Thursday, May 19, 2011

TRẦN TRUNG ĐẠO, TIẾNG VỌNG TỪ BÊN KIA ĐẠI DƯƠNG (Đỗ Trường)



Nếu không có biến cố 30-4-1975, và không có những con thuyền lá tre kia, cố lao đi để tìm sự sống thật mong manh trong cái mênh mông của biển cả, giông tố của đất trời, thì chúng ta sẽ không có một nhà thơ đa tài Trần Trung Đạo hôm nay. Những cơn mưa nguồn, gió bể ấy là những nhát búa gõ vào hồn thơ anh, rồi như tiếng chuông ngân lên từ cõi lòng, vọng về bên kia bờ đại dương.

Tôi là người thích thơ, rất ham đọc thơ ngay từ thuở thiếu thời. Nhưng có lẽ làm rung động và ảnh hưởng đến tâm hồn tôi đậm nét nhất là thơ của Trần Mạnh Hảo, chứ không phải là những bài thơ được học trong sách vở, và những bài giảng của thầy cô giáo. Sau này ra nước ngoài, người đã làm ấm tâm hồn tôi nơi giá lạnh trời Âu này, lại là những vần thơ đượm nỗi buồn hoài cổ Trần Trung Đạo. Nếu nói thơ Trần Mạnh Hảo phảng phất, hay được toát ra từ những bài (triết) thánh ca, cao sang, hào sảng, giầu hình tượng thì thơ Trần Trung Đạo là những bản nhạc u hoài vọng lên từ những cây đa buồn vạn cổ, với những mái lá rêu phong, ngân nga tiếng chuông chùa thuở ấy.
Tôi không có ý so sánh, nhưng hai nhà thơ họ Trần này, có bài tâm bút viết về mẹ, Trần Mạnh Hảo với Đêm Giao Thừa Nhớ Mẹ, Trần Trung Đạo với Mẹ và Quê Hương, đọc đêm giao thừa, không riêng tôi, cả bạn bè đêm đó đều khóc.

Có thể nói những bài thơ hay nhất của Việt Nam từ xưa đến nay, đều được viết ra từ cảm xúc về mẹ, về quê hương. Trần Trung Đạo cũng không nằm ngoài qui luật đó, thơ anh có rất nhiều bài hay về đề tài này. Trần Trung Đạo mồ côi mẹ khi anh chưa đầy tháng, do vậy anh lớn lên không bằng những lời ru, và dòng sữa mẹ, đắng cay của cuộc đời đã nuôi anh khôn lớn. Vết nứt đầu đời ấy như nhát dao chém vào tâm hồn anh, một vết thương không bao giờ thành sẹo:

“Ngày mẹ chết con chưa tròn một tháng
Cha tần tảo nắng sớm với chiều mưa
Thiếu sữa mẹ đời con thành đại hạn
Thiếu lời ru con lớn với lọc lừa.
Ngày mẹ chết con nằm trong máng cỏ
Có hay đâu mưa kéo một phương trời
Cha vấn cho con một vành tang nhỏ
Con mang đi, đi suốt phận con người”
( Chuyện đời mẹ)

Cứ đến ngày Vu Lan, ngày của mẹ không nơi nào, không vang lên tiếng ngâm, lời hát bài Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười của Trần Trung Đạo, kể cả các tổ chức cộng đồng tị nạn chính trị, hay các cộng đồng người Việt khác. Cả bài thơ là lời tự sự nhớ thương mẹ quằn quại, như được nối hai đầu từ một cõi xa vọng về. Tình thương chỉ được vỡ òa khi chiếc Phone rung lên trong căn phòng tĩnh mịch, và tiếng mẹ buồn như tiếng lá thu rơi. Nhà thơ bảo đó là cảm giác thật, khi anh gọi điện cho mẹ nuôi Hòa Hưng. Nhưng tôi cho rằng, đằng sau cái thực, phải chăng trong sâu thẳm còn có cõi ảo nào đó. Cho nên mỗi lần đọc Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, tôi có những cảm giác khác nhau, lúc hay và ấm đến lạ kỳ, nhưng có lúc hay đến rợn người. Hay đến nỗi, tôi có ông bạn dứt khoát chỉ gọi tên nhà thơ là ông Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười:

“…Đừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ giấu trong thơ
Đau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.”

Trần Trung Đạo còn rất nhiều bài viết về mẹ, có bà mẹ đã cưu mang anh trong lúc cuộc sống gần như tuyệt vọng. Có những bà mẹ chỉ thoáng qua cuộc đời anh, nhưng tất cả đều hiện lên ăm ắp tình người, tình mẫu tử. Không dừng lại cái tôi nhỏ bé đó, thơ Trần Trung Đạo thể hiện đậm nét hơn, rộng lớn hơn khi viết về mẹ, mẹ Việt Nam.

Nỗi nhớ nhà, nhớ quê quằn quại thường trực trong anh dù có trải qua bao năm tháng sống trên xứ người. Bao nhiêu năm lưu lạc ấy, là bấy nhiêu năm nhà thơ sống trong dằn vặt, với nỗi đau không bao giờ vỡ mủ. Toàn bài là những câu hỏi tưởng như giả định, lời thơ trầm buồn nhưng làm cho người đọc ngẹn ngào đến rưng rưng:

Thưa mẹ
Chúng con là người Việt Nam lưu lạc
Ngày ra đi không hẹn buổi quay về
Chẳng phải là sương mù
Sao khóc lúc đêm khuya
Chẳng phải gió sao đời là giông bão
Chẳng phải mây sao miệt mài trôi nổi
Chẳng phải là rừng sao héo úa mỗi tàn canh…

Và mười tám năm dài, dù đã đủ lớn khôn, nhưng chúng con vẫn ngơ ngác trên xứ người, đau đáu một nỗi nhớ thương, tủi hận, nhìn về nơi xa ấy bão tố đang thét gào:

Chúng con đi gót chân mòn vạn dặm
Ngơ ngác nhìn nhân loại, tủi thân nhau.
Mười tám năm trời nuôi lớn một niềm đau
Mang một vết thương vẫn còn đang mưng mủ
Khi ngoảnh mặt trông về chốn cũ
Lòng chưa kịp buồn, nước mắt nhỏ trên tay. ..”
(Trích từ- Thưa mẹ chúng con đi)

Những câu hỏi tu từ được lặp lại, như những mũi khoan xoáy vào lòng người đọc- Có còn nhận ra tôi không? Có còn nhận ra tôi không? Nếu Mai Mốt Tôi Về, là một trong những bài thơ hay và điển hình nhất nói về nỗi đau, nỗi nhớ quê hương đến khôn cùng của Trần Trung Đạo:

Có còn nhận ra tôi không?
Hỡi thành phố cũ
Những mái ngói xanh rêu
Bức tường vôi loang lổ
Bài thơ xưa ghi dấu một phần đời..
..Có còn nhận ra tôi không?
Hỡi cây đa cũ trong sân
Nơi tôi đứng những chiều thu lá đổ
Đừng hát nữa đa ơi, bài ca buồn vạn cổ
Tấm thân gầy đau nhức nhối trong đêm…”.

Thân phận và nỗi đau của con người xuyên suốt thơ Trần Trung Đạo. Một em bé mất cha, mất mẹ trên đường vượt biên, hay thân phận một cô gái Việt Nam hành nghề giang hồ trên đường phố Bangkok, khi anh bắt gặp. Trong thơ anh hình ảnh họ hiện lên thật đáng thương, sự đồng cảm ấy đã quyện vào hồn thơ, làm lòng người rưng rức:

“Người con gái Việt Nam
Trên đại lộ Si Ayuthaya, Bangkok
Em đứng đó một mình ôm mặt khóc
Như chợt nhớ ra đây không phải Sài Gòn
Mái tóc thu buồn
Mái tóc héo hon
Bay phơ phất giữa phố phường xa lạ
Mười sáu tuổi kiếp giang hồ chung chạ
Trôi lang thang như những bọt bèo…

Anh bất lực như lời tự sự, sẻ chia, anh cảm thấy có lỗi như kẻ trốn chạy. Và anh cũng chỉ là một người anh nhu nhược, chỉ biết giấu lòng mình vào những vần thơ:

…Đêm nay anh viết nốt bài thơ
Dẫu biết chẳng thể nào tới tay em được
Thơ của anh
Tâm sự của một người anh nhu nhược
Giữa muôn vạn khổ đau chỉ biết đứng nhìn..”
(Người con gái VN trên đại lộ Si Ayuthaya)

Cũng như nhà văn Phạm Tín An Ninh khi viết với một cái tâm trong sáng, thì Trần Trung Đạo cũng vậy, anh viết từ tận đáy lòng trung thực, không bị chi phối bởi xung quanh. Cho nên thơ, văn của anh làm người đọc rất nhẹ nhàng, thanh thản, và không kén người đọc. Từ người lính VNCH, đến anh bộ đội, hay các cháu sinh viên đều tìm đọc.

Thật vậy khi viết về chiến tranh anh có cái nhìn công bình hơn. Hay thân phận con người trong cuộc chiến dưới ngòi bút của anh cũng đồng cảm, tình người hơn. Bị đẩy ra khỏi trường Luật, sau năm 1975, anh lang thang như kẻ không nhà. Vật vờ trên đường phố Sài Gòn, anh bắt gặp anh bộ đội thương binh cụt chân cũng vờ vật như anh. Anh chợt nhận ra rằng, trong cuộc chiến này mất mát đâu chỉ có riêng anh:

Anh cúi xuống nhìn đôi chân gỗ
Mắt rưng rưng không nói thêm lời
Ngoài hiên mưa bắt đầu rơi
Rơi thấm ướt lòng chúng tôi đêm ấy
Tôi cầm lấy tay anh
Đôi bàn tay lạnh giá
Mắt nhìn nhau như đã nói nghìn câu
Tôi thấy trong vô cùng hun hút đêm sâu
Chảy trong chúng tôi chung một dòng máu đỏ
Đời chúng tôi đời những đứa con hoang
Tim chúng tôi rung một nhịp Việt Nam
Hồn chúng tôi hồn bốn nghìn năm cũ…
(Anh bộ đội thương binh tôi gặp)

Tôi đồng ý với nhà phê bình Lương Trung Thư, khi anh cho rằng “Thơ Trần Trung Đạo, không có gì mới, nếu như không muốn nói là rất cũ”. Qủa thật như vậy, thơ Trần Trung Đạo không những cũ về thể loại, mà từ ngữ cũng không mới. Nhưng do cách sử dụng ngôn từ của anh rất tài tình, nên thơ anh rất gần, dễ hiểu, dễ thuộc và giầu nhạc tính. Cũng như nhà thơ Trần Mạnh Hảo, thơ của anh được nhiều nhạc sỹ phổ nhạc, và hát rất hay. Rất tiếc, dù các nhạc sỹ rất tài hoa nhưng dường như chưa chuyển tải hết hồn cốt của bài thơ vào nhạc, nên nó theo một chiều hướng khác.

Mấy năm gần đây, nhà thơ Trần Trung Đạo chuyển sang viết cả văn xuôi, tâm bút và tiểu luận. Là nhà thơ nên tâm bút của anh phảng phất chất thơ trong đó, giầu hình tượng, lay động lòng người. Tiểu luận của anh sắc mà không khô. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, ông nhà thơ này cả ngày đi làm ở hãng xưởng, không hiểu thời gian, sức lực đâu mà ông ấy cầy ra nhiều thứ thê.

Rất mong có ngày được trở lại với đề tài văn xuôi của anh.

Đức Quốc, 18- 5-2011
© Đỗ Trường
© Đàn Chim Việt
-----------------------------------


.
.
.

No comments: