Tuesday, May 24, 2011

NHỮNG DIỄN BIẾN TRONG QUAN HỆ MỸ - HOA


Duy Ái - VOA | Washington DC
Chủ nhật, 22 tháng 5 2011

Một tướng lãnh hàng đầu của Trung Quốc nói rằng quân đội Trung Quốc hiện nay còn thua kém Hoa Kỳ đến 20 năm, Bắc Kinh không hề có ý định thách thức Washington, và các nước trên thế giới không cần lo âu hay sợ hãi trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Phát biểu hôm thứ tư tại Washington trong chuyến viếng thăm hiếm có đến Hoa Kỳ, Tướng Trần Bỉnh Đức, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cũng mạnh mẽ chỉ trích chính sách của Washington về vấn đề Đài Loan và cho rằng Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan là một hành vi “bá đạo”, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Ông Trần cũng nói rằng Trung Quốc không còn bố trí phi đạn ở vùng duyên hải nhắm vào Đài Loan. Giới hữu trách ở Đài Bắc đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố vừa kể và một số các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh lâu nay vẫn thường “nói một đàng làm một nẻo.” Mời quí vị nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.
Trong bài diễn văn hôm thứ tư vừa qua (18-05-2011) tại Đại học Quốc phòng ở Washington, viên tướng hàng đầu của Trung Quốc đã tìm cách giải tỏa mối lo ngại ngày càng tăng ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác trước sự lớn mạnh nhanh chóng của quân đội Trung Quốc. Tướng Trần Bỉnh Đức nói rằng Bắc Kinh không hề có ý định thách thức Washington, và các nước trên thế giới không cần lo âu hay sợ hãi trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông cũng thừa nhận là khả năng quân sự của nước ông còn thua kém Hoa Kỳ tới 20 năm và ông “cảm thấy rất buồn” khi nhận ra mức độ yếu kém của các thiết bị và tình trạng lạc hậu kéo dài của quân đội Trung Quốc.
Ông nói thêm như sau tại cuộc họp báo chung với Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch ban tham mưu liên quân Hoa Kỳ:
“Lần này chúng tôi đến thăm Hoa Kỳ, tôi cảm thấy rất kinh ngạc khi tận mắt nhìn thấy công cuộc kiến thiết lực lượng quân sự của Hoa Kỳ. Chúng tôi không đủ khả năng để thách thức Hoa Kỳ. Đặc biệt, chúng tôi cảm nhận được áp lực răn đe của những hoạt động trinh sát mà chiến hạm và phi cơ của Mỹ thực hiện trong những khu vực giáp ranh với biên giới nước tôi.”
Tướng Trần Bỉnh Đức nói rằng Trung Quốc tuy có nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới nhưng thu nhập đầu người chỉ xếp hạng 100, cho nên Trung Quốc không thể phung phí tiền bạc cho việc trang bị vũ khí để “khiêu chiến” với Hoa Kỳ. Ông nói thêm như sau:
“Mức sống của người dân nước Mỹ cao hơn mức sống của người dân Trung Quốc gấp 12 lần. Cho dù chúng tôi muốn mang tiền để trang bị vũ khí để khiêu chiến với Hoa Kỳ thì người dân Trung Quốc cũng không chấp nhận điều đó.”
Khi được hỏi về những kế hoạch của Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, dựa trên các qui định của Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan, ông Trần Bỉnh Đức đã mạnh mẽ chỉ trích điều mà ông gọi là hành vi “bá đạo” của Mỹ.
Ông nói: “Đạo luật quan hệ Mỹ-Đài mà Hoa Kỳ đặt ra trên thực tế là một luật lệ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Đem luật lệ ở trong nước của mình để quản lý một vấn đề nội chính của một nước khác là điều mà mọi người trên thế giới không ai có thể chấp nhận. Quí vị nghĩ xem có phải như vậy không? Tôi nói tuy khó nghe một chút nhưng đó chính là một hành vi bá đạo.”
Tướng Trần Bỉnh Đức cho biết quan hệ Mỹ-Trung chắc chắn sẽ bị tác động nếu Hoa Kỳ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Ông nói thêm rằng Trung Quốc hiện nay không còn bố trí trong vùng duyên hải các loại phi đạn nhắm vào Đài Loan vì tình hình đã khác.
Phát biểu vừa kể đã nhanh chóng gặp phải sự bác bỏ của giới hữu trách ở Đài Bắc. Báo chí Đài Loan hôm thứ 5 (19-05-2011) trích lời ông Thái Đắc Thắng, Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia, nói rằng phi đạn bố trí ở duyên hải Trung hoa Lục địa hiện nay, bất kể là xét về số lượng hay đơn vị, đều không ngừng gia tăng. Ông Thái Đắc Thắng cũng nhấn mạnh rằng dựa vào thủ đoạn dọa nạt để giải quyết vấn đề Đài Loan là chính sách mà Trung Quốc vẫn áp dụng từ bấy lâu nay, không có gì thay đổi.
Trước đây các giới chức ở Đài Bắc và Washington nói rằng Trung Quốc bố trí khoảng 1500 phi đạn đạn đạo nhắm thẳng vào đảo quốc tự trị mà Bắc Kinh cho là một tỉnh của Trung Quốc.
Năm 1979, Hoa Kỳ đoạn giao với chính phủ Đài Loan, tên gọi chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, để quay sang thừa nhận Trung Quốc; nhưng sau đó Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan, cam kết tiếp tục bán vũ khí phòng thủ cho đảo quốc này.
Tiến sĩ Mohan Malik, một chuyên gia về quốc phòng Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Á châu Thái bình dương ở Haiwaii, nhận xét rằng phát biểu công khai của Trung Quốc thường không phù hợp với những hành động của họ trong thực tế.
Ông nói: “Họ nói một đàng nhưng hành động một nẻo. Những hành động của họ nói với nước Mỹ rằng ‘hãy tránh đường cho tôi đi, càng nhanh càng tốt! Thời của tôi đã tới!’ Đó là ý kiến của tôi trước những phát biểu của Tướng Trần Bỉnh Đức. Tôi xin nói thêm là những giới chức và chuyên gia Trung Quốc mà chúng tôi có dịp tiếp xúc họ đều nói rằng khi Trung Quốc còn yếu, các mối quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Philippines và việc bán vũ khí cho Đài Loan là có thể chấp nhận; nhưng giờ đây Trung Quốc đã lớn mạnh, những mối quan hệ mà họ xem là tàn tích của Chiến Tranh Lạnh cần phải xóa bỏ và Hoa Kỳ phải giảm bớt sự hiện diện trong khu vực.”
Tiến sĩ Dean Cheng, một nhà nghiên cứu Á Châu của Quỹ Heritage ở Washington, cũng có một nhận định tương tự. Ông cho biết giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể tìm cách giảm thiểu sự nghi ngờ và lo ngại của thế giới về khả năng và ý đồ của họ trong lãnh vực quân sự; nhưng đây là một việc khó, vì lâu nay Trung Quốc vẫn thường “nói một đàng làm một nẻo”. Ông Cheng nói thêm như sau:
“Tướng Trần Bỉnh Đức, cũng như giới lãnh đạo quân sự và dân sự của Trung Quốc, muốn ngăn chận sự lan rộng của nhận định cho rằng Trung Quốc là một mối đe dọa bằng cách ra sức làm cho thế giới đánh giá thấp khả năng quân sự của họ. Nhưng thực tế là quân đội Trung Quốc là quân đội chế ngự khu vực Tây Thái bình dương; quân đội Trung Quốc đã gia tăng chi tiêu quốc phòng chính thức với tỉ lệ hai con số mỗi năm trong phần lớn của 20 năm qua, hàng không mẫu hạm đầu tiên của họ sắp sửa được đưa vào hoạt động. Vì vậy, tuy Hoa Kỳ vẫn là siêu cường thế giới nhưng hiện nay chúng ta không thể biết chắc Trung Quốc không phải là một mối đe dọa hay quân đội của họ thua kém Hoa Kỳ tới 20 năm.”
Tiến sĩ James Mulvenon, một chuyên gia về Trung Quốc của một công ty tư vấn ở Washington có tên là Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Tình báo (Center for Intelligence Research and Analysis), cho biết rằng cán cân lực lượng ở eo biển Đài Loan đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc và đảo quốc này cần nhanh chóng tăng cường khả năng phòng thủ. Ông Mulvenon cho biết như sau:
“Đài Loan hiện nay có một quân đội khá hiện đại. Nhưng hầu hết các chuyên gia về vấn đề này đều đồng ý với nhau rằng cán cân lực lượng ở eo biển Đài Loan giờ đây đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc, đặc biệt là từ năm 1998, đã tiến hành một chương trình hiện đại hóa quân đội có tính chất cách mạng. Và kết quả là quân đội Đài Loan bị lâm vào thế hạ phong.”
Hôm thứ 5, Tổng thống Mã Anh Cửu lại một lần nữa lập lại yêu cầu đòi Hoa Kỳ bán cho Đài Loan các chiến đấu cơ F-16 loại mới và các tàu ngầm chạy bằng dầu cặn. Ông nói rằng chỉ có việc tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan mới có thể duy trì tình trạng cân bằng ở eo biển Đài Loan và chính phủ ông mới sẵn sàng và tự tin hơn trong việc giao tiếp với Trung Quốc.

----------------------------------------------

Thụy Phương (Theo Washington times, VOA)
Cập nhật lúc 24/05/2011 06:06:00 AM (GMT+7)

Trong khi vị tướng hàng đầu quân đội Trung Quốc tới Mỹ, một sự kiện lan khắp Trung Quốc là lịch trình viếng thăm Hong Kong của tàu sân bay USS Carl Vinson.

Người Trung Quốc thường có quan điểm yêu – ghét với các chuyến viếng thăm cảng của tàu Mỹ, đặc biệt là Hong Kong. Một mặt, các sự kiện thường xảy ra trùng khớp với giai đoạn “tan băng” trong quan hệ ngoại giao Washington – Bắc Kinh và hải quân Mỹ coi đây là dấu hiệu của tình hữu nghị.
Trung Quốc trong phần lớn trường hợp thường cho phép hoạt động này. Mặt khác, Trung Quốc cũng thường nhằm vào sự hăm hở của Mỹ khi cho tàu cập cảng Hong Kong khi coi đó là công cụ để thể hiện sự giận dữ với Washington nếu hai bên “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.
Nhớ lại một trường hợp là việc Trung Quốc thẳng tay chặn nhóm tàu chiến đấu USS Kitty Hawk tới thăm Hong Kong vào dịp lễ Tạ ơn năm 2007 để trả đũa “hành động xấu” của Tổng thống Mỹ bấy giờ là George W. Bush do gặp gỡ với Đạt Lai Lạt Ma, và việc Washington tuyên bố bán hệ thống chống tên lửa Patriot cho Đài Loan. Kết quả là hơn 8.000 thủy thủ Mỹ đã phải quay lại giữa đường. Bị buộc trở lại căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản,họ đã mất cơ hội gặp gỡ người thân tới Hong Kong trong dịp lễ này.
Được coi là biểu tượng sức mạnh hải quân Mỹ, chuyến viếng thăm của tàu Vinson không được nhiều người dân Trung Quốc hoan nghênh. Con tàu này được dùng để thủy táng Osama bin Laden hồi đầu tháng. Đáng chú ý là thời gian này, một trong những nước “thách thức” nhất với Trung Quốc trong chủ quyền hàng hải tại Biển Đông – khu vực biển mà Bắc Kinh có nhiều tranh chấp với một số quốc gia khác – là Philippines cũng chính là quốc gia mà Vinson đã có chuyến thăm hữu nghị trước khi tới Hong Kong.
Bất chấp những cảm giác phức tạp ấy, Bắc Kinh vẫn cho phép Vinson cập cảng Hong Kong vì chuyến thăm Mỹ của Tướng Trần Bỉnh Đức – Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc mang lại cho họ nhiều lợi ích hơn.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Hoàng Tuyết Bình nói với báo chí ở Bắc Kinh vài ngày trước đây với sự phấn khích: “Quân đội Mỹ trong nhiều năm không mở cửa một số địa điểm nhạy cảm cho lãnh đạo quân sự Trung Quốc tới thăm. Lần này, đô đốc Mike Mullen – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đã có những sắp xếp đặc biệt để phái đoàn quân sự Trung Quốc có thể thăm những nơi này. Đây là dấu hiệu cho thấy đô đốc Mullen coi chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, và cũng thể hiện quan điểm tích cực của phía Mỹ trong việc phát triển quan hệ quân sự hai nước”.

Trở lại chuyện bán vũ khí cho Đài Loan
Trong chuyến công du kéo dài cả tuần lễ tới Mỹ, ông Trần Bỉnh Đức đã thúc giục Mỹ chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan. Ông cho hay, một số nghị sĩ Mỹ đã nhất trí với ông rằng, đây là lúc xem xét lại luật để Washington cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan.
Trong bài phát biểu tại đại học Quốc phòng Mỹ ở Washington hôm thứ tư, ông Trần đã đôi lần đề cập tới vấn đề này. Theo ông, đó là nguyên nhân chính làm xói mòn quan hệ Mỹ – Trung. Tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc cùng ngày, ông Trần đã đề cập lại lần nữa khi được hỏi về việc phản ứng thế nào nếu Mỹ đáp ứng yêu cầu mua máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan.
Kể từ khi đến Mỹ, tôi đã có dịp trò chuyện với một số thành viên quốc hội và họ nói với tôi rằng, đây là lúc Mỹ cần xem xét lại đạo luật Quan hệ Đài Loan – đạo luật cho phép Mỹ cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan”, ông nói.
Trung Quốc đã ngừng những tiếp xúc quân sự với Lầu Năm Góc vào đầu năm ngoái, sau khi Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 6,3 tỉ USD. Tuy nhiên, từ tháng 1 năm nay, sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, quan hệ hai bên bắt đầu ấm dần.
Trong chuyến công du của phái đoàn quân sự cấp cao Trung Quốc tới Mỹ tuần trước, lãnh đạo quân sự Trung – Mỹ đã cố gắng tìm ra con đường hòa hợp hơn, góp phần cải thiện quan hệ quân sự song phương.

Thụy Phương (Theo Washington times, VOA)


-------------------------------------------

Mai Anh (theo Chinanews)
Cập nhật lúc :2:42 PM, 20/05/2011

(ĐVO) Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức vừa “dội nước lạnh” vào các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ khi lên tiếng chỉ trích thái độ “bành trướng, bá chủ” của Washington trong vấn đề Đài Loan.
Theo Chinanews, trong cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ, Đô đốc Mike Mullen hôm 18/5, ông Trần Bỉnh Đức thẳng thắn tuyên bố, động thái bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ xâm hại nghiêm trọng lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc nhấn mạnh: “Là lãnh thổ Trung Quốc, vì sao chúng tôi không thể bảo toàn an ninh quốc gia mà phải nhờ tới Washington bán vũ khí trang bị? Việc sử dụng Đài Loan như “lá bài chiến lược” nhằm kìm hãm tiến trình phát triển và kiến thiết đất nước Trung Quốc là thiếu thực tế và không hiệu quả”.
Khi được một phóng viên hỏi về việc Mỹ dự định bán chiến đấu cơ F-16 cho Đài Loan liệu có ảnh hưởng tới quan hệ quốc phòng hai nước, tướng Trần Bỉnh Đức khẳng định: “Câu trả lời của tôi là chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Và ảnh hưởng xấu như thế nào còn phụ thuộc vào mức độ bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan”.Ông Đức cũng cho biết, trong các cuộc tiếp xúc song phương những ngày qua, nhiều nghị sĩ Mỹ cũng cho rằng nên “cài đặt” lại mối quan hệ Trung – Mỹ – Đài Loan bằng việc hủy bỏ đạo luật cho phép buôn bán vũ khí với Đài Loan.
Trong buổi phát biểu tại ĐH Quốc phòng Mỹ ngày 18/5, Tướng Đức một lần nữa nhắc lại những ảnh hưởng xấu tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Ông này cũng khẳng định, Bắc Kinh kiên quyết giữ vững lập trường trong vấn đề chủ quyền quốc gia. Việc Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan có thể ảnh hưởng xấu tới quan hệ quân sự vốn rất mong manh giữa hai nước.
Được biết, trong cuộc gặp cấp cao với Ngoại trưởng Hilary Clinton ngày 18/5, Tướng Đức cũng nhấn mạnh lập trường và chính sách cứng rắn của Bắc Kinh trong vấn đề này.


Mai Anh (theo Chinanews)


.
.
.

No comments: