẩn. Dưới chân cột thường chôn nhau thai của bé trai

Cuối cùng thì tôi lựa chọn một tác phẩm của tự nhiên nhưng gần gũi và thiết thân với người Hmong. Nếu ở Bắc bộ có cây tre, đất Mũi- Cà Mau có cây Mắm, cây Đước bám nhau lấn biển, nuôi dưỡng con người, hun đúc tinh thần đồng bằng châu thổ thì biểu tượng của đồng rừng, của người Hmong có lẽ phải là cây Gai Dầu.

Cây Gai dầu còn có tên gọi khác như Gai Mèo, Cần sa, Bồ đà. Lá hoa Gai dầu dùng để làm thuốc chữa đau dạ dày, bệnh về đường tiêu hóa cũng như chữa sởi cho trẻ em. Vỏ cây chữa bỏng. Hạt gai chữa đau đầu, tạo chế phẩm tương tự như đậu phụ làm thức ăn cho người và gia súc.

Nhưng có lẽ công dụng đáng kể nhất của gai dầu là nguồn nguyên liệu dệt vải. Với người chết, không có giày may bằng gai dầu thì không biết lối đi ở âm phủ. Không có quần áo, mũ bằng gai dầu thì tổ tiên từ chối không đón nhận nơi thiên đường. Với người sống, gai dầu là chất liệu chính tạo ra những tác phẩm thời trang có ấn tượng thị giác hấp dẫn lạ lùng, tín hiệu nhận diện ban đầu, dữ liệu phân biệt các nhóm người Hmong và người Hmong với các tộc người khác. Ở một tầng ngữ nghĩa nào đó, bộ váy áo của người Hmong giống như một ngôn ngữ đối thoại có sức truyền cảm và ám ảnh nhất với môi trường nhân sinh chung quanh.

Sách cũ của người Trung Quốc thời Hậu Hán (960- 1279) từng viết rằng: tổ tiên người Hmong đã đan bện vỏ cây, nhuộm với nước cỏ và hoa quả để vải có màu đẹp. Việc trồng cây gai, se sợi, dệt áo, may thêu, đính thêm những mẫu trang trí khác kéo dài ít nhất là hai năm.

Hàng trăm nếp gấp trên trang phục Hmong là tượng trưng cho bầu trời của các vị thần. Theo khảo cứu ở khu vực người Hmong sinh sống tại châu Á của Gu Wenfeng (Viện dân tộc học Vân Nam) và Robert. Clarke (Hội gai dầu Quốc tế, Hà Lan) thì có nhiều ý kiến cho rằng hình vẽ, họa tiết trên váy áo còn mô tả lịch sử, chiến tranh, bản đồ dẫn đường, địa phận, nơi tụ cư ban đầu của dòng họ (bên sông suối hay trên núi).

Cây gai dầu còn gợi cho tôi liên tưởng tới tên gọi Hmong hay Hmong. Nghĩa của từ này là những hạt giống. Hơn ba thế kỷ qua người Hmong vẫn lặng lẽ tìm kiếm cho mình những nơi hoang vu, hoang vắng nhất, khó khăn nhất ở Tây Bắc để gieo cấy, chăm tỉa, vun trồng cho những thế hệ mới, tầng môi sinh khác cùng những vỉa văn hóa đa dạng.

Ước sao các nhà quản lý, văn hóa, quy hoạch, kiến trúc. cũng như mỗi người Xuôi chúng ta đều biết tìm kiếm, đón nhận và làm gia tăng những giá trị Hmong giống như cách mà họ đã từng bày tỏ, ứng xử thân thiện với cây gai dầu, với thiên nhiên. Biết cách gieo trồng để tạo thêm màu xanh cho đất rừng; Lựa chọn đúng k thu hoạch vỏ để vải chắc bền, dễ dệt; Chậm rãi, cần mẫn se bện, dùng lá rừng để nhuộm màu, lấy mật ong để vẽ kiểu cho thổ cẩm; Khéo lựa mũi kim thêu luồn, thêu đột để dựng lên những ký hiệu, mật mã văn hóa…

Cũng như nhiều tộc người khác, người Hmong cần được tôn trọng bởi những giá trị khác biệt và bình đẳng trong ứng xử. Không cơn cớ nào cho phép chúng ta ghẻ lạnh với một tộc người từng có chừng ba nghìn năm thực hiện những hành trình dịch chuyển lớn từ miền Đông Sibirea qua Hoàng Hà, Dương Tử và nay tạm dừng chân ở những mom núi Tây Bắc. Như những cánh chim nhỏ bé, người Hmong dời bỏ hoang mạc phương Bắc giá lạnh, xa lánh những áp lực, ảnh hưởng dữ dội của nền văn hóa Hoa Hạ và tạm lưu trú lại trong mây và núi rừng phương Nam.

Chắc chắn người Hmong hơn hẳn chúng ta về cách làm đẹp núi rừng Tây Bắc. Có lẽ vì thế mà những ngày cuối xuân này, hoa mận vẫn trắng tinh khôi Simacai, hoa đào bừng nở núi đồi Cán Cấu, hoa cúc rực rỡ Phố Bản và mây lành vẫn lững thững vờn quanh những bản làng người Hmong ở Cat Cat, Tả Phìn…

.
.
.

No comments: