Saturday, May 14, 2011

ĐỐI THOẠI NGUYÊN NGỌC - VŨ THÀNH TỰ ANH về GIÁO DỤC VIỆT NAM


Nguyễn Thu Phương
15/05/2011

Tạp chí Tinh hoa

“Triết lý giáo dục, nói nôm na ra là chúng ta định xây dựng và thực hiện nền giáo dục này để làm gì? Với nền giáo dục này, chúng ta muốn đào tạo nên những con người như thế nào đây? Chúng ta định đào tạo nên những con người tự do, biết suy nghĩ và có suy nghĩ độc lập, từ đó là những con người sáng tạo, hay đào tạo nên những con người chỉ biết chấp hành, vâng lời, phục tùng, hết sức dễ bảo…”. Đây là những lời mở đầu cho cuộc đối thoại giữa nhà văn Nguyên NgọcTiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Phó giám đốc phụ trách chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright Việt Nam) về sự vận động của giáo dục Việt Nam thế kỷ XXI – Một hình dung về con người cân đối hài hòa giữa thể chất và trí tuệ, với bản lĩnh tư duy độc lập để lựa chọn đường đi cho chính mình.

Một nền giáo dục tự do

Nhà văn Nguyên Ngọc (NN): Triết lý giáo dục sẽ chi phối, chỉ đạo toàn bộ các khâu, các lĩnh vực cụ thể của giáo dục. Kiểu triết lý giáo dục nào thì đưa đến kiểu nội dung, phương châm, phương pháp, tổ chức giáo dục đó. Vấn đề của Việt Nam là nên có một triết lý giáo dục như thế nào? Triết lý giáo dục hiện thời có vấn đề gì không? Và nếu có vấn đề thì có phải thay đổi nó không? Thay đổi như thế nào đây?
Vũ Thành Tự Anh (VTTA): Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm hệ thống giáo dục sẽ đào tạo một con người như thế nào? Tôi muốn bổ sung thêm trong điều kiện hiện nay thì Việt Nam càng phải nghĩ nhiều hơn đến triết lý giáo dục. Bên cạnh đó, triết lý giáo dục không phải là vấn đề của riêng Bộ GD – ĐT mà nó là hệ thống con nằm trong “hệ thống lớn” hơn. Muốn xây ngôi nhà tốt thì toàn bộ nguyên liệu, thiết kế, trang trí phải tương ứng với ngôi nhà đó.

NN: Đương nhiên chuyện giáo dục không chỉ là một cái gì của riêng nó. Giáo dục là hệ thống con nằm trong hệ thống mẹ là toàn xã hội, chịu sự chi phối tất yếu của hệ thống mẹ ấy. Triết lý của nền giáo dục tất yếu phải chịu sự chi phối từ triết lý chung của xã hội mà nó là con đẻ. Vậy vẫn đề đặt ra là khi hệ thống mẹ còn chưa có sự chuyển biến đáng kể thì có phải hệ thống con cứ đành chịu bị động một mực nằm chờ không?
Theo tôi, hệ thống mẹ chi phối hệ thống con là một quy luật, nhưng tác động phản hồi của hệ thống con lên hệ thống mẹ, góp phần làm lay động, chuyển đổi hệ thống mẹ cũng lại là một quy luật. Điều này càng đặc biệt đúng với giáo dục. Giáo dục cần và có thể góp phần làm chuyển động xã hội.
Trong lịch sử, từng có nhiều cuộc cách mạng xã hội bắt đầu từ giáo dục. Chúng ta biết chẳng hạn chính các nhà tư tưởng lớn, cũng là những nhà giáo dục tiên phong, như Jean Jacques Rousseau, là những người đã chuẩn bị cho các cuộc cách Pháp 1789. Nhật Bản thời Minh Trị cũng là một ví dụ sinh động và hùng hồn về vai trò tiên phong của giáo dục làm thay đổi xã hội. Những cuộc “hóa rồng” của các nước và vùng lãnh thổ châu Á trong thời hiện đại như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… đều bắt đầu từ giáo dục. Trước hết là thay đổi triết lý giáo dục.
VTTA: Phẩm chất quan trọng nhất của con người mà triết lý giáo dục phải hướng tới là tự do. Nếu không tự do thì sẽ không thích ứng với điều kiện kinh tế, xã hội trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay. Bên cạnh tự do thì phải có tiếng nói sáng tạo, phải chịu trách nhiệm trước bản thân, trước xã hội và biết tôn trọng người khác. Tức là sự tự do của anh có thể đảm bảo với một điều kiện là anh không xâm phạm tự do của người khác.

NN: Tôi cũng đồng ý với anh là giáo dục là phải đào tạo ra những con người tự do, tự mình đi tìm chân lý, sự thật. Nói theo một cách nào đó, sống tức là lựa chọn. Con người tự do là con người có ý chí và có khả năng tự mình lựa chọn, chứ không phải chịu sự áp đặt của người khác, dù là ai, trong lựa chọn. Và khi đã lựa chọn, thì tự mình chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó…
Vừa rồi tôi có dự một cuộc hội thảo về cách xưng hô trong trường đại học tại Đại học Hoa Sen, ở đấy người ta đã thảo luận về việc có nên để sinh viên xưng “Tôi” trong trường đại học hay không ? Theo tôi, việc đó là cần thiết. Nó tạo ra tư thế cho người sinh viên cần thiết để bắt đầu là một con người độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mình, bình đẳng với mọi người trước chân lý. Tất nhiên đấy không phải là tất cả, nhưng nếu không có bước đầu tiên đó thì sẽ rất khó đi tới nữa.
VTTA: Tôi nghĩ để tạo nên con người tự do thì anh ta phải có một vị thế tự do trong xã hội. Việc thiết kế chương trình, phương pháp giảng dạy như bác Nguyên Ngọc nói là để tạo nên con người tự do, thì cách xưng hô là bước đầu tiên để ra con người tự do theo nghĩa dưới góc độ khoa học. Bởi vì, khi đi vào lâu đài tri thức thì tôi và thấy đều phải như nhau, chứ không phải với người đi trước thì người đi sau phải quỵ lụy hay cảm thấy mình thấp hơn. Chuyện đó tồn tại trong xã hội tôn ti trật tự rất nặng nề như ở Việt Nam…
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh là sự bình đẳng giữa học trò và thầy giáo phải là yếu tố tiên quyết. Nếu không tạo được sự bình đẳng mà vẫn là những “tôn ti trật tự” như trước thì sự áp đặt về mặt tri thức, tức ông thấy là chân lý tuyệt đối còn học trò chỉ là thụ động, sao chép và ghi nhớ sẽ vẫn diễn ra. Và nếu không có sự bình đẳng sẽ không có sự trao đổi và tranh luận, thì không phải là khoa học.
Tôi nghĩ người thấy phải có sự dũng cảm và tầm nhìn xa trông rộng để thực hiện một việc dù nhỏ nhất ấy. Trong trường Fullbright, tôi gọi các học viên là “bạn”, ngược lại họ có thể xưng “tôi” với giáo viên, chuyện đó hết sức bình thường, mặc dù về mặt tri thức họ không thể được so với người đào tạo hết sức bài bản, nhưng khi ở phạm trù “tôi” và “các bạn” đối thoại với nhau thì hoàn toàn bình đẳng. Thế nên tôi nghĩ vấn đề là ở nhận thức của người thầy chứ đừng đổ tại sinh viên.

NN: Đúng vậy. Một ít kinh nghiệm vừa qua đã cho tôi thấy sự thay đổi ở người thầy lại khó hơn là ở sinh viên. Chính người thầy phải chủ động tạo ra sự bình đẳng về tư thế của con người trước chân lý, thì mới làm thay đổi được tình hình.
VTTA: Chúng ta phải nhận thức rất rõ điều kiện xã hội và điều kiện lịch sử mình đang có, vì trong thế giới có tính toàn cầu hóa, giao thoa nhanh, mạnh và luôn luôn thay đổi như thế thì chắc chắn không thể chuẩn bị tất cả mọi thứ cho con người.
Vậy thì anh phải chuẩn bị những cái cơ bản nhất, đó là khả năng tự đưa ra lựa chọn và năng lực lựa chọn, tự mình chịu trách nhiệm. Hệ thống giáo dục này không nói là anh phải chọn A hay chọn B, đỏ hay đen mà phải cung cấp cho họ năng lực để họ có khả năng đưa ra sự lựa chọn của mình một cách thông minh. Đây là sứ mệnh của hệ thống giáo dục.
Thứ hai là trong quá trình chọn lựa người ta phải linh hoạt, tức là khi mình đối diện với một môi trường thay đổi liên tục, thì mình không thể suy nghĩ một chiều, không thể mình đúng mà mọi người sai, mà phải chấp nhận một nền “tri thức mở” hơn, theo nghĩa có thể đúng và có thể sai. Cá nhân học sinh phải có tính sáng tạo, có khả năng tiếp nhận tư duy bất định. Với một thế giới như thế, anh phải có một tư duy như thế, nếu không anh sẽ tự diệt, tự đào thải anh ra khỏi cuộc sống.

NN: Đúng vậy với một thế giới luôn bất định như thế thì sứ mệnh của giáo dục không chỉ là trang bị cho con người chủ yếu là kiến thức (vì kiến thức là vô tận, lại luôn biến đổi và phát triển, và trên đời này không ai có độc quyền chân lý cả), mà là trang bị cho họ phương pháp để họ tự biết và dám tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi tìm lấy những gì mình tin là chân lý và sống làm việc theo những chân lý đó.
Những con người như vậy là những con người tự do, có năng lực tư duy độc lập, giàu khả năng và ý chí sáng tạo, nền tảng của một xã hội tự do và phát triển. Xin nhấn mạnh lại chữ “dám” , theo tôi đấy là một từ rất quan trọng. Người dám tự mình đi tìm chiếm lĩnh lấy kiến thức, chân lý là người không tin một cách tiên nghiệm, như một niềm tin tôn giáo, rằng có những chân lý tuyệt đói, bất biến được rao giảng như tín điều đặc kín trong các sách giáo khoa dày cộp. Con người đó dám tự mình đi khám phá thế giới, với những phương pháp mà nhà trường đã trang bị, gợi ý cho họ. Đó là những con người tự do sâu sắc từ bên trong.
Tôi nghĩ đó chính là điều chúng ta tha thiết mong ở lớp trẻ của chúng ta, có được một lớp trẻ như vậy, một lớp trẻ thật sự lành mạnh về tinh thần và trí tuệ, có bản lĩnh vững chắc, đầy tự tin, thật sự độc lập và tự do trong chính mình như vậy, thì có thể hoàn toàn tin chắc ở tương lai tươi sáng của dân tộc.

“Lý thuyết trò chơi” trong thay đổi giáo dục

NN: Nền giáo dục của chúng ta hiện nay quả như một con bệnh nặng và trầm kha và lâu nay đã có nhiều thầy thuốc đưa ra những đơn thuốc khác nhau. Về đại thể có thể có hai hướng đề xuất giải quyết: Một hướng chủ trương trên cơ sở xác định mục tiêu chiếc lược lâu dài, về biện pháp nên làm từ từ, chuẩn bị thật kỹ và tích cực một thời gian (có thể đến mươi năm) để cuối cùng đi đến một chuyển đổi cơ bản toàn bộ hệ thống.
Một hướng thứ hai muốn dùng biện pháp mạnh để có thể từ đột phá nhất điểm, làm lay chuyển toàn bộ hệ thống, có thể gây ra rối loạn tạm thời, nhưng rồi sẽ điều chỉnh dần, nếu không thì sẽ lần nữa, chùng chình kéo dài mãi, không bao giờ chuyển động được. Nên chọn thế nào giữa hai hướng đó?
Gần đây, giáo sư Hoàng Tụy có nói đến ba “khối u dị dạng” của giáo dục cần phải cắt bỏ (thi cử, dạy thêm – học thêm và sách giáo khoa). Tôi đồng ý về chuyện ba “khối u” đó (thật ra còn nhiều “khối u” khác, có thể cũng chẳng kém nguy hiểm) và không thể chữa bằng “thuốc nam” mà chắc phải dùng đến “Tây”, đến “phẫu thuật”… Trong các “khối u” đó, cần chọn đúng một “khối u” kiên quyết cắt bỏ đi, đương nhiên riêng “khối u” đó không giải quyết hết được vấn đề, nhơng “cắt” nó đi thì sẽ làm chuyển động tất cả các bộ phận khác của “cơ thể”, buộc các bộ phận khác phải chuyển động theo.
Vậy nên chọn “khối u” nào đây? Theo tôi, “khối u” biểu hiện tập trung nhất, rõ nhất, “mưng mủ” nhất, hằng năm lại làm rối mù, nhức nhối cả toàn xã hội chính là “khối u” thi cử. Nó đã thực sự trở thành điều cực kỳ kỳ quặc trong nền giáo dục của chúng ta.
Theo tôi, bỏ thi cử chủ trương đang được bàn tới hiện nay là điều nhất thiết phải làm và cố gắng làm càng sớm càng tốt. Trước hết cần xác định học không phải để thi, như vẫn đang diễn ra vài chục năm nay, mà để chiếm lĩnh tri thức. Và tri thức không phải là vô số những kiến thức chồng chất ngày càng được nhân lên đến như vô tận hàng ngày, không cách gì chạy theo, học thuộc lòng cho hết. Nói cho thật đúng, cần học các kiến thức, rồi sau đó phải biết quên chúng đi, giữ lại cho được cái cốt lõi, tức cách thức tư duy được thể hiện qua việc con người đã phấn đấu như thế nào để khám phá ra được kiến thức đó. Học hết phần nào, thi luôn (ta gọi là kiểm tra) phần ấy, sau đó cũng chẳng cần nhớ những cái quá cụ thể làm gì, chủ yếu là qua đó tư duy ta được rèn luyện để từ nay về sau tự mình có thể độc lập suy nghĩ và từ đó mà hành động.
Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm: Tại sao lại có chuyện quy định cái gọi là “điểm sàn”? Người đã học xong chương trình thì đương nhiên có quyền đi học tiếp đại học. Mỗi trường đại học chỉ nhận được một số lượng sinh viên nhất định vì khả năng nó chỉ có thế. Vậy thì nó sẽ thi tuyển theo cách của nó để chọn lấy số sinh viên vừa đủ theo khả năng của nó, tính từ trên xuống dưới. Vào đại học là tuyển, tuyển cho đủ số sinh viên trường mình cần. Vậy quy định điểm sàn là vô lý… Như vậy là ta lại trở lại câu chuyện lúc mở đầu: Cải cách thi cử, kiên quyết bỏ cách thi hiện nay, lại chính là phải xuất phát từ một triết lý giáo dục khác mới đúng…..
Trong thực tế vừa qua, có thể nhận thấy những sự thay đổi như vậy không thật sự khó ở người học, mà chủ yếu, khó trước hết ở người dạy, người thầy giáo. Đấy phải là một người thầy giáo có năng lực toàn diện, có lương tâm nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm rất cao trước học sinh là những chủ nhân trước tương lai của xã hội mà xã hội giao cho mình nhiệm vụ đào tạo thành những thành viên xứng đáng.
Ta có được những giáo viên có thể dạy theo cách này không? Tôi tin là có. Sở dĩ lâu nay họ đã không làm như vậy là vì họ ở trong một hệ thống giáo dục được chỉ đạo bằng một triết lý giáo dục hoàn toàn ngược lại, bị chi phối sâu sắc bởi triết lý giáo dục đó. Tức vấn đề là ở trong cái đầu, trong cách nghĩ, cách quan niệm, chứ không phải ở tài năng, khả năng. Tôi thấy giáo viên ở các nước như vừa nói về kiến thức, khả năng không hơn gì giáo viên ở ta. Họ chỉ khác ta, hơn ta ở quan niệm giáo dục.
Cách giải quyết như trên cũng sẽ đưa đến chỗ giải quyết khối u thứ ba mà thầy Tụy đã nói đến: sách giáo khoa. Sách giáo khoa sẽ không phải là nhồi nhét kiến thức, mà là người dẫn đường đáng tin cậy và vui vẻ cho con người lên đường đi khám phá thế giới rất đáng tò mò này.
Ngoài ra, còn có những cách đáng du kích có thể chen vào hệ thống giáo dục cứng nhắc, cũ kỹ vừa lạc hậu, không đồng bộ, vụn vặt thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau như hiện nay. Ví dụ, chúng ta có thể thành lập những trường đại học tư có thể thực nghiệm triết lý giáo dục này. Sau đó, nhóm những trường học tiên phong có thể liên kết với nhau trao đổi các môn học, các sinh viên nhằm tăng thêm tính đa dạng, phong phú trong chương trình giảng dạy.
VTTA: Theo tôi, con đường thành lập các trường đại học đi theo một triết lý như bác đã nêu ở trên sẽ còn rất khó khăn. Thứ nhất là do khuôn khổ pháp lý, thể chế điều chỉnh các hoạt động giáo dục như hiện nay còn nhiều hạn chế khiến bất kỳ cái gì muốn làm mới cũng đều khó khăn. Thứ hai là vấn đề con người như tôi đã nói, là nếu không có những người thầy dám chấp nhận, dám dấn thân để giải phóng mình, giải phóng tư tưởng, học thuật… thì không thể nào có những con người tự do, biết độc lập, suy nghĩ, sáng tạo và biết chịu trách nhiệm. Thứ ba là về cơ chế tài chính, thuế má của chũng ta hiện nay không khuyến khích các hoạt động từ thiện tài trợ, nghiên cứu văn hóa khoa học kỹ thuật.
Đặc biệt là quan điểm của hệ thống giáo dục Việt Nam được chế tài và thể chế hóa coi hội đồng trường đại học như hội đồng quản trị, nghĩa là một công ty tư nhân đem lại lợi nhuận. Trong tiêu chuẩn các trường lớn trên thế giới thì hội đồng trường là hội đồng đưa ra những quyết định lớn nhất về mặt học thuật cũng như những hội đồng quản trị trường đại học… Hoạt động giáo dục mà có tính lợi nhuận thì hỏng!

NN: Lúc đầu, trường Đại Học Phan Châu Trinh của chúng tôi cũng có mời một số nhà khoa học, nhà văn hóa đến tham gia nhưng cuối cùng chúng tôi lại phải từ chối vì họ không đóng tiền sáng lập trường và theo quy định của điều lệ về trường đại học tư do nhà nước ban hành hiện nay là không được!
Như vậy, theo tôi chính những quy định của nhà nước đã thể hiện tư tưởng coi đại học tư chẳng khác gì các hội buôn, và nếu ở các đại học ấy xảy ra các tình trạng buôn bán giáo dục thì cũng chớ nên trách người ta! Chúng tôi chỉ biết cố gắng làm sao những thành viên trong hội đồng quản trị của chúng tôi cùng chung một mục tiêu, một triết lý, một phương hướng hành động chung để không biến trường đại học thành một hội buôn.
VTTA: Theo tôi, chúng ta có thể áp dụng lý thuyết trò chơi trong việc thay đổi hệ thống giáo dục hiện nay. Trước tiên, chúng ta có thể thay đổi “người chơi”, tức là không phải ông bộ trưởng này mà là một ông bộ trưởng khác, không phải trường này mà là trường mới, có thể là một trường ở nước ngoài vào hoặc là một biến thể mới của hệ sinh giáo dục Việt Nam như Đại học Phan Châu Trinh. Những trường này sẽ tạo nên một nhân tố tích cực và được nhân rộng ra. Thứ hai là thay đổi “ luật chơi”, hay khuôn khổ pháp lý, thể chế điều chỉnh các hoạt động về giáo dục. Thứ ba là thay đổi “trọng tài”, tức là người đứng ra phán xét điều anh làm là đúng hay sai phải thay đổi.
Vấn đề như bác Nguyên Ngọc vừa nói, có những điều Nhà nước không quy định thì mình có thể làm, như trao đổi giữa các trường, sau đó vẫn về trường mình lấy bằng. Nhưng đến lúc ông trọng tài tuýt còi, bảo thế là phạm luật, lúc đó phải làm sao? Và một điều nữa là xã hội nhìn nhận vấn đề đó như thế nào. Vì khi xã hội cũng nhìn nhận trách nhiệm giáo dục thuần túy chỉ là do Bộ GD – ĐT như thế này.

Tư duy quan trọng hơn kiến thức

VTTA: Còn một điểm khó khăn trên con đường thực hiện triết lý giáo dục mới mà tôi muốn trao đổi với bác, đó là việc dạy học theo một tinh thần mới không phải là truyền đạt tri thức mà là để thay đổi cách nghĩ của học viên. Ví dụ như các học viên theo học chương trình FulBright trước đó đã quen với cách đào tạo “chỉ đâu đánh đấy”, “bảo gì nghe nấy” theo một tư duy tuyến tính, còn vấn đề tri thức chỉ là phụ. Tương tự như thế, làm thế nào để sinh viên trường Đại học Phan Châu Trinh suy nghĩa đúng và làm khác so với những người đã được họ đào tạo cũng là điều đáng phải bàn.

NN: Cái này rất khó và đòi hỏi ở những người dạy phải kiên trì. Người thầy vô cùng quan trọng và không khí nhà trường cũng rất quan trọng để làm sao sinh viên họ cảm thấy họ được tự do, được giải phóng.
VTTA: Tôi cũng đồng ý với bác là thái độ của người thầy và không khí văn hóa của trường là rất quan trọng. Ví dụ như trường Fullbright mà tôi giảng dạy, sinh viên ngồi cao hơn giáo viên. Thứ hai là tranh luận thoải mái. Sinh viên có quyền nêu câu hỏi chất vấn, phản biện thầy và ông thầy trở thành người đối thoại chứ không phải người đứng ra khư khư bảo vệ ý kiến của mình. Phải có một phương pháp giáo dục, một văn hóa đối thoại thì mới có thể đưa ra phương pháp ấy. Thứ ba là chúng tôi có cách để sinh viên truyền đạt ý kiến của mình mà không cần nói trước công chúng. Bên Mỹ có một cái gọi là black box, sinh viên có thể gửi thẳng câu hỏi và thầy sẽ trả lời thẳng trực tiếp. Tôi thường khuyến khích bằng cách sinh viên nào phát biểu nhiều, có ý kiến sắc sảo cho điểm tham gia chiếm 10 – 15% tổng số điểm.

NN: Tôi cũng muốn nhấn mạnh trên con đường thực hiện triết lý mới thì chúng ta cần phân biệt giữa những cái cơ bản, lâu dài với những giải pháp cụ thể để thực hiện. Điều chúng ta cần làm là những giải pháp cụ thể.
VTTA: Để “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như bác nói thì chúng ta phải đi tới ngọn nguồn của hệ thống giáo dục phương Tây, nếu không sẽ chỉ là học lỏm, sao chép và chắc chắn sẽ không thành công. Còn nếu đi đến ngọn nguồn thì chúng ta sẽ biết cái gì nên áp dụng vào Việt Nam, cái gì cần giữ, cái gì nên bỏ.

NN: Những cải cách chắp vá hiện nay của chúng ta có tính chất “học lỏm” rất nhiều.
VTTA: Đúng vậy, chúng ta đang học hiện tượng, còn những cải cách thì hoàn toàn mang tính chất kỹ thuật chấp vá. Cái khó của Việt Nam là luôn đặt ra chỉ tiêu định lượng, bao nhiêu phần trăm tốt nghiệp, bao nhiêu trường đại học, tỉ lệ giáo viên và học sinh là bao nhiêu… Ngay cả chỉ tiêu 20 nghìn tiến sĩ cũng hoàn toàn vô nghĩa và phi thực tiễn. Đến thời điểm này thì tôi nghĩ Bộ GD – ĐT của mình đang vướng vào những chuyện kỹ thuật như vậy. Còn những thứ sâu sắc, nền tảng hơn thì lại bị bỏ quên.

NN: Quan điểm “đào tạo theo khả năng và theo nhu cầu” của Bộ giáo dục và đào tạo rất dễ được hiểu là anh đào tạo đáp ứng nhu cầu hiện tại của xã hội như là mỳ ăn liền. Phải rất cẩn thận ở chỗ này. Trong thực tế thì “mì” đó không ăn liền được. Cử nhân ra trường không có nền tảng tiêu chuẩn thì sẽ không làm việc được và thực tế vừa qua là các doanh nghiệp phải đào tạo lại.
VTTA: Thực ra, bằng cách đặt ra mục tiêu ấy không đạt được cả hai, vừa không đạt được mục tiêu tạo ra những con người có tính nhân văn cao và có kiến thức phổ quát vừa không tạo ra những con người có tính chuyên muôn cao. Tôi lấy ví dụ như Intel tổ chức cho 200 sinh viên. Cuối cùng có 90 sinh viên đạt điểm tối thiểu của họ. Trong 90 người đó chỉ có 40 người có đủ trình độ tiếng Anh để làm việc. Rõ ràng, chỉ riêng kĩ năng thôi thì không đủ.
Một nghiên cứu của một trường đại học không được công bố, theo mẫu điều tra của họ thì chỉ cần 10% sinh viên có óc sáng tạo bằng mức trung bình, tức là 90% dưới trung bình – tức là không tạo được những con người có chuyên môn cao. Có một vực thẳm giữa giáo dục và cuộc sống, nó không song hành và lệch lạc với nhau.

.
.
.

No comments: