Đức Tâm - RFI
Thứ hai 23 Tháng Năm 2011
Hôm nay, 23/05/2011, thủ tướng Manmohan Singh lên đường sang Ethiopia, để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - Châu Phi lần thứ hai, sẽ được tổ chức vào ngày mai, tại Addis Abeba. Mục đích của Ấn Độ là cạnh tranh với Trung Quốc, tăng cường sự hiện diện của mình tại một châu lục giầu có tài nguyên, một thị trường quan trọng, với khoảng 1 tỷ người tiêu dùng.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất, ở New Delhi, hồi tháng Tư năm 2008, Ấn Độ đã hứa tăng gấp đôi mức tín dụng cấp cho châu Phi, lên tới 5,4 tỷ đô la trong vòng 5 năm, bãi bỏ hàng rào thuế quan nhiều mặt hàng nhập khẩu từ châu lục này, chủ yếu nguyên nhiên liệu.
Theo ông Pritam Banerjee, phụ trách thương mại và quan hệ quốc tế của Tổng liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, được AFP trích dẫn, « châu Phi là một thị trường rất lớn đối với các doanh nghiệp Ấn Độ ». Chuyên gia này dự báo, trong tương lai, « Ấn Độ sẽ trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho châu Phi trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, công nghiệp tân dược, sản phẩm hóa chất, thiết bị nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác ».
Bản « Báo cáo về những tiến bộ tại châu Phi », được công bố năm ngoái, nhận định, « các nền kinh tế đang trỗi dậy như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ ngày càng có vị trí quan trọng trong sự phát triển của châu Phi ».
Thực ra, Trung Quốc đã đi trước Ấn Độ nhiều năm trời trong việc chinh phục thị trường châu Phi. Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-Châu Phi đầu tiên, được tổ chức năm 2003. Tổng giá trị trao đổi thương mại Ấn Độ - châu Phi là 31 tỷ đô la trong năm 2009-2010, còn giữa Trung Quốc và châu lục này đã lên tới 126,9 tỷ.
Cũng giống như Trung Quốc, Ấn Độ muốn tìm kiếm nguồn nhiên liệu tại châu Phi để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của mình. Đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ là Nigeria, nước có sản lượng dầu lửa lớn nhất ở châu lục, đứng trên Nam Phi.
Tuy nhiên, do tầm vóc và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc hơn hẳn Ấn Độ, New Delhi có cách tiếp cận thị trường châu Phi khác hẳn Bắc Kinh.
Trung Quốc tập trung vào các ngành khai thác khoáng sản, dầu lửa, xây dựng cơ sở hạ tầng, bang giao song phương chủ yếu dựa trên cơ sở quan hệ cấp Nhà nước. Trong khi đó, Ấn Độ lại chú trọng đến đầu tư tư nhân. Trong giai đoạn 2008-2010, tổng đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ lên tới 16,7 tỷ đô la. Số liệu trên đây chưa tính đến 10,7 tỷ đô la mà tập đoàn viễn thông hàng đầu Ấn Độ Bharti Airtel đã chi ra để mua lại 15 chi nhánh châu Phi của tập đoàn điện thoại Koweit Zain, hồi tháng Ba năm ngoái.
Trước Airtel, một số tập đoàn khác của Ấn Độ đã hiện diện tại châu Phi từ nhiều năm nay, như Cipla và Ranbaxy, sản xuất tân dược và các loại thuốc generic - sao chép công thức - chống Sida, tập đoàn Tata hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, sản phẩm hóa chất, công nghệ thông tin, hay tập đoàn Karuturi, chuyên về nông nghiệp và chế biến nông sản.
Một kinh tế gia Pháp nhận xét là các tập đoàn tư nhân Ấn Độ làm được nhiều việc hơn bộ Ngoại giao nước này trong việc thúc đẩy sự hiện diện của Ấn Độ tại châu Phi. Ông Sekou Sylla, tổng thư ký Ngân hàng phát triển Tây Phi nhấn mạnh, người Trung Quốc đến châu Phi để lấy của cải, tài nguyên mà không chuyển giao công nghệ. Khi sự hợp tác của Ấn Độ thực sự được triển khai, thì mối quan hệ này sẽ bền vững và có kết quả hơn.
Trong lĩnh vực quân sự, từ năm 2008, Ấn Độ tham gia liên minh hàng hải quốc tế chống nạn hải tặc ở vùng Vịnh Aden và Ấn Độ Dương.
New Delhi còn có một lợi thế khác so với Bắc Kinh : Ấn Độ có mặt tại châu Phi từ thời kỳ cà hai bên đều bị thực dân Anh đô hộ và tình đoàn kết Ấn- Phi nẩy sinh trong tiến trình phi thực dân hóa và phong trào không liên kết trong những năm 60 – 70 của thế kỷ trước.
Mối đoàn kết chính trị này còn thể hiện rõ qua việc cả Ấn Độ và Nam Phi đều đòi trở thành thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nhân danh đại diện cho sức mạnh của các nền kinh tế đang trỗi dậy. Chủ đề này chắc chắn cũng sẽ được thảo luận trong Hội nghị Thượng đỉnh ở Ethiopia.
.
.
.
No comments:
Post a Comment