Tuesday, May 10, 2011

TRẠI TỊ NẠN KOTABHARU, KELANTAN - MALAYSIA (Lê Đình An)

Lê Đình An
May 10th, 2011

Xin ghi lại những dòng chữ nầy để kỷ niệm những ngày ở trại tỵ nạn Kotabharu…
Kính gởi đến quí đồng hương đã từng ở tạm nơi nầy biết thêm tiểu sử trại tỵ nạn từ khi mới thành lập.
Trân trọng.

(… Chiếc ghe vượt biên mang số KG.0660 của chúng tôi có lẽ nhờ lái theo hải tiêu vào gần bờ nên đã tránh được tàu tuần duyên của Mã Lai đang tuần tiểu dọc theo hải phận. Vì chiếc ghe đã hư hại tróc chai không được sửa chữa (Chai là loại keo để trét những kẽ hở để khỏi bị nước rỉ vào ghe.) Khi tôi lái ghe ủi bãi lườn ghe vừa chạm lên cồn cát ngầm dưới nước nên bị vỡ ra từng mảnh và chìm xuống biển cách bờ vài mươi thước, tất cả 59 người đều nhảy xuống nước sâu đến ngang ngực, bà con bồng bế các trẻ con và lội vào bờ biển Mã Lai, ngày 8-4-78.)

Đặt chân lên bờ biển Kotabharu, Kelantan đất nước Malaysia.
Lúc đó vào khoảng 12 giờ đêm, chúng tôi cùng chia nhau tìm vào nhà dân làng để nhờ họ gọi điện thoại báo với đồn Cảnh Sát… Khoảng chừng 20 phút sau 2 chiếc xe Cảnh Sát chạy đến, tập họp chúng tôi lại rồi ra lệnh xua đuổi tất cả thuyền nhân phải trở lại ghe và rời khỏi đất Mã… Anh Hồ Văn Mãnh giỏi Anh ngữ nên đại diện cho thuyền nhân, anh cho Cảnh Sát biết là ghe vượt biên đã bị bể và chìm rồi… Cảnh Sát Mã không tin nên cho nhân viên cảnh sát xuống bãi biển để kiểm chứng… Một lát sau toán kiểm chứng trở lại xác nhận ghe đã bể và chìm rồi..
Tất cả thuyền nhân được Cảnh Sát Mã đưa về một nhà kho bỏ trống của viện Dưỡng Lão, nơi đây đã có 29 người của một chiếc ghe vượt biên đến trước một ngày.

Hình phải: Nhà kho của Viện Dưỡng Lão Kotabharu. 8-4-78. Hình ảnh ốm yếu của gia đình tôi, sau 3 năm bị tù đày, đói khát dưới chế độ cộng sản.

Sáng ngày hôm đó, chúng tôi ra tiệm bán tạp hóa bên kia đường nhà kho, qua con đường làng nhỏ. Anh Trung và anh Mãnh mời chúng tôi uống mỗi người một chai Coke… Sau 3 năm ở Việt Nam trong ngục tù Cộng Sản mọi thứ đều thiếu thốn… Bây giờ chúng tôi mới uống được một chai Coca Cola… Thật sung sướng vô cùng.!
Một buổi họp giữa các anh Mãnh, anh Trung, anh Châu và tôi. 3 anh là đại diện cho tổ chức vượt biên các anh cho tôi biết: Theo như cam kết giửa ban tổ chức vượt biên và anh Nguyễn Văn D., tài công đã lấy trước một số vàng rồi khi nào ghe vượt biên do anh tài công đưa người đến bến bờ Mã Lai thì các anh sẽ đưa thêm cho tài công 10 lượng vàng. Nhưng trong chuyến đi nầy là do anh An lái vậy chúng tôi đưa số vàng nầy cho anh An?. Tôi khoát tay và nói: Vì chúng ta đi chung thuyền thì phải tự cứu mình và cứu người… Các anh cứ theo cam kết của ban tổ chức mà đưa vàng cho anh tài công D. đi, tôi không có dính líu đến việc cam kết đó. Các anh nói: Vậy thì anh nên giữ chút ít để xài trong lúc khó khăn nầy. Tôi từ chối và bước ra ngoài, các anh nhìn theo tôi ái ngại vì các anh biết gia đình tôi không có một xu dính túi..
Riêng tôi thầm nghĩ gia đình tôi đã được ơn Thượng Đế thiêng liêng cứu giúp thoát khỏi họa Cộng Sản, thì đối với những vàng bạc đó có nghĩa lý gì đâu.!

LHQ quyết định thành lập trại tỵ nạn Kotabharu.
Vài hôm sau Cảnh Sát Trưởng Đại Úy Fredly vào gặp chúng tôi. Ông cho biết Cao Ủy Liên Hiệp Quốc quyết định cho thành lập trại tỵ nạn tại đây và sẽ xây cất thêm 10 dãy trại. Ông Fredly yêu cầu chúng tôi tổ chức ban điều hành trại vì sẽ có nhiều thuyền nhân tới tạm trú nơi đây. Trước đây thuyền nhân trôi dạt vào nơi đây đều được đưa đến trại tỵ nạn Terengganu rồi chuyển ra đảo Pulau Bidong.
Chúng tôi họp nhau lại cùng bàn thảo vì biết trại tỵ nạn sẽ càng ngày càng đông thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không có tổ chức an ninh trật tự vững mạnh ngay bây giờ thì sẽ bị thành phần bất hảo lộng hành và bọn VC lẫn lộn trong trại sách động gây rối v.v. nên cùng nhau họp bàn sắp xếp các chức vụ ban điều hành với sự đồng ý của tất cả bà con trong trại như sau:
• Hồ Văn Mãnh – Trưởng Trại – Đối ngoại và điều hành tổng quát
• Lê Đình An – Phó Trại – Đối nội, tổ chức An ninh trật tự.
• Nguyễn Văn Kiệt – Thư ký – Kế toán và kiểm soát, thực phẩm .
• Trần Văn Trung – Xã Hội – Điều hành công tác xây cất nhà bếp, vệ sinh v.v…
• Nguyễn Ngọc Châu – An Sinh . phân phát phẩm vật cứu trợ
Anh Mãnh trước ngày 30-4-75 là Tiếp đãi viên Hàng Không Việt Nam giỏi Anh ngữ. Anh làm Trưởng trại có trách nhiệm tổng quát và liên lạc với Cảnh Sát Mã Lai.
Tôi trách nhiệm Phó trại lo về trật tự và an ninh, soạn thảo Nội Quy, Điều Lệ và các văn bản hoặc các thông báo của trại, sau đó ban điều hành nghiên cứu và bàn thảo rồi đem ra thông báo trong buổi họp toàn trại.
Tôi tổ chức và huấn luyện tất cã thanh niên khoảng gần 100 người, phân chia đội ngũ làm an ninh trật tự có nhiệm vụ giữ trật tự và theo dỏi những hành động trộm cướp hoặc mua bán đồ cứu trợ vi phạm nội quy gây xáo trộn trong trại và nguy hiểm nhất là những tên Việt cộng nằm vùng trong trại có thể xách động làm mất lòng dân địa phương có thể đưa đến việc dân địa phương biểu tình chống đối dân tỵ nạn.v.v.

Vẫn không tránh khỏi va chạm xảy ra với dân địa phương.
Bắt tay vào việc, anh Trung điều động một số đàn ông thanh niên lo đi tìm vật liệu để cất thêm nhà bếp, nhà vệ sinh và đào giếng nước … Trong lúc đào giếng riêng cho trại chưa xong thì lại xảy ra việc đụng chạm với nhân viên của viện Dưỡng Lão.
Nguyên do là người trong trại đang xài nhờ giếng nước bên viện Dưỡng Lão nhưng vì đông người quá nên làm ồn ào gây xích mích với nhân viên Mã Lai của viện.
Ban điều hành họp khẩn để bàn thảo. Sau đó ban điều hành đại diện qua Viện Dưỡng Lão để dàn xếp với ban giám đốc nên cũng tạm yên.
Nhận thấy có sự chống đối của dân địa phương với người tỵ nạn như tôi đã dự liệu, sau khi suy tính kế hoạch để đối phó tình trạng nầy, tôi đem ra bàn thảo với ban điều hành trại đi đến quyết định:
Tổ chức huấn luyện võ thuật Thái Cực Đạo (Tae Kwon Do) do tôi đảm trách. Mục đích là “dương oai” để cho dân địa phương nể mặt, đồng thời thu hút sự ham mê võ thuật để lấy lòng của lớp tuổi thanh thiếu niên Mã Lai và dân làng tại đây.v.v.

Hình trái: Đội bóng chuyền.
http://nguoivietboston.com/wp-content/uploads/2011/05/image0051-300x171.jpg

Bắt đầu mổi ngày đúng 8 giờ sáng. Tất cả võ sinh gần 100 người tập họp tại sân trại tập luyện. Tiếng la hét trong lúc tập võ làm náo động các trẻ em thanh niên và dân làng đến xem ngoài vòng rào trại, họ xem chúng tôi tập võ tỏ vẻ rất ngưỡng mộ.
Vài hôm sau, một nhân viên của viện Dưỡng Lão qua tìm Ban Điều Hành chúng tôi và tặng cho một con Kỳ Đà anh vừa bắt được trên ngọn cây dừa, anh ta thân thiện nói với chúng tôi là anh rất thích về võ thuật v.v. Hôm đó chúng tôi được một bữa Cà-ry nấu thịt con Kỳ Đà thật ngon… Và cũng từ đó xem như chúng tôi đã có kết quả là thâu phục được phần nào thiện cảm của người dân làng… Ban điều hành chúng tôi rất vui mừng vì đã tạm yên ổn…

Sẵn dịp tôi xin kể lại cách hái dừa của người Mã Lai.
Họ không leo lên cây dừa để hái trái như Việt Nam mà lại dùng con khỉ có cột sợi dây ngang eo bụng leo lên cây dừa, con khỉ theo sự huấn luyện của chủ, người chủ giựt dây bên trái hoặc bên phải mà di chuyển theo ý muốn của chủ và hái những quày dừa nào mà chủ nó muốn, khi đúng quày dừa cần hái, con khỉ hai chân sau đeo vào tào dừa và hai bàn tay nó ôm lấy trái dừa mà quay tròn thật nhanh cho đến khi trái dừa đứt cuống rớt xuống đất trung bình 1 quày dừa khoảng 15 trái thì khỉ hái chỉ trong vòng 8 đến 10 phút mà thôi.
Vì tạm trú tại nhà kho nhỏ mà số người tỵ nạn cập bờ ngày càng đông nên các gia đình anh Mãnh, anh Trung và anh Châu đều cất lều vải riêng cho gia đình ở với tiền riêng của mình. Các anh rủ gia đình tôi cùng ra ở ngoài lều riêng nhưng tôi từ chối vì “Chính kỷ dĩ cách vật” tự nghĩ mình có trách nhiệm trong ban điều hành nên muốn cộng khổ với tất cả mọi người thì mới dễ điều hành. (Gia đình tôi vẫn ở trong nhà kho cũ cho đến khi được đi định cư).
Trong thời gian mới thành lập trại, ngoài phần cứu trợ của Cao Ủy LHQ. chúng tôi còn được thêm sự trợ giúp thực phẩm, quần áo cũ và thuốc men v.v… bởi các hội đoàn cứu trợ tại địa phương, chúng tôi tiếp đón với những màn văn nghệ “bỏ túi” để chào mừng các phái đoàn thiện nguyện.
Khoảng 2 tháng sau, 10 dãy trại đã được xây xong. Một buổi đón tiếp phái đoàn ông Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đến viếng thăm. Sau khi được được Cảnh Sát Mã báo tin, ban điều hành trại họp lại để lo tổ chức, tôi trách nhiệm sắp xếp an ninh với một số thanh niên trong trại. Bà con cùng họp sức trang hoàng hội trường, mua vải để may quốc kỳ VNCH và mua lá quốc kỳ Mã Lai để treo, còn chung quanh 10 dãy trại được dọn dẹp thật sạch sẽ.

Buổi lễ khánh thành 10 dãy trại mới xây cất xong và lễ chào cờ đầu tiên nơi trại tỵ nạn Kotabharu thật xúc động.
Sáng sớm hôm đó tất cả đồng hương đều thức dậy, mọi người đều lo làm công việc đã được phân công rồi tập họp trong hội trường, lúc đó có khoảng 300 người chờ đón phái đoàn.
Đúng 9 giờ sáng, phái đoàn Cao Ủy LHQ được đoàn xe cảnh sát Mã hộ tống đến trại, BĐH chúng tôi cùng với 8 thanh niên ra đón tiếp phái đoàn và đưa đi vòng quanh các trại rồi đưa vào hội trường, tất cả theo hướng dẫn của tôi đứng lên chào đón phái đoàn với tiếng vổ tay chào mừng, ông Cao Ủy và phái đoàn cũng vẫy tay chào…
Tiếp đó phó trại hô nghiêm :… Lễ chào quốc kỳ. Nầy công dân ơi… Đứng lên đáp lời sông núi….
….Tiếng ca của mấy trăm người tỵ nạn vang lên như vượt cả không gian… dư âm như bay theo mây gió bạt ngàn… như đưa chúng tôi về vùng trời quê hương xa thẳm… tiếng ca như ngấm sâu vào tận đáy lòng người mất nước phải ly hương tìm tự do… Cả hội trường chúng tôi đều xúc động, nức nỡ… ngẹn ngào…
Đã trên 3 năm qua trên đất nước miền Nam bị bọn Cộng Sản cưỡng chiếm, lần đầu tiên chúng tôi được hát quốc ca mà đã tưởng chừng như không bao giờ còn được nghe thấy lại nữa..

Lễ chào Quốc Kỳ tại trại Tỵ nạn…

Nhưng việc chào cờ bất ngờ nầy ngoài dự tính của Cảnh Sát Trưởng Đại Úy Fredly và phái đoàn Cao Ủy, tất cả cũng đành phải đứng nghiêm, trong lúc đó ông Fredly kề tai nói nhỏ với anh Mãnh trưởng trại: Trời ơi! Tụi bây đã nhập cảnh bất hợp pháp mà lại bắt tụi tao chào cờ tụi bây nữa? Anh Mãnh lúng túng cười vả lả: Xin lỗi ông… vì chúng tôi không biết…!
Sau đó ông Cao Ủy LHQ ngỏ lời chào và chúc mừng mọi người đã đến được bến bờ Tự Do, sau khi trả lời những thắc mắc với người tỵ nạn và hứa sẽ cố gắng giúp cho người tỵ nạn sớm được định cư ở nước thứ 3…
Qua ngày sau, Cảnh Sát Trưởng Fredly vào trại họp với BĐH chúng tôi và ông ngỏ lời khen ngợi phần an ninh trật tự đã tổ chức thật chặt chẽ trong buổi lễ, ông báo cho chúng tôi tin vui, ông cho biết Ban cảnh sát của ông cũng rất hài lòng BĐH đã tổ chức an ninh trật tự và suốt mấy tháng qua không bị xáo trộn, và giữ được hòa khí với dân làng nên Ban cảnh sát của ông đồng ý cho mở cửa trại tỵ nạn cho chúng tôi được tự do ra trại đi ra thị trấn Kotabharu cách trại khoảng 3 cây số đi và về bằng xe Lam 3 bánh hoặc Taxi để ăn uống hoặc mua sắm từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối mới đóng cửa trại…
BĐH họp trại thông báo tin vui và cũng nhắc nhỡ bà con cố gắng giữ gìn trật tự để được sự tự do đi lại nầy.
Tôi và vợ con cũng đi ra thành phố và tìm vào tiệm kim hoàn bán chiếc nhẩn cưới của chúng tôi để chi xài trong lúc ngặt nghèo tại đây. Sau đó chúng tôi đi du ngoạn vòng quanh thành phố Kotabharu và thưởng thức rất nhiều loại trái cây tươi như ở Việt Nam, nhưng nơi đây có lẽ nhờ vào khí hậu và đất tốt như Thái Lan nên trái cây rất ngọt và không bị sâu bọ..

Một câu chuyện thương tâm của người Vượt biển.
… Sau khi chuyến ghe vượt biên của chúng tôi thành công trong vòng 2 ngày 2 đêm rưởi đã đến được Mã Lai, chúng tôi gởi điện tín về Việt Nam thông báo cho ban tổ chức vượt biên hay, để chuẩn bị chuyến vượt biên tiếp theo… Và chuyến thứ 2 nầy có vợ con anh Trần Văn Trung trong ban điều hành trại tỵ nạn, và đây cũng chỉ là một trong muôn ngàn câu chuyện thương tâm của người vượt biển….

Sơ lược về anh Trần Văn Trung.
Thuở thiếu thời anh Trung rời khỏi Quãng Bình miền Trung vào năm 1954 vì hiệp định chia đôi hai miền, anh vào thành phố Sài Gòn tìm việc làm, anh theo học ngành sửa xe hơi… Và hoàn cảnh đã đưa đẩy anh sau đó gặp được vận may… Anh Trung đã trúng thầu vật liệu phế thải của quân đội đồng minh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam.
Anh Trung như đã mang “đôi hia bước đi bảy dặm” giống như chuyện thần thoại ngày xưa. Tiền vào như nước. Sau đó anh lập gia đình, anh chị tiếp tục phát triển ngành thầu… Phát triển đến đổi anh chị không có thời giờ kiểm tiền, phải nhờ ngân hàng biệt phái kế toán viên đến nhà hàng tuần để kiểm tiền và làm sổ sách..
Đến ngày 30-4-1975. Sài Gòn sụp đổ, cộng sản chiếm trọn miền Nam.
Anh chị đã có 4 đứa con: 3 trai và 1 gái, gia đình anh không kịp thoát ra ngoại quốc trong những ngày chính biến… Sau đó biết không thể sống với chế độ Cộng Sản nên đành phải tìm đường vượt biên. Với tiền bạc sẳn có anh chị đã liên lạc được nhiều tổ chức vượt biên nhưng lại bị thất bại 9 – 10 lần với nhiều lý do như bị lường gạt bởi chủ tàu, hoặc tổ chức vượt biên bị bể hoặc bị bắt trở lại khi ra cửa biển v.v… Nhưng anh chị vẩn kiên nhẫn tiếp tục, với kinh nghiệm nhiều lần thất bại, anh chị chia ra làm 2 toán, anh Trung đi chung với 2 đứa con nhỏ, còn chị Trung thì đi với 2 đứa con lớn. Đề phòng nếu toán của anh Trung vượt biên lở thất bại bị bắt thì chị Trung còn ở ngoài lo chạy hối lộ để cứu ra, và ngược lại nếu toán chị Trung bị bắt thì anh Trung lo…
Cũng vì vậy trong chuyến vượt biên nầy, chỉ có anh Trung và 2 đứa con đi chung với chúng tôi đã đến được bến bờ Mã Lai an toàn.
Còn chị Trung đang ở lại Việt Nam để lo hối lộ bọn Công An VC để cứu 2 đứa con ra vì bị bắt trong chuyến vượt biên vừa qua…
Khoảng 1 tháng sau anh Trung nhận được tin chuyến vượt biên thứ 2 đã ra khơi.. Anh vui mừng vì sẽ đoàn tụ lại gia đình nhưng cũng không tránh khỏi âu lo…
Hôm nay đã qua mười mấy ngày rồi mà anh Trung vẫn chưa có tin tức gì về chuyến vượt biên thứ 2, anh Trung càng lo lắng hơn cho chị và 2 đứa con còn đang lênh đênh trên biển cả đã qua nhiều ngày…
Với khả năng và kinh nghiệm ngoại giao trong thương trường, anh Trung đã tạo được thân thiện với Cảnh Sát Trưởng Đại Úy Fredly, anh Trung nhờ ông ta giúp dùm xem coi có tên chị và 2 con trong danh sách các trại tỵ nạn khác tại Mã Lai và các ghe mới đến.
Nhưng trời đã không phụ lòng anh, vào khoảng 10 giờ sáng, ngày thứ 16. Cảnh Sát Trưởng Fredly vào trại tìm anh Trung, sau đó mọi người thấy anh Trung vui mừng chạy vào trại vừa la lớn “Vợ con tôi đến rồi, vợ con tôi đến rồi…” anh vội vã kéo đứa con trai là “Triết cam tích” (Vì Triết có cái bụng ỏng) và cô “Công chúa Mã Lai” (vì bé Tuyền có nước da ngâm đen) Rồi cùng ông Fredly lên xe chạy đi… Chúng tôi cũng hồi hộp chờ đợi…
Đến trưa xe ông Fredly chở về trại gồm có anh chị Trung và 4 đứa con, cùng 3 chị em của ca sĩ Hải Lý.
Tất cả bà con trong trại cùng đến chia vui và chào đón người mới đến.
Vài hôm sau chị Trung đã tỉnh táo lại phần nào, chị kể lại cho chúng tôi nghe chuyến ghe vượt biên 15 ngày của chị đầy tai biến…
Chuyến thứ 2 trên ghe gồm có 85 người, và ban tổ chức vượt biên cũng đưa người xuống 2 chiếc ghe tại bến Ninh Kiều Cần Thơ rồi chạy ra gần đến cửa Tranh Đề, nơi đây có chiếc ghe đánh cá chờ sẵn đón người của 2 chiếc ghe lên rồi khởi hành ra cửa biển, ghe lại bị vướng lên cồn cát trong suốt 3 giờ đồng hồ và nhờ thủy triều lên mới thoát được và chạy ra khơi..
Sáng ngày hôm sau bà con rất mừng vì đã ra xa bờ, nhưng nỗi mừng vui chưa được bao lâu vì bà con trên ghe thấy sao bóng mặt trời lúc thì ở phía trước ghe, lúc thì lại thấy bóng mặt trời phía sau lái?
Bà con hỏi tài công thì anh ta chối quanh là đang đi đúng hướng… Nhưng một lúc sau lại thấy chiếc ghe đang chạy vòng vòng nữa? Mấy người đàn ông nóng lòng vặn hỏi tài công. Đến lúc đó tên nầy mới thú thật anh ta không phải là tài công, nhưng vì anh muốn được vượt biên nên nhận đại để được đi nên anh ta không biết phương hướng chi cả… Anh ta quì lạy nhận tội xin bà con muốn xử tội hay giết chết thì anh cũng đành chịu …
Trời… Trời !! tiếng kêu trời thảng thốt lẫn tuyệt vọng của tất cả mọi người trên ghe, dư âm như tan dần trên mặt trùng dương bao la…
Và ghe vẫn tiếp tục chạy… Bà con bỗng một lúc sau thấy từ xa một chiếc ghe đang chạy đến, trên cột cờ có treo cờ đỏ sao vàng tất cả hoảng hốt la lên “Ghe quốc doanh, ghe quốc doanh…” Chiếc ghe vượt biên vội đổi hướng 180 độ chạy đi, ghe quốc doanh rượt theo và bắn xối xả vào ghe vượt biên nước biển văng lên ướt cả sàn ghe, ghe vượt biên mở máy hết tốc lực chạy ra khơi… ghe quốc doanh rượt theo không kịp nên quay trở lại. Trên ghe vượt biên may mắn không có ai bị thương…
… Thì ra chiếc ghe đang chạy quanh quẩn trong vịnh Thái Lan…
Rồi chiếc ghe vẩn tiếp tục chạy mải mà chẳng ai trên ghe biết mình đang ở đâu ?… Vài đàn ông thanh niên trên ghe cùng họp nhau để tìm phương hướng nhưng rồi cũng đành buông trôi vì chẳng ai hiểu biết gì về hải trình trên biển…

Bắt đầu tai họa xảy đến…
Ngày lại qua ngày chiếc ghe đã hết dầu không còn chạy được nữa, thức ăn nước uống cũng không còn nhiều nên phải phân chia để cầm hơi… chiếc ghe như chiếc lá trôi dạt giữa đại dương mênh mông…
Một hôm bà con thấy một chiếc tàu đánh cá mang cờ Thái Lan chạy đến, tất cả đều hoảng sợ nhưng không biết làm sao được…Tàu Thái chạy đến cập vào ghe, một toán hải tặc mặt mày hung dữ tay dao tay búa hùng hổ nhảy qua ghe, chúng bắt tất cả dồn vào một chỗ và lục xét vơ vét tiền bạc và nữ trang..
Trước khi chúng bỏ đi chúng lại gọi tàu hải tặc khác đến, và hết chiếc nầy rồi chúng nó gọi chiếc khác, tiếp tục vơ vét cướp tất cả những gì mà chúng có thể lấy đi… cho đến chiếc tàu thứ 11 thì trên ghe không còn gì để lấy, bọn hải tặc Thái tức giận chúng đụt cả be ghe và các ống dẩn nước của máy ghe ra để tìm vàng vì nghĩ thuyền nhân giấu trong đó.
Chúng không tìm được gì nên bọn hải tặc quay ra lựa chọn một số phụ nữ định bắt qua tàu của chúng, trong lúc dằn co la khóc đó bỗng một tên hải tặc trợt chân rớt xuống biển, bọn hải tặc vội buông tất cả phụ nữ ra và lo vớt tên hải tặc lên…Tên đầu sỏ hải tặc la lên một tràng tiếng Thái chúng có vẻ hoảng sợ vội vã bỏ lại tất cả phụ nữ rồi lên tàu chạy đi…
Bây giờ chiếc ghe trôi xuôi theo sóng gió mặc tình đưa đẩy… Chị Trung và cùng 2 con ngồi dựa vào nhau, chị cảm thấy niềm hy vọng gặp lại chồng con càng mong manh càng xa vời…
Bỗng một buổi sáng nghe tiếng mọi người vui mừng reo lên vì chiếc ghe đã trôi dạt vào gần bờ cách vài trăm thước. Trong lúc đó chị thấy có vài người dân trong làng họ xúm nhau lội ra đẩy phụ chiếc ghe vào bờ. Thì ra đây là làng đánh cá Thái Lan gần biên giới Mã Lai, dân làng nơi đây rất hiền lành họ cùng nhau lo nấu nướng rồi đem đến cho bà con tỵ nạn… Nơi đây chị Trung thấy có mặt của những tên hải tặc nhưng không ai dám mở miệng…
Chị Trung gặp một vị cao niên trong làng biết chút ít tiếng Việt vì ông là người Thái lai Việt nhiều đời, sau vài câu chuyện trao đổi với ông, chị Trung đem việc phụ nữ bị hải tặc bắt đi nhưng tại sao chúng lại bỏ lại tất cả phụ nữ khi một tên bị rơi xuống biển?? Ông lão cho biết dân làng đánh cá nơi đây rất tôn sùng đạo Phật, và những người sống bằng nghề đánh cá đi biển mà bị rớt xuống biển là điềm rất xui xẻo… vì vậy khi chúng cướp của là đã phạm tội lỗi với Trời Phật. Chúng rất sợ sẽ bị quả báo nên vội vàng bỏ đi…
(Chị Trung kể đến đây tôi mới biết tại sao.! Vì việc nầy cũng đã xảy ra trên hải trình do tôi lái, khi một thủy thủ của chúng bị rớt xuống biển và được ghe chúng tôi vớt lên… rồi chúng cũng vội bỏ đi…” Trong bài hai lần vượt tù cải tạo”.)
Chị nói tiếp: Chánh quyền địa phương làng đánh cá giúp chúng tôi sửa chữa chiếc ghe xong, cho thêm thức ăn nước uống rồi ra lệnh ghe chúng tôi phải rời bờ với những tràng súng bắn chỉ thiên xua đuổi, mặc cho những lời van xin cho ở lại đất liền vì tất cả mọi người đều kinh sợ biển khơi… Rồi chiếc ghe chúng tôi cũng đành phải rời bờ…
Theo lời chỉ dẫn của dân làng đánh cá Thái Lan, chiếc ghe chạy cập theo gần bờ lần về hướng Nam, khi qua ranh giới Thái- Mã thì lại gặp tàu tuần duyên của Mã Lai, ghe chúng tôi lại bị xua đuổi chạy ra khỏi hải phận Mã Lai, cũng với những tràng súng bắn chỉ thiên…
Chiếc ghe khốn nạn gặp nhiều bất hạnh của chúng tôi lại phải lê thân tàn trôi nổi trên đại dương… Khi ghe chúng tôi đi ngang qua các ghe tàu đánh cá của Mã Lai, chúng tôi thấy họ kêu và ra dấu cho chúng tôi, lúc đầu chúng tôi không hiểu ý nhưng sau đó chúng tôi biết ý họ chỉ cho chúng tôi phải đục ghe cho chìm xuống biển rồi lội vào bờ..
Trên ghe mọi người cùng bàn thảo cuối cùng đồng ý đục ghe cho chìm, mặc cho lời van xin của số người không biết lội vì cách xa bờ khoảng 400 – 500 thước!!..
Khi ghe bị đục chìm lần, một số người biết lội họ lội vào bờ… Còn lại hơn một phần ba không biết lội chen chúc nhau la khóc, bám víu vào chiếc ghe đang chìm chỉ còn phân nửa phần mũi ghe còn nổi trên mặt nước…
Trong lúc tận cùng tuyệt vọng… thì từ xa chiếc tàu tuần duyên của Mã Lai theo dõi qua ống dòm họ đã chờ đợi cho đến khi thấy ghe đã bị chìm nên mới vội chạy đến và cho ca-nô cứu vớt tất cả nạn nhân rồi đưa vào bờ. Chị sững sờ như có phép lạ của đấng thiêng liêng vô hình đã dang tay cứu vớt…
Chấm dứt câu chuyện, mắt chị Trung còn đẫm lệ… Chúng tôi cũng ngẹn ngào vì xúc động.. Ôi… Hai chữ “TỰ DO” mà thuyền nhân chúng tôi phải trả bằng mọi giá kể cả mạng sống của mình.!
Và cũng trong câu chuyện nầy cho thấy trong tận cùng tuyệt vọng… những người biết bơi lội cùng đi chung chiếc ghe đã nhẫn tâm đục thuyền chỉ lo cho cá nhân mình mà không màng gì đến mạng sống của số người không biết bơi lội một cách tàn nhẫn phũ phàng…!
Trên bầu trời xanh, mây trắng vẫn bay,
dưới ngàn khơi vẫn dạt dào sóng gió…
Một cuộc di tản vượt biên lớn lao trong lịch sử loài người rồi đây cũng sẽ chìm vào lãng quên phũ phàng của nhân thế.
Những sự hy sinh của ông bà, cha mẹ đã liều mạng đưa con cháu mình trốn khỏi gông cùm của bọn quỹ đỏ cộng sản dã man, mong sao con cháu có được tương lai tươi sáng trên vùng đất tự do.
Rồi đây các thế hệ tương lai có nhớ và biết tại sao chúng có mặt nơi nầy hay không?

Hình trái: Anh chị Trung và các con Luận, Văn, Triết và cô bé Tuyền. Ảnh chụp 10 dảy trại mới xây cất, trước khi rời trại tỵ nạn Kotabharu, năm 1978.

Ngày vượt biên không một ai biết trước được tương lai của các con cháu mình ra sao?
Rồi 30 năm sau nơi hải ngoại, với tình thương yêu dạy dỗ của cha mẹ… Đến năm 2008. Các cháu học hành đỗ đạt, gia đình anh chị Trần Văn Trung đã có “4 vị Bác Sĩ” tại Hoa Kỳ, nơi vùng đất tự do nầy!!. Sự thành công của các cháu cũng là niềm hãnh diện chung cho thuyền nhân VN chúng ta…

Trở lại trại tỵ nạn…
Trong thời gian nầy lần lượt các phái đoàn Liên Hiệp Quốc của các nước Pháp, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan lần lượt vào nhận đơn xin đi định cư của người Tỵ nạn. Trong Ban điều hành đã có người được nhận đi định cư.
- Trưởng trại Hồ Văn Mãnh có người thân ở Pháp nhưng không muốn định cư ở Pháp nên anh từ chối và Phái đoàn Mỹ không nhận nên cuối cùng anh đành phải xin định cư ở Canada cùng với gia đình gồm có chị và 2 cháu.
- Trưởng ban An Sinh Nguyễn Ngọc Châu cùng gia đình đi California.
- Trưởng ban Xả Hội Trần văn Trung cùng gia đình định cư tại Texas.
Còn gia đình tôi là quân nhân được ưu tiên nhưng vì tôi không có giấy tờ để chứng minh chỉ có số quân mà thôi. Phái đoàn Hoa kỳ nhận đơn nhưng không cho định cư vì còn phải chờ kiểm tra lại lý lịch của tôi. Trong khi chờ đợi phái đoàn Hoa Kỳ trở lại trại, Phái đoàn Mỹ bắt buộc gia đình tôi phải xin đi một nước khác nếu nước đó từ chối thì khi phái đoàn trở lại sẽ thâu nhận chúng tôi. Hơi thất vọng nhưng cũng đành phải làm theo lời của phái đoàn vì chúng tôi nghĩ là mình đã thoát được gông cùm Cộng Sản được tự do rồi thì bất cứ nước nào nhận chúng tôi cũng đi…
Lần lượt phái đoàn các nước trên thế giới đến phỏng vấn và nhận hồ sơ các gia đình tỵ nạn đi định cư nơi nước của họ. Gia đình tôi cũng đã theo lời của phái đoàn Mỹ, chúng tôi đã nộp đơn xin định cư tại Úc, phái đoàn Úc lần nầy có nhân viên Cao Ủy LHQ cùng đến trại. Sau khi xem hồ sơ của gia đình tôi, vị trưởng phái đoàn Úc đưa hồ sơ cho nhân viên Cao Ủy để tham khảo rồi hỏi lý do tại sao gia đình tôi chọn đi Úc?
Tôi trả lời vì phái đoàn Mỹ muốn chúng tôi phải xin đi 1 nước khác, khi nào nước đó từ chối thì khi phái đoàn Mỹ trở lại mới cứu xét.
Vị Trưởng phái đoàn Úc lại hỏi tại sao tôi lại chọn đi Mỹ?
Tôi đáp: “vì bạn bè đồng đội của tôi đều ở Mỹ, bây giờ phái đoàn Mỹ chưa chịu nhận… Nhưng vì chúng tôi là người tỵ nạn cộng sản đi tìm tự do, nước nào nhận chúng tôi cũng đi… Nếu bây giờ ông đồng ý đón nhận thì gia đình chúng tôi rất vui mừng được định cư nơi nước ông”.
Trưởng phái đoàn Úc trầm ngâm suy nghĩ rồi nói:
- Theo hồ sơ nầy đủ điều kiện đi Mỹ… để tôi giúp ông bằng cách ghi vào hồ sơ là phái đoàn Úc “đang xem xét hồ sơ” cho hợp lệ với phái đoàn Mỹ, để khi phái đoàn Mỹ đến gia đình ông nộp đơn xin đi Mỹ lần nữa. Nếu phái đoàn Mỹ từ chối, thì khi phái đoàn Úc chúng tôi lần sau đến có lý do sẽ nhận gia đình ông định cư nước Úc.
Rồi ông Trưởng phái đoàn Úc giải thích:
- Nếu bây giờ Phái đoàn Úc ghi “Từ chối” vào hồ sơ thì lần sau Phái đoàn Úc sẽ không được quyền nhận lại gia đình ông.
Sau khi được vị Trưởng phái đoàn Úc giải thích rỏ ràng, chúng tôi rất cảm động chân tình của ông đối với gia đình chúng tôi. Tôi ngỏ lời cám ơn ông và phái đoàn Úc.
Hôm nay phái đoàn Mỹ trở lại trại, gia đình tôi cũng nộp đơn xin đi… Đến lượt gia đình tôi được gọi tên lên phỏng vấn, ông Trưởng phái đoàn Mỹ cầm trong tay một xấp giấy tờ lý lịch đã được kiểm tra bằng “Viễn ấn tự” gởi từ bên Mỹ, ông đọc lại lý lịch của tôi để xác nhận…
Điểm đặc biệt là một vài công tác tôi khai chưa đủ vì không nhớ rõ cũng được ông đọc lại. Sau đó ông nhận cho gia đình chúng tôi tuyên thệ với phái đoàn và chờ đợi định cư tại Hoa Kỳ.
Vào khoảng tháng 9 -78. Chúng tôi nhận được tin của Cao Ủy LHQ và cảnh sát Mã cho biết là Việt Cộng đang tranh chấp với Trung Cộng nên đã ra lệnh trục xuất người Việt gốc Hoa rời khỏi VN.v.v… Nên Cao Ủy LHQ chuẩn bị phái đoàn các nước nhận hồ sơ cho tất cả những người tỵ nạn hiện có trong trại sớm được đi định cư, để đối phó làn sóng tỵ nạn khổng lồ sắp tới.
Bắt đầu thời điểm đó thuyền nhân vượt biên qua dạng bán chánh thức đầu tiên là người Việt gốc Hoa đến trại với chiếc tàu chở 360 người, đã chết 1 người già yếu vì chịu không nổi sóng gió và một số người bịnh hoạn kiệt sức vì lạc hướng lênh đênh trên biển nhiều ngày thiếu ăn thiếu uống…
Làn sóng vượt biên cao điểm bắt đầu tràn ra khắp nơi trong vùng Đông Nam Á vì Việt Cộng “xả cảng bán chính thức” đuổi người Việt gốc Hoa ra khỏi VN để bọn chúng tha hồ vơ vét chia nhau nhà cửa của người vượt biên. Một số người Việt cũng thừa dịp nầy trà trộn bằng mọi cách để vượt biên. Họ ra đi vội vã bỏ lại gia tài của cải, và cũng có người lén giấu kim cương, vàng bạc, tiền Đô La để đem đi… nhưng lại làm mồi cho bọn hải tặc Thái Lan cướp bóc và hảm hiếp người tỵ nạn cộng sản trên suốt hải trình tìm tự do qua các nước lân cận trong vùng Đông Nam Á như Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã lai, Tân Gia Ba, Nam Dương, xa hơn nữa là qua đến Úc Châu, Tân Tây Lan và luôn cả vùng Đông Bắc Á gồm có các nước Nhật, Đài Loan và Hồng kông… vào lúc đó có câu “Cộng Sản đến đâu nếu cột đèn mà có chân nó cũng vượt biên.”
Vì muốn chặn bớt làn sóng tỵ nạn các nướcláng giềng đó đã nhẫn tâm xua đuổi mỗi khi thấy thuyền nhân lọt vào hải phận của nước họ, tàu tuần duyên lôi kéo các ghe thuyền người tỵ nạn ra hải phận quốc tế, tiếp tế cho xăng dầu, thức ăn nước uống rồi bỏ mặc cho trôi nổi giữa đại dương mênh mông… lớp thì chết vì gió dập sống dồi vì tài công không biết phương hướng, cứ chạy lòng vòng rồi hết dầu, thiếu lương thực, hết nước uống… v.v…
Tiếng khóc than, oán hận thống thiết làm chấn động lương tâm nhân loại khắp cả thế giới… đã tạo nên lịch sử Thuyền nhân “Boat People” trên thế giới, và mấy trăm ngàn chuyến ghe thuyền vượt biên mỗi chiếc đều có một câu chuyện riêng bi ai thương tâm diễn ra không sao kể hết… (Theo thống kê có khoảng hơn phân nửa thuyền nhân đến được bến bờ, và gần phân nửa thuyền nhân đã gặp nạn vùi thây nơi lòng biển cả…)
Trại tỵ nạn Kota Bharu con số người tỵ nạn càng lúc càng cao… Và bắt đầu cảnh sát Mã Lai áp dụng biện pháp kiểm soát chặc chẽ hơn đối với người tỵ nạn đến sau.

Gia đình tôi từ giã trại tỵ nạn Kotabharu…

Hình trên: Mục sư Paul Milheim, Mục sư Don Gruenburg và gia đình tôi.

Đến tháng 10-78, gia đình chúng tôi cùng với một số người được cấp giấy tờ đi định cư và được đưa về chổ tạm cư là một nhà thờ công giáo gần Thủ Đô Kuala Lumpur để chờ làm thủ tục khám sức khỏe… Sau đó gia đình tôi cùng lên phi cơ đi định cư tại Mỹ… Bỏ lại những kỷ niệm vui buồn trong mấy tháng tạm cư nơi trại tỵ nạn… những ngậm ngùi lưu luyến của người mang kiếp lưu vong “Đất nước mình mà không mình không thể sống vì họa cộng sản” may nhờ đất nước Mã Lai giúp đở bước chân đầu cho người tìm Tự Do… Chúng tôi người Việt vượt biên dù cho đi đến góc biển chân trời khắp nơi trên quả địa cầu, sẽ không bao giờ quên ơn những người dân Mã Lai hiền lành nơi đây.!

Khi gia đình chúng tôi xuống phi trường Tiểu Bang Maryland vào đêm 15-11-1978, được vài gia đình người Mỹ và 2 vị Mục Sư Tin Lành (Lutheran) đón tiếp gia đình chúng tôi..

Gia đình tôi được 2 nhà thờ Lutheran nhỏ bảo trợ ở vùng Cookeville Townson, thuộc thành phố Baltimor Tiểu Bang Maryland. Vì là nhà thờ nhỏ, tín đồ ít nên 2 nhà thờ cùng hợp lại để đủ sức giúp đỡ cho gia đình chúng tôi.
Chúng tôi đến nơi đây đúng vào mùa Đông bỡ ngỡ đầy tuyết phủ, nhưng với sự niềm nở của những người địa phương đã tận tình giúp đỡ cũng đã giúp chúng tôi được ấm lòng nơi xứ lạ, chúng tôi được tín hữu của 2 nhà thờ giúp sắp xếp thuê mướn Apartment sẵn gần khu chợ có siêu thị có thể đi bộ để mua thức ăn, và lo cho đi học Anh văn.v.v.
May mắn được một người bạn thân ở Texas đi tu nghiệp tại Washington DC, hay tin gia đình tôi đã đến Mỹ nên đã thông báo cho các bạn cùng đơn vị Phủ Tổng Thống đang ở tiểu bang Texas hay, và sau đó qua vài lần liên lạc tôi quyết định đem gia đình về thành phố Houston để tìm việc làm vì lúc đó ngành dầu hỏa đang lên.
Tôi đem ý định đó nói cho 2 vị Mục Sư bảo trợ hay… 2 ông tỏ vẻ không vui, và giải thích cho chúng tôi biết vì theo chương trình bảo trợ họ có trách nhiệm lo giúp đỡ cho gia đình tôi trong vòng 2 năm để có đủ khả năng tự lập trong cuộc sống…v.v. Vợ chồng ngỏ lời cám ơn và cũng nói cho 2 ông biết ý định của chúng tôi vì đây là cơ hội chúng tôi có thể tìm việc làm và muốn sớm tự lập để lo cho con tôi được học hành đến nơi đến chốn…

Di chuyển xuống thành phố Houston.
Gia đình tôi ở được 3 tháng rồi ngỏ lời cám ơn và từ giã với 2 nhà thờ và các ân nhân bảo trợ để xuống thành phố Houston. Hai ông Mục sư cũng ngỏ lời chúc cho gia đình chúng tôi đi đường bình an và được an cư lạc nghiệp nơi vùng đất mới…
Với bước đầu chập chững khó khăn nơi đất lạ quê người, nhờ các anh chị giúp đỡ chúng tôi vừa đi xin việc làm vừa lo thi bằng lái xe, người thì lo đứng tên bảo lãnh cho tôi mướn Apt, người thì giúp tìm mua chiếc xe cũ để đi làm. Cũng may mắn chỉ trong vòng ½ tháng mà tôi đã có việc làm, có bằng lái xe và có luôn chiếc xe cũ để đi làm, vợ tôi xin được vào College học 2 năm theo chương trình CETA, và con trai tôi thì gởi vào Daycare vào lớp tiền mẫu giáo. Gia đình chúng tôi bắt đầu cho cuộc sống mới…
Với cảm tình huynh đệ chi binh trong đơn vị đó của các bạn, gia đình tôi thật cảm động và luôn ghi nhớ tình nghĩa bằng hữu nầy..

Kể từ sau ngày 30-4-75. Qua 36 năm (trừ đi 3 năm tù đày và sống trong gông cùm cộng sản), gia đình chúng tôi đã sống một cuộc đời tự do trên đất Hoa kỳ, chúng tôi đã có thêm một con gái vào năm 1987. Đến nay 2 con chúng tôi cũng đã ra trường Đại Học và có việc làm tốt. Xin ngõ lời tri ơn đến người dân và đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang những người tỵ nạn khốn khổ thoát khỏi họa cộng sản… và giúp đỡ trong tinh thần nhân đạo cao quí… để rồi ngày hôm nay thế hệ thứ hai của chúng ta mới có cơ hội vươn lên…!

Hình phải: Lược đồ hành trình vượt biển tỵ nạn Cộng Sản của gia đình chúng tôi.

NN. Lê Đình An – 2011

.
.
.

No comments: