gocomay BLOG
Đăng ngày: 08:28 12-05-2011
Ông bạn người Việt hàng xóm cũ của tôi rất ghét công an. Lý do anh đã bị cảnh sát (CS) tuần tra ban đêm bắt qủa tang tới 3 lần vi phạm luật lệ giao thông (lái xe uống rượu say). Bị phạt cảnh cáo đầu, phạt nặng lần sau... rồi lần cuối bị treo bằng cấm lái xe tới 10 năm liền. Thảo nào anh thâm thù CS lắm, nhìn thấy công an của xứ giẫy chết ở đâu là lầu bầu là “tuất, tuất...“. Sau này mọi người góp ý, anh mới chua chát đổi thành “bạn thân“ (trong nháy nháy) mỗi khi thấy bóng xe công an đi qua.
Ở xứ này cũng ngót 20 năm, tôi thấy, một xã hội được an bình và ổn định mọi người đều phải cám ơn sự mẫn cán của lực lượng công an. Bình thường, có khi cả tháng chả thấy bóng họ đâu. Nhưng nếu đi làm ca đêm về muộn, có khi chỉ trong vòng một tháng, tôi đã 3, 4 lần bị CS chặn đường bắt dừng xe kiểm tra bằng lái. Mỗi khi kiểm tra, bên công an ít nhất phải có hai người, dù không lịch sự giơ tay lên vành mũ chào như CS bên mình nhưng họ không bao giờ bắt người điều khiển xe phải rời khỏi ghế ngồi. Chỉ yêu cầu bật đèn sáng, trao giấy giấy tờ cho CS qua khe cửa kính hơi hé và để hai tay lên vô lăng. Trừ trường hợp họ phát hiện tài xế có mùi cồn (rượu , bia) thì họ mới yêu cầu đương sự bước ra khỏi xe để thổi hơi, đo nồng độ cồn. Sau khi nhận bằng lái và giấy tờ xe, họ về xe công vụ kiểm tra rất nhanh, chỉ dăm phút là xong. Người lái xe không vi phạm luật lệ có thể tiếp tục hành trình. Mỗi xe công an lưu thông trên đường là một trung tâm giữ liệu vô cùng hiện đại. Chỉ cần đưa tên tuổi và vài giữ kiện cá nhân một người vào máy tính gắn cố định ở xe... là có thể biết được toàn bộ hồ sơ trích ngang của người cần kiểm tra từ trung tâm (24/24) báo về. Dù địa bàn kiểm tra là ở đâu, từ cửa khẩu biên giới cho tới mọi hang cùng ngõ hẻm trên toàn cõi liên bang.
Cách đây khoảng 6, 7 năm, có lần dịp nghỉ lễ Noel, chúng tôi đi chơi xa. Lúc về, trên xa lộ 3 làn, tôi chạy luồng giữa. Tới đoạn cách nhà chừng vài chục km tôi mệt qúa bị ngủ gật, lạng tay lái chỉ độ vài cái chớp mắt chừng 1, 2 giây... khiến xe đi lấn làn trong chút xíu..., tôi đành phải tấp vào Parken nghỉ ngơi và rửa mặt mũi cho tỉnh táo mới tiếp tục hành trình. Về đến nhà đã thấy 2 ông công an chờ sẵn ở Parken ô tô riêng của tôi để kiểm tra xe tôi, xem có va quệt gì không? Rồi giải thích rằng họ nhận được một cú điện thoại của một người dân (ở Hamburg đi cùng chiều) báo có trông thấy xe của tôi di chuyển “có vấn đề...“ nên họ gọi điện báo cho CS xa lộ tới tận nhà xác minh xem xe có bị va quyệt gì không? May mà không phát hiện ra xây sát gì, thật hú hồn.
Ngoài lần đó năm ngoái tôi cũng hai lần được tiếp công an tại nhà. Một lần họ xin gặp cả hai vợ chồng (nếu tôi đồng ý) để xác minh giúp họ một phi vụ “kẻ gian“ đột nhập cạy cửa và lấy trộm đồ nhà của một người Đức gần nơi ở của chúng tôi... mà có ý kiến phản ảnh có trông thấy chúng tôi là một trong số tình cờ đi qua có chứng kiến. Lần gần nhất thì hai người CA trẻ một nam một nữ đột ngột bấm chuông tới cửa xin phép (nếu tôi đồng ý cho họ) vào nhà để nói chuyện về việc tôi đã bị “kiện“ vì đã chụp hình cháu bé 4 tuổi (mà tôi quen cháu) ở nhà trẻ, nơi tôi đang làm việc. Sau khi nghe tôi trình bày đầu đuôi câu chuyện, hai nhân viên an ninh đã rất vui vẻ và xác nhận chuyện chụp ảnh của tôi là trong sáng. Họ chỉ nhắc nhở rằng, với trẻ nhỏ lần sau trước khi chụp, tôi cần nói với bố mẹ cháu một lời để gia đình của họ biết rõ mục đích nhằm tránh sự hiểu lầm gây lo lắng không cần thiết cho họ, vậy thôi.
Qua những chuyện tưởng như vặt vãnh đó, tôi mới thấy rằng, sở dĩ xã hội của người ta được ổn định, sự đóng góp tích cực của những ông bà (ở ta gọi là “chiếnsỹ“) CA mẫn cán, trách nhiệm là không thể thiếu vắng.
Một trong các biện pháp nghiệp vụ của công tác bảo vệ an ninh trật tự xã hội ở nơi tôi tạm cư là thấy họ rất tích cực đầu tư cho các sinh hoạt văn hoá giáo dục cộng đồng. Như việc hỗ trợ cho các sinh hoạt về tôn giáo của người Việt mình là một ví dụ. Hàng năm chùa Viên Giác ở Hannover luôn nhận được các khoản kinh phí tài trợ qúi báu của Bộ Nội vụ (như Bộ CA của ta) để tổ chức 3 ngày lễ lớn của người Việt như Tết ta; lễ Phật Đản và lễ Vu Lan. Ngoài ra, còn các khoản chi phí về điện nước, gas lò sưởi và in ấn kinh sách, báo chí tôn giáo của chùa cũng nhận được tài trợ tùy theo nhu cầu. Lập luận của các chuyên gia về an ninh xứ người rằng, những sinh hoạt văn hoá (tôn giáo) lành mạnh như vậy, chính là “phương thuốc dưỡng sinh“ qúi về mặt tâm linh. Là biện pháp ngăn chặn từ xa các vấn nạn xã hội, nhất là với lớp trẻ.
Tôi dám chắc tới 99%, ở Đức cảnh sát giao thông (CSGT) hay CS hình sự không bao giờ nhận hối lộ của người dân. Sau 9 giờ tối, không bao giờ họ tới gõ cửa nhà bất kỳ ai, dù người đó là nghi can phạm tội. Ra đường, ta có thể thấy CS dừng xe vào mua bánh mỳ hay mua đồ ăn nhanh ở các quầy hàng ăn dọc đường như bao người lao động khác. Nhưng khó thấy người công an phì phèo thuốc lá, thọc tay vào túi quần hay có những cử chỉ bất nhã dù nhỏ tới đâu. Anh bạn tôi xe bị hỏng kim báo xăng, nên xe hết xăng dọc đường không biết, đã được xe cảnh sát đi mua xăng giúp tới ứng cứu khi họ bắt gặp trên đường xa lộ... mà không hề nhận bất cứ món qùa nhỏ nào ngoài một câu cám ơn của người gặp nạn.
Mặc dù vậy, đã là con người (“nhân bất thập toàn“), không ai nắm tay được từ tối tới sáng. Người CA dù tài thánh đến đâu cũng có những lầm lỗi. Hồi 2001, anh bạn đồng nghiệp đi làm chung xe với chúng tôi, tới điểm hẹn trễ, khiến tất cả chúng tôi bị nhỡ buổi làm. Lý do, đang trên đường đi làm lúc 5 giờ sáng, anh bị đội CS đặc nhiệm chống tội phạm túm đưa vào đồn bắt chống tay vào tường, dạng chân ra để họ rà soát và kiểm tra kỹ lưỡng cả người lẫn xe không sót một ngõ ngách nào. Anh không làm gì phạm pháp, tỏ ra bức xúc, phản ứng... nên bị còng cả tay nữa. Sau mấy tiếng giam giữ trấn áp dữ dội như vậy, người chỉ huy tới xin lỗi đã bắt nhầm đối tượng mà không hề đền bù một xu (danh dự) nào. Có mấy người hiểu luật khuyên anh kiện đòi bồi thường thiệt hại, nhưng anh không thích lôi thôi, tặc lưỡi cho qua.
Liên hệ với vụ Hồ Quang Phương ở bên Mỹ: “Mặc dù không bị thương tích nặng nề nhưng vấn đề danh dự mới là điều quan trọng. Số tiền đó không thể đền bù được những tổn thương danh dự khi họ vừa dùng vũ lực, vừa đem tôi ra làm trò cười”, Hồ Quang Phương nói trên BBC. Ngoài khoản bồi thường 90.000 $USD (tương đương 5 tỷ VND), sở Cảnh sát San Jose lên kế hoạch phối hợp một đài phát thanh tiếng Việt ở địa phương để tư vấn pháp luật cho cộng đồng Việt Nam nhằm tránh những vụ việc tương tự. Bên cạnh đó, sở cảnh sát San Jose đã đình chỉ công tác bốn nhân viên liên quan vụ này và mở điều tra cáo buộc làm trái... Đó là thông tin dó báo SGTT ngày 10.05.2011 đăng tải.
So với cách hành xử của các chiến sỹ CAND (“vì nước quên thân, vì dân phục vụ“) tại một đất nước của dân, do dân và vì dân ở bên ta sao mà người dân đen xứ mình lại phải chịu quá nhiều cơ cực như vậy?
Đành chép lại vài chuyện vặt vãnh mà tôi trực tiếp trải nghiệm, chứng kiến để những ai quan tâm, đặc biệt những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này cùng suy ngẫm. Biết đâu lại tìm ra được biện pháp khả thi nhằm từng bước vãn hồi được tình hình thì cả mừng?!
Gocomay
_____
(*) Bồi thường 90.000 USD cho sinh viên Việt bị đánh tại Mỹ - http://sgtt.vn/Thoi-su/144433/Boi-thuong-90000-USD-cho-sinh-vien-Viet-bi-danh-tai-My.html
.
.
.
No comments:
Post a Comment