Saturday, May 7, 2011

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG TẠI ĐÀI TIẾNG NÓI TỰ DO (Nguyên Huy)


Nguyên Huy
Friday, April 29, 2011 2:39:34 PM

Sơ lược về Ðài Tiếng Nói Tự Do (Voice of Freedom-VOF)

Ðài Tiếng Nói Tự Do là một cơ quan truyền thông xám tại miền Nam VN trước năm 1975 trực thuộc Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu, được sự hỗ trợ to lớn của cơ quan Mag/Sog Hoa Kỳ.
Ðài được thành lập từ năm 1964 do nhu cầu chiến tranh gia tăng với sự tăng quân ào ạt của Hoa Kỳ, trực tiếp tham chiến tại VN.
Sau năm 1973, đài được chuyển về Cục Tâm Lý Chiến, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị VNCH trong chương trình Việt Nam Hóa chiến tranh của Hoa Kỳ.
Vì được sự hỗ trợ lớn rộng của Hoa Kỳ nên đài có một trung tâm phát tuyến riêng, chiếm nguyên hòn đảo Cồn Tè ở Huế với công xuất phát thanh mạnh nhất Ðông Nam Á vào lúc bấy giờ, 200KWh. Làn sóng phát thanh của đài phủ sóng lên khắp miền Bắc và một phần phía Nam tỉnh Quảng Ðông. Cái đuôi của sự phủ sóng, nói theo danh từ kỹ thuật cũng phủ lên một phần các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên nên ở Huế cũng có thể nghe được Tiếng Nói Tự Do.
Sau năm 1973, vì đài phải chuyển cho Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị/VNCH nhưng do nhu cầu tình báo chiến thuật của Hoa Kỳ nên đài có thêm một “Emission” thường gọi là Ðài Mẹ Việt Nam, có làn sóng phủ khắp các tỉnh miền Trung và Nam VN nhằm đối tượng trực tiếp và cụ thể là những chiến binh CSBV thuộc các sư đoàn quân chính quy CSBV đã xâm nhập miền Nam. Chương trình “Sinh Bắc Tử Nam” với xướng ngôn viên “Cô Hiền” đã tạo những ảnh hưởng khốc liệt trong hàng ngũ CSBV phụ cùng với chương trình “Tâm Tư Về Sáng” do nữ nghệ sĩ Bích Thủy phụ trách thay thế chương trình của ca sĩ Thái Thanh trên Ðài Tiếng Nói Tự Do.
Ðể thực hiện một chương trình 24/24 bẩy ngày trong tuần, nếu kể thêm cả tiếng Hoa, có thời gian Tiếng Nói Tự Do đã phát thanh đến 28 tiếng một ngày liên tục 7 ngày trong tuần, Ðài TNTD đã phải tuyển mộ hàng trăm nhân viên chính thức làm việc và hưởng quyền lợi giống như nhân viên làm việc trong Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ. Do đó, nhân viên của TNTD có được mức sống cao hơn nhân viên làm việc trong các cơ quan truyền thanh truyền hình của chính phủ VNCH lúc bấy giờ.
Nhưng khi đài được chuyển về Cục Tâm Lý Chiến, Tổng Cục CTCT thì việc điều hành hành chánh phải theo hệ thống hành chánh của chính phủ VNCH. Ðể duy trì được sự cộng tác của hầu hết các giới văn nghệ sĩ trước đó, khi còn trả lương theo mức lương của Hoa Kỳ, Ban Giám Ðốc đài đã phải linh động để mức thù lao cho nhân viên dân sự và anh chị em văn nghệ sĩ không thua sút nhiều lắm so với mức lương và thù lao cũ. Do đó, Tiếng Nói Tự Do dù có hàng mấy trăm nhân viên và văn nghệ sĩ phục vụ nhưng không khí làm việc trong đài lúc nào cũng thân mật như trong một gia đình.

Tiếng Nói Tự Do trước tình hình biến chuyển

Vào những ngày đầu tháng 3 năm 1975, chiến sự gia tăng, cuộc rút lui chiến thuật trên tỉnh lộ 7B báo hiệu cuộc chiến sắp đến ngày chấm dứt. Nhưng anh chị em trong đài vẫn không hoang mang vì hàng ngày nhận được nhanh nhất tin tức do các cơ quan thông tấn quốc tế như AP, AFP, Reuter loan đi vì TNTD có được lắp đặt dàn Teletip nhận trực tiếp tin tức từ khắp nơi. Ai nấy đều tin rằng “không dễ gì mà Mỹ lại bỏ tiền đồn chống Cộng này khi họ đã đổ người và của quá nhiều vào cuộc chiến này.” Sự hoạt động của TNTD với phương tiện tiếp liệu quá dư dả đã làm cho mọi người tin thế.
Nhưng kể từ giữa tháng 3, khi các nhân viên dân sự của chương trình (Ðài) Mẹ Việt Nam được thông báo phải sửa soạn trong vòng 24 tiếng nếu muốn được di tản thì nhân viên cả quân lẫn dân sự trong TNTD bắt đầu mất tinh thần. Tuy nhiên sau khi được biết rõ là Mẹ VN chỉ đưa nhân viên ra tạm lánh ở Phú Quốc để nếu như chính tình đạt được một giải pháp theo tinh thần Hiệp Ðịnh Paris 1973 thì sẽ lại trở về đất liền, nên mọi người lấy lại được phần nào bình tĩnh. Lúc này Ban Giám Ðốc đài liên lạc được với Tòa Ðại Sứ Mỹ và được hứa hẹn là sẽ có một chuyến trực thăng dành cho nhân viên của đài di tản (khoảng 70 người) vào phút cuối cùng. Lập tức dàn ăng ten trên sân thượng của đài được gỡ bỏ ngay để làm bãi đáp cho trực thăng. Việc này đã khiến nhân viên trong đài thêm bình tĩnh để làm việc, cho dù lúc ấy đài gần như bị tê liệt vì đài phát tuyến Cồn Tè đã ngưng hoạt động, chỉ còn tạm phát qua các trung tâm nhỏ ở Thanh Lam Huế và Thủ Ðức, Cát Lở Vũng Tầu. Thêm nữa, Ban Giám Ðốc đài đã cho thiết lập danh sách những nhân viên được di tản nên những nhân viên còn lại với đài thêm vững tin. Ðại úy quản nhiệm chương trình, phụ tá trung tá quản đốc đài được trao nhiệm vụ thiết lập danh sách di tản. Vị này đã điên đầu khi thiết lập danh sách. Ngoài ưu tiên cho Ban Giám Ðốc và điều hành gồm 8 quân nhân và khoảng 20 anh em dân sự chiến đấu, thứ đến là các nhân viên dân chính trưởng ban, còn lại là nhân viên các cấp trong đó có nhân viên chính thức như ca sĩ Mai Hân, Bích Thủy, Linh Sơn, Vũ Huyến, các ca sĩ của ban Tam Ca Ðông Phương và các văn nghệ sĩ từng cộng tác với đài từ ngày đài được thành lập như ca sĩ Thái Thanh, ca sĩ Thùy Hương, ca sĩ Lệ Thu... các nhạc sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc... Nếu như lấy cho đủ thì danh sách di tản phải trên 200 người trong khi đó danh sách chỉ được giới hạn trong số 70. Nên danh sách đành phải gạt đi một số tên tuổi trong đó có cựu quản đốc đài là Trung Tá Ðặng Xuân Thoại. Trung Tá Ðặng Xuân Thoại đã tuẫn tiết vào sáng ngày 30 tháng 4 tại nhà thương Saint Paul khi tìm đến cô em gái là một sơ phục vụ trong nhà thương này theo như lời của viên trung sĩ tài xế chiếc xe Jeep của Trung Tá Thoại kể lại sau đó.
Cũng vào thời gian này, thiếu tá phụ tá hành chánh, vừa đi công tác ngoại quốc về đã xin về cho đài một số vũ khí cá nhân cho các quân nhân trong đài và anh em dân sự chiến đấu phụ trách kỹ thuật của đài. Những lô cốt tạm thời được thiết lập quanh đài hướng ra đường Hồng Thập Tự và phía đầu cầu xa lộ. Mặc dầu là những quân nhân không chiến đấu lâu nay nhưng trước những khẩu M.16 và những súng chống tăng M.79 ai nấy đều cảm thấy hăng say nhận lãnh trách nhiệm phòng thủ đài.

Những giờ phút sau cùng

Vào trưa ngày 29 tháng 4, vị đại úy phụ trách việc di tản nhân viên của đài nhận được tín hiệu phát đi trên Ðài FM số 9 của Hoa Kỳ, ông đã thông báo ngay với quản đốc. Ít phút sau vị quản đốc rời đài nói là phải tới gấp Tòa Tổng Giám Mục Saigon.
Cũng vào lúc này, đường phố Saigon bỗng xáo trộn hẳn lên. Ai nấy đều vội vã hốt hoảng. Có lẽ tín hiệu “White Chrismas” được phát đi vào lúc 11 giờ sáng nhiều người cũng được biết. Tín hiệu này như một lệnh tập trung của phía Hoa Kỳ cho nhân viên của mình tới 13 địa điểm trong thành phố Saigon mà cơ quan di tản trong Tòa Ðại Sứ HK đã quy định. Trên bầu trời Saigon đã bắt đầu vang lên những tiếng phành phạch của những chiếc trực thăng Chinook. Người Saigon bắt đầu hoảng loạn khi thấy những chiếc trực thăng này đều đặn lên xuống trên nóc Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ trên đường Thống Nhất và nhiều nơi trong thành phố. Lúc này thì tại Ðài TNTD, nhân viên các cấp cả dân sự, quân sự và bán quân sự bỗng dồn đến đông nghẹt đài mặc dù cổng chính của đài vẫn được anh em an ninh và dân sự chiến đấu canh giữ sự ra vào rất chặt chẽ. Bây giờ thì không thể còn quy định được những ai nằm trong danh sách sẽ lên trực thăng khi chuyến trực thăng duy nhất đến đài nên việc di tản có thể đành phải thả nổi. Tuy nhiên trật tự trong đài vẫn còn được duy trì. Mọi người được mời vào trong phòng Sưu Tầm của đài là tầng hầm của căn cao ốc dùng làm trụ sở đài. Mọi tủ sách tài liệu được kéo gọn vào một góc dành chỗ cho những gia đình có con nhỏ.
Một buổi họp chớp nhoáng của những nhân viên phụ trách các phần hành nhận chỉ thị tiêu hủy những tài liệu Mật, Kín của đài. Thiếu Úy H. phụ tá trưởng phòng Hành Chánh vội vã khai hỏa những tủ tài liệu nhân viên trong phòng Hành Chánh. Chỉ cần một cái nhấn trên nút nhỏ ẩn trong một ngăn là cả cả cái tủ sắt hồ sơ cao chừng thước rưỡi nóng hực lên đốt cháy tất cả giấy tờ và tài liệu trong đó chỉ trong vài phút.
Tại phòng Sưu Tầm, Trung Úy T., quyền trưởng phòng Sưu Tầm bỗng như người mất hồn, ngơ ngác đi đi lại lại, không biết phải phá hủy chiếc tủ nào trước. Tủ chứa Micro Film của hệ thống IBM hay tủ chứa các tài liệu cho Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc.
Vào lúc 5 giờ chiều, thiếu tá phụ tá Hành Chánh nhận được cú phôn của quản đốc đài cho biết đang kẹt trong Tòa Ðại Sứ không về đài được và ngỏ ý muốn gặp đại úy lo phụ trách việc di tản. Nhưng hai bên đã không liên lạc được với nhau. Mười sáu năm sau, họ gặp lại nhau trên đất Mỹ, vị quản đốc cho biết lúc ấy chỉ có thể giúp được cho một người vào Tòa Ðại Sứ và ông muốn dành cho vị phụ tá chương trình của mình.
Sáu giờ chiều, nắng chiều thoi thóp trên sân đài, đây đó vẳng về những tiếng nổ lớn từ trong thành phố. Không ai được biết mấy giờ thì trực thăng đến bốc đi. Nhiều người nôn nóng đã bỏ ra về tìm phương cách khác trong đó có cựu Quản Ðốc Ðặng Xuân Thoại.
Trong phòng Sưu Tầm lúc này đầy người đứng kẻ ngồi râm ran trò chuyện không giấu được những nét lo lắng. Ðại Tá Phạm Hậu cùng phu nhân là một nhân viên ban Tin của đài cũng không giấu được sự nôn nóng, thỉnh thoảng lại ghé đến bên bàn vị đại úy phụ trách di tản. Nhưng vị đại úy này hình như cũng bất lực không cho biết thêm được tin tức gì. Ông ta luôn luôn ngồi bên chiếc máy điện thoại, mong một cú phone nào đó... từ Tòa Ðại Sứ.
Mười giờ, mười một giờ rồi 12 giờ đêm... trên sân thượng của đài khá rộng cũng đầy người. Họ cùng nhìn vào đêm đen vây bủa mà dõi theo những chiếc trực thăng Chinook đang tấp nập lên xuống trong Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ngay gần bên. Tiếng trực thăng rú khi cất cánh khi hạ cánh càng làm nôn nóng mọi người. Bao nhiêu chiếc đã bay qua đài mà không có được chiếc nào ghé lại. Nỗi thất vọng dần bao trùm khắp mọi người đến độ ai nấy đều cố gắng chịu đựng tìm đến giấc ngủ vật vờ trên một vài hành lý mang theo.
Ðêm dài đi theo nỗi lo sợ, hốt hoảng. Bốn giờ sáng ngày 1 tháng 5 được hai kim đồng hồ trong đài chỉ rõ. Ngoài trời tiếng trực thăng cũng thưa dần trả lại cái im ắng kinh hoàng lên khắp thành phố. Trong đài, số người chờ đợi có đến gần nửa đàn bà trẻ con đã chìm vào giấc ngủ vật vờ bên những túi xách hành trang di tản, hình như đành yên phận chờ đợi những tai biến sẽ dần dần đến.

Tháng Tư hai mươi chín ngày

Tháng Tư với những người Saigon hụt di tản chỉ có 29 ngày thay vì 30 như thường lệ. Bởi chỉ từ 12 giờ đêm 29 rạng ngày 30, mọi người đều cảm thấy cuộc đời mình đã đổi khác. Không còn một hy vọng và sẵn sàng chờ đợi những bất trắc, những thảm họa cho đời mình và những người thân yêu của mình.
Từ sáu giờ sáng tại đài số người lục tục ra về đã đến hơn một nửa. Số còn lại hình như còn lưu luyến với đài hay quá hoang mang mà không định được hướng đến. Nhiều người rủ nhau chạy vội ra bến Bạch Ðằng, hy vọng mong manh một chuyến tầu rời bến trong đó có ca sĩ Mai Hân cùng phu quân là vị thiếu tá ngành Quân Cảnh. Nhiều người rủ nhau tìm đường đến Cần Giờ cũng hy vọng thuê được chuyến đò để ra khơi trong đó có vợ chồng Ðại Tá Phạm Hậu cùng hai con nhỏ.
Người trở về lại căn nhà cũ thấy trong nhiều con phố những cột đèn ngã đổ vì bị pháo kích đêm qua, lác đác có những đống quân phục trên con đường Hiền Vương! Người về, nén tiếng thở dài để rồi vào lúc 11 giờ sáng hôm đó chứng kiến những chiếc xe tăng T.54 cắm cờ xanh đỏ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tiến vào thành phố cùng những chiếc Molotova bốc mùi xăng thối của Liên Xô tiến vào các ngả dẫn tới dinh Ðộc Lập.
Bốn giờ chiều ngày 30 tháng 4, một chiếc xe tăng T.54 đâm đổ cánh cổng đài tiến vào sân đài khi ấy chỉ còn vài quân nhân trong đó có Ðại Úy H.ÐT. trưởng phòng nhạc và Thiếu Úy Hồng, phụ tá trưởng phòng Hành Chánh. Bốn người lính Bắc Việt tiến vào đài được Ðại Úy H.Ð.T. ra tiếp cho biết sẵn sàng giao đài nhưng cả 4 người lính Bắc Việt đều dặn rằng hãy chờ đoàn khác từ Bắc vào tiếp thu sau khi đã ký nhận vào một cuốn tập học trò và cắm một lá cờ của Mặt Trận Giải Phóng lên cổng đài. Xong xuôi tất cả những người lính Bắc Việt lại lên chiếc tăng bỏ đi mất.
Tám giờ sáng hôm mùng 2 tháng 5, một số nhân viên chỉ huy trong đài được triệu tập đến để bàn giao đài cho phía Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tiếp thu. Ðại diện của họ là một người duy nhất có dáng dấp một công nhân. Sau khi được dẫn đi coi khắp một vòng, người đại diện này nói giọng miền Nam rằng: “Ðế Quốc Mỹ nó phí của mới xây dựng cái đài với nhiều thứ không cần thiết như thế này. Các anh biết không, Mặt Trận chỉ cần có một người đeo lên lưng một cái máy phát của Liên Xô là tiếng nói của Giải Phóng Miền Nam đã đi đến với đồng bào khắp nơi.”
.
.
.

No comments: