Wednesday, May 11, 2011

THÀNH QUẢ & DI LỤY SAU OSAMA BIN LADEN (Nguyễn Xuân Nghĩa & Phượng Hoàng)


Nguyễn Xuân Nghĩa và Phượng Hoàng
SBS Radio tại Úc Đại Lợi Ngày 20110510

2011-05-11

Sau vụ Hoa Kỳ đột kích vào Pakistan để hạ sát trùm khủng bố Osama bin Laden hôm mùng hai vừa qua, thế giới có thể thở ra nhẹ nhõm, còn đông đảo người Mỹ thì túa xuống đường ăn mừng việc kẻ chủ mưu vụ khủng bố năm 2001 nay đã đền tội. Việc một lãnh tụ của tổ chức al-Qaeda – thủ phạm của nhiều đợt tấn công nước Mỹ từ năm 1998 và đã khiến 3.000 người thiệt mạng trong vụ khủng bố 9-11 – có thể là một thể hiện của công lý Hoa Kỳ trong thời chiến.
Nhưng vấn đề không chỉ có vậy.
Ngay lập tức, các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, kể cả Cao ủy Nhân quyền của Liên hiệp quốc, lại nêu vấn đề về cách Hoa Kỳ thi hành công lý với bin Laden. Liệu nước Mỹ có vi phạm nhân quyền của bin Laden không? Là quốc gia thường đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới, Hoa Kỳ trả lời sao về những thắc mắc đó?
Nhìn trong viễn cảnh dài, Hoa Kỳ đã lâm chiến từ gần 10 năm nay, với hai chiến trường nóng là Iraq và Afghanistan. Vụ bin Laden bị giết có thể là một bước khởi đầu để nếu không kết thúc cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ thì cũng giúp Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Afghanistan như đã dự tính hay không?
Chiến dịch Afghanistan của Mỹ còn liên hệ đến Pakistan, một nước đồng minh khá đặc biệt và có quan hệ hai mặt với Hoa Kỳ. Pakistan có vừa cùng nước Mỹ truy lùng khủng bố và lãnh viện trợ của Hoa Kỳ mà cũng lại chứa chấp thủ lãnh của tổ chức al-Qaeda. Sau vụ bin Laden bị hạ sát, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pakistan sẽ xoay chuyển ra sao?
Chúng tôi đã nêu các câu hỏi trên với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà bình luận quen biết của quý thính giả từ nhiều năm nay. Xin quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn của đài phát thanh SBS tại Úc do Phượng
Hoàng thực hiện sau đây:

***

SBS: Xin kính chào anh Nghĩa. Sau chín năm, bảy tháng và hai chục ngày truy nã Osama bin Laden, nước Mỹ vừa diệt gọn thủ phạm của vụ khủng bố Tháng Chín năm 2001 tại Hoa Kỳ khiến ba ngàn người thiệt mạng. Đây là một biến cố lịch sử khiến dân Mỹ tràn ra đường reo mừng khi được nghe Tổng thống Barack Obama thông báo tin này vào đêm mùng một Tháng Năm, giờ thủ đô Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vấn đề không kết thúc với cái chết của bin Laden và ít ai lạc quan tin rằng sau vụ này, các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan sẽ quy hàng và Hoa Kỳ ra khỏi tình trạng chiến tranh. Vì vậy, đài SBS xin yêu cầu anh trình bày một cái nhìn chung về toàn bộ vấn đề, từ Hoa Kỳ ra tới bên ngoài.
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Trước hết, xin kính chào tái ngộ cô Phượng Hoàng cùng quý thính giả gần xa của đài SBS ở bên Úc.
- Nếu nhìn từ Hoa Kỳ ra tới bên ngoài, người ta có thể thấy ra hàng loạt vấn đề vừa đạo đức vừa pháp lý và vừa thực tế của chính trị lẫn ngoại giao và an ninh của nước Mỹ. Trong khi ấy, vụ đột kích để hạ sát Osama bin Laden là một nghiệp vụ tình báo cho nên, về định nghĩa, đã là tình báo thì không thể nào nói thật. Sự thật bên trong là gì ta không thể biết được, còn lại chỉ là ấn tượng hoặc cách gây ấn tượng để nhắm vào mục đích chính trị, với những hậu quả về chính trị.
- Trước hết, tại Hoa Kỳ dân Mỹ hả dạ và reo mừng vì họ không chấp nhận được sự kiện ba ngàn người vô tội bị thảm sát và nước Mỹ mang nhục khi các trung tâm tài chính, chính trị và quân sự bị tấn công. Đối với họ, việc bin Laden bị giết là sự vận hành của công lý, dù trễ vẫn còn hơn không. Điều ấy sẽ có ảnh hưởng chính trị vì ý dân cũng là sức mạnh. Thứ hai, Tổng thống Barack Obama đạt thắng lợi chính trị khi ông chuẩn bị tái tranh cử, nhưng thắng lợi này không bền, cụ thể là tỷ lệ ủng hộ có tăng mà không tăng vọt như người ta chờ đợi.

SBS: Tại sao vậy anh?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Một phần vì sự lúng túng lụp chụp khi Chính quyền đưa ra thông tin bất nhất cứ phải liên tục điều chỉnh, và một phần nữa là dân Mỹ sẽ lại quay về mối quan tâm thiết thực của họ hiện nay là kinh tế và việc làm. Nói chung, dân Mỹ rất dễ lạc quan hồ hởi rồi lại bi quan hốt hoảng và họ có chi phối cách suy tính của chính trường và các chính khách. Tuy nhiên, vì sống trong một xứ dân chủ pháp trị và rất quan tâm đến kỷ cương luật pháp, nhiều người Mỹ cũng lập tức nêu vấn đề về chuyện hợp lý mà có thể là thiếu hợp pháp của vụ hạ sát bin Laden khi biệt kích Mỹ âm thầm đột nhập một quốc gia khác để ám sát một hung thủ, dù là chủ mưu khủng bố.

SBS: Anh nêu vấn đề ấy cũng tương tự như Chủ tịch của Cao ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền và như lời phê phán của nhiều luật gia tranh đấu cho nhân quyền. Thí dụ như ông Geoffrey Robertson với câu hỏi là “tại sao không bắt sống bin Laden để đưa ra toà xét xử mà lại giết trong những điều kiện chưa rõ rệt, chẳng hạn như bin Laden không có võ khí, v.v…. Phía Hoa Kỳ nghĩ sao và trả lời thế nào về chuyện này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Chúng ta có nhiều tầng khác nhau để phân tích vấn đề, nói chung, tôi thiển nghĩ Chính quyền Obama phản ứng hơi chậm và thiếu chuẩn bị nên rơi vào thế bị động khi bị quốc tế yêu cầu công bố toàn bộ mọi chi tiết liên hệ đến việc gọi là thi hành công lý như vậy. Đáng lẽ bà Suzan Rice, Đại sứ Mỹ trước Liên hiệp quốc, và vị chỉ huy là Ngoại trưởng Hillary Clinton đã phải chuẩn bị việc công khai trình bày nội vụ với Liên hiệp quốc và thế giới.
- Nhưng xã hội Mỹ thường phản ứng nhanh hơn giới lãnh đạo khi đã lập tức tranh luận về đạo tắc – tức là quy tắc đạo đức – và cơ sở luật pháp của việc can thiệp vào xứ khác để giết quân khủng bố. Thực tế là từ hai năm nay, Chính quyền Obama cho quân đội đưa máy bay không người lái vào Pakistan tấn công các căn cứ khủng bố của lực lượng Taliban và của tổ chức al-Qaeda. Những vụ đột nhập như vậy nhiều gấp bốn so với tám năm của chính quyền tiền nhiệm mà ít ai nói tới, nhất là từ cánh tả vốn dĩ ưa xoi mói chuyện hợp pháp hợp hiến nhưng lại cố tình phe lờ cho Chính quyền Obama thuộc cánh tả. Việc ám sát các đối tượng đang bị truy lùng lại xảy ra dưới một chính quyền thiên tả bên đảng Dân Chủ nên truyền thông đa số thiên tả ít nêu thành vấn đề, ngay cả trường hợp có gây tổn thất cho người vô can.
- Mặt khác, theo luật pháp Hoa Kỳ, sau khi nước Mỹ tuyên chiến với quân khủng bố toàn cầu và có sự đồng ý của Quốc hội, thì Hành pháp có thể tiến hành việc truy lùng và tàn sát như vậy mà ít ai khó chịu, trừ phe phản chiến, vì lòng dân muốn thế.
- Bây giờ vụ bin Laden có kích thước lớn lao hơn nên đã gây tranh luận và từ các cuộc điều trần sắp tới, có lẽ Hoa Kỳ sẽ phải có luật lệ minh bạch hơn về quy tắc tác chiến, từ bắt giam, điều tra, thẩm vấn đến diệt trừ đối tượng hoặc truy tố trước toà án quân sự hay dân sự, v.v… Khi ấy cảnh tả tại Mỹ sẽ lúng túng với các vấn đề như trấn nước tù nhân, giết người bằng hỏa tiễn hay súng hãm thanh cái nào là hợp pháp hay chấp nhân được. Còn có vấn đề gọi là nghĩa vụ can thiệp vào xứ khác vì lý do nhân đạo, thí dụ như vào Libya, có thể lại dẫn tới vi phạm đạo đức và luật lệ. Dù sao, việc tranh cãi nội bộ ấy là một sở trường của dân Mỹ chứ Liên hiệp quốc mà nhảy vào chất vấn thì sẽ gặp phản tác dụng vì với nhiều người Mỹ, định chế này không có thực quyền mà cũng chẳng dám nêu vấn đề nhân quyền với nhiều chế độ độc tài khác trên thế giới!

SBS: Từ chuyện nội bộ Hoa Kỳ, chúng ta bước qua hồ sơ Pakistan, là đồng minh có nhận viện trợ của Mỹ mà lại không được thông báo về việc đột kích để hạ sát bin Laden. Hiển nhiên là Mỹ có nghi ngờ xứ này không thiệt lòng và bây giờ còn biết là bin Laden được che chở trong sáu năm liền ở khu vực rất gần thủ đô Islamabad. Sau vụ này thì quan hệ giữa hai nước sẽ ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Hoa Kỳ có hai tầng đối xử khác nhau. Trước vụ đột kích thì Mỹ hoàn toàn qua mặt chính quyền Islamabad vì nhu cầu bảo mật. Sau vụ đột kích thì họ dùng ngôn từ ngoại giao xoa dịu tự ái của Pakistan, rằng xứ này có đóng góp nhiều công sức cho cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng cả hai bên đều không tin vào điều ấy!
- Sự thật thì Osama bin Laden đã trốn sáu năm liền trong thị xã Bilal của quận Abbottabad, cách thị trấn Abbottabad khoảng hai cây số rưỡi phía Đông Bắc và cách trường Võ bị Quốc gia Kakul của Pakistan có hơn một cây số. Đây là khu vực của quân đội và là nơi nghỉ mát hay về hưu của các tướng lãnh, cách biên giới Afghanistan chưa đầy 200 cây số tính theo đường chim bay, mà cũng là bản lề của trận chiến chống dân quân Taliban tại nơi gọi là Khyber-Pahkstunkhwa, trước đây có tên là Biên cương Tây-Bắc hay North-West Frontier Province. Trong một khu vực như vậy, tổ chức al-Qaeda có thể đã tiếp xúc từ lâu với các sĩ quan an ninh Pakistan, kể cả Cục Tình báo Liên quân ISI, mà tin tức này không lên tới trên và ra tới bên ngoài quân đội, đến giới lãnh đạo dân sự như Tổng thống hay Thủ tướng.
- Bài toán của Pakistan là xứ này thực chẳng giống ai! Pakistan có một quân đội xuất phát từ Quân đội Ấn Độ thời Đế quốc Anh và sau khi độc lập thì mất mảng miền Đông thành nước Bangladesh vào năm 1971. Họ có nhiều sắc tộc và đa số theo Hồi giáo nhưng có chế độ chính trị theo thế quyền và coi Ấn Độ là kẻ thù và Quân đội là giải pháp canh tân. Mà việc canh tân chỉ tập trung ở thành phố cho một thiểu số. Sau Thế chiến II, khi Ấn Độ ngả theo Liên Xô thì Pakistan nghiêng về Mỹ mà bên trong thường xuyên bị khủng hoảng kinh tế và chính trị. Vậy mà lãnh đạo của họ lại ôm tham vọng trở thành cường quốc khu vực, với võ khí nguyên tử.
- Khi Liên Xô tấn công và chiếm đóng Afghanistan từ cuối năm 1979 thì Pakistan thi hành kế hoạch của Hoa Kỳ là yểm trợ các lực lượng du kích Hồi giáo làm suy yếu Liên Xô. Việc yểm trợ đó do Cục Tình báo Liên quân ISI tiến hành, nhưng mục tiêu của ISI là củng cố vai trò lãnh đạo của quân đội và diệt trừ đối lập. Cũng từ quan hệ yểm trợ đó mà cơ quan này kết giao và huấn luyện nhiều người sau này trở thành lãnh tụ Taliban, từ năm 1996 thì làm chủ Afghanistan. Bị truy lùng từ vùng Vịnh Á Rập, tổ chức al-Qaeda trôi về A Phú Hãn và được Taliban yểm trợ.
- Khi Hoa Kỳ bị khủng bố al-Qaeda tấn công và mở ra chiến dịch Afghanistan vào tháng 10 năm 2001, thì Pakistan phải chọn lựa, hoặc là diệt trừ quân khủng bố al-Qaeda và lực lượng Taliban, hoặc là trở thành kẻ thù của Mỹ. Họ chọn cả hai vì cần viện trợ Mỹ mà lại sợ bị nội loạn vì phản ứng Hồi giáo quá khích bên trong!
- Chính quyền Pakistan kín đáo yểm trợ quân Taliban tại Afghanistan hầu bành trướng thế lực qua xứ láng giềng này và để Ấn Độ không thể kết giao với Chính quyền Kabul do Mỹ yểm trợ. Thứ hai, họ có truy lùng al-Qaeda một cách vừa phải nhưng ráo riết tấn công các nhóm dân quân Taliban kết hợp với các thị tộc Hồi giáo trong khu vực Tây-Bắc của Pakistan. Nôm na là Pakistan thấy có hai loại Taliban, loại “xấu” là Taliban ở Pakistan và loại “tốt”, có thể xài được, là Taliban ở Afghanistan. Ở giữa là tàn dư của hệ thống al-Qaeda bị Mỹ truy lùng.
- Cho nên, với Hoa Kỳ, Pakistan có góp phần đắc lực, nhưng chỉ một phần thôi và luôn luôn trục lợi, hoặc phản Mỹ, vì quyền lợi của mình! Trong khi ấy, Pakistan lại đùa với lửa khi dung dưỡng khủng bố Hồi giáo để gây vấn đề cho Ấn Độ trong khu vực Kashmir và vẫn bị Hồi giáo cực đoan chơi trò khủng hố ngay bên trong, kể cả ám sát nguyên Thủ tướng Benazir Bhutto, phu nhân của ông Tổng thống đương nhiệm.

SBS: Thưa anh, bây giờ, khi sự thể rành rành là có ai đó tại Pakistan đã dung chứa Osama bin Laden thì tình hình giữa hai nước sẽ ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Hôm Thứ Năm mùng năm, lãnh đạo quân đội Pakistan nói nước đôi để bớt quê. Rằng quân đội có những “thiếu xót” khi không biết bin Laden lẩn trốn trong lãnh thổ, nhưng thành tích diệt trừ khủng bố al-Qaeda của Cục Quân báo ISI là “không thể so sánh được”! Về chuyện đó, tôi lại nghĩ đến nhà văn Vũ Khắc Khoan và câu nói của ông, rằng “người mặc cảm thường hay xuất hư chiêu!” Tức là hay nói tào lao để che giấu sự yếu kém!
- Rồi các tướng lãnh Paskitan lên giọng làm khó để làm tiền. Rằng từ vụ bin Laden bị hạ sát, quân đội có cơ sở xét lại việc hợp tác quân sự và tình báo với Hoa Kỳ, và rằng Pakistan đã quyết định giới hạn sự hiện diện của quân nhân Mỹ trong lãnh thổ của họ. Nôm na là vẫn lên giọng chống Mỹ để tranh thủ dư luận dân chúng bên trong, nhưng vẫn khoe thành tích chống khủng bố để làm tiền Mỹ. Thực tế thì hôm Thứ Sáu vừa qua, Tư lệnh Cục Quân báo ISI đã lên đường qua Mỹ nói chuyện và có chi tiết đáng chú ý là Thiếu tướng Shuja Pasha này lại thuộc sắc tộc Pashtun như đa số dân Afghanistan và còn là cháu chắt của Quốc vương Afghanistan ngày xưa!
- Phía Hoa Kỳ thì cũng nói nước đôi theo lối vừa dụ vừa dọa. Tổng thống Obama mở đường thoát cho Islamabad khi nói hôm Chủ Nhật mùng tám rằng Osama bin Laden có một mạng lưới cảm tình viên tại Pakistan mà lại không nói rõ là ai. Ngoại trưởng Hillary Clinton thì nói kiểu ngoại giao rằng Hoa Kỳ vẫn ủng hộ Pakistan. Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ là Đô đốc Mike Mullen lại bảo rằng Pakistan có quyền hợp tác hay không với Hoa Kỳ. Thứ trưởng Quốc phòng về Chính sách là bà Michelle Flournoy lại cảnh báo rằng Hoa Kỳ muốn hiểu cho ra lẽ về vụ này và rằng Quốc hội Mỹ sẽ khó tiếp tục viện trợ cho Pakistan nếu sự thật không sáng tỏ.
- Thực tế thì Hoa Kỳ vẫn cần đến Pakistan để giải quyết hồ sơ Afghanistan hầu có thể triệt thoái, nhưng vẫn e ngại tình trạng cực kỳ bất ổn của xứ này, nhất là trong giả thuyết chế độ tan rã và võ khí hạch tâm của Pakistan có thể rớt vào tay quân khủng bố. Từ năm ngoái, Chính quyền Obama và Quốc hội Mỹ đã gia tăng viện trợ, cả kinh tế lẫn quân sự, cho Pakistan để sớm dàn xếp việc triệt thoái khỏi Afghanistan, nhưng quan hệ giữa đôi bên đã căng thẳng từ đầu năm nay và việc cắt giảm viện trợ đã được đặt ra. Việc bin Laden lại được dung túng sẽ khiến Quốc hội Mỹ nêu thành vấn đề và trong bối cảnh nước Mỹ đang bị bội chi quá nặng, chuyện viện trợ sẽ giảm.

SBS: Anh vừa nhắc đến kế hoạch triệt thoái khỏi Afghanistan. Việc bin Laden bị hạ sát có giúp Hoa Kỳ sớm tiến hành việc rút quân hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Chúng ta chưa biết được vì kế hoạch của Mỹ là rút quân từ cuối năm nay và có thể hoàn tất vào năm 2014 hay 2015 nhưng thực tế thì có thể là lâu hơn.
- Về thực tế, tôi thiển nghĩ rằng chính là sự bất ổn và thái độ nhập nhằng hai mặt của Pakistan sẽ khiến Hoa Kỳ khó rút quân như trù tính. Lý do là vấn đề không thu hẹp vào tổ chức khủng bố al-Qaeda hay lực lượng Taliban tại Afghanistan mà còn liên hệ đến an ninh của khu vực Nam Á, bao gồm cả Ấn Độ. Thứ nữa, phe Taliban có thể thỏa hiệp để chia quyền cai trị Afghanistan và hứa hẹn không xuất cảng khủng bố qua xứ khác. Nhưng bên trong Pakistan cũng có khủng bố Hồi giáo lẫn võ khí nguyên tử và chế độ thực ra là quân phiệt này mà sụp đổ thì tai họa sẽ lan rộng vào Trung Á và Trung Đông rồi xuống đến tiểu lục địa Nam Á. Vì vậy, đôi bên đều nghi nhau mà vẫn cần nhau và Hoa Kỳ vẫn phải suy nghĩ sâu xa hơn việc rút quân khỏi Afghanistan.
- Ngoài ra, ta không quên rằng Afghanistan lại tiếp giáp với xứ Iran ở hướng Tây. Trong chuỗi biến động từ đầu năm nay tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông, thế giới Á Rập hoàn toàn bỏ qua lý luận đấu tranh của khủng bố al-Qaeda. Nhưng quốc gia trục lợi mạnh nhất lại là xứ Iran của sắc dân Ba Tư theo hệ phái Shia. Sự suy sụp uy tín và khả năng của tổ chức al-Qaeda theo một hệ phái Sunni lại khiến Iran đắc thế trong khối Hồi giáo với lá cờ chống Tây phương và Hoa Kỳ. Xứ Iran lại còn khuynh đảo Iraq, quậy phá khu vực Trung Đông cho nên sau khi bin Laden bị hạ sát tình hình vẫn chưa cải thiện và Hoa Kỳ chưa thể triệt thoái khỏi Iraq hay Afghanistan như Chính quyền Barack Obama đã dự tính….

SBS: Câu hỏi cuối, thưa anh, là về Trung Quốc. Cái blog Dainamax.org do anh chủ trương từ đầu năm nay có nói đến việc Bắc Kinh trục lợi bằng cách ve vãn Pakistan trong vụ bin Laden bị hạ sát. Thưa anh, khi theo dõi rất sát tình hình Trung Quốc, anh cho rằng lãnh đạo Bắc Kinh muốn gì trong vụ này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chuyện này khá dài và hơi rắc rối. Trung Quốc muốn Hoa Kỳ sa lầy vào cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo và e ngại nếu Mỹ giải quyết xong bài toán khủng bố để quan tâm hơn đến tình hình Đông Á và sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc.
- Bắc Kinh cũng muốn Hoa Kỳ diệt trừ khủng bố cho mình để khỏi gặp nguy cơ động loạn tại Tân Cương vì phong trào ly khai và hoạt động khủng bố của sắc tộc Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo. Song song, Bắc Kinh cũng muốn củng cố quan hệ kinh tế và an ninh với Pakistan để có đường tiến vào Ấn Độ dương và Trung Đông và đồng thời ngăn chặn một đối thủ là Ấn Độ.
- Vì vậy khi nội vụ bùng nổ, Bắc Kinh lập tức ngợi ca thành tích để lấy lòng Pakistan và hứa hẹn viện trợ hay hợp tác trong giả thuyết là Pakistan sẽ bị Mỹ cắt giảm viện trợ. Tất nhiên là Hoa Kỳ có thấy ra xảo thuật của Bắc Kinh và đôi bên sẽ thảo luận về chuyện đó trong cuộc gặp gỡ tuần này của chương trình Đối thoại về Chiến lược và Kinh tế.
- Để tổng kết, vì chương trình đã quá dài thì việc Hoa Kỳ thanh toán xong bin Laden vẫn chưa thanh toán nổi nhiều vấn đề còn phức tạp hơn với cuộc chiến chống khủng bố, với Pakistan và với các đối thủ đã khai thác hoàn cảnh bận bịu của nước Mỹ để tranh thủ quyền lợi của mình.
- Riêng về Trung Quốc, có lẽ chúng ta sẽ có một chương trình riêng để cho thấy Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng ra sao vào Pakistan trong khi vẫn mở rộng mạng lưới vào Đông Nam Á từ Miến Điện qua Lào và bao trùm lên cả Việt Nam ra tới Đông hải.

SBS: Thay mặt cho thính giả của đài SBS, xin cám ơn anh Nguyễn Xuân Nghĩa đã dành cho cuộc phỏng vấn này và xin hẹn anh một kỳ tới để nói riêng về quan hệ giữa Trung Quốc với Pakistan.

----------------------

TIN LIÊN HỆ :

“Thái tử” của Bin Laden thoát khỏi tay lính Mỹ    -    VnMedia    (11/5/2011 6:59′)

Con trai Bin Laden lên tiếng về cái chết của cha   -   VnMedia       (11/5/2011 9:51′)


Những vấn nạn chung quanh vụ Osama bin Laden    -   Trần Bình Nam   -   May 10, 2011


.
.
.

No comments: