Saturday, May 21, 2011

NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI (Sông Lô)



19-05-2011

Chỉ còn là vang bóng
Sông Lô

Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi
Những ngày xưa thân ái
Chắc hắn quên rồi
Riêng tôi, tôi nhớ:
Đồng làng mênh mông biển lúa
Sương mai đáp trắng cỏ đường
Hai đứa tôi,
Sách vở cặp chung
Áo quần nhàu giấc ngủ
Song song bước nhỏ chân trần
Gói cơm mo mẹ vắt xách tùng tơn
Nón rộng hỏng quai
Trong túi hộp diêm nhốt dế
Những ngày xưa êm đẹp thế
Không đem chung hai đứa một ngày mai
Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay
Tôi buồn tôi giận,
Đêm nay gặp hắn,
Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi
Xác hắn nằm bờ ruộng
Không phải hắn thuở xưa
Tôi cúi nhìn mặt hắn
Tiếc hắn thời ấu thơ

Trên đây là bài thơ “Những Ngày Xưa Thân Ái” do thi sĩ Phạm Hổ, người Bình Định, sáng tác sau khi tập kết ra Bắc được hai năm. Ông là một trong những người sáng lập Hội Nhà Văn miền Bắc và cũng là một trong những nhân vật đầu tiên hình thành nhà xuất bản Kim Đồng. Ông cũng đã từng là Phó trưởng ban đối ngoại của Hội Nhà văn CS Việt Nam và là Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà Văn này.

Cũng cần nói thêm, tác giả bài hát Những Ngày Xưa Thân Ái, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, chính là em ruột của thi sĩ Phạm Hổ.

[Nhạc phim] Những ngày xưa thân ái-DUY KHÁNH

Bài “Những Ngày Xưa Thân Ái” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là một nhạc phẩm hay. Thời đất nước bị chia đôi, dù là đang lúc có chiến tranh nó vẫn được phổ biến rộng rãi và được nhiều thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên miền Nam yêu thích. Nó là một trong những nhạc phẩm tình cảm viết về lính có giá trị như những nhạc phẩm cùng thời lúc bấy giờ như: Chiều Mưa Biên Giới, Quán Nửa Khuya, Tàu Đêm Năm Cũ, Trăng Tàn Trên Hè Phố, Mấy Dặm Sơn Khê, Nhớ Một Chiều Xuân, Sắc Hoa Màu Nhớ, v.v.. bằng nhạc điệu và lời ca nó đã diển đạt được những nỗi niềm thầm kín của người trai thời loạn. Nó chẳng những đáp ứng được nhu cầu tâm lý của đại đa số người lính đang chiến đấu ngoài chiến trường mà còn có khả năng diễn đạt cái tình cảm thiêng liêng của những người có chung lý tưởng chiến đấu bảo vệ quê hương Miền Nam tự do còn lại của mình lúc bấy giờ. Thế nên, sau này ở vào giai đoạn cuộc chiến khốc liệt nhất, hàng hàng lớp lớp trẻ chúng tôi đi vào quân đội đã mang theo những nhạc phẩm này khắp nẻo đường đất nước như một món ăn nhiều dinh dưỡng. Cảm ơn những nhạc sĩ tài hoa đã dâng cho đời những cung bậc rung cảm, tuy sáng tác trong thời kỳ khói lửa chiến chinh nhưng vẫn lãng đãng chất lãng mạn và đầy tính nhân bản. Riêng ở miền Bắc, nó đã bị ghép vào loại nhạc với cái tên “quỷ ma” gì đó như bao thân phận của những nhạc phẩm trữ tình thời tiền chiến và lẽ đương nhiên là bị cấm.

Nhân tiện, tôi cũng muốn nhắc đến những ca khúc của Miền Nam ở vào giai đoạn 1954-1959, giai đoạn của thanh bình và no ấm, người dân miền Nam, nhất là dân quê mỗi khi nhắc lại cuộc sống ở giai đoạn này thường tặt lưỡi luyến tiếc. Những ca khúc được sáng tác ở giai đoạn này hầu hết là ca ngợi cuộc sống no ấm an bình mà người dân quê Việt Nam đang hưởng trong như: Trăng Rụng Xuống Cầu, Bức Hoạ Đồng Quê, Tiếng Hò Miền Nam, Gạo Trắng Trăng Thanh, Khúc Ca Ngày Mùa, Trăng Về Thôn Dã, Hương Lúa Miền Nam, Khúc Hát Ân Tình, v.v... Riêng đối với người dân miền Bắc ở giai đoạn này dưới chế độ cộng sản thì đã như thế nào? Phải chăng là cả một giai đoạn kinh hoàng? không nói ra, nhưng cái chắc là ai cũng biết.

Giới nhạc sĩ miền Nam dưới chính thể VNCH lúc bấy giờ được hưởng trọn cái không khí thoải mái của một chế độ mà quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tác được tôn trọng nên chi họ đã thoải mái sáng tác nhạc bằng cả lòng say mê nghệ thuật gắn bó với tình yêu quê hương, tình yêu đồng bào và xa hơn là tình yêu nhân loại. Nó khác với thân phận của những nghệ sĩ tài hoa thời tiền chiến ở miền Bắc sau 1954 bị gò bó trong khuôn khổ và chỉ được quyền sáng tác dưới cây gậy chỉ huy của các quan văn nghệ “đỏ”, do đó những giọng điệu sắt máu, ngập đầy thù hận “máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu” đã được tung ra làm áp lực hỗ trợ cũng như bảo vệ cái thế chế cai trị hà khắc, độc tài sắc máu của chế độ CS miền Bắc.

Người ta không thể nào tưởng tượng được một thi sĩ tài hoa Xuân Diệu với những áng thơ tình lãng mạn thời tiền chiến, chỉ vì tham sống ngại khổ mà đành cam xoay chiều viết lên những lời thơ hung dữ kêu gọi bạo lực, kêu gọi hận thù.

Địa hào đối lập ra tro
Lưng chừng phản động đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường,
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay.
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống, đọa đày chết thôi.
(Trích Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, trang 22 và 23 - DCVOnline)

Hay
“Máu kêu máu trả thù
Súng đâu anh em đâu
Bắn nó thủng yết hầu
Bắn tỉa bắn dài lâu...”
(Trích “Xuân Diệu: Làm thơ? Làm thợ?” của Nguyễn Mạnh Trinh- DCVOnline)

Đúng là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu với quan văn nghệ đỏ Tố Hữu, “Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ, … Thờ Mao chủ tịch, Stalin vĩ đại”

Còn đâu những áng thơ tình lãng mạn mà Xuân Diệu đã sáng tác trước khi phục tùng đảng?

Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng;
Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng:
“Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!”

(Trích bài thơ Xa cách của Xuân Diệu viết tặng Đỗ Đức Thu - DCVOnline)

Sau 1975, Lê Hữu Mục, nguyên giáo sư Đại học Văn khoa và Sư phạm Sài Gòn gặp nhà thơ Xuân Diệu, sau đây là mẩu đối thoại giữa hai người.

- Ngày xưa anh rất thành công, chúng tôi qúy mến anh lắm. Nhiều nữ sinh chép thơ của anh học thuộc lòng. Chúng tôi trong này dạy thơ Xuân Diệu ở Đại học Văn khoa. Còn bây giờ anh sáng tác ra sao?
Xuân Diệu lừng khừng đáp:
- Tôi vẫn sáng tác như ngày xưa.
- Chúng tôi không được đọc bài thơ nào của anh hay như ngày xưa nữa!
- Tôi có viết cho tôi nữa đâu. Tôi viết cho quần chúng đấy chứ.
Họ có trình độ thấp, ít học, do đó tôi không thể viết ra những gì gọi là tinh hoa của tôi được.
- Vây anh có tin những gì anh viết cho họ không?
Xuân Diệu vẫn lừng khừng nói:
- Việc gì phải tin. Cần gì phải tin.
(Trích “Hội Văn Hóa Việt Phỏng Vấn Gs. Lê Hữu Mục về huyền thoại Hồ Chí Minh” của Tinh Vệ - DCVOnline)

Qua cách trả lời vừa lừng khừng vừa nhát gừng trên, cho thấy ông ta vẫn còn ít nhiều nuối tiếc thủa xa xưa, nhưng vẫn sợ thiếu cảnh giác, không có lập trường, mất đảng tịch. Thật là đáng tiếc.

Tôi còn nhớ như in, vào những dịp cuối tuần gia đình xum họp, nhất là những chiều lạnh miền trung có mưa lất phất, mấy chị em chúng tôi quây quần bên nồi chè nóng hổi, hay những chiếc bánh ngọt do tự tay mẹ tôi làm, râm ran bao chuyện buồn vui để rồi sau đó cùng nhau say sưa hát những nhạc phẩm mà chị em chúng tôi cho là hay bên cây đờn Mandolin với niềm hứng khởi, “Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang”, “Cười lên đi trăng sắp tàn bóng xế, hát lên đi để nung lòng nhân thế, để đồng xanh vang khúc ca ngày mùa”, “Em có nghe chăng dư âm đồng quê, khi trăng ngàn mờ tỏa chiếu trên đê. Đoàn người nông phu vui gánh lúa về. Bóng trai gái làng hẹn hò nhau ước thề”.

Ngay cả những nhạc phẩm viết về lính cũng được chị em chúng tôi hết lòng chiếu cố, “Ngày tháng đợi chờ, tôi đến sân ga nơi tiễn người trai lính ngày nào. Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa? Trắng đêm tôi chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về ...”

“Người đi khu chiến thương người hậu phương, thương màu áo gửi ra sa trường... Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha, ngại khơi nước mắt nhạt nhòa môi em ...”

Hay

“...Thời gian qua mau, tìm anh nơi đâu?
Tôi về qua xóm nhỏ, con đò nay đã già
Nghe tin anh gục ngã
Dừng chân quán năm xưa
Uống nước dừa hay nước mắt quê hương...”

Thật ra sở dĩ chị em chúng tôi thỉnh thoảng tụ hát với nhau là do công khuyến khích của chị tôi cũng như ngón đờn Mandolin điêu luyện của người em rể tương lai trong gia đình. Chị tôi, Lê Thị Thanh Vân là một trong những giọng ca của trường trung học Nguyễn Huệ tại thành phố nhỏ bé miền Trung Tuy Hòa lúc bấy giờ. Nhờ có chút nhan sắc và giọng ca tốt nên chị thường được làm “ca sĩ” mỗi khi trường có tổ chức văn nghệ, cũng có khi vào dịp lễ Hai Bà Trưng chị được chọn ngồi trên mình voi đi diễu hành trên đường phố chính. Là em, tôi hãnh diện ở chị điều này.

Thời gian hun hút trôi, bao nhiêu vật đổi sao dời, bao nhiêu thăng trầm dâu bể, gia đình chị em chúng tôi phân tán mỗi người mỗi ngã. Ở hải ngoại thỉnh thoảng tôi vẫn được chị nhắc nhớ những kỷ niệm này khi liên lạc với tôi. Trong tập thơ “Ngày Ấy Bây Giờ” của mình, chị có sáng tác tặng tôi bài thơ tựa đề “Chị Em” phảng phất nỗi niềm tiếc nuối về “Những Ngày Xưa Thân Ái” của chị em chúng tôi ở Tuy Hòa mà bây giờ chỉ còn là vang bóng.

Nhận thư em viết từ hải ngoại
Nỗi nhớ thương đăm đắm quê nhà
Từng con chữ nhạt nhòa nước mắt
Thương em lưu lạc trời xa
Mình cách nhau nửa vòng trái đất
Bình minh bên này bên ấy còn đêm
Em có đếm bao vì sao sáng

Như đêm xưa bên chị êm đềm
Đàn chim sẻ xà bay ríu rít
Hai chị em nô nức đến trường
Chiếc Ca lô trên đầu em đội lệch
Giống chú lính kèn chuyện lẻ một đêm
Có những hôm trời mưa tầm tã
Chị em mình chỉ một áo tơi

Mẹ tất tưởi đường làng ra đón
Nhớ mẹ xưa lòng chị ngậm ngùi
Gửi em chút nắng vàng ấm áp
Ngọn cỏ đùa theo gió liêu xiêu
Bên trời ấy tuyết buồn xa xứ
Chị đằm sâu chút kỷ niệm cuối chiều


Chuyện xa xưa tuổi nhỏ giữa hai chị em đã được chị tôi khéo léo nhắc lại qua những dòng thơ tình cảm nhẹ nhàng đã gợi dậy trong tôi cả một bầu trời thương yêu xưa cũ. Những hình ảnh ngày xanh chập chùng trở về trong ký ức, nó lởn vởn đâu đó để lòng ngỡ như mới ngày nào. Đã trên năm mươi mấy năm rồi còn gì! Với dòng bất tận của thời gian thì năm mươi mấy năm không là gì, nhưng nếu đem so với một kiếp người thì rõ là đáng kể. Gia đình ba má tôi có 9 người con, chị cả tôi mất ngay khi còn bé do đói khát bệnh tật đang lúc chạy loạn trong chiến tranh, tôi là con thứ ba trong gia đình, vậy mà em gái út của tôi năm nay đã trên 50 tuổi rồi còn gì. Thời gian hun hút, bao nhiêu lớp sóng phế hưng, bao nhiêu vật đổi sao dời, bao nhiêu thăng trầm dâu bể, bao ước mộng không thành, nhìn lại, thấy mình như chiếc áo nhăn đang lững thững đi vào buổi chiều của cuộc đời. Một bài thơ sáng tác gần đây nói lên tâm trạng này như là một chấp nhận cái thực tế hiện hữu của tôi và chị.

Tuổi già đuổi bắt sau lưng
Hụt hơi thoát chạy hết gần lại xa
Tỏm rơi xuống vũng chiều tà
Cuộc chơi còn lại được là bao canh
Bao nhiêu mộng ước không thành
Sầu quanh mỏi gối chồn chân một mình
Buồn trông theo đám lục bình
Nông sâu trong đục lênh đênh theo dòng
Bập bềnh giữa có và không
Bọt bèo chi nữa bận lòng thế gian


Nhạc phẩm “Những Ngày Xưa Thân Ái” thì tôi biết và thích đến vậy, riêng bài thơ “Những Ngày Xưa Thân Ái” của thi sĩ Phạm Hổ thì tôi hoàn toàn mù tịt, chỉ đợi cho đến khi đi tù “cải tạo” và sau này qua tìm hiểu tôi mới biết bài thơ quay lưng lại với tình cảm thiêng liêng tự nhiên của con người và nuôi dưỡng lòng hận thù này là của thi sĩ Phạm Hổ, anh ruột của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Chắc là nhờ có lòng căm thù và quyết tâm cao như vậy nên chi ông đã được đảng và nhà nước bố trí công tác tại Hội Nhà Văn với chức vụ Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi của hội này thì phải? Do vậy, tôi đã chẳng ngạc nhiên là tại sao nhiều thế hệ trẻ dưới chế độ CS miền Bắc mà tôi thường gặp khi nhắc đến những từ ngữ như: địch ta, mỹ ngụy, chế độ miền Nam hay tư sản mại bản, giai cấp bóc lột là họ tỏ rõ thái độ không thiện cảm ra mặt. Tôi cũng được biết thêm là, sau năm 1975 nhạc sĩ tài hoa Phạm Thế Mỹ đã công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin Quận 4 Sài Gòn, ông đã tích cực tham gia sáng tác theo phong trào do Đảng tổ chức, nhưng tiếc là không có một sáng tác nào lúc bấy giờ tương xứng với tài hoa đích thực của ông và hình như cũng không có ca sĩ nỗi tiếng nào tự nguyện hát những nhạc phẩm này. Nào là Thắm đượm duyên quê, Lêna Belicova, v.v... và ngay cả bài “Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng” mà ông sáng tác dự thi đoạt giải nhất ở phong trào sáng tác của Thành Đoàn vào thập niên 80 cũng như giải nhì Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bị bỏ chìm vào quên lãng.

Về hưu, sống âm thầm, thiếu thốn tại một căn nhà nhỏ ở Quận 4, Sài Gòn ông mất năm 2009, sau một thời gian dài bệnh tật, ở tuổi 79.

Cũng vậy, có một người con Phú Yên tập kết ra Bắc rồi trở thành một nhà thơ nổi tiếng, nhà thơ Nguyễn Mỹ tác giả của bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ”.

Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ.
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa

Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa.
Bài thơ từng được đưa vào tuyển thơ “Sức mới” do đích thân nhà thơ nổi tiếng “khó tính” Chế Lan Viên tuyển chọn. Sau này, bài thơ đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường XHCN. Cả một đời phục vụ cho đảng thế mà lúc cuối đời ông đã bị đảng và các đồng chí của ông hất hủi như con chó ghẻ. Câu chuyện được chính báo chí trong nước phổ biến như sau:
...Vào những ngày cuối đời của nhà thơ Nguyễn Mỹ, ông gần như bị cách ly với cuộc chiến đấu và với cả đồng đội. Sau ngày giải phóng, phải thẩm tra mãi, cách đây mấy năm, nhà thơ mới được công nhận là liệt sĩ.
Số là ở quê tại Phú Yên, ông có một bà mẹ, bà rất nông dân, một hôm bị bắt trộm con gà, mà người bắt chính là mấy anh... du kích xã. Hồi ấy các anh du kích trẻ đói nên việc ấy cũng thường xảy ra. Tiếc gà, bà chửi như tất cả những người nông dân mất gà khác. Bà chửi liền mấy ngày đêm thì bị chính mấy anh du kích này bắn chết, nhưng họ lại báo lên trên rằng bà là Thiên Nga. Trên báo lên trên tiếp... Thế là Nguyễn Mỹ tự nhiên bị cách ly, được phân ra rẫy ở một mình đuổi khỉ và chim, tự túc lương thực thực phẩm. Một người bình thường cô đơn đã khổ, huống gì đây lại là nhà thơ của “Cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/ Tươi như cánh nhạn lai hồng... Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/ Như chia hề có cuộc chia ly...”, nhà thơ mỏng manh nhạy cảm và có thể cả yếu đuối nữa, thế mà một mình một khu rừng trong nỗi mặc cảm dày vò khắc khoải không được giải thích và có thể là cả ân hận nữa thì nỗi cô đơn đau khổ nhân lên gấp mấy lần? Ở lâu như thế, hoàn toàn mù tịt với tình hình và cả cách đánh của địch, một hôm ông gặp một tốp biệt
kích nhưng lại hóa trang mặc quân phục giải phóng. Mừng quá, ông nhào ra vẫy rối rít: “Các đồng chí ơi, tôi đây...” Thế là ông bị bắn chết.

(Trích “Chuyện bi tráng về nhà thơ Nguyễn Mỹ”, Văn Công Hùng, Báo Sức khỏe & đời sống – DCVOnline)
Từ vườn xoan anh băng sang vườn khế
Lên đồi sim rồi lại xuống ruộng cà
Đâu cũng tím một trời thương nhớ
Biết mấy màu tím ở trồng hoa
Sao anh gọi em là hoa cúc tím
Mà em vẫn lặng thầm sâu kín
Ôi nỗi ưu tư của đất lành
Anh đã đến rồi. Em hãy trả lời anh
Em mang chi tiếng đàn bầu trong mắt
Cho đến nỗi đêm thu anh dìu dặt
Em mang chi màu nắng dưới làn da
Để tình anh như trái chín say ngà

Bài thơ trên là một bài thơ tình của nhà thơ Nguyễn Mỹ còn lưu lại, thật tiếc cho một người con Phú Yên vì “yêu nước” sai, đi theo cộng sản để cho mẹ mình bị họa vào thân và ngay cả bản thân mình cũng bị chết một cách oan uổng.

Trở lại trường hợp của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, sau khi ông mất, có một cuộc tranh cãi thật khôi hài để xác định là nên xếp nhạc của ông vào thể loại nào? vàng hay đỏ? cuối cùng người ta tạm đồng ý là xếp vào cả 2 dòng nhạc đối lập này.

Không hiểu là dựa trên thực tế hay do ngộ nhận mà có người cho rằng trước 1975 thì ông sáng tác nhạc cho người lính VNCH, nhưng sau đó thì lại sáng tác ca ngợi Bác và Đảng. Họ chứng minh bằng những nhạc phẩm viết về lính trước 1975 như, “Những ngày xưa thân ái”, “Thư về em gái thành đô”, “Trăng tàn trên hè phố”, v.v... Tuy nhiên có người bảo ông viết “Trăng tàn trên hè phố” là viết cho một du kích nằm vùng.

Anh sống đời trai giữa núi đồi
Tôi viết bài ca xây đời mới
Bờ tre quê hương
Tay súng anh gìn giữ
Tôi hát vang giữa đời để người vui

[Nhạc phim]  Trăng Rụng Xuống Cầu Nhạc và lời: Hoàng Thi Thơ - Trình bầy: Mạnh Đình và Mỹ Huyền

Tôi viết những dòng này như là một hoài niệm và cũng là một luyến tiếc về một thời xa mà bây giờ chỉ còn là vang bóng, nghĩ rằng quý bạn nào cùng thế hệ với tôi chắc có cùng chia sẻ.

Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập, chú thích và minh hoạ.

DCVOnline: Đọc thêm, “Dượng của tôi, nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ”, Nguyễn Công Phúc


Ông sinh tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định, là con thứ 11 của một gia đình trung lưu. Anh trai ông là nhà văn Phạm Văn Ký và nhà văn Phạm Hổ. Từ năm 1947 đến năm 1949, ông học và hoạt động văn nghệ trong trường Thiếu sinh quân ở Liên khu V. Đầu thập niên 1950, ông làm công tác tuyên huấn và làm phóng viên cho báo Quân đội Nhân dân. Nhạc phẩm đầu tay của ông là Nắng lên xóm nghèo. Sau hiệp định Geneve, ông được bố trí ở lại miền Nam. Năm 1959, ông học trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Từ 1959 đến 1970 ông dạy Việt văn và âm nhạc tại các trường trung học tư thục Bồ Đề, Tây Hồ, Sao Mai, Bán Công, Nguyễn Công Trứ, Tân Thanh... ở Đà Nẵng . Trong những năm 1965-1966, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam vì đấu tranh trong phong trào Phật giáo (Thời gian này ông sáng tác bài nhạc bất hủ Bông hồng cài áo, lấy ý từ thơ Thích Nhất Hạnh). Ra tù, ông sáng tác các bài hát như Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Người về thành phố, Những người không chết... được phổ biến trong phong trào học sinh - sinh viên Sài Gòn. Từ năm 1970 đến 1975, ông là trưởng phòng Văn Mỹ Nghệ Viện Đại học Vạn Hạnh. Sau năm 1975, ông công tác tại Phòng Văn hóa-Thông tin Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông vẫn tiếp tục viết bài hát như: Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng (Giải nhì Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh), Thắm đượm duyên quê, Lêna Belicova... Sau khi nghỉ hưu, ông sống âm thầm, thiếu thốn tại một căn nhà nhỏ ở Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất vào lúc 3 giờ sáng ngày 16 tháng 1 năm 2009, sau một thời gian dài bị bệnh, ở tuổi 79.
.
.
.

No comments: