Người dịch: Hiền Ba
Đăng bởi anhbasam on 28/05/2011
Vụ ngày 11 tháng 9 [nước Mỹ bị khủng bố] đã khiến Mỹ sao nhãng khỏi sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nếu không có vụ tấn công ngày 11 tháng 9 [không tặc cho máy bay đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại quốc tế ở New York] thì Trung Quốc có lẽ sẽ không thể có được một vị trí như ngày hôm nay, Frank Ching nói.
Sau cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ vào hôm 11 tháng 9 năm 2001 người ta thường nghe thấy câu “mọi thứ đều đã thay đổi”. Giờ đây sau khi sự việc đã lắng xuống sau khi Osama bin Laden bị giết thì có lẽ đây là thời điểm thích hợp để đánh giá lại mọi chuyện chỉ để xem thử thế giới đã thực sự thay đổi như thế nào.
Song hễ người ta định làm chuyện này thì y như rằng điều có thể nhìn thấy rõ là trong khi nhìn từ điểm đứng của nước Mỹ thì mọi chuyện đã trở nên tồi tệ đi nhưng nhìn từ điểm đứng của Trung Quốc thì vụ tấn công nước Mỹ lại là một chuyện không may mà lại hóa may.
Sau khi Liên bang Sô Viết sụp đổ, chính quyền của George W. Bush vào tháng 1 năm 2001 đã coi Trung Quốc như là kẻ thù tiếp theo. Chính quyền mới nhậm chức này của Mỹ có ý định tăng cường mối quan hệ với các đồng minh ở châu Á, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc đồng thời ủng hộ vị thế chính trị và quân sự của Đài Loan.
Bản thân ông Bush đã từng phản đối chính sách xây dựng quan hệ chiến lược với Trung Quốc dưới thời của Clinton, ông gọi Bắc Kinh là một đối thủ chiến lược chứ không phải là một đối tác chiến lược.
Khi thứ trưởng ngoại giao Mỹ Richard Armitage bắt đầu thực hiện chuyến thăm châu Á đầu tiên để thảo luận các kế hoạch của Mỹ nhằm xây dựng và triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ thì ông tới Nhật Bản, Hàn Quốc và cố tình bỏ qua Trung Quốc. Việc tới thăm Trung Quốc đã được giao cho một người ở cấp thấp hơn của ông đó là James Kelly, trợ lý phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.
Nhưng vụ đâm nhau giữa một chiếc máy bay do thám EP-3 của Mỹ với một chiếc máy bay tiêm kích của Trung Quốc làm viên phi công của Trung Quốc thiệt mạng hôm 1 tháng 4 năm 2001 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sớm hơn dự kiến và làm cho quan hệ Trung-Mỹ càng giảm sút hơn nữa.
Chiếc máy bay nói trên của Mỹ hôm đó đã hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam và phi hành đoàn 24 người đã bị bắt giữ. Ở Mỹ, những dải ruy-băng màu vàng đã được quấn quanh những thân cây làm người ta nhớ lại vụ bắt giữ con tin Mỹ ở Iran [yellow ribbons are tied to trees là thành ngữ Mỹ hàm ý sự mong đợi những người thân sẽ được trở về nhà an toàn]. Tình hình càng trở nên xấu đi khi Kelly tuyên bố trước Tiểu ban Đối ngoại của Hạ viện rằng “những sự kiện gần đây đã đặt vấn đề nghi ngờ nước Mỹ đang đứng ở đâu trong quan hệ với Trung Quốc và chúng ta muốn đi tới đâu.”
10 ngày sau khi phi hành đoàn được thả, ông Bush đã quyết định một thỏa thuận lớn về bán vũ khí cho Đài Loan với đề xuất bán trang thiết bị trị giá nhiều tỉ đô la – hợp đồng mua bán vũ khí lớn nhất kể từ khi tổng thống Bush Cha quyết định bán máy bay F-16 cho Đài Loan. Hợp đồng mới này bao gồm các tàu ngầm chạy bằng diesel mà Mỹ trước đó chưa bao giờ chào bán cho Đài Loan.
Trung Quốc đã đưa ra một phản đối mạnh mẽ vụ mua bán này. Song, nhiều ngày sau đó vào dịp kỷ niệm 100 ngày ông nhậm chức, ông Bush đã nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn của chương trinh Good Morning America rằng nước Mỹ sẽ “làm bất cứ điều gì để giúp Đài Loan tự vệ” chống lại Trung Quốc – một cam kết thậm chí còn đi xa hơn cả Đạo luật Quan hệ với Đài Loan [Taiwan Relations Act được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1979 sau khi Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Đạo luật này thừa nhận quan hệ ngoại giao không chính thức (de facto) giữa Mỹ và Đài Loan và Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan có cấp ngang [không chính thức] với một đại sứ quán Mỹ].
Sau đó một tháng, tháng 6 năm 2001, chính quyền của ông Bush đã cấp chiếu kháng quá cảnh cho tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển [Chen Shui-bian], điều này đã vượt quá những điều khoản hạn chế được qui định dưới thời của chính quyền Clinton. Quả thực, ông Trần đã được cho phép quá cảnh Mỹ trên đường đi tới thăm một số nước ở châu Mỹ La Tinh và trên đường trở về Đài Loan, đầu tiên là lưu lại New York hai đêm rồi sau đó là ghé qua Huston một đêm.
Trong khi chính quyền của Cliton trước đó đã cố gắng giữ cho những chuyến viếng thăm của Đài Loan càng mang tính chất phi chính thức bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu thì chính quyền của ông Bush lại khuyến khích các nghị sĩ Quốc hội gặp gỡ lãnh đạo của Đài Loan với lý lẽ là việc gặp gỡ các nguyên thủ nước ngoài sẽ giúp “thúc đẩy những lợi ích quốc gia của Mỹ.”
Hầu như chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà vào thời điểm đó Trung Quốc càng lúc càng trở nên lo lắng về những ý đồ của Mỹ.
Một bài báo trên tờ Washington Post số ra ngày 22 tháng 6 năm 2001 viết rằng “giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng lo ngại rằng Washington và Bắc Kinh đang đi đến một sự đối đầu khi Trung Quốc nổi lên như là một cường quốc kinh tế và quân sự ở châu Á.”
Bài báo này dẫn cả các quan chức và nhà phân tích của Trung Quốc lẫn Mỹ cho thấy mối lo ngại rằng “những thay đổi trong thái độ của cả hai quốc gia dường như đang cho thấy dấu hiệu của một sự hạ quân bài để xem ai thắng ai thua.”
Một số phái viên của Trung Quốc, trong đó có thứ trưởng ngoại giao Chu Văn Chủng [Zhou Wenzhong], đã được Chủ tịch Giang Trạch Dân phái đi để trấn an Mỹ rằng lãnh đạo Trung Quốc muốn ngăn ngừa mọi xung đột có thể xảy ra trong tương lai.
Giữa lúc mọi chuyện đang diễn ra trên nền tảng như vậy thì vào buổi sáng ngày 11 tháng 9 năm 2001 những tên khủng bố al-Quaeda đã bắt cóc bốn chiếc máy bay dân dụng và cho đâm vào Trung tâm thương mại quốc tế ở New York và trụ sở Bộ Quốc phòng ở Washington D.C.
Nhìn từ viễn cảnh này thì cuộc tấn công của bin Laden là một cơ hội trời cho đối với Trung Quốc, một cơ hội đã được ông Giang Trạch Dân lập tức chộp lấy luôn. Nhà lãnh đạo Trung Quốc này đã ngay lập tức bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ dành cho ông Bush tiếp theo một cú điện đàm với ông Bush.
Tổng thống Mỹ nhanh chóng nắm lấy bàn tay thân thiện do Trung Quốc giơ ra, điều này đã tạo ra một bước ngoạt ấn tượng trong quan hệ Mỹ-Trung. Vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 vào nước Mỹ quả thực đã làm thay đổi căn bản toàn bộ cách nhìn toàn cục của chính quyền Bush.
Do vụ tấn công này mà chính quyền Bush không còn tập trung sự chú ý vào Trung Quốc như là kẻ thù tiếp theo [Liên Xô]. Thay vì thế, chính quyền Bush đã chuyển sự chú ý tới các hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan và al-Quaeda trên khắp thế giới. Sự thật là, sẽ không phải là quá đáng nêu nói rằng Trung Quốc đã chịu một món nợ biết ơn sâu nặng đối với Osama bin Laden.
Sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9, Mỹ bắt đầu phát động các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq mà cho đến nay đã tiêu tốn hơn một nghìn tỉ đô la và lấy đi sinh mạng của 6000 binh lính.
Trong lúc Washington tập trung sự chú ý vào Trung Đông và Afghanistan thì Trung Quốc tập trung vào phát triển kinh tế và vun đắp mối quan hệ với các quốc gia trên khắp thế giới, nhiều nước trong số đó trước đây đã bị Mỹ bỏ quên.
Từ năm 2001 đến 2010, nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng gấp bốn lần. Nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ bắt kịp nền kinh tế Mỹ trong tương lai có thể dự đoán được và đang trở thành một nền kinh tế dẫn đầu toàn thế giới đóng góp hơn 20% GDP của thế giới – cao hơn mức đóng góp của nước Mỹ.
Hôm nay, nền kinh tế Trung Quốc đã vươn ra toàn cầu. Trong khi trước đây nước Mỹ từng có ảnh hưởng lớn ở châu Á thì nay Trung Quốc chứ không phải Mỹ đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ – ba đồng minh quân sự số một của Mỹ.
Ở Đông Nam Á, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của các nước ASEAN, ngoài ra Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Ở châu Mỹ La Tinh, nước Mỹ vẫn là đối tác thương mại quan trọng, song ngay cả ở đây Trung Quốc cũng đang có ảnh hưởng ngày càng gia tăng và hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil và Chi-lê.
Nước Mỹ, trái lại, đã trải qua một thập niên không dễ dàng. Mặc dù ông Bush hồi năm 2002 có nói rằng nước Mỹ “đang có được một vị trí sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng kinh tế và chính trị không nước nào sánh kịp’, nhưng hôm nay thì khắp nơi người ta đều nhận ra rằng đất nước này đang ở trong tình trạng đi xuống.
Giữa tháng trước, Ngân hàng Thế giới đã dự đoán rằng đồng đô la Mỹ sẽ mất vị trí thống trị trong nền kinh tế toàn cầu vào năm 2025 với đồng euro và đồng nhân dân tệ đang tự xác lập địa vị bình đẳng trong một hệ thống tài chính “đa tiền tệ” mới xuất hiện.
Sau khi bin Laden bị giết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đề nghị cho ý kiến bình luận. Họ đã trả lời là Trung Quốc coi việc bắn chết thủ lĩnh của al-Quaeda “là một sự kiện quan trọng và sự phát triển tích cực trong chiến dịch chống khủng bố của toàn thế giới.”
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dĩ nhiên không bình luận rằng bin Laden đã có một đóng góp đáng kể cho an ninh và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 10 năm qua. Nhưng nói cho đúng sự thật thì Trung Quốc không thể có được như ngày hôm nay nếu không có bin Laden.
Frank Ching là người đã khai trương văn phòng của The Wall Street Journal tại Trung Quốc vào năm 1979. Hiện tại ông làm việc tại Hồng Kong và thường xuyên viết cho một chuyên mục những vấn đề của Trung Quốc [cho The Wall Street Journal]. Ông cũng viết cho các báo như Foreign Affairs, Foreign Policy, World Policy Journal, China Quarterly, Current History và the Washington Quarterly. Có thể theo dõi các bài viết của ông tại địa chỉ sau đây trên Twitter: @FrankChing1
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment